Văn hoá Millennials đang chi phối thị trường Kidswear cao cấp: Kỷ nguyên của Mini-me đã bắt đầu
Ngày đăng: 04/12/18
Nỗi khát khao muốn nổi bật trên mạng xã hội, sự ảnh hưởng của KOL với thời trang cao cấp, đã khiến cho giới Millennials tiết kiệm từng đồng một để có thể mua đôi giày thể thao Gucci hoặc chiếc áo khoác Balenciaga mới nhất. Nhưng bây giờ, những mẫu giày hay túi mới nhất là không đủ. Đối với những người muốn làm ‘bùng nổ’ Internet, phụ kiện ‘cần phải có’ giờ đây là một đứa trẻ. Và nếu như thế vẫn chưa đủ, bạn cần phải cho chúng mặc trang phục giống bạn, để chúng trở thành một bản đúp nhí, kỷ nguyên của Mini-me đã bắt đầu!
Sự phổ biến ngày càng tăng của xu hướng mini-me được thúc đẩy bởi sức hấp dẫn của việc ghi lại khoảnh khắc hoàn hảo trên Instagram.
Với sự giúp đỡ của các bậc cha mẹ nổi tiếng như Beyoncé/ Kay Z và Kim Kardashian/ Kanye West, xu hướng doppelgänger (phiên bản đúp) ngày càng phổ biến. Các tín đồ thời trang đang đăng ảnh mặc đồ đôi với con của mình trên tất cả các phương tiện truyền thông xã hội. Nhưng xu hướng này có cả mặt lợi và hại. Tệ hơn, đây chính là hình thức lợi dụng trẻ em trắng trợn để tăng cường tương tác trên mạng xã hội và xây dựng hình ảnh thương hiệu để kiếm tiền.
Vào năm 2015, Anna Wintour (theo Radar Online vào ngày 23 tháng 2 năm 2015) đã có một sự can thiệp thời trang với Kim, khuyên cô nên đổi tủ quần áo tối màu của North (chỉ là một đứa trẻ vào thời điểm đó) với những bộ trang phục sặc sỡ hơn. Biên tập viên Vogue không thể hiểu tại sao Kim lại mặc đồ đen cho con gái mình. Thực tế, Wintour nghĩ rằng trẻ em không nên mặc quần áo tối màu.
Trong khi nhiều người đồng ý với Wintour, rằng trẻ em nên được nuôi dạy một cách tự nhiên, không thể phủ nhận rằng việc kinh doanh quần áo trẻ em thiết kế đang phát triển nhanh chóng. Một báo cáo của các nhà phân tích thị trường quốc tế, có tên: Báo cáo kinh doanh chiến lược toàn cầu, dự đoán rằng thị trường may mặc trẻ em sẽ trị giá 291 tỷ USD vào cuối năm 2020. Báo cáo cho biết số lượng xa xỉ phẩm ngày càng tăng đối với phân khúc này là một nhân tố quan trọng. Các nhãn cao cấp như Gucci, Givenchy, Balenciaga, Dolce & Gabbana, Burberry, Stella McCartney và Christian Dior đang đạt được rất nhiều lợi nhuận trên thị trường này, nguyên do được báo cáo mô tả là “sự tiếp xúc ngày càng tăng của trẻ em với truyền thông và sự gia tăng không ngừng của chủ nghĩa vật chất”.
Sự tiếp xúc ngày càng tăng của trẻ em với truyền thông và sự gia tăng không ngừng của chủ nghĩa vật chất.
North West (con gái của Kim/ Kanye) và Blue Ivy Carter (con gái của Beyoncé/ Jay Z) đã trở thành những người dẫn đầu xu hướng trong phong trào mini-me, các fashionista nhí và cha mẹ chúng thường mặc những trang phục đến từ như Gucci, Vetements và Balmain. Thậm chí có tin đồn rằng con trai của Kim/ Kanye, Saint đã mặc trang phục do chính Karl Lagerfeld thiết kế.
Thị trường Kidswear cao cấp được dự báo sẽ đạt 6,6 tỷ USD vào năm 2018, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Euromonitor, cơ hội tăng trưởng trở nên phong phú hơn khi tiêu dùng tăng mạnh, các bậc phụ huynh sẵn sàng chi trả 500 USD cho một đôi giày Gucci của con mình.
Sự phổ biến ngày càng tăng của xu hướng mini-me được thúc đẩy bởi sức hấp dẫn của việc ghi lại khoảnh khắc hoàn hảo trên Instagram. Tài khoản Instagram của một số cô bé/cậu bé đang có sức hút, thậm chí một số còn phong cách hơn hẳn người lớn.
Có một hiện tượng trên Instagram xoay quanh những đứa trẻ đầy phong cách dưới 10 tuổi. Ví dụ như Coco (@coco_pinkprincess), đến từ Tokyo, với hơn 674.000 người theo dõi trên Instagram, thường xuyên mặc trang phục của các nhà thiết kế đến từ Gucci, Moschino và Balenciaga. Hay là Ivan (@thegoldenfly), con trai của nhà thiết kế Natasha Zinko, người đã ra mắt lần đầu tiên với phong cách đường phố tại Tuần lễ thời trang Paris 2/2017. Tôn chỉ của cậu bé này là “dress to depress” (mặc đẹp đến mức khiến người khác ghen tị, chán ghét bản thân họ) và phong cách đường phố của cậu thật nổi bật nhờ những bộ cánh đến từ Supreme, Comme des Garçons và Vetements.
Các thương hiệu cao cấp từ Oscar de la Renta đến Dolce & Gabbana đã sản xuất đồ trẻ em từ lâu, nhưng phân khúc này đang bùng nổ với những sản phẩm đến từ các nhãn hiệu như Givenchy, Yeezy và Balenciaga, nâng Kidswear lên một tầm quan trọng mới.
Theo một bài báo tại BOF: “Mọi người muốn mặc trang phục giống con mình để giữ vẻ tươi trẻ. Phương tiện truyền thông xã hội giúp việc chia sẻ hình ảnh của con bạn trở nên dễ dàng hơn, và các nhãn hiệu thời trang chuyên cung cấp đồ cho người lớn đang coi trọng phân khúc này”. David Park, một nhà minh họa tại tạp chí Complex, cho biết đầu năm nay sẽ ra mắt cuốn sách đánh vần cho các bé dành riêng cho ‘tất cả các bậc cha mẹ cuồng sneakers trên thế giới’. Cuốn sách của Park dạy bảng chữ cái ABC của họ thông qua đồ họa về sneaker: A tượng trưng cho Airmax, G tượng trưng cho Gucci, Y tượng trưng cho Yeezy… Cuốn sách nhấn mạnh sự thay đổi trong nhận thức: Kidswear bây giờ là thời thượng.
Kidswear bây giờ là thời thượng.
Thị trường này hiện đang trị giá 1,4 tỷ USD, theo Euromonitor, và giá trị của quần áo trẻ em ở Mỹ ước tính tăng 8% vào năm 2021, rơi vào khoảng 34 triệu USD. Các thương hiệu cao cấp từ Oscar de la Renta đến Dolce & Gabbana đã sản xuất đồ trẻ em từ lâu, nhưng phân khúc này đang bùng nổ với những sản phẩm đến từ các nhãn hiệu như Givenchy, Yeezy và Balenciaga, nâng Kidswear lên một tầm quan trọng mới.
Chuyển ngữ & chú thích: Nhi Nguyễn
Theo University of Fashion
Ảnh cover: Siêu mẫu Amanda Harvey và chồng với cặp song sinh của họ tại buổi trình diễn Dolce & Gabbana Mùa Thu 2017
Chú thích:
Mini-me: Phiên bản nhỏ hơn của mình.
Fashionistas: họ là những con người yêu thời trang và xem thời trang như một ngôn ngữ để diễn tả cảm xúc, cái tôi của chính mình. Họ cập nhật xu hướng mới hay thậm chí là tạo nên xu hướng, họ yêu thích làm đẹp, họ khoác những thiết kế mới nhất lên người và làm sống dậy những phong cách.
Millennials: Thế hệ Millennials hay còn gọi là thế hệ Y, khái niệm dùng để chỉ những người sinh ra trong khoảng thời gian từ 1980 đến những năm đầu thập niên 2000 (18-35 tuổi). Đây là những người lớn lên cùng các phương tiện truyền thông xã hội như forum, blog, facebook… đồng thời họ là lực lượng lao động chủ đạo của hiện tại và tương lai. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 35% dân số thuộc nhóm này.