Liệu sàn diễn Thu/Đông 2023 có chào đón bất kỳ bộ sưu tập bền vững nào không?
Ngày đăng: 29/08/23
Từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 7, nhiều thương hiệu đã “phô diễn” bộ sưu tập Haute Couture Thu/Đông trên đường phố Paris. Tuần lễ thời trang Haute Couture được đánh dấu bằng những công trình và buổi trình diễn hoành tráng, tại những địa điểm lịch sử quan trọng của Pháp như Versailles và Pont Neuf. Tuy nhiên, bất cứ khi nào các thương hiệu xa xỉ lớn tạo ra những sàn diễn cầu kỳ và trưng bày những bộ sưu tập của họ, pha trộn giữa sự sáng tạo và tính độc quyền, nhiều người đã đưa ra những thắc mắc liên quan đến tác động của những sự kiện sang trọng này.
“Tác động của những sự kiện này là gì? Những bộ quần áo này được sản xuất như thế nào? Liệu thương hiệu xa xỉ có thực sự bền vững? Vật liệu đó có đảm bảo tính bền vững không?” – Những câu hỏi như thế này ngày càng xuất hiện nhiều hơn xuất hiện cùng với sự gia tăng các vấn đề về biến đổi khí hậu và điều kiện làm việc trên toàn thế giới.
Trong bài viết này, Style-Republik sẽ dẫn bạn đi sâu hơn vào cuộc thảo luận này và cố gắng tìm câu trả lời: liệu Haute Couture có thật sự bền vững?
Khám phá những BST Haute Couture bền vững trong sàn diễn Thu/Đông 2023-2024
Những vấn đề về tính bền vững chắc chắn đã được đưa vào thế giới thời trang cao cấp từ lâu và một số nhà thiết kế đã kết hợp các sáng kiến bền vững vào bộ sưu tập của họ hoặc tạo ra các thương hiệu có tầm nhìn và sứ mệnh bền vững ngay từ đầu.
Trong lần xuất hiện trước “sân khấu” lần này, ta có thể kể đến nhà thiết kế Sofia Crociani, người đã chịu trách nhiệm về bộ sưu tập Aelis. Bà đã tìm ra cách kết hợp thời trang bền vững với truyền thống để tạo ra bộ sưu tập Haute Couture bền vững.
Lấy bồ công anh làm nguồn cảm hứng, Sofia đã tạo ra một bộ sưu tập bằng cách tái chế những chiếc váy ba lê do Nhà hát Opera Paris tặng. Các tác phẩm mang lại nhận thức về tác động của tiêu dùng toàn cầu và làm nổi bật các chi tiết trên váy. Những chiếc váy xòe được định hình lại để tạo thành một loạt váy, đầm và váy lụa, tạo nên một bộ sưu tập vô cùng tinh tế, tỏa sáng trên sàn diễn.
Ngoài ra còn có một nhà thiết kế khác đã giới thiệu bộ sưu tập Haute Couture bền vững được làm từ vật liệu tái chế là Ronald Van Der Kemp trên sàn diễn Thu Đông 2023-2024 mang tên “The Reset” là sự kết hợp giữa chất liệu sáng tạo với thiết kế đầy hoang dã. Bộ sưu tập, được làm hoàn toàn bằng vật liệu tái chế và được trưng bày tại Atelier Néerlandais. Đây là một khu vực triển lãm đánh dấu sự hợp tác giữa Đại sứ quán Hà Lan và Tuần lễ Thiết kế Paris, các tác phẩm nghệ thuật được treo trên tường kết hợp với các trải nghiệm độc đáo cho buổi triển lãm.
Cũng có những thương hiệu chọn hợp tác để có tạo ra các BST bền vững cho buổi trình diễn của họ. Như thương hiệu Tony Ward Couture đã thiết kế các bộ trang phục hợp tác cùng với nhà chế tạo kỹ thuật số Batoul Al-Rachdan từ Studio B.O.R đầy ngoạn mục. Họ đã cùng nhau biến các sáng kiến này thành hiện thực góp phần tham gia vào mục tiêu phát triển bền vững nhằm bảo vệ hành tinh. Đó là những chiếc váy 3D được làm từ vật liệu có nguồn gốc thực vật có thể phân hủy sinh học đánh dấu sự kết hợp khéo léo giữa công nghệ và tính bền vững. Các thiết kế dường như xây dựng nên một câu chuyện về sự chữa lành và đi sâu vào cảm xúc của con người, pha trộn các họa tiết và kiểu rập tựa như những vết thương chưa lành và kết cấu độc đáo.
Tuy nhiên, ngay cả với những sáng kiến đổi mới và bền vững như thế này, Haute Couture vẫn còn một chặng đường dài để trở nên thực sự bền vững, ngay cả khi về cốt lõi, “may đo cao cấp” dường như đã tiến gần hơn về đích đến này so với các loại hình thời trang khác.
Phong cách Haute Couture bền vững và phong trào thời trang chậm
Thời trang Haute Couture (hay còn gọi là may đo cao cấp) được định nghĩa theo nghĩa đen là những tác phẩm độc nhất vô nhị được phát triển với tay nghề thủ công cao và có thể mất hàng trăm giờ để hoàn thành. Trước đây, các thiết kế thời trang cao cấp ít được mặc hơn nhiều và chỉ được sản xuất cho mục đích trình diễn trên sàn diễn. Tuy nhiên, ngày nay với sự phát triển của phương tiện truyền thông xã hội và những người có ảnh hưởng, chúng ta thấy ngày càng nhiều người nổi tiếng mang những bộ váy Haute Couture đó ra khỏi bảo tàng hay kho lưu trữ để phô trương vẻ quyến rũ trên thảm đỏ.
Khái niệm này thực sự mang lại cho Haute Couture một mục đích bền vững vì chúng thực sự làm giảm số lượng quần áo được sản xuất và tiêu thụ, khi thấy rằng những người nổi tiếng và những người có ảnh hưởng đang tìm kiếm những món đồ như thế. Tuy nhiên, Haute Couture là một phân khúc chỉ dành riêng cho khoảng 4000 người trên toàn thế giới. Nhưng ngay cả khi Haute Couture có tính bền vững thì tác động của nó trong cuộc chiến chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu cũng không có sự khác biệt quá lớn.
Các nhà thiết kế cho rằng ngay cả khi chúng không dành cho tất cả mọi người, nghệ thuật đằng sau thời trang cao cấp vẫn truyền tải thông điệp về thời trang bền vững và có thể tác động đến cách mọi người tiêu dùng.
Trong một cuộc phỏng vấn với Women’s Wear Daily, Van der Kemp nói “Nếu bạn trình bày trình diễn BST cũ trong một bối cảnh khác, chúng sẽ trở nên mới mẻ trở lại. Tôi nghĩ đây là bài học rút ra cho mọi người: chúng ta không phải lúc nào cũng phải thiết kế BST mới vào mỗi mùa.”
Một lưu ý đến trong chính sách lao động
Thời trang bền vững không chỉ có chất liệu bền vững, chất liệu vải cải tiến và khả năng tái chế cao cấp để tạo ra một ngành thời trang thực sự thân thiện với môi trường, chúng ta phải đảm bảo điều kiện làm việc thích hợp cho những người làm việc trong ngành ấy.
Về cốt lõi, Haute Couture là nghề thủ công địa phương, biến những bộ quần áo trở thành những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều thương hiệu xa xỉ đã vận chuyển sản phẩm của họ ra nước ngoài và không tiết lộ cho khách hàng về điều kiện sản xuất của họ.
Năm 2020, một bài báo của New York Times cho thấy các thương hiệu nổi tiếng như Dior và Saint Laurent đang sử dụng một số nghệ nhân Ấn Độ để thêu những bộ quần áo nghìn đô. Các nghệ nhân làm việc trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh và bị nhốt trong những tòa nhà không có lối thoát hiểm.
“Họ may vá mà không được hưởng phúc lợi sức khỏe trong một nhà máy nhiều phòng có cửa sổ lồng và không có lối thoát hiểm. Họ cũng chỉ kiếm được vài đô la mỗi ngày khi hoàn thành các đơn đặt hàng cho các nhà thiết kế quốc tế. Khi màn đêm buông xuống, một số người phải ngủ trên sàn nhà” – trích từ Luxury’s Hidden Indian Supply (Những góc tối đằng sau chuỗi cung ứng tại Ấn Độ từ các thương hiệu xa xỉ) trên một bài báo của New York Times. Khi được hỏi về vấn đề này, hầu hết các thương hiệu đều lảng tránh và không muốn chịu trách nhiệm hoàn toàn về tình hình người lao động được đề cập.
Tóm lại, mặc dù ngành công nghiệp Haute Couture đã có những bước đột phá về thời trang bền vững, nhưng vẫn còn những vấn đề nhức nhối chưa được giải quyết. Nhưng những nỗ lực của các nhà thiết kế và doanh nhân nhằm thay đổi thực tế đó thực sự có hiệu quả và chúng ta có thể tiếp tục hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn.
Thực hiện: Mỹ Tâm
The Aw2023/24: Does Sustainable Haute Couture Exist? – Fashinnovation