Sức hút đặc biệt từ đám đông trên mọi con phố trong khuôn khổ của các tuần lễ thời trang
Ngày đăng: 21/10/23
Tại sao không nhận được bất kỳ lời mời chính thức nào, nhưng đám đông bên ngoài các show diễn trong khuôn khổ tuần lễ thời trang vẫn chật kín người?
Từ sáng sớm ngày đầu tiên của Paris Fashion Week, một đám đông ăn mặc không khác gì những fashionista đình đám đã bắt đầu tụ tập, vây quanh bên ngoài Grand Palais Ephémère, mặc dù thời tiết không mấy dễ chịu vì các cơn mưa rào. Người xem xếp hàng tràn ra hàng rào chắn, bất chấp đứng trên cột bê tông và tràn ra đường,… để có thể không bỏ sót bất kỳ giây phút nào của show diễn Chanel Xuân Hè 2024. Tuy nhiên, trên thực tế, họ đều là những người không nhận được bất cứ lời mời tham dự nào và chỉ có thể tận hưởng không khí bên ngoài của show diễn thời trang. Không có ghế ngồi được sắp xếp chỉnh tề, chẳng được chiêu đãi đặc biệt, cũng không được đắm chìm vào một không gian mà thời trang được đan cài cùng âm nhạc, kiến trúc, hay nghệ thuật,… nhưng tại sao đám đông gồm những con người say mê thời trang đấy vẫn náo nhiệt từ đầu cho đến giây phút cuối cùng của show diễn, bất chấp mọi cơn mưa hay cơn nóng bức khắc nghiệt? Bởi lẽ, những show diễn thời trang lừng danh đấy không thường xuyên diễn ra ở Paris, cũng không phải lúc nào bạn cũng được hòa vào không khí sôi động của thế giới hào nhoáng đấy, giống như cách mà Elisa Hurtado – một trong những người trong số đông cổ vũ bên ngoài chia sẻ: “Paris luôn biết cách khiến thế giới thời trang chú ý đến nó. Và đó là buổi trình diễn của Chanel. Cố lên, điều này không xảy ra hàng ngày.”
Các tuần lễ thời trang thường kéo dài từ 7 đến 9 ngày với hàng loạt các sự kiện đặc sắc từ các buổi biểu diễn, thuyết trình, bữa tối và rất nhiều sự kiện khác. Đây còn là lúc mà hàng loạt biên tập viên, nhà văn, buyers, stylists, nhiếp ảnh, content creators và những người nổi tiếng đổ xô đến kinh đô ánh sáng vì vô số lý do từ công việc, nhu cầu, cho đến sự kết nối trong cộng đồng thời trang. Họ lắp đầy mọi ngóc ngách trên phố, bên ngoài những nơi tổ chức show diễn giới thiệu bộ sưu tập mới của các nhà mốt. Bên cạnh sự phấn khích, mệt mỏi chờ đợi, thậm chí là kiệt sức của những người tham gia đó, đám đông tụ tập mỗi khi các tuần lễ thời trang diễn ra còn có cả sự nhiệt huyết của những người hâm mộ. Họ là những người “cuồng tín” từ khắp mọi nơi trên thế giới, không ngại khoảng cách xa xôi đến New York, Milan, London, Paris để có thể cảm nhận được mình là một phần trong thế giới thời trang rộng lớn. Nhiều người cho rằng những đám đông tại những fashion week đa phần là vì chờ đợi những người nổi tiếng: những ngôi sao nổi tiếng thường xuyên ngồi ở hàng ghế đầu như Jennie Kim, Zendaya hay Kylie Jenner. Trên thực tế, điều này chỉ đúng một nửa, vì một nửa hoặc hơn số người trong đám đông đó còn là những tín đồ đam mê thời trang – những người yêu thích mặc đẹp, thích thể hiện cái tôi trước đám đông bằng ngôn ngữ của thời trang, những người muốn đến gần nhất có thể với các nhà thiết kế và thế giới sáng tạo mà họ hằng ao ước.
Malek Elimam, một nhà thiết kế 22 tuổi từ Algeria để Paris để có thể trở thành một phần của đám đông đang đứng bên ngoài show diễn của Louis Vuitton. Malek chia sẻ rằng mục đích cô đến Paris Fashion Week cùng người em trai cũng yêu thích thời trang là để quảng bá công việc của mình cũng như tìm thêm nguồn cảm hứng sáng tạo mới mẻ. Cô nói rằng không khó để tìm ra các địa điểm tổ chức show diễn trên các nền tảng xã hội như TikTok và Twitter. “Chúng được lan truyền khắp nơi, chào đón mọi tín đồ thời trang đến tham gia. Khi tôi ở đây, tôi cảm thấy như thể đang ở cùng một đại gia đình. Chúng tôi gắn kết với nhau bằng chung một niềm đam mêm bất tận với thời trang và cái đẹp. Tôi được truyền cảm hứng và có thêm nhiều bạn mới…” Nếu bên trong không gian tráng lệ bên trong, Louis Vuitton đang giới thiệu với làng mốt hàng loạt thiết kế mới, được styling theo một vài kiểu hay phong cách nhất định, thì “sàn diễn đường phố” bên ngoài giải mã kho di sản của nhà mốt theo một cách đặc biệt hơn. Giữa đám đông, những chiếc ống kính đang chú ý đến các chiếc túi Pochette, Speedy trứ danh, và cả những bản phối mang đậm màu sắc thời trang cá nhân của người mặc. Malek chia sẻ: “Khi ở đây, tôi cảm thấy mình được thấu hiểu. Nơi mà tôi có thể thể hiện bản thân bằng tư duy thời trang độc đáo của riêng mình, và ở quê nhà tôi không có nhiều sân chơi như thế.”
Bên cạnh những người có mong muốn như Malek, trong số đông nhóm người bên ngoài các show diễn xa xỉ đó còn có nhiều ước mơ khác nhau. Điển hình như Vic Cayo 20 tuổi, từ New York bay đến Paris để tham gia buổi casting cho show diễn của Louis Vuitton, cho biết: “Mục tiêu lớn nhất của tôi là được trình diễn cho nhà mốt.” Tuy không được chọn nhưng Vic đã quyết định ở lại để tận hưởng không khí của Paris Fashion Week. “Tôi yêu bầu không khí đấy. Khi xung quanh tôi là những người cũng yêu thích thời trang, dường như mối quan hệ giữa tôi và ngành công nghiệp tỉ đô này ngày càng trở nên sâu sắc, cũng như giúp ngọn lửa đam mê với nghề làm người mẫu trong tôi thêm rực rỡ.” – Vic Cayo.
Ngoài ra, có một số người tham dự Paris Fashion Week chỉ đơn giản là họ thích trở thành những người chứng kiến một vài khoảnh khắc thời trang mang tính biểu tượng, yêu thích ngắm nhìn người khác mặc đẹp. Pieter Loopuyt là một trong những “khán giả” như vậy. Anh đã đến show diễn của Louis Vuitton để trải nghiệm những gì đang diễn ra bên ngoài buổi trình diễn. Anh ấy tò mò về bộ sưu tập mới của Nicolas Ghesquière nhưng khung cảnh trên phố cũng hấp dẫn không kém đối với anh ấy. Anh chia sẻ: “Đây chỉ là một phần rất quan trọng của văn hóa Pháp, của văn hóa Paris. Việc Pharrell Williams trở thành giám đốc sáng tạo cho Louis Vuitton menswear chỉ là một yếu tố nhỏ trong việc chứng minh mối liên kết sâu sắc giữa thời trang và các ngành công nghiệp sáng tạo khác. Phần còn lại được phản ánh rõ nét trong cách mà mọi người ăn mặc trên đường phố, vây quanh bên ngoài địa điểm tổ chức của các show diễn.”
Không có thiệp mời, không được tiếp đãi đặc biệt, không được ngồi trong một không gian sang trọng, thậm chí có thể đội mưa hoặc đội nắng đứng ngoài phố, nhưng có lẽ đám đông bên ngoài vẫn không bao giờ bị nao núng hoặc chùn bước. Bởi lẽ, niềm đam mê với thời trang của họ lớn đến mức chẳng có gì có thể ngăn cản được họ.
Ở một diễn biến khác, tại Palais de Chaillot nơi tổ chức show diễn Balmain, không khí bên ngoài trở nên sôi động hơn bao giờ hết với tiếng hò reo và vô cùng phấn khích của người hâm mộ mỗi khi các ngôi sao K-Pop xuất hiện. Tuy nhiên, nó không giống như đám đông tại các buổi concert hay gặp gỡ thần tượng. Bên ngoài nơi show diễn Balmain sắp diễn ra tràn ngập những bản phối thời trang có 1-0-2 mang theo cái hồn của Balmain, chẳng hạn là cách mix&match độc đáo với áo khoác blazer kiểu quân đội, áo khoác da có bờ vai khỏe khoắn và thậm chí cả bộ sưu tập Balmain x Barbie.
Anne Lumbu, một sinh viên 20 tuổi kiêm một fan trung thành của nhà mốt Pháp, đến Paris từ vùng ngoại ô của thành phố để trải nghiệm bầu không khí nhộn nhịp cũng chia sẻ ý kiến của mình: “Chưa bao giờ mối tình giữa âm nhạc, văn hóa K-pop và thời trang được bàn tán xôn xao như bây giờ. Và ở đây, chúng ta sẽ thấy được sức mạnh khi các thế giới khác nhau đó được kết hợp với nhau.” Không giống như những giám đốc sáng tạo của các nhà mốt đình đám khác, Olivier Rousteing – người trị vì Balmain hiện tại, luôn biết cách tương tác với khách hàng và người hâm mộ thương hiệu, không chỉ thông qua sản phẩm, mà còn bằng cách tạo ra nhiều cơ hội đển sàn diễn thời trang cao cấp được nhiều người tiếp cận hơn. Các show diễn ngoài trời chào đón hàng nghìn người tham dự, được tổ chức dưới hình thức lễ hội âm nhạc đã là một trong những minh chứng quá cụ thể. Và ở buổi trình làng của bộ sưu tập Balmain Xuân Hè 2024, trong một khu vực bên cạnh tòa nhà dành riêng cho người hâm mộ và những người tham dự mà không có lời mời chính thức, Balmain đã phát trực tiếp sự kiện trên một màn hình lớn. Và thật bất ngờ sau buổi trình diễn, các người mẫu đã từ bên trong bước ra ngoài và đến khu vực này, Olivier Rousteing cũng vậy, ra vẫy tay chào những người đến ủng hộ. “Không có nhiều thương hiệu làm điều này giống như Balmain và Olivier, khi có những chiêu đãi đặc biệt dành cho người ủng hộ thương hiệu. Nó rất chu đáo,” Anne Lumbu nói. Cô chia sẻ rằng Balmain đã công bố địa chỉ thông qua danh sách gửi thư, mời những người đến để ủng hộ. “Mặc dù không được mời vào bên trong nhưng tôi thấy thật xúc động khi họ đang làm những điều mà các thương hiệu thời trang khác không làm”, Anne chia sẻ thêm.
Không có thiệp mời, không được tiếp đãi đặc biệt, không được ngồi trong một không gian sang trọng, thậm chí có thể đội mưa hoặc đội nắng đứng ngoài phố, nhưng có lẽ đám đông bên ngoài vẫn không bao giờ bị nao núng hoặc chùn bước. Bởi lẽ, niềm đam mê với thời trang của họ lớn đến mức chẳng có gì có thể ngăn cản được họ. Họ đến với các tuần lễ thời trang chỉ đơn thuần là muốn hòa nhập vào bầu không khí đặc biệt, muốn chiêm ngưỡng cách mọi người thể hiện cái tôi thông qua các bản phối thời trang không ai giống ai. Họ có thể bỏ ra một vài tháng chuẩn bị quần áo, chỉ để tỏa sáng trước ống kính trong vài giây ngắn ngủi. Đối với họ, việc được mời hay không vào show diễn ắt hẳn không quan trọng bằng việc thể hiện màu sắc thời trang của chính mình. Và đó cũng chính là sức hút đặc biệt luôn khiến các tuần lễ thời trang trở thành điều mà bất cứ tín đồ nào cũng khao khát muốn đặt chân đến. Dần dà, sự nhộn nhịp từ đám đông người theo dõi bên ngoài show diễn trở thành một món “đặc sản” thú vị không thể thiếu mỗi khi tuần lễ thời trang diễn ra.
Thực hiện Dory
Theo Vogue