Tại sao các thương hiệu thời trang cao cấp quyết định thành lập trường dạy nghề thủ công?
Ngày đăng: 25/10/23
Chiến lược tiên phong trong việc mở học viện Accademia Labour et Ingenium mới nhất của Bottega Veneta là một ví dụ hoàn hảo.
Kể từ thuở sơ khai, thời trang đã tồn tại trong hai lĩnh vực thương mại và sáng tạo. Qua nhiều thập kỷ, bên sáng tạo hoặc bên thương mại đôi khi chiếm ưu thế hơn bên còn lại, nhưng nhìn chung, thời trang luôn nỗ lực nâng mình vượt lên khỏi vị thế của ngành công nghiệp, hướng tới việc bao hàm văn hóa, nghệ thuật. Các thương hiệu hợp tác với các nghệ sĩ quanh năm, không ngừng cố gắng thể hiện mình là những người thúc đẩy văn hóa. Tuy nhiên, việc cho ra đời những sản phẩm văn hóa có vị thế độc lập mà không khiến chúng trở nên bị đơn giản hóa và nói nhanh là “kẻ cơ hội” là một thách thức vô cùng lớn đối với thế giới thời trang.
Nhưng nếu việc hòa mình vào văn hóa không hiệu quả thì việc biết cách bảo tồn, truyền tải và sản xuất văn hóa có thể là chìa khóa giải quyết vấn đề nan giải này. Nhưng chúng ta đang nói về loại văn hóa nào? Chắc chắn không phải là những tác phẩm sắp đặt, tác phẩm điêu khắc tạm thời và nhiều thứ phù du khác nhau mà các văn phòng PR ngày nay rất háo hức đón nhận. Chúng ta cần nhìn sâu hơn. Ngoài sự sáng tạo, ngoài thương mại, là yếu tố hội tụ tất cả các giá trị xa xỉ: đó là sự xuất sắc về mặt thủ công.
Nếu không có sự chú trọng chất lượng ở mức cao nhất trong sản xuất này, tiền đề của sự xa hoa sẽ bị sụp đổ; nếu không có nghệ nhân dành hàng giờ để chế tạo một chiếc túi xách, không có kiến thức kỹ thuật về vật liệu, thì sự sang trọng vẫn chỉ là bóng ma vô thực được triệu hồi trên các bản thông cáo báo chí mà thôi. Văn hóa độc đáo của thời trang chính xác là nghề thủ công – một nền văn hóa mà việc bảo tồn và truyền tải sẽ không chỉ biến thương hiệu thành tổ chức mà còn tạo cơ hội việc làm cho các nghệ nhân trẻ và đóng góp cho cộng đồng. Nói tóm lại, nhiều thương hiệu nên mở trường dạy nghề thủ công hơn.
Cũng giống như nhiều lĩnh vực khác, nhu cầu nhân sự trong nghề thủ công ngành thời trang là rất cao và có nguy cơ là toàn bộ thế hệ nhà sáng tạo có thể mất đi những kỹ năng kỹ thuật quý giá đã đưa thời trang từ những ngày đầu lên vị trí và vai trò ưu việt của nó. Ví dụ, ở Pháp, có 20.000 vị trí công việc thủ công chưa được tuyển dụng vào cuối năm 2022, theo Comité Colbert – tập đoàn các thương hiệu xa xỉ. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn này, Bénédicte Épinay, thậm chí còn cho rằng con số nhu cầu tuyển dụng thực tế có thể cao hơn.
Ở Ý, bối cảnh nhân sự trong ngành cũng đang trở nên đáng lo ngại không kém khi Quỹ Altagamma ước tính thiếu hụt nghiêm trọng 94.000 vị trí kỹ thuật trong ngành thời trang Ý trong ba năm tới. Sự thiếu hụt này càng trở nên trầm trọng hơn do sự mở rộng đáng kể của lĩnh vực xa xỉ trong hai thập kỷ qua, dẫn đến nhu cầu chưa từng có đối với những vai trò đặc thù này.
Hans de Foer, giám đốc savoir-faire tại Institut Français de la Mode ở Paris, đã mô tả mức độ nghiêm trọng của tình hình với BoF, nói rõ: “Các công ty thời trang đang phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng vì không ai chú ý đến những gì đang xảy ra ở những lĩnh vực này. Nhân sự trong mảng thủ công đang hướng tới việc nghỉ hưu hàng loạt, điều đó có nghĩa là các công ty có thể mất đi kiến thức của nghề.” Việc sắp mất đi những kỹ năng quý giá này càng làm tăng thêm tính cấp bách của vấn đề.
Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của tình hình, các thương hiệu xa xỉ đang tăng cường nỗ lực thu hút và bồi dưỡng những tài năng trẻ trong nghề thủ công. Với mong muốn đào tạo một thế hệ nghệ nhân mới, Bottega Veneta đã thành lập Học viện Labour et Ingenium, một ngôi trường chuyên chuyển giao di sản, kỹ thuật và kiến thức phong phú của thương hiệu về nghệ thuật savoir-faire, nhằm đào tạo 50 sinh viên mỗi năm và đảm bảo cho họ việc làm sau khi hoàn thành chương trình.
Giám đốc điều hành của Bottega Veneta, Leo Rongone, đã gọi sáng kiến này là “chiến lược giường cột” để bảo tồn kỹ năng độc đáo của họ. Ngoài Bottega Veneta, LVMH gần đây đã triển khai chương trình Métiers d’Excellence, một sáng kiến đào tạo thực tế nhằm chuẩn bị cho thế hệ tiếp theo những kỹ năng đa dạng cần thiết trong 280 lĩnh vực chuyên môn của mình, trong khi Chanel, ngay từ năm 2021, đã giới thiệu một cơ sở mới dành riêng cho các chương trình giáo dục và thủ công.
Các thương hiệu nổi tiếng khác như Hermès, Prada và Brunello Cucinelli đã thành lập các tổ chức giáo dục của riêng họ, trong khi Fendi, Ferragamo và Loro Piana hợp tác với các trường học ở Ý thông qua sáng kiến “Adopt-a-School” của Quỹ Altagamma và Bộ Giáo dục Ý. Tuy nhiên, chương trình đơn giản và hiệu quả nhất vẫn là của Bottega Veneta, vì học tại học viện của Bottega Veneta, sau khi hoàn thành chương trình học thì tương đương với việc được tuyển dụng. Đây là một điểm nối trực tiếp giữa giáo dục và việc làm, giúp loại bỏ giai đoạn tìm kiếm việc làm thường kéo dài và gây bực bội, đảm bảo việc làm ngay lập tức.
Tuy nhiên, việc đào tạo một lực lượng lao động chuyên ngành thủ công không hề đơn giản. Mặc dù đã đầu tư đáng kể về thời gian và tiền bạc nhưng vẫn có sự kỳ thị xung quanh những vai trò này trong thế giới thời trang, thường được xem là một vai trò quá khiêm tốn, thiếu sự trân trọng và đãi ngộ tốt, kèm việc nhận biết về nghề còn thấp. Bên cạnh đó, người ta còn coi đây là một nghề kém năng động và lỗi thời.
Nhưng mọi thứ có thể đang trên đà thay đổi. Bởi bối cảnh thị trường thời trang hiện tại cho thấy các thương hiệu mới nổi hiện phải đấu đấu tranh để tự khẳng định bản thân. Những khó khăn như khả năng được thị trường chấp nhận thông qua các buổi show thời trang phải trả giá đắt, thị trường đã bão hòa không thực sự cần thêm quần áo và lợi tức đầu tư (ROI) không đảm bảo.
Giấc mơ của nhiều nhà sáng tạo về việc thành lập thương hiệu riêng dường như đã lỗi thời. Có thể nói rằng thậm chí một số thương hiệu thời trang lập ra dường như cũng không cần thiết với thị trường nữa – nếu một nửa trong số đó đóng cửa, chúng ta cũng không để ý mấy.
Tại sao lại khao khát trở thành một phần của chỉ 1% số thương hiệu đang thành công khi bạn có thể hướng tới mục tiêu trở thành một phần của một hệ thống vững chắc và an toàn hơn? Thống kê cho chúng ta biết rằng ngay cả những người ở tầng cao nhất của hệ thống cũng không có cuộc sống dễ dàng khi xét đến sự luân chuyển liên tục của các giám đốc sáng tạo từ hàng nghìn thương hiệu khác, những người thường xuyên rơi vào tình trạng khủng hoảng.
Vì vậy, tại sao không khuyến khích người trẻ đầu tư vào các kỹ năng và ngành nghề thực tế đã có sẵn các vị trí công việc, những ngành mà nhu cầu sẽ không bao giờ cạn kiệt và công việc hành nghề của những ngành này có thể trở nên đắt đỏ và sinh lợi hơn trong tương lai? Sự thật về thời trang có thể xấu xí và khắc nghiệt, nhưng sự ổn định kinh tế trong một xã hội bất ổn như vậy sẽ tạo nên tương lai khả quan và tươi sáng hơn.
Chuyển ngữ: Linh J.
Nguồn: NSS Magazine