Paraben – chất bảo quản gây tranh cãi trong mỹ phẩm, hiểu sao cho đúng?
Ngày đăng: 07/07/24
Các sản phẩm làm đẹp ngày càng trở nên thần kỳ với nhiều công dụng độc đáo, đặc biệt là chữa trị quầng thâm và mụn. Tuy nhiên, các công thức tiên tiến cũng chứa nhiều thành phần phức tạp hơn, trong đó có paraben – một chất gây tranh cãi nhiều trong mỹ phẩm.
Paraben đã chịu rất nhiều chỉ trích gần đây trong các nghiên cứu tranh luận về tính an toàn khi sử dụng chất này trong mỹ phẩm. Các nhãn dán “không chứa paraben” ngày càng được sử dụng nhiều hơn trên các chai dầu gội, sữa rửa mặt và kem tẩy tế bào chết.
Bạn có biết paraben là gì và tại sao lại gây nhiều tranh cãi như vậy không? Trong bài viết này, các chuyên gia trong ngành và bác sĩ da liễu Iris Rubin và Lisa Pruett sẽ đưa ra những phân tích hữu ích về paraben.
Paraben là gì?
Paraben là một loại hợp chất este, được sử dụng làm chất bảo quản trong các sản phẩm chăm sóc da. Chất hóa học này có thể dễ dàng được tìm thấy trong tất cả các loại mỹ phẩm, từ dầu gội và sữa tắm đến kem dưỡng da mặt và serum (lưu ý rằng các sản phẩm gốc dầu có quy tắc bảo quản khác với sản phẩm gốc nước).
Paraben có vai trò giúp các thành phần hoạt động ổn định, hiệu quả và ngăn ngừa các vi khuẩn, nấm men có hại phát triển. Điều này đặc biệt cần thiết trong các lọ mỹ phẩm có nắp đậy, cần dùng tay để lấy sản phẩm ra. Được sử dụng phổ biến nhất là methylparaben, ethylparaben, propylparaben và butylparaben.
Paraben và nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe
Cuộc tranh luận về việc Paraben có hại hay không đã kéo dài hàng thập kỷ, nhưng vẫn chưa có được đáp án cuối cùng. “Paraben đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ, nhưng tính an toàn của chất này bị đặt dấu hỏi khi một nghiên cứu trên khoảng 20 bệnh nhân đã tìm thấy dấu vết của paraben trong mô ung thư vú”, Pruett cho biết.
Năm 2004, nhà khoa học người Anh Philippa Darbre đã công bố một bài báo nghiên cứu tìm thấy paraben trong các mẫu mô ung thư vú. Mặc dù không có đủ bằng chứng để chứng minh một cách thuyết phục mối liên hệ giữa việc sử dụng paraben và nguy cơ ung thư gia tăng, nhưng bài báo đã chứng minh rằng paraben có thể đi qua hàng rào bảo vệ da và tiến vào cơ thể chúng ta.
Nghiên cứu của Darbre cho rằng: “Trọng tâm chính là sự gián đoạn nội tiết và mối liên hệ với ung thư vú”. Nghiên cứu này đã làm dấy lên mối lo ngại vốn có sẵn về paraben như một chất tiềm ẩn gây rối loạn hệ thống nội tiết. Chúng có thể can thiệp vào quá trình sản xuất hormone bằng cách bắt chước estrogen.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng điều này có khả năng dẫn đến các biến chứng về sinh sản và tăng nguy cơ ung thư ở người lớn, cũng như các vấn đề về phát triển cơ thể trong quá trình dậy thì.
An toàn khi sử dụng trong nồng độ cho phép?
Tuy nhiên, Pruett lưu ý rằng nghiên cứu của Darbre “chắc chắn có một số vấn đề, vì họ không thử nghiệm trên mô bình thường. FDA đã không cấm paraben ở Hoa Kỳ vì thiếu bằng chứng khoa học cho thấy nó có ảnh hưởng đến sức khỏe con người”.
Theo quy định của EU và FDA, paraben được chính thức xem là an toàn khi sử dụng vì các sản phẩm chăm sóc da chỉ sử dụng một nồng độ rất nhỏ các thành phần này trong công thức (tối đa 0,4%).
Rubin khẳng định rằng paraben tương đối an toàn khi sử dụng. “Ngoài các vấn đề sức khỏe có thể xảy ra như đã thảo luận ở trên, paraben thường được cơ thể dung nạp tốt”.
Năm 2019, luật EU đã đặt ra các quy tắc mới cho việc dán nhãn “không chứa paraben”. Cụ thể, các thương hiệu không nên lạm dụng nhãn dán này trong truyền thông để tránh gây ra sự kỳ thị đối với các thương hiệu tiếp tục sử dụng chúng.
Nhiều thương hiệu mỹ phẩm chọn cách tạo công thức thay thế paraben. Mặc dù paraben chưa được chứng minh là nguy hiểm, Rubin vẫn chọn không sử dụng chúng trong các sản phẩm của mình. “Tại SEEN Hair Care, chúng tôi muốn giảm thiểu rủi ro, vậy nên các sản phẩm đều không chứa paraben”.
“Chúng tôi sử dụng nguyên tắc phòng ngừa: Nếu nhiều nghiên cứu nghi ngờ tính an toàn của một thành phần đối với con người hoặc môi trường, chúng tôi sẽ không sử dụng thành phần đó”, Rose Ovensehi, người sáng lập Flora & Curl Botanical Haircare, một dòng sản phẩm chăm sóc tóc hoàn toàn từ thiên nhiên giải thích.
Elsie Rutterford, đồng sáng lập Clean Beauty Insiders và BYBI Beauty, một thương hiệu làm đẹp được chứng nhận thuần chay và không thử nghiệm trên động vật cũng đồng tình với quan điểm này: “Nhiều người tin rằng paraben có liên quan đến các bệnh rối loạn nội tiết tố nghiêm trọng ở nam giới và phụ nữ”.
“Bất kỳ thành phần nào gây ra tranh cãi thì tốt nhất không nên đưa vào sản phẩm. Thay vào đó, chúng tôi tạo ra các sản phẩm ổn định và an toàn theo đúng nghĩa, mà không cần đến chất bảo quản mạnh như vậy. Bởi nếu chất bảo quản có thể ngăn chặn vi khuẩn trong thời hạn sử dụng 36 tháng, thì rất có thể nó cũng sẽ ảnh hưởng tới một lượng lớn dưỡng chất trong sản phẩm.”
Paraben có hại cho môi trường không?
Các nghiên cứu đã tìm thấy lượng lớn paraben trong các loài sinh vật biển. Tuy nhiên, chưa có kết luận nào chỉ ra liệu paraben có gây hại cho động vật hay không.
Theo một nghiên cứu khác, paraben cũng được tìm thấy trong đại dương, sông suối và nguồn nước, nhưng ở mức độ thấp. Vì vậy, không có đủ bằng chứng để xác định paraben gây hại cho môi trường.
Làm sao nhận biết những sản phẩm chứa Paraben?
Hầu như bất kỳ loại mỹ phẩm nào cũng có thể chứa paraben: sữa rửa mặt và kem dưỡng ẩm, chất khử mùi, dầu gội và dầu xả, kem đánh răng, kem chống nắng, gel và kem cạo râu, kem nền, kem che khuyết điểm và phấn mắt.
Bạn có thể kiểm tra bảng thành phần trên bao bì sản phẩm. Paraben rất dễ nhận biết với những cái tên khoa học luôn kết thúc bằng “paraben” (ví dụ: methylparaben, propylparaben hoặc butylparaben).
Những lựa chọn thay thế Paraben
Nếu vẫn muốn an toàn, các sản phẩm không chứa paraben sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho bạn. Tuy nhiên, bạn cũng nên kiểm tra bảng thành phần để đảm bảo chất lượng sản phẩm như mong đợi.
Đối với các sản phẩm chăm sóc tóc, bạn có thể lựa chọn sản phẩm có chất bảo quản thay thế như natri benzoat hoặc kali sorbat. Các sản phẩm chăm sóc da thường sử dụng hợp chất hữu cơ có đặc tính bảo quản, chẳng hạn như axit salicylic, axit benzoic và axit sorbic. Sử dụng bao bì kín khí cũng là một ý tưởng hay để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.
Chuyển ngữ: Thanh Mai
Theo Byrdie