Lược sử về thời trang và Formula 1
Ngày đăng: 25/06/24
Gắn liền với thế giới hào nhoáng, đua xe công thức 1 – Formula 1 đã tìm thấy chỗ đứng trong ngành công nghiệp thời trang sau hơn nửa thế kỷ.
Formula 1 chưa bao giờ chỉ là về đua xe. Trong nhiều thập kỷ, lịch sử của môn thể thao chứa đầy sự kích thích hormone Adrenaline này đã đan xen với thế giới thời trang. Và mặc dù có vẻ như hai thế giới này khó có thể giao thoa, trong nhiều thập kỷ, hai ngành này đã cùng nhau phát triển. Tâm điểm của mối quan hệ cộng sinh này là những lần hợp tác. “Mối liên hôn” giữa thời trang và thể thao đã mang lại nhiều lợi ích và sức ảnh hưởng cho cả đôi bên. Chính các thương hiệu đã đẩy mạnh truyền thông cho hình ảnh của các tay đua và cho danh tiếng của Formula 1 với tư cách là một môn thể thao mạo hiểm.
Vào cuối những năm 60, Formula 1 trở thành một hiện tượng quốc tế. Với sự giúp đỡ của các biểu tượng như Sir Jackie Stewart và John Surtees, các tay đua bắt đầu phải đối mặt với những áp lực mới. Giờ đây, họ không chỉ phải thể hiện khả năng thể thao mà còn phải duy trì hình ảnh như những ngôi sao để phù hợp với địa vị đang lên của bản thân. Tuy nhiên, phải mất gần 20 năm để các nhãn hiệu thời trang lớn nhận ra xu hướng này.
Một trong những cái tên thời trang đầu tiên bước vào Formula 1 là Benetton, một thương hiệu được công nhận quốc tế nhờ màu sắc sống động và táo bạo. Trong suốt những năm 80, thương hiệu này tài trợ cho đội Tyrell và đội Toleman – một đội đua mà sau đó đã trở thành Nhà Vô Địch Constructors. Những thành tựu trên đường đua đã nhanh chóng được chuyển sang sự thành công về mặt thương mại khi thương hiệu này đã cấp tốc thiết kế các bộ sưu tập lấy cảm hứng từ các đội đua Formula 1, những món đồ này hiện rất được săn đón trên thị trường đồ vintage ngày nay.
Mặc dù các thương hiệu thời trang tiếp tục có chỗ đứng với các hợp đồng tài trợ cho tay đua, ngành công nghiệp này đã mất nhiều thị phần vào tay các công ty thuốc lá – là những đối thủ không thể bị cạnh tranh về tài chính. Tuy nhiên, với lệnh cấm quảng cáo thuốc lá vào đầu những năm 2000, suất tài trợ có giá trị cho các thương hiệu tiêu dùng đã được mở lại.
Trong những năm gần đây, Hugo Boss, Gieves & Hawkes, và Hackett đều đã xếp hàng để đầu tư vào các đội Formula 1. Biết rằng việc đặt logo chạy dọc thân xe ít khả năng quảng bá cho thương hiệu, những nhãn hiệu này đang thiết kế các bộ sưu tập đặc biệt để làm nổi bật phong cách các tay đua. Và đây là khúc mà nhà tài trợ tìm thấy sức ảnh hưởng thực sự.
Trong khi lịch sử thời trang đã ảnh hưởng đến Formula 1 trong thời gian dài, thì ngược lại, trong những năm gần đây, môn thể thao đua xe đã có ảnh hưởng ngược lại không thể phủ nhận đối với thời trang. Chất liệu da, logo, màu sắc sống động và trang phục phối hợp trong môn thể thao này ngày càng truyền cảm hứng cho các bộ sưu tập thời trang mới nhất.
Dấu hiệu đầu tiên của tình yêu thời trang dành cho F1 được thể hiện rõ ràng trong bộ sưu tập Menswear Xuân/Hè 2016 của NTK Jeremy Scott cho Moschino, với nhiều bộ đồ liền thân phù hợp cho các tay đua. Năm 2018, sau khi Tommy Hilfiger tài trợ cho đội Mercedes F1, nhà thiết kế người Mỹ đã thiết kế toàn bộ bộ sưu tập Xuân/Hè 2018 của mình theo chủ đề môn thể thao này. Cả bộ sưu tập Thu/Đông 2022 của Dior và bộ sưu tập Cruise 2023 của Chanel đều có các người mẫu mang găng tay đua, áo khoác và những đường nét lấy cảm hứng từ motocross.
Dù đã 60 năm trôi qua, Formula 1 vẫn giữ được phong cách thời trang của mình. Giữa các bộ phim Hollywood như Ford v Ferrari và người hâm mộ của môn thể thao này gồm các tỷ phú và người nổi tiếng, thì môn thể thao tốc độ này vẫn luôn “hợp thời”.
Nguồn: L’Officiel USA
Chuyển ngữ: Kaitleen