Mô hình 4Es: Xu hướng tất yếu của các thương hiệu thời trang xa xỉ
Ngày đăng: 26/06/24
Mô hình 4Es tập trung vào việc tạo ra Cảm xúc, Trải nghiệm, Sự gắn kết và Tính độc quyền, giúp thương hiệu vững vàng và nổi bật trong thị trường cạnh tranh hiện tại.
Trong thời điểm ngành công nghiệp xa xỉ đang phải đối mặt với nhiều thay đổi, các thương hiệu thời trang cần đổi mới chiến lược marketing của mình.
Hầu hết các thương hiệu vẫn đi theo mô hình 4P truyền thống: Product (Sản phẩm), Price (Giá cả), Place (Địa điểm) và Promotion (Quảng cáo). Ra đời vào những năm 1960, mô hình này phù hợp với thời đại công nghiệp hóa và sản xuất hàng loạt nhưng hiện đã không còn phù hợp với ngành xa xỉ, vốn tập trung nhiều hơn vào sự trải nghiệm, kết nối và tương tác.
Kinh doanh sản phẩm xa xỉ cần nêu bật được câu chuyện và giá trị cảm xúc ẩn sau các thuộc tính vật lý. Giá cả phải phản ánh giá trị câu chuyện thương hiệu chứ không còn dừng lại ở chi phí sản xuất.
Phân phối cần mang lại trải nghiệm liền mạch, trong khi các chương trình khuyến mãi phải thu hút người tiêu dùng một cách tinh tế hơn, bởi các khuyến mãi theo nghĩa đen có thể làm tổn hại đến giá trị thương hiệu.
Người tiêu dùng xa xỉ ngày nay, đặc biệt là Gen Z, đòi hỏi những trải nghiệm độc đáo, kết nối cảm xúc và sự tương tác có ý nghĩa, mà mô hình 4P tập trung vào sản phẩm vật lý đã không còn khả năng đáp ứng các yêu cầu này.
Giới thiệu 4E: Một mô hình mới cho thời trang xa xỉ
Mô hình 4E bao gồm Emotion (Cảm xúc), Experience (Trải nghiệm), Engagement (Sự gắn kết) và Exclusivity (Tính độc quyền). Những yếu tố này phù hợp với kỳ vọng của người tiêu dùng xa xỉ ngày nay và để thực hiện cần có sự thay đổi triệt để trong cách thương hiệu suy nghĩ và vận hành.
Emotion (Cảm xúc)
Trong thời trang xa xỉ, cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng và duy trì sự hấp dẫn của thương hiệu. Các thương hiệu xa xỉ thường đầu tư mạnh vào việc tạo ra những cảm xúc tích cực và đẳng cấp cho khách hàng. Điều này được thực hiện qua:
- Thiết kế sản phẩm: tinh tế, tỉ mỉ và có chất lượng cao, mang lại cảm giác tự tin và hãnh diện cho người mua hàng.
- Marketing: Các chiến dịch quảng cáo thường chứa đựng những hình ảnh và thông điệp mang tính biểu tượng, khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ và sâu sắc.
- Câu chuyện thương hiệu: Việc xây dựng và kể lại câu chuyện về nguồn gốc, lịch sử và triết lý của thương hiệu giúp tạo ra mối liên kết cảm xúc mạnh mẽ với khách hàng.
Experience (Trải nghiệm)
Trải nghiệm là một trong những yếu tố quyết định trong việc thu hút và giữ chân khách hàng. Nó không chỉ giới hạn ở việc mua sắm mà còn mở rộng ra các khía cạnh khác như:
- Dịch vụ khách hàng: cao cấp, cá nhân hóa và chu đáo, từ việc tư vấn, chăm sóc sau khi bán hàng đến các dịch vụ đặc biệt như sửa chữa và bảo dưỡng sản phẩm.
- Sự kiện và trình diễn: Các buổi trình diễn thời trang, sự kiện ra mắt sản phẩm và các hoạt động tương tác giúp khách hàng trải nghiệm trực tiếp và sâu sắc hơn về thương hiệu.
- Không gian mua sắm: Thiết kế sang trọng, đẳng cấp, mang lại cảm giác thoải mái và xa hoa khi mua sắm.
Engagement (Sự gắn kết)
Sự gắn kết giữa thương hiệu và khách hàng là yếu tố quan trọng giúp xây dựng lòng trung thành và các mối quan hệ dài hạn.
- Truyền thông xã hội: Sử dụng các nền tảng online để duy trì kết nối với khách hàng.
- Cộng đồng: Việc xây dựng cộng đồng khách hàng trung thành thông qua các chương trình khách hàng thân thiết và câu lạc bộ VIP giúp tăng cường sự gắn kết và tạo cảm giác thân thuộc cho khách hàng.
- Sự đầu tư về mặt nội dung: Các chiến dịch hấp dẫn từ video hậu trường, phỏng vấn nhà thiết kế đến bài viết cập nhật xu hướng giúp thương hiệu duy trì sự quan tâm của khách hàng.
Exclusivity (Tính độc quyền)
Tính độc quyền là yếu tố cốt lõi của thời trang xa xỉ, mang lại giá trị và sự khác biệt cho thương hiệu.
- Sản phẩm giới hạn: Tạo ra sự khan hiếm và mong muốn sở hữu từ khách hàng.
- Sự kiện riêng tư: Các sự kiện ra mắt sản phẩm, trình diễn thời trang hoặc buổi tiệc dành riêng cho một nhóm khách hàng đặc biệt giúp duy trì tính độc quyền và tạo cảm giác đặc biệt cho khách hàng.
- Dịch vụ cá nhân hóa: Các dịch vụ như thiết kế riêng và chăm sóc đặc biệt giúp khách hàng cảm thấy mình được tôn trọng và đánh giá cao.
Chuyển đổi từ mô hình 4Ps sang 4Es như thế nào?
Thương hiệu cần ưu tiên các kết nối cảm xúc với khách hàng ở một tầng sâu hơn. Điều này bao gồm việc lắng nghe, đồng cảm và kể chuyện để tạo ra sự liên kết về mặt cảm xúc. Mỗi tương tác với khách hàng phải mang tính độc đáo và được thiết kế riêng để phù hợp với từng thương hiệu.
Xây dựng mối quan hệ lâu dài là chìa khóa để mở ra các khách hàng trung thành. Do vậy, thương hiệu cần duy trì sự hiện diện một cách có ý nghĩa để đảm bảo sự phát triển bền vững trong thị trường thời trang cao cấp.
Chuyển ngữ: Thanh Mai
Theo Jing Daily