Liệu thương hiệu sẽ được bảo hộ như thế nào trong thế giới metaverse?

Ngày đăng: 29/06/24

Trong một thế giới số hóa nhanh chóng, việc bảo vệ thương hiệu ngày càng trở nên phức tạp và cần thiết. Với sự phát triển của các công nghệ như VR, AR,… metaverse đang trở thành một lĩnh vực mới mà các công ty cần thiết lập và bảo vệ bản sắc thương hiệu của mình. Vậy làm thế nào để một thương hiệu có thể được bảo hộ trong thế giới ảo ngày càng phức tạp?

Metaverse

Về cơ bản, metaverse có thể là bất kỳ không gian ảo 3D nào được hỗ trợ bởi các công nghệ – bao gồm VR, AR, trí tuệ nhân tạo (AI) và blockchain – cho phép mọi người tương tác với nhau.

Trong metaverse, người dùng có thể tạo hình đại diện để đại diện cho chính họ và tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau, chẳng hạn như chơi game, mua sắm và làm việc. Mark Zuckerberg hy vọng các công ty sẽ tích cực sử dụng nó để tổ chức các cuộc họp và mọi người sẽ bắt đầu coi nó như “cuộc sống thứ hai” song song với cuộc sống của họ trong thế giới thực.

Marketing trong metaverse

Marketing bằng Metaverse cũng đang trở thành một xu hướng tiếp cận thông dụng của các thương hiệu tiêu dùng. Các công ty đa quốc gia lớn như Nike và McDonald’s đang rất nỗ lực nhằm khai thác tiềm năng đa chiều của metaverse. Chẳng hạn, McDonald’s Hồng Kông gần đây đã tạo ra ‘McNuggets Land’ trên nền tảng metaverse và tổ chức các “chuyến tham quan, tìm hiểu” ảo về chúng.

Các sản phẩm tồn tại trong metaverse chỉ là hình ảnh đại diện ảo của sản phẩm thật và được thể hiện bằng một đơn vị dữ liệu trên sổ cái kỹ thuật số gọi là NFT. NFT là mã định danh kỹ thuật số duy nhất được ghi lại trên blockchain và được sử dụng để chứng nhận quyền sở hữu và tính xác thực. Vì vậy các thương hiệu có thể bán hàng cho người tiêu dùng thông qua các NFT này.

Bảo vệ thương hiệu trong metaverse

Để bảo hộ thương hiệu tại Liên minh Châu Âu (EU), cần phải đăng ký thương hiệu đó với Cơ quan Sở hữu Trí tuệ Liên minh Châu Âu (EUIPO). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc đăng ký thương hiệu trong thế giới thực chưa đảm bảo được tính bảo hộ trong thế giới kỹ thuật số.

Một số công ty lớn đã nộp đơn đăng ký thương hiệu mới vì lý do này để điều chỉnh quyền thương hiệu của họ cho phù hợp với môi trường kỹ thuật số mới. Để bảo vệ tài sản hoặc thực thi quyền chống lại các đại diện rất giống hoặc tương tự về sản phẩm của mình trong metaverse, các công ty, tập đoàn không thể chỉ dựa vào các thương hiệu đã đăng ký hiện có (đặc biệt khi các thương hiệu đó không được đăng ký trong các nhóm bao gồm phần mềm máy tính).

Nhằm thiết lập nhận dạng thương hiệu trong metaverse, các công ty có thể đăng ký theo các nhóm liên quan đến hàng hóa và dịch vụ ảo (tùy thuộc vào quy định của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi muốn đăng ký). Điều này phải được thực hiện bằng việc đăng ký thương hiệu mới. Sau đó, công ty có thể cấp giấy phép cho các đối tác được chọn để sử dụng thương hiệu đó trong metaverse. 

Khi metaverse mở ra như một bối cảnh kỹ thuật số mới, nhiều công ty, tập đoàn buộc phải đối mặt với thách thức duy trì và bảo vệ bản sắc thương hiệu của họ vì trong tương lai gần, việc hoạt động trong thế giới metaverse, đặc biệt đối với lĩnh vực kinh doanh là điều tất yếu. Bằng cách đăng ký thương hiệu vào hạng mục liên quan, các công ty, tập đoàn có thể chuẩn bị cho tương lai phát triển của họ trong metaverse một cách sớm nhất.

Thực hiện: Elio

Theo Fashion United