Kinh đô ánh sáng, Paris rước đuốc đón Olympic bằng “sàn diễn” thời trang cao cấp
Ngày đăng: 16/07/24
Thế vận hội thể thao lớn nhất hành tinh, Olympic Paris 2024 không chỉ là những màn tranh tài nảy lửa từ các đội tuyển quốc gia, mà còn lồng ghép một “sàn diễn” thời trang cao cấp tề tụ những nhà mốt chế tác đồng phục đình đám.
Giữa hai “hành tinh” song song như thể thao và thời trang vốn tồn tại một “nút giao” từ lâu. Gắn liền với lịch sử phát triển của Thế vận hội Olympic là một chặng đường thay đổi không ngừng của địa hạt thời trang. Vì thế, không chỉ các đội tuyển đại diện cho từng quốc gia tham dự, một cách bất đắc dĩ, sàn đấu thể thao đó cũng bỗng trở thành “sân chơi” để các tập đoàn thời trang đình đám, loạt thương hiệu, nhà mốt lừng danh thâu tóm và so kè với nhau. Thế vận hội Olympic Paris 2024 cũng không còn là ngoại lệ. Sau 1 thế kỷ dài đằng đẵng, Paris tiếp tục là nơi chứng kiến lễ nghi rước đuốc truyền thống của Olympic.
Bên cạnh những màn tranh tài thể lực, chứng minh sức mạnh phi thường của con người để tôn vinh bản sắc dân tộc, Olympic Paris 2024 đem đến hàng loạt bộ đồng phục được chế tác vô cùng mãn nhãn. Những thiết kế đặc biệt đó được khoác lên các vận động viên như một lá cờ quốc gia, ẩn sâu là sự tôn vinh dành cho bản sắc văn hóa, niềm tự tôn dân tộc, tiếng hò reo ủng hộ của đồng bào cũng như tinh thần thể thao được kết hợp đầy tinh tế.
Diễn ra trùng khớp với khuôn khổ của các tuần lễ thời trang ở Paris, sức nóng từ “sàn diễn” thời trang ở Olympic Paris 2024 được “thêm nhiệt” đáng kể. Khi Paris được đăng cơ, trở thành chủ nhà của Thế vận hội 2024, những “gã khổng lồ” trong ngành công nghiệp xa xỉ như LVMH đã nắm bắt thời cơ, trở thành nhà tài trợ chính cho sự kiện thể thao này, song song với các thương hiệu thời trang khác như Nike, Asics, Lululemon… Ngoài ra, các thương hiệu đình đám từ Ralph Lauren đến Berluci cũng đổ bộ vào “đường đua” Thế vận hội, bằng việc chuẩn bị các loại đồng phục cho các vận động viên từ trang phục thi đấu đến những lần nhận giải thưởng. Sau đây là một số bộ đồng phục Olympic đẹp nhất mà thế giới thời trang không nên bỏ qua.
Ralph Lauren – Đội tuyển Hoa Kỳ
Từ năm 2008 đến nay, thương hiệu Ralph Lauren đã trở thành đơn vị hậu thuẫn, chuẩn bị xiêm y cho Đội tuyển Hoa Kỳ. Trang phục mà Ralph Lauren đem đến “dự thi” ở Olympic Paris kỳ này sẽ thể hiện trọn vẹn bản sắc cũng như DNA thiết kế đặc trưng của thương hiệu. Đó là những kiệt tác vừa cổ điển từ di sản thời trang Mỹ vừa phóng khoáng hướng đến tương lai, giống hệt tinh thần thể thao đang tràn ngập khắp phố phường Paris.
Ở lễ khai mạc, đội tuyển Hoa Kỳ được Ralph Lauren chuẩn bị cho những chiếc blazer may đo truyền thống, khoác ngoài chiếc áo sơ mi sọc, đeo cà vạt và mặc cùng quần denim wash bạc. Các đường kẻ sọc màu trắng, đỏ ở viền cổ áo, tay áo, túi áo kết hợp cùng màu xanh đậm của áo; tạo nên một bản phối màu sắc của quốc kỳ nước Mỹ. Tất cả tạo nên một biểu trưng hoàn hảo cho lòng kiêu hãnh và tình yêu quốc gia của các vận động viên thi đấu. Trang phục cho lễ bế mạc của Ralph Lauren gồm một chiếc áo khoác moto được trang trí bằng các miếng vá thêu có họa tiết vòng tròn Olympic, áo phông và quần jean trắng.
Sarah Hirshland, Giám đốc điều hành Ủy ban Olympic & Paralympic Hoa Kỳ cho biết: “Trang phục mang tính biểu tượng này đóng vai trò là biểu tượng của sự đoàn kết và nguồn cảm hứng cho cả đội tuyển cũng như hàng triệu người hâm mộ sẽ cổ vũ họ”. Mỗi món đồ trong bộ sưu tập đồng phục thi đấu tự hào được sản xuất tại Hoa Kỳ.
J.Lindeberg – Đội tuyển Hoa Kỳ
J.Lindeberg là thương hiệu chuẩn bị trang phục thi đấu cho Đội tuyển Golf Olympic Hoa Kỳ. Thương hiệu Thụy Điển đã cập nhật lại những bộ đồ chơi gôn cổ điển vượt thời gian gồm áo sơ mi polo có cổ, váy chữ A bằng vải công nghệ cao, kiểu dáng suông, gọn và thậm chí điểm xuyết một vài đường cắt sáng tạo. Những chiếc áo cardigan color-block hay những bộ lounge suits rộng thùng thình cũng là một trong những kiểu dáng đặc sắc không kém.
Puma – Đội tuyển Jamaica
Quốc kỳ Jamaica nổi bật với bản phối màu sắc nổi bật: đen, vàng và xanh lá cây. Bộ ba màu sắc này cũng là “trọng tâm” trong bộ đồng phục Olympic, được Puma chế tác. Jamaica để lại dấu ấn tại dòng chảy Olympic bằng tài năng của các vận động viên điền kinh của mình. Họ đã giành được 86 trong số 87 huy chương Olympic của đất nước, trong đó có 26 huy chương vàng, tính đến năm 2022. Tại buổi ra mắt các thiết kế đồng phục chuẩn bị cho những “chú báo đen” tham dự Olympic năm nay, Giám đốc điều hành Puma Arne Freundt giải thích rằng những kiểu dáng này được kết hợp giữa tốc độ và thời trang: “Các đường cắt được đặt một cách có tính toán, vừa làm nổi bật vóc dáng của các vận động viên vừa nhấn mạnh vẻ đẹp của một vận động viên khi chuyển động.”
Tất nhiên, khi thiết kế cho cuộc thi khốc liệt như vậy thì chất liệu vải là điều được đặc biệt quan tâm. Để đạt được mục tiêu đó, Puma đã sử dụng “vải jacquard được thiết kế để giảm nhiệt độ cơ thể và thoáng khí, với công nghệ điều chỉnh nhiệt độ thích hợp với nhiệt độ cơ thể để mang lại hiệu suất tối ưu,” Freundt giải thích. Lá cờ của Jamaica được đặt bên trái áo, bên phải là biểu tượng chú báo huyền thoại của Puma.
Berluti – Đội tuyển Pháp
Kiểu dáng thể thao phóng khoáng và ngôn ngữ thiết kế truyền thống của tuxedo thường không thể hòa quyện lại với nhau thành một thể. Tuy nhiên, thương hiệu Berluti đã tạo nên cuộc gặp gỡ chưa bao giờ xảy ra đó, khi khắc họa cảm hứng từ trang phục cổ điển vào đồng phục thi đấu cho đội tuyển Olympic Pháp. Thương hiệu xa xỉ của Pháp đã tạo ra trang phục cho các đội tuyển ở lễ khai mạc cho cả Thế vận hội Olympic và Paralympic năm nay. Đó là những bộ tuxedo thanh lịch, được cắt may tinh tế. Trên ve áo nổi bật với gam màu xanh hoàng gia, kết hợp với hiệu ứng ombre màu sắc gợi nhớ đến quốc cờ Pháp.
Đồng phục đội tuyển được thiết kế với sự cộng tác của Carine Roitfeld, cựu biên tập viên tạp chí Vogue Pháp và biên tập viên hiện tại của CR Fashion Book. Áo khoác có cả kiểu tay dài và không tay kết hợp với quần hoặc váy ôm. Như Antoine Arnault, người đứng đầu Thế vận hội của LVMH đã nói bộ sưu tập này lần đầu tiên được tiết lộ, “Berluti là ‘ngôi đền’ của ngành bespoke – mặt hàng được đặt may đo theo yêu cầu, và do đó họ có thừa khả năng trang bị cho một vận động viên bơi lội, một cầu thủ bóng rổ hoặc một vận động viên thể dục nhịp điệu.”
Stéphane Ashpool x Le Coq Sportif – Đội tuyển Pháp
Bên cạnh sự hỗ trợ từ Berluti, đồng phục của đội tuyển Pháp còn có sự góp mặt của sự hợp tác giữa Stéphane Ashpool và Le Coq Sportif. Stéphane Ashpool, nổi tiếng với thương hiệu thời trang dạo phố Pigalle, đã phải đấu tranh để bộ trang phục của mình được sản xuất tại địa phương ở Pháp.
Nhà thiết kế đã nhận được sự chấp thuận từ các cơ quan quản lý Judo của Nhật Bản để đội tuyển võ Judo của Pháp có thể mặc kimono làm từ vải dệt của Pháp, khi tham dự Thế vận Hội 2024. Bộ sưu tập đồng phục tuyệt đẹp này được tạo cùng Le Coq Sportif.
Với tư cách là giám đốc nghệ thuật của đội tuyển Olympic và Paralympic Pháp, Ashpool bắt đầu quá trình lên ý tưởng của mình bằng cách tự mình đến gặp các vận động viên. “Tất cả họ đều nói cùng một điều: ‘Chúng tôi muốn trông thật đẹp, chúng tôi muốn trông thật tươi tắn và chúng tôi muốn trông thật ngầu. Đúng, chúng tôi muốn trông giống người Pháp, nhưng chúng tôi không muốn trở thành ‘quốc kỳ’ biết đi. Chúng tôi tin rằng một bộ trang phục thi đấu chỉn chu sẽ giúp đội tuyệt càng thêm tự tin. Điều này sẽ giúp chúng tôi thi đấu tốt hơn’”, nhà thiết kế nói với tạp chí Vogue Business. Những bộ đồng phục từ áo khoác, quần thi đấu đến mũ bảo hiểm,…giống như một “giấc mơ” từng khuấy động thời trang của thập niên 90 với hiệu ứng chuyển màu mượt mà cùng các chi tiết lượn sóng.
ASICS – Đội tuyển Úc
Thoạt nhìn, đồng phục của đội tuyển Olympic Úc được ASICS chuẩn bị có vẻ khá đơn giản, với màu xanh lá cây và vàng đại diện màu cờ sắc áo quốc gia của đất nước. Nhưng khi nhìn kỹ lại bạn sẽ nhận thấy rằng mỗi bộ đồng phục đều có hình in bản địa.
Theo Vogue Australia, các thiết kế được đóng góp một phần bởi những nghệ sĩ bản địa và võ sĩ Olympic, Paul Fleming, người có tác phẩm mang tên ‘Walking Together’ được lấy cảm hứng từ ý tưởng rằng Thế vận hội là nơi gặp gỡ của mọi người thuộc mọi tầng lớp và nền văn hóa khác nhau. Đồng phục của ASICS lần này còn đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử Thế vận hội Mùa hè, khi tích hợp nhiều các họa tiết bản địa nhất từ trước đến nay.
Lululemon – Đội tuyển Canada
“Gã khổng lồ thể thao” của Canada – Lululemon đã phá vỡ khuôn mẫu đồng phục thể thao với các thiết kế dành cho đội tuyển Olympic nước nhà năm nay. Ẩn sâu trong các thiết kế là sự cổ điển và tinh thần hiện đại. Những họa tiết màu đỏ thẫm tươi sáng trên trang phục không chỉ gây ấn tượng về mặt thị giác mà còn đánh dấu một bước chuyển mình của Lululemon, khi mở rộng khả năng tiếp cận và khả năng thích ứng trong thế giới thời trang thể thao.
Từng bộ đồng phục được thiết kế để hỗ trợ các cơ thể khác nhau với nhiều khả năng khác nhau của từng vận động viên. Không chỉ có chất liệu vừa bền vừa thoáng mát, trang phục còn được tích hợp thêm đa dạng loại chức năng để hỗ trợ cơ thể như khóa kéo đóng từ tính, vòng kéo và hướng dẫn cảm ứng.
Ben Sherman – Đội tuyển Vương quốc Anh
Thương hiệu đến từ Anh Quốc – Ben Sherman đã được mời tham dự Thế vận hội Olympic lần thứ ba liên tiếp để thiết kế đồng phục cho đội tuyển GB, cũng như bộ sưu tập capsule đi kèm. Trên từng thiết kế, nổi bật với từng loài hoa đại diện cho bản sắc và lịch sử của từng quốc gia trong Vương quốc Anh: hoa hồng (nước Anh), cây kế (Scotland), hoa thuỷ tiên vàng (Xứ Wales) và cây shamrock (Bắc Ireland).
Thực hiện Dory
Theo Vogue