Nghệ sĩ Phuc Van Dang chia sẻ về triết lý tối giản trong bảng màu đen trắng
Ngày đăng: 25/02/19
Sáng tạo những bức vẽ trên bảng màu đen trắng suốt 7 năm qua, nghệ sĩ ý niệm (conceptual artist) Phuc Van Dang không chỉ mang bạn ra khỏi biên giới kiến thức nghệ thuật mà còn chinh phục bạn hoàn toàn bởi hình tượng chiếc bóng – thứ dẫn dắt anh trở về với màu đen giản đơn và thân thuộc.
Công nghệ khiến những cuộc gặp dễ dàng hơn, tôi – ở múi giờ Việt Nam, gặp gỡ Phuc Van Dang, chàng nghệ sĩ Đan Mạch gốc Việt, khi anh vẫn đang sinh sống và làm việc ở thành phố Horsens. Trong tiếng Việt, Phuc Van Dang là Đặng Văn Phúc, bạn có thể tìm thấy anh ở Instagram và Facebook với tên gọi “phucisme” (Phuc Is Me). Phúc sở hữu studio (cũng là chỗ ở của anh mang tên Husflid, nghĩa là “Thủ công”) tại nhà tù Faengslet, đã được chuyển hóa thành trung tâm văn hóa và nghệ thuật với viện bảo tàng, nhiều cửa hàng, văn phòng và chỗ ở dành cho cư dân. Qua Đan Mạch từ lúc 9 tuổi, sau hơn ba thập niên, anh trò chuyện với tôi bằng ngôn ngữ tiếng Việt thân thuộc và gần gũi.
“Tôi cám ơn cây xanh ở hòn đảo năm đó”
Trước khi trở thành nghệ sĩ ý niệm toàn thời gian như hiện tại, Phuc Van Dang từng học ngành thiết kế đồ họa tại Đan Mạch. Nhận thấy anh là người giỏi vẽ lên suy nghĩ của mình nhưng không mặn mà với công nghệ, một người bạn đã khuyên anh nên cầm cọ, chì và màu lên để tiếp tục vẽ những gì anh thích.
Khi anh còn là product designer cho một công ty nọ, họ cảm thấy thích tác phẩm của anh và dùng nó làm bảng hiệu quảng cáo trong vòng 3 tháng. Sự kiện này dẫn Phúc lên màn hình TV lần đầu tiên. Phúc bất ngờ, nhưng nó cũng đồng thời dấy lên trong tâm trí anh một khoảng lặng về đề tài thanh danh của người nghệ sĩ. Phúc chia sẻ: “Tôi mới vào nghề, sự nổi tiếng này đến với mình quá nhanh trong khi tôi cảm nhận được rằng tranh tôi vẽ đang thực sự thiếu cái gì đó. Tôi cần đi chậm lại”. Và hành trình ấy mất đến 5, 6 năm trước khi Phúc trở về bảng màu đen trắng.
Mùa hè cách đây khoảng 5 năm về trước, Phúc du lịch đến một hòn đảo nhỏ ở Đan Mạch. Những cây xanh mang dáng dấp bonsai với thân hình khập khiễng và mảnh khảnh khiến anh thích thú. Phúc nhận ra, lúc gió thổi, cây sẽ theo hướng gió. Nhưng rễ cây phải đủ sâu và bám chắc vào đất, nếu không, cây sẽ bị đổ khi gió thổi quá mạnh. Bỗng chốc, Phuc Van Dang cảm nhận đường vẽ của mình nằm trong đó. “Hình ảnh tán cây tỏa ra khiến tôi liên tưởng đến phần kỹ thuật của mình và rễ cây chính là chiều sâu trong tác phẩm của người nghệ sĩ. Kỹ thuật của tôi đã đủ đầy, nhưng tôi nhận thấy các bức vẽ của mình hãy còn thiếu chiều sâu. Mà, vẻ đẹp của một tác phẩm chính là chiều sâu ấy, giống như một cái cây, càng đẹp thì rễ càng sâu, càng bám chắc vào đất.” – Phúc chia sẻ.
Xế chiều, những bóng cây đổ dài trên mặt đất trong gam màu đen. Nguyên mùa hè đó, Phúc đã nghĩ đến những đường vẽ của mình, hình ảnh những cây xanh ở hòn đảo lại hiện ra khiến anh thầm cám ơn cho đến bây giờ.
Tại sao lại là màu đen?
Tôi bảo Phúc: “Những khuôn mặt đen trắng trong nét vẽ của anh mang vẻ hồn nhiên, điều đó đúng hay không?” Phúc gật đầu. Đôi khi, tranh của anh là những nét vẽ nhỏ, nhưng nét vẽ đó là cả một câu chuyện dài.
Câu chuyện cây xanh năm xưa đã tiết lộ rằng thiên nhiên chính là nguồn cảm hứng bất tận của Phuc Van Dang. Phúc ngó nghiêng và quan sát tất cả mọi thứ xung quanh cuộc sống của mình, anh nhận thấy bóng của mình, bóng cây, bóng nhà… đều màu đen. Đó là một chuyện, đi sâu hơn nữa, cái bóng thể hiện cho sự sống của con người, vì nếu không có bóng, nghĩa rằng họ đã chết. Cái bóng cũng nói lên cái tâm sâu thẳm của mỗi chúng ta.
“Đôi khi, những chi tiết không hoàn hảo sẽ tạo ra một tác phẩm hoàn hảo.”
Nhưng, Phúc không bao giờ vẽ chì trước rồi mới tô màu đen sau. Triết lý sáng tạo của Phúc chính là vẽ thẳng màu đen, như nghệ sĩ chia sẻ, ấy chính là suy nghĩ và cái tâm thoát ra ban đầu. Nếu đồ lại màu đen chẳng khác nào lặp lại một câu chuyện, thay vì lặp lại, mình sẽ kể nó ngay từ giây phút nâng niu cây cọ và trên đó là màu đen thân thuộc.
Triết lý tối giản trong nghệ thuật
Bảng màu đen trắng đã đơn giản, triết lý sáng tạo của Phúc còn khiến người nghe bất ngờ hơn. Mỗi lúc “hành nghề”, anh chỉ dùng một cây cọ và màu đen. “Một cây cọ” được nhấn mạnh thêm vì người nghệ sĩ kỳ dị này không cần đến hai cây cọ hay nhiều hơn cho tác phẩm cỡ lớn như bức tường ở một trường học chẳng hạn. Anh bảo rằng xưa kia, khi người ta chưa chế tác cọ mà bao nghệ sĩ vẫn có thể sáng tác những bức tranh để đời, thì bây giờ, anh cũng chỉ cần một cây cọ đơn giản nhưng thân thuộc để sáng tác.
“Tôi tìm cách vẽ thoải mái nhất, thoải mái này xuất phát từ tâm trí và cách mà bàn tay tôi cảm nhận. Để đạt được điều đó, tôi buộc phải đưa ra lựa chọn là bỏ bớt những thứ gò bó và khó khăn. Nhưng một nghịch lý là để có cảm giác đơn giản, lại trải qua một hành trình thử thách”.
Phúc kể lại một công trình cao 20m, dài 7m mà kiến trúc sư Viggo Norn (người từng thiết kế và xây dựng nhiều tòa nhà cao tầng tại thành phố Horsens) muốn anh vẽ. Khi nghiên cứu tòa nhà của Viggo, Phúc bắt đầu từ chính kiến trúc sư này. Anh ngắm nghía những tác phẩm khác của Viggo trong thành phố và được gửi tới 9 sketch book từ những năm 1900, bất ngờ nhận ra ông ta đã đi đến rất nhiều quốc gia, thành phố trên thế giới – nơi Viggo thực hiện những tuyệt tác của mình.
“Tôi đã khóc khi nhìn thấy chúng. Vẻ đẹp văn hóa, con người và phong cảnh ùa về trước mắt tôi khiến tâm hồn tôi xúc động. Viggo Norn đã mang đến cho tôi tất cả những gì bản thân cần để sáng tác” – Phúc chia sẻ.
Bàn tay người nghệ sĩ sở hữu một năng lượng thần kỳ
Tôi hỏi nghệ sĩ Phuc Van Dang: “Làm sao để duy trì sự sáng tạo trong bảng màu đen trắng?”
Anh trả lời đơn giản: “Phải vẽ nhiều, rất rất nhiều.”
Theo Phuc Van Dang, trong bàn tay của mỗi người sở hữu năng lượng (energy) diệu kỳ. Khuôn mặt chúng ta bao gồm mắt, mũi, tai, miệng… tạo ra thị giác, khướu giác, thính giác, vị giác,… nạp thông tin mà chúng cảm nhận để não bộ xử lý. Cũng như vậy, bàn tay chúng ta có thể chạm tạo ra cảm nhận có sự kết nối mãnh liệt với tâm hồn (xúc giác). Nếu ở trong tù mà tâm ta tự do, ta sẽ hoàn toàn tự do và sự tự do đó lan tỏa đến tác phẩm của ta. Khi ngồi trên xe buýt và tàu hỏa, Phúc vẽ và nhận ra không phải chiếc xe đang kiểm soát anh mà chính tâm lý anh đang chi phối anh. Chỉ cần tập trung vào nét vẽ, Phúc có thể lột tả phần hồn vào bức tranh như khi anh ngồi trong studio hay bất cứ nơi nào khác.
Một vài hợp tác nổi bật gần đây
Cơ hội của người nghệ sĩ không chỉ đến những tháng ngày miệt mài, mà còn là những lần giác ngộ trong đời sống trải nghiệm cá nhân. Ngoài những triển lãm tại Đan Mạch, New York, Barcelona, Tokyo,… Phúc hợp tác với nhiều thương hiệu thời trang trong những năm vừa qua.
Anh chia sẻ lần hợp tác mới nhất với thương hiệu giày BLEND. Họ muốn sản xuất những chiếc sneaker màu trắng và tìm đến Phúc nhằm lan tỏa thông điệp: “Đây không phải là chiếc giày trắng đơn thuần, mọi người hoàn toàn có thể tự tạo ra cho nó những câu chuyện ý nghĩa khác”.
Những tác phẩm của Phúc từng khiến Carin Lundgaard, chủ thương hiệu thời trang Cero-Etage xúc động và mê mẩn. Bà chia sẻ điều này với đối tác kinh doanh của mình là Claus Mikkelsen rồi quay lại studio của Phúc và đề nghị hợp tác. Những sản phẩm nổi bật trong hợp tác lần này là bộ sưu tập giới hạn bao gồm bản in trên những chiếc quần mang thương hiệu Cero-Etage và áo mưa từ Etage,… sẽ được tìm thấy tại các hội chợ thời trang ở Scandinavia và Quốc tế vào dịp tới.
Thực hiện: Trang Ps