Có nên thành lập thương hiệu thời trang ở thời điểm hiện tại?
Ngày đăng: 12/08/24
Năm 2024 chứng kiến thị trường thời trang trong nước đang dần bão hòa, cùng với nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng giảm mạnh.
Những băn khoăn về chuyện khởi nghiệp thời trang đang nhận được nhiều sự quan tâm của những người ấp ủ giấc mơ thành lập thương hiệu cho riêng mình.
Thị trường thời trang Việt đang dần bão hòa
Trong suốt hai thập kỷ qua, người Việt đã mua sắm quần áo với số lượng chưa từng thấy nhờ điều kiện sống ngày càng được cải thiện và các thương hiệu thời trang đua nhau kích cầu bằng nhiều chiến lược truyền thông, khuyến mại.
Đặc biệt, sự nổi lên của thương mại điện tử cho phép mua bán quần áo và phụ kiện từ bất kì nơi nào trên thế giới một cách dễ dàng và nhanh chóng, đơn cử như các nhà bán lẻ Trung Quốc, Hàn Quốc có mặt trên Shopee. Sự tiện lợi này dẫn đến việc bùng nổ số lượng thương hiệu thời trang, gây ra nguồn cung vượt quá cầu. Giờ đây, người tiêu dùng đang sở hữu quá nhiều quần áo, đến mức khi họ mua thêm một món đồ mới, cảm giác không còn háo hức như trước nữa.
Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường thời trang đã đạt đến đỉnh cao của giai đoạn phát triển và chuẩn bị bước sang giai đoạn bão hòa. Euromonitor dự báo trong vòng 4 năm tới, tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành may mặc tại Việt Nam sẽ chậm hơn so với thập kỷ trước khoảng 3%, cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng không còn tăng mạnh như trước, trong khi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Miếng bánh thời trang ngày càng bị chia nhỏ, đặt ra nhiều thử thách cho những thương hiệu mới muốn chen chân vào ngành công nghiệp này.
Euromonitor dự báo trong vòng 4 năm tới, tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành may mặc tại Việt Nam sẽ chậm hơn so với thập kỷ trước khoảng 3%, cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng không còn tăng mạnh như trước, trong khi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Cạnh tranh từ nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, thương hiệu mới phải nỗ lực gấp nhiều lần
Theo ước tính của Vietdata, đã có hơn 200 thương hiệu thời trang quốc tế xuất hiện tại Việt Nam. Các thương hiệu này chiếm hơn 60% thị phần trong nước và có tốc độ tăng trưởng trung bình ấn tượng từ 15-20%.
Trái lại, mặc dù các local brand mọc lên như nấm nhưng không có thương hiệu nào nắm quá 2% thị phần. Điều này có thể được lý giải bởi tâm lý sính ngoại, nhanh chán và dễ bị tác động bởi hiệu ứng đám đông của người tiêu dùng Việt. Họ có xu hướng mua các thiết kế được bạn bè, người quen đánh giá tốt, hoặc ưu tiên những thương hiệu có tiếng tăm và lượt mua lớn hơn. Đây rõ ràng là điểm yếu của các thương hiệu mới chưa được biết đến nhiều cũng như chưa có bằng chứng về chất lượng sản phẩm.
Có thể thấy, việc đầu tư kinh doanh ở thị trường thời trang Việt không phải chuyện một sớm một chiều và đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn, nỗ lực. Để cạnh tranh với các đối thủ nội – ngoại và giành được chỗ đứng trên thị trường thì chất lượng sản phẩm là chưa đủ. Thương hiệu nào hội tụ đủ các yếu tố thời thượng – chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt – giá cả cạnh tranh – cách tiếp cận khách hàng hiệu quả thì mới có cơ hội vươn lên và khẳng định vị thế của mình.
Cần tích lũy nguồn lực nội tại để khởi nghiệp thời trang năm 2024 thuận lợi
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt – May – Thêu – Đan TP.HCM chia sẻ: “Một cửa hàng kinh doanh thông thường phải mất ít nhất 3 năm mới có thể hoàn vốn và 5 năm mới có lãi”, chưa kể đến lợi nhuận ngành may mặc rất thấp, chỉ khoảng 7-12%.
Trao đổi với báo Kinh Tế Sài Gòn Online, một số doanh nghiệp dệt may xuất khẩu lớn cũng thừa nhận việc chinh phục thị trường nội địa có nhiều thách thức, rủi ro. Chi phí sản xuất tăng cao, cộng thêm kinh phí quảng bá, hậu mãi, khuyến mãi… đòi hỏi chủ doanh nghiệp phải có nguồn lực tài chính vững chắc và kiến thức toàn diện về quản lý, phân bổ nguồn vốn, nhân sự, hàng hóa. Như đại diện thương hiệu Gumac chia sẻ: “Khách hàng ở đâu chúng tôi đều tập trung phục vụ ở đó, hiểu được tình hình khó khăn trong chi tiêu của người mua thời điểm này, chúng tôi cũng sản xuất sản lượng ít hơn. Hàng tồn, lẻ kích cỡ, mẫu mã sẽ được chuyển sang tiêu thụ dạng thời trang giá rẻ, tận dụng tối đa các hình thức bán hàng”.
Trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu như hiện tại, các thương hiệu mới có thể sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì nguồn vốn. Do đó, cần có chiến lược phát triển chậm nhưng vững chắc để tồn tại, tối ưu chi phí và đảm bảo dòng tiền.
Năm nay sẽ là một năm tiếp tục thanh lọc của thị trường, những thương hiệu không có nền tảng phát triển vững chắc và sử dụng nguồn vốn kém hiệu quả sẽ bị đào thải. Do vậy, hãy xem năm 2024 là giai đoạn tích lũy “kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm” cho hành trình khởi nghiệp thời trang. Cần có sự tính toán về chiến lược và thời điểm hành động để có cơ hội thành công cao nhất.
Tuy nhiên, thách thức cũng đi kèm với cơ hội. Doanh nghiệp nào có kế hoạch bài bản về định hướng phát triển, xác định và hiểu rõ tệp khách hàng mục tiêu, xây dựng và truyền tải hiệu quả điểm khác biệt của thương hiệu bằng các mô hình kinh doanh mới, phát huy tính sáng tạo trong thiết kế sản phẩm và dịch vụ… sẽ có nhiều lợi thế trong việc xâm nhập thị trường và thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
Thực hiện: Thanh Mai (tổng hợp)