Mô hình DTC (Direct to Consumer): Bí mật đằng sau sự tăng trưởng thần kỳ của SHEIN và Temu
Ngày đăng: 14/08/24
Bí mật đằng sau sự tăng trưởng thần kỳ của SHEIN và Temu nhờ vào mô hình DTC (Direct to Consumer).
Nếu là một tín đồ mua sắm trực tuyến, chắc hẳn bạn đã từng nghe qua 2 cái tên SHEIN và Temu. Hai nhà bán lẻ thương mại điện tử này đã phát triển như vũ bão trong vài năm qua, với hàng triệu đơn hàng mỗi năm và thu về nguồn doanh thu khổng lồ. Sự thành công nhanh chóng của họ được cho là nhờ vào mô hình DTC – Direct to consumer.
Sự tăng trưởng thần tốc của hai ông trùm thời trang nhanh
SHEIN
SHEIN đang là một trong những trang web thời trang lớn nhất thế giới và hầu như mọi người đều đã từng nghe đến cái tên này ít nhất một lần. Trang web ban đầu được thành lập với tên gọi ZZKKO vào năm 2008 bởi Chris Xu, với định vị là một thương hiệu thời trang nhanh về váy cưới.
Từ những năm 2010, SHEIN bắt đầu mang sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế. Hiện tại, thương hiệu đang hoạt động tại hơn 25 quốc gia và có 250 triệu lượt tải xuống trên ứng dụng, cho thấy quy mô khổng lồ của ông trùm thời trang nhanh này.
Theo số liệu thống kê gần đây, dịch vụ vận chuyển của SHEIN chiếm thị phần lớn nhất trong phân khúc thời trang nhanh tại Hoa Kỳ, ở mức 40%. Đây cũng là cửa hàng thương mại điện tử có doanh thu lớn thứ 5 trên toàn thế giới – 26,15 tỷ USD.
TEMU
Temu là một thị trường trực tuyến thuộc sở hữu của PDD Holdings, một công ty Trung Quốc có trụ sở tại Ireland. Dù chỉ mới ra mắt vào tháng 9/2021 và chưa tồn tại lâu như SHEIN, Temu Shipping cung cấp cho người tiêu dùng đa dạng các sản phẩm nhưng ít tập trung vào thời trang hơn. Tất cả hàng hóa trên nền tảng này được biết đến với mức giá cực kỳ phải chăng, khiến nó trở thành ứng dụng phổ biến nhất ở nhiều quốc gia vào năm 2023.
Theo báo cáo mới nhất, tổng doanh thu của PDD Holdings đạt 18,93 tỷ đô la vào năm 2022 và một phần lớn đến từ Temu. Vào tháng 5/2023, doanh số của công ty này thậm chí còn cao hơn SHEIN 20%. Chỉ riêng trong tháng 9/2023, ứng dụng Temu đã có hơn 40 triệu lượt tải về và 82,4 triệu người dùng tại Mỹ.
Mô hình chuỗi cung ứng đặc biệt
Có thể thấy cả 2 thương hiệu này đã phát triển thần kỳ trong vài năm qua, đặc biệt là Temu đã vượt qua SHEIN ở một vài khía cạnh chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Một trong những bí mật đằng sau sự thành công của họ phải kể đến dịch vụ vận chuyển trực tiếp đến người tiêu dùng.
Vận chuyển DTC là mô hình kinh doanh phân phối trong đó sản phẩm được vận chuyển trực tiếp từ nhà sản xuất đến khách hàng mà không qua trung gian hoặc người môi giới. Không cần đến nhà bán buôn và nhà phân phối, quy trình trở nên đơn giản hơn nhiều, mang đến nhiều lợi thế hơn so với các kênh bán lẻ truyền thống và dịch vụ vận chuyển thông thường.
Lợi thế DTC mang lại nếu triển khai thành công
- Bằng cách loại bỏ những bước trung gian phức tạp, DTC giúp giảm tổng chi phí trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.
- Thương hiệu nắm quyền kiểm soát tốt hơn các trải nghiệm của khách hàng ở mọi khía cạnh từ marketing đến vận chuyển.
- Mô hình DTC cho phép các thương hiệu thích ứng nhanh chóng với xu hướng thị trường và đẩy nhanh quá trình thử nghiệm, lấy phản hồi về sản phẩm mới trực tiếp từ khách hàng.
- Bằng cách kết nối trực tiếp với khách hàng, thương hiệu mang đến trải nghiệm mua sắm cá nhân hóa hơn.
- Dịch vụ vận chuyển cung cấp trực tiếp cho công ty các dữ liệu có giá trị về hành vi, thói quen, nhu cầu mua sắm của khách hàng, giúp hiểu khách hàng tốt hơn và xây dựng mối quan hệ chất lượng hơn.
SHEIN và Temu áp dụng mô hình vận chuyển DTC như thế nào?
SHEIN và Temu đã tận dụng tối đa dịch vụ vận chuyển DTC bằng cách sử dụng hệ thống xử lý đơn hàng tự động và quản lý hàng tồn kho với tính năng theo dõi thời gian thực (real-time tracking). Điều này giúp họ kiểm soát mạng lưới chuỗi cung ứng tốt hơn, nhất là khi mỗi ngày có hàng trăm SKU (Stock-Keeping Unit – Đơn vị lưu kho) mới thêm vào nền tảng.
Ngoài ra khi vận chuyển quốc tế, họ đã tìm cách giảm chi phí vận chuyển để có thể cung cấp sản phẩm với mức giá cạnh tranh nhất. Các cách phổ biến là đẩy mạnh các mặt hàng được miễn thuế, cắt giảm chi phí hải quan và thời gian thông quan.
Tóm lại, DTC là xu hướng mà các thương hiệu thời trang nên cân nhắc. Những lợi ích mà DTC mang lại như đã nêu ở trên sẽ giúp thương hiệu giảm bớt sự phụ thuộc và các rủi ro liên quan đến bên thứ ba không thể kiểm soát được.
Tuy nhiên, việc triển khai mô hình DTC không nhằm thay thế các kênh hiện có, cũng không nên đầu tư quá mức vào mô hình này, mà cần duy trì sự cân bằng giữa các kênh, trong đó DTC đóng vai trò hỗ trợ và bổ sung cho các kênh khác.
Chuyển ngữ: Thanh Mai
Theo Portless