SR Forecast: Thách thức và Cơ hội cho thương hiệu muốn tự chủ – Bài học từ Dsquared2

Ngày đăng: 31/03/25

Thương hiệu đang có ý định tự chủ cần lưu ý điều gì khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn? Và dưới đây là những bài học được rút ra từ trường hợp của Dsquared2.

Mới đây, Dsquared2 – thương hiệu thời trang đình đám Ý vừa gây chấn động ngành công nghiệp tỷ đô khi tuyên bố chấm dứt hợp đồng cấp phép với Staff International – đơn vị sản xuất và phân phối thuộc OTB, công ty mẹ của Diesel. Động thái này đã khiến Staff, đơn vị chịu trách nhiệm cấp phép cho Dsquared2 đến 2027, đệ đơn kiện lên Tòa án Milan nhằm ngăn chặn quyết định đơn phương của cặp anh em song sinh. 

Được thành lập vào năm 1995 bởi hai anh em người Canada Dean và Dan Caten, Dsquared2 vừa kỷ niệm cột mốc 30 năm hoạt động trong ngành thời trang bằng một show diễn hoành tráng tại Tuần lễ thời trang Milan tháng trước. Từ năm 2000, thương hiệu này đã hợp tác với Staff International trong vai trò sản xuất và phân phối, với thỏa thuận cấp phép được gia hạn vào năm 2010 và kéo dài đến năm 2027.

Dean và Dan Caten Dsquared2
(Ảnh: @dsquared2)

Trong một tuyên bố của mình, Dsquared2 khẳng định:

“Chúng tôi quyết định chấm dứt ngay lập tức thỏa thuận cấp phép với Staff International SpA. Điều này đồng nghĩa với việc tập đoàn sẽ trực tiếp kiểm soát quá trình sản xuất và phân phối các bộ sưu tập may sẵn của mình. Quá trình chuyển đổi có hiệu lực ngay lập tức và sẽ bắt đầu với chiến dịch bán hàng trước bộ sưu tập Xuân-Hè 2026”.

dsquared2 tự chủ
(Ảnh: @dsquared2)

Tuy nhiên, thương hiệu không đưa ra lý do cụ thể cũng như cơ sở pháp lý cho quyết định này. Đáp lại, Staff International khẳng định hợp đồng cấp phép vẫn còn hiệu lực và họ sẽ theo đuổi vụ kiện để bảo vệ quyền lợi của mình. Trong tuyên bố chính thức, công ty nêu rõ:

“Staff International tin tưởng rằng thỏa thuận cấp phép vẫn có hiệu lực hoàn toàn và cam kết thực hiện đến khi hết hạn theo đúng thỏa thuận ban đầu. Chúng tôi bác bỏ mọi khả năng chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và khẳng định không có cơ sở pháp lý nào cho hành động này”.

 

dsquared2 tự chủ
(Ảnh: @dsquared2)

Cuộc tranh chấp pháp lý giữa Dsquared2 và Staff International đang thu hút sự quan tâm lớn, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều thương hiệu thời trang cao cấp tìm cách giành lại quyền kiểm soát trực tiếp đối với chuỗi cung ứng và phân phối của mình. Quyết định này mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho Dsquared2 trong hành trình xây dựng một mô hình kinh doanh tự chủ. Cùng Style-Republik dự đoán về những khó khăn cũng như cơ hội mà Dsquared2 sẽ đối diện trong thời gian sắp tới khi chấm dứt hợp đồng cấp phép trước thời hạn với Staff International:

Những khó khăn khi chấm dứt hợp đồng cấp phép

Rủi ro pháp lý và tài chính

Hợp đồng cấp phép với Staff International vẫn còn hiệu lực đến năm 2027, do đó, việc đơn phương chấm dứt có thể kéo theo tranh chấp pháp lý và nghĩa vụ bồi thường. Một vụ kiện có thể khiến thương hiệu mất thời gian, tài chính và ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu trong mắt đối tác và nhà đầu tư.

dsquared2 tự chủ
(Ảnh: @dsquared2)

Áp lực tự vận hành sản xuất và phân phối

Kể từ năm 2000, Staff International đã đảm nhiệm việc sản xuất và phân phối Dsquared2 trên toàn cầu. Khi mất đi sự hỗ trợ từ đối tác lâu năm, thương hiệu sẽ phải xây dựng hoặc hợp tác với một hệ thống mới để đảm bảo sản xuất không bị gián đoạn và chuỗi cung ứng hoạt động trơn tru. Điều này đòi hỏi đầu tư lớn và một quá trình chuyển đổi không hề đơn giản.

dsquared2 tự chủ
(Ảnh: @dsquared2)

Thách thức trong việc duy trì chất lượng và mở rộng thị trường

Staff International là một đơn vị có kinh nghiệm trong việc sản xuất và phân phối các thương hiệu cao cấp, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu. Nếu Dsquared2 không tìm được giải pháp thay thế phù hợp, thương hiệu có thể đối mặt với nguy cơ giảm chất lượng sản phẩm hoặc mất đi thị phần quan trọng.

dsquared2 tự chủ
(Ảnh: @dsquared2)

Cơ hội cho Dsquared2 khi tự chủ

Kiểm soát hoàn toàn thương hiệu và chiến lược kinh doanh

Việc chấm dứt hợp đồng với Staff International giúp Dsquared2 giành lại quyền kiểm soát tuyệt đối đối với sản xuất và phân phối. Điều này giúp thương hiệu linh hoạt hơn trong chiến lược kinh doanh, từ thiết kế sản phẩm, định giá đến mở rộng thị trường.

(Ảnh: @dsquared2)

Tăng lợi nhuận và tối ưu chuỗi cung ứng

Khi không còn bị ràng buộc bởi hợp đồng cấp phép, Dsquared2 có thể tối ưu hóa chi phí sản xuất, thương mại và phân phối, từ đó tăng biên lợi nhuận. Việc kiểm soát trực tiếp chuỗi cung ứng cũng giúp thương hiệu nhanh chóng thích ứng với nhu cầu thị trường và cải thiện hiệu suất hoạt động.

dsquared2 tự chủ
(Ảnh: @dsquared2)

Định vị thương hiệu mạnh mẽ hơn

Một khi tự chủ hoàn toàn, Dsquared2 có thể xây dựng một chiến lược định vị thương hiệu phù hợp hơn với tầm nhìn dài hạn, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Điều này có thể bao gồm việc đẩy mạnh tính bền vững, mở rộng danh mục sản phẩm hoặc hướng đến các thị trường tiềm năng mới.

Tương lai nào đang chờ đón Dsquared2?

Mặc dù việc chấm dứt hợp đồng cấp phép với Staff International đặt ra nhiều thách thức, nhưng đây cũng là một bước ngoặt quan trọng giúp Dsquared2 củng cố vị thế của mình trong ngành thời trang cao cấp. Nếu thương hiệu có chiến lược phù hợp để xử lý những khó khăn ban đầu và tận dụng tối đa cơ hội từ sự tự chủ, thì đây có thể là một bước tiến quan trọng trong hành trình phát triển của Dsquared2.

(Ảnh: @dsquared2)
dsquared2 tự chủ
(Ảnh: @dsquared2)

Ngành thời trang đã chứng kiến nhiều thương hiệu lớn, như Valentino hay Versace, từng thành công khi giành lại quyền kiểm soát sản xuất và phân phối. Liệu Dsquared2 có thể làm được điều tương tự? Câu trả lời sẽ dần hé lộ trong thời gian tới.

Thực hiện: Khánh Hòa