Skincare đều đặn nhưng da ngày càng xấu đi: Bạn có đang dưỡng ẩm quá mức?
Ngày đăng: 31/10/24
Sau đây là các dấu hiệu cho thấy bạn có thể đang “dưỡng ẩm quá tay” và cách điều chỉnh thói quen dưỡng ẩm để đạt được làn da mềm mịn, khỏe mạnh và rạng rỡ.
Dưỡng ẩm luôn được xem là bước tối thiểu phải có cho làn da mềm mịn, căng bóng. Các sản phẩm như serum, toner, và mặt nạ dưỡng ẩm xuất hiện khắp nơi, với thông điệp càng dưỡng ẩm nhiều, làn da sẽ càng rạng rỡ. Tuy nhiên, các chuyên gia da liễu cho biết dưỡng ẩm quá đà có thể làm hỏng sự cân bằng tự nhiên của da, gây ra kích ứng, tắc nghẽn lỗ chân lông, thậm chí dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn như mụn viêm và nhiễm trùng.
Dấu hiệu cho thấy bạn đang dưỡng ẩm nhiều hơn mức cần thiết
Theo các chuyên gia da liễu, dấu hiệu đầu tiên của việc dưỡng ẩm quá mức thường là kích ứng da. Đối với người da sáng, kích ứng có thể thấy rõ qua các vết đỏ; còn trên làn da tối màu, da có thể chuyển sang màu sậm hoặc tím. Cần lưu ý rằng các thành phần chăm sóc mạnh như retinol cũng dễ làm da bị kích ứng. Đặc biệt, những ai có da nhạy cảm hoặc bị chàm có thể cảm nhận tình trạng nặng hơn nếu dùng quá nhiều kem dưỡng, do dưỡng chất dư thừa làm bí tắc lỗ chân lông, gây đọng mồ hôi, dẫn đến ngứa và khó chịu.
Ngoài ra, một số dấu hiệu khác của việc dưỡng ẩm quá mức là da bóng nhờn, cảm giác luôn phải thấm dầu, và mụn li ti quanh mắt. Đặc biệt, thói quen dưỡng ẩm quá đà còn tạo môi trường ẩm ướt, lý tưởng cho nấm men phát triển. Dấu hiệu của nấm trên mặt sẽ dễ nhận biết hơn những vùng khác, chẳng hạn như mụn nấm với các nốt mẩn đỏ, hoặc da bị mẩn đỏ, bong tróc và ngứa.
Tác hại của việc dưỡng ẩm quá nhiều
Khi dưỡng ẩm nhiều hơn mức cần thiết, da không chỉ mất đi sự cân bằng tự nhiên về nước và dầu, mà còn khiến hàng rào bảo vệ của da suy yếu. Từ đó mở đường cho các chất gây kích ứng xâm nhập sâu hơn vào da, dễ gây ra tình trạng da nhạy cảm và viêm nhiễm.
Hơn nữa, một làn da dư ẩm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, đặc biệt là ở các vùng da ẩm ướt như xung quanh mũi và lông mày. Việc dùng quá nhiều sản phẩm dưỡng ẩm hoặc các sản phẩm có thành phần không phù hợp cũng có thể dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông, gây mụn ẩn và mụn bọc – làm da trở nên kém mịn màng và mất đi vẻ tươi sáng tự nhiên.
Nên làm gì khi dưỡng ẩm quá tay?
Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu trên, hãy cân nhắc giảm số lượng sản phẩm dưỡng da. Các chuyên gia khuyên rằng chỉ nên giữ lại một loại kem dưỡng ẩm cơ bản và kem chống nắng, giúp làn da có thời gian cân bằng và tự phục hồi.
Trong thời gian này, tránh sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm mạnh hoặc có nhiều thành phần phức tạp để giảm thiểu nguy cơ kích ứng thêm. Việc quay về với quy trình chăm sóc da đơn giản trong vài ngày đến một tuần sẽ giúp bạn đánh giá nhu cầu thực sự của da, từ đó xây dựng một thói quen dưỡng ẩm phù hợp và hiệu quả hơn.
Gợi ý thói quen dưỡng ẩm phù hợp với từng loại da
Da khô: Hãy thoải mái kết hợp nhiều sản phẩm dưỡng ẩm trong chu trình chăm sóc da, đặc biệt nếu bạn sống ở môi trường lạnh và hanh khô. Việc bổ sung độ ẩm qua nhiều bước, từ toner, serum đến kem dưỡng, là cách hiệu quả để chống lại tình trạng mất nước của da.
Tuy nhiên, nếu xuất hiện các dấu hiệu như da quá nhờn, nổi mụn, hoặc kích ứng – những biểu hiện cho thấy bạn có thể đang dưỡng ẩm quá đà – hãy cân nhắc loại bỏ bớt một vài sản phẩm hoặc giảm tần suất sử dụng (chẳng hạn chỉ dùng vài lần mỗi tuần). Điều này giúp da có thời gian cân bằng lại lượng ẩm tự nhiên, tránh tình trạng “bội thực” dưỡng chất, đồng thời vẫn duy trì được sự mềm mại, mịn màng của da.
Lượng kem dưỡng bạn dùng cũng rất quan trọng. Cần bao nhiêu phụ thuộc vào độ thẩm thấu của sản phẩm, nhưng bạn nên bắt đầu với một lượng nhỏ như hạt bắp. Nếu sau khi thoa mà da vẫn căng và khô, bạn có thể bổ sung thêm để đạt đủ độ ẩm.
Về thành phần, nên chọn các loại dưỡng có ceramides để củng cố hàng rào bảo vệ da. Nếu da không dễ lên mụn, hãy cân nhắc thêm các thành phần khóa ẩm như lanolin để tạo lớp màng trên bề mặt da, đặc biệt hữu ích cho các vùng da hay khô như quanh mắt và môi.
Da dầu: Không cần phải dùng nhiều sản phẩm dưỡng ẩm cùng lúc. Chỉ cần sử dụng gel dưỡng ẩm gốc nước mỗi ngày một lần; nếu da cảm thấy khô, bạn có thể tăng lên hai lần mỗi ngày. Hãy chọn các sản phẩm có chứa thành phần hút ẩm như axit hyaluronic và glycerin. Các chất này giúp hút và giữ nước cho da nhưng nhẹ hơn và ít gây bít lỗ chân lông so với các loại dầu hay bơ dưỡng, giúp duy trì độ ẩm mà không làm da bị bí rít hay sinh mụn.
Da hỗn hợp: Chu trình dưỡng ẩm sẽ khó khăn hơn vì một số vùng trên khuôn mặt có thể khô, trong khi những vùng khác lại nhờn. Do vậy, bạn nên sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm nhẹ nhàng cho những vùng da nhờn như vùng chữ T và chọn các sản phẩm dày hơn, giàu dưỡng chất cho những vùng khô như má.
Ngoài ra, hãy lưu ý đến khí hậu và các mùa trong năm. Ngay cả những người có làn da nhờn cũng cần tăng cường độ ẩm vào mùa đông, trong khi những người có làn da khô có thể giảm bớt sản phẩm dưỡng ẩm vào mùa hè. Hãy làm quen từ từ với sản phẩm để nhận biết làn da thực sự cần bao nhiêu độ ẩm. Tốt hơn hết là nên ít một chút và tăng dần khi cần, thay vì ngay lập tức sử dụng quá nhiều và có thể dẫn đến tình trạng da bít tắc.
Trên thực tế, không có một quy trình dưỡng ẩm nào là hoàn hảo cho tất cả mọi người. Như Dr. Idriss đã chỉ ra: “Dưỡng ẩm đúng cách thực sự là sự cân bằng và nhất quán.” Dù lời khuyên này nghe có vẻ đơn giản, nhưng nếu áp dụng một cách hợp lý sẽ mang đến làn da khỏe mạnh và rạng rỡ hơn rất nhiều đấy!
Chuyển ngữ: Thanh Mai
Theo SELF Magazine