Các show diễn thời trang có còn nhất thiết phải trình diễn theo mùa? 

Ngày đăng: 25/04/24

Giờ đây quy tắc trình diễn “thời trang theo mùa”, điều diễn ra liên tục từ năm này qua năm khác của ngành công nghiệp thời trang có còn cần thiết phải duy trì? 

Vào năm 2019, thương hiệu xa xỉ của Pháp Saint Laurent đã từ chối tham gia tuần lễ thời trang nam Paris thay vào đó thương hiệu trình diễn bộ sưu tập Menswear Xuân-Hè 2019 tại New York và Malibu. Mặc dù, điều này bị ảnh hưởng do đại dịch, nhưng đồng thời cũng khiến giới thời trang nhận ra một điều, các show diễn thời trang không thiết phải tuân theo lịch trình cố định như nó đã từng, mà còn có thể tùy chỉnh, theo chiến lược và mục đích của từng thương hiệu.  

Các mùa thời trang thường có Xuân, Hạ, Thu, Đông mỗi năm. Trong thời trang sẽ có hai mùa chính Xuân/Hè (Spring/Summer), Fall/Winter (Thu/Đông) – những mùa Ready-to-wear được diễn tại các tuần lễ thời trang lớn Milan, Paris, London, New York. Thêm vào đó, ở mỗi nhà mốt sẽ có lịch bổ sung riêng gồm các BST Resort/Cruise, Pre-Fall, Pre-Spring,…. Các mùa thời trang thúc đẩy guồng quay của ngành công nghiệp này, đặt nặng áp lực lên đôi vai của các nhà sáng tạo lẫn đội ngũ sản xuất. Trừ ông hoàng thời trang Karl Lagerfeld – người say mê làm việc trong suốt cả cuộc đời mình, người sẵn sàng cho ra mắt trung bình 14 bộ sưu tập mới mỗi năm, thì với các nhà mốt sự căng thẳng vẫn duy trì từ năm này qua năm khác.  

Thời trang theo mùa có còn cần thiết nữa không? Điểm cuối của câu trả lời tuỳ thuộc vào hiệu quả mà nó mang lại. Nhiều tiêu dùng có thể cho rằng một năm đã bị lấp đầy bởi quá nhiều mùa (dẫn đến lượng hàng tồn kho trong thời kỳ suy thoái kinh tế), trong khi số khác cho rằng thời gian của các mùa đã bị biến đổi do nhu cầu của các nhà phân phối, không còn phù hợp với thế giới thực. 

Quay trở lại lịch sử hình thành của ngành thời trang, các mùa thời trang ban đầu được hình thành dựa theo các kiểu thời tiết châu Âu. Các thương hiệu thường ra mắt các bộ sưu tập trước nửa năm, tức là quần áo mùa Thu Đông được ra mắt vào mùa Xuân Hè trước đó, và mùa Xuân Hè trình diễn trang phục Thu Đông để thuận tiện cho việc các nhà mốt giới thiệu thiết kế trước cho khách hàng, buyer… kịp cho một quy trình sản xuất và vận chuyển đến điểm cuối là đến tay khách hàng vào đúng thời điểm cần thiết. 

Nhưng đối tượng khách hàng tiêu thụ hàng hóa xa xỉ giờ đây lan tỏa khắp toàn cầu, mà mỗi vùng đất là một loại hình thời tiết. Có những nơi lạnh giá và những vùng nắng nóng quanh năm. Một quy trình của vài chục năm trước giờ đây liệu có còn cần thiết, khi khách hàng mỗi khu vực có một kiểu khí hậu và thời tiết khác nhau? Người tiêu dùng hàng hóa cao cấp họ có thể đi bất kỳ đâu với những chuyến bay hoặc thậm chí chuyên cơ riêng. Các công dân ở Châu Âu có thể đi đến bãi biển bất kỳ lúc nào, kể cả tháng Tám hay Giáng Sinh, người dân tại Singapore có thể diện áo lông nhiều lớp tại một vùng tuyết phủ của Thụy Sĩ. 

Các nhà mốt cũng dần nhận ra điều này, nên thay vì cố định cứng nhắc theo lịch trình, họ đã thúc đẩy sự sáng tạo và tùy chỉnh chiến lược theo địa phương hóa. Louis Vuitton, Dior, Fendi,… liên tục ra mắt các bộ sưu tập giới hạn, kết hợp cùng các thương hiệu, nghệ sĩ khác quanh năm. Không nhất thiết phải cố định thời gian ra mắt, bộ sưu tập có thể lên kệ ngay sau đó tuỳ từng thành phố, quốc gia. 

Cố hữu, việc các thương hiệu có thể quy tụ trong các tuần lễ thời trang vẫn mang lại nhiều lợi ích. Khi nhiều thương hiệu quy tụ lại trong một sân chơi, có thể tăng cường hiệu quả truyền thông cho thương hiệu, tiết kiệm chi phí hơn khi tự tổ chức show riêng lẻ. Tuy nhiên, điều cần thiết là cần giải phóng sự sáng tạo của thời trang ra khỏi các điều kiện thời tiết, bởi đối tượng mục tiêu hàng đầu mà show diễn hướng đến vẫn là người tiêu dùng. 

Thực hiện: K.