Các xưởng sản xuất thủ công ở Ý sẽ đi về đâu sau Covid-19?
Ngày đăng: 07/07/20
Với hàng đống túi xách và quần áo xa xỉ đóng bụi trong xưởng, các nghệ nhân người Ý đang lo sợ cho tương lai của họ, khi các thương hiệu lớn đang cắt giảm đơn hàng, và, trong một số trường hợp, còn yêu cầu giảm giá hoặc thanh toán chậm.
Ý là quốc gia đóng góp khoảng 40% sản lượng hàng xa xỉ toàn cầu và cũng là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. Nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh giữa khủng hoảng. Một số nghệ nhân cho biết họ không có đơn đặt hàng nào mới từ mùa hè năm nay.
Theo Reuters, các nhà cung cấp nguyên vật liệu cho tập đoàn thời trang Đức Hugo Boss và công ty Max Mara của Ý đã nhận được email từ hồi tháng 5 về việc đề nghị giảm giá cho các đơn hàng với tỉ lệ lần lượt 8% và 7%. Điều này cho thấy một số thương hiệu xa xỉ tầm trung đang cố gắng bảo vệ lợi nhuận của họ, bù cho thất thu doanh số trong thời gian lockdown vừa qua.
Hugo Boss cho biết trong một tuyên bố qua email rằng họ có “mối quan hệ lâu dài và thân thiết” với các nhà cung cấp và “đang cùng hợp tác để tìm giải pháp cho tình trạng hiện tại”. Họ cũng nói thêm: “Chúng tôi đang thảo luận với các nhà cung cấp để xem họ có thể hỗ trợ như thế nào. Tuy nhiên Tập đoàn chưa có chính nào liên quan đến mức chiết khấu cụ thể.” Phát ngôn viên của Max Mara thì từ chối bình luận.
Reuters đã có cuộc trao đổi với các nghệ nhân Ý chuyên cung cấp hàng hóa cho các thương hiệu xa xỉ hàng đầu và biết rằng các đơn hàng bị cắt giảm từ 20% đến 50% trong tháng 5 và tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Hugo Boss cũng đã yêu cầu hoãn thanh toán từ 10 ngày sau khi giao hàng trong điều kiện bình thường thành 120 ngày ở thời điểm hiện tại.
“Chúng tôi muốn tận dụng các điều khoản thanh toán như bây giờ, giữ mức chiết khấu hiện tại cho thời hạn 120 ngày. Điều này có trong ngữ cảnh được đề cập của ‘Chương trình Tài chính Nhà cung cấp’. Đây là chương trình cho phép các nhà cung cấp chuyển đổi các khoản phải thu thành tiền mặt một cách nhanh chóng và tiết kiệm chi phí”, Hugo Boss tuyên bố.
Việc cắt giảm sản lượng sản xuất và đàm phán giá đang đe dọa sự sống còn của hàng ngàn xưởng thủ công thuộc da, may túi xách, giày và vải dệt vừa và nhỏ ở Ý. David Rulli, Giám đốc thời trang tại Confindustria, Florence, cho biết: “Nếu mọi thứ không trở lại bình thường trong vài tháng tới, thì từ tháng 9 trở đi, tình hình sẽ trở nên vô cùng tồi tệ và nhiều nhà cung cấp xa xỉ, đặc biệt là các nhà cung cấp nhỏ, sẽ phá sản.”
Các thương hiệu xa xỉ đã đóng cửa nhiều cửa hàng và các cơ sở sản xuất nhàn rỗi khi Covid-19 lần đầu xuất hiện ở Trung Quốc, thị trường quan trọng của ngành xa xỉ toàn cầu, và sau đó là phần còn lại của thế giới.
Các nền kinh tế lớn đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, do đó nhu cầu về quần áo và phụ kiện cao cấp dự kiến sẽ giảm đến 35% trong năm 2020 và có thể phải đợi đến năm 2022-23 thì doanh thu xa xỉ phẩm mới có thể trở về mức ước tính năm 2019 là 280 tỷ EUR (tương đương 314 tỷ USD), theo Bain & Company. Các nhãn hàng lớn đang phải vật lộn với hàng đống hàng tồn kho và viễn cảnh giảm giá trên diện rộng. Gucci áp dụng chiến lược tăng giá một số sản phẩm với hy vọng tạo ấn tượng và giữ chân giới thượng lưu. Trong khi đó, một số nhà mốt khác như Michael Kors hay thậm chí Gucci đều đang hủy hoặc trì hoãn ra mắt các bộ sưu tập mới với lý do thời trang xa xỉ nên ngừng bắt chước chu kỳ bận rộn của thời trang nhanh.
“Chúng tôi có đủ đơn hàng để tiếp tục vận hành đến hết tháng 7, nhưng tôi rất lo lắng về nửa sau của năm nay mà đối với chúng tôi là rất quan trọng”, Filippo Baldazzi, CEO nhà sản xuất lụa Serica 1870 cho Brunello Cucinelli, Kering và đối thủ LVMH cho biết. “Hàng năm, vào thời điểm này, tôi sẽ đang bận rộn tìm kiếm vải cho các bộ sưu tập thu đông năm sau của hãng, nhưng hiện tại chẳng ai có tâm trí nghĩ về điều đó. Hơn nữa, tôi không thể giới thiệu vải qua video được. Họ phải đến và chạm tay vào nó.”
Hai khách hàng ở Mỹ của ông vừa hủy đơn đặt hàng vì không thể thanh toán; những người còn lại thì đang đề nghị tạm hoãn.
Mặc dù việc linh hoạt thay đổi mục tiêu lợi nhuận và sản xuất để thích ứng với tình hình thị trường của các thương hiệu xa xỉ là cần thiết, tuy nhiên việc cắt giảm chi phí hoặc trì hoãn thanh toán kéo dài có thể đe dọa đến sự tồn tại các nhà sản xuất hay xưởng thủ công truyền thống mà những thương hiệu lớn không thể để mất.
Chính phủ Ý đã chi hơn 20 tỷ EUR (22,5 tỷ USD) để tài trợ cho việc thất nghiệp tạm thời và khoản tiền này phải đảm bảo đến được tay những người cần, đặc biệt là những doanh nghiệp, xưởng sản xuất vừa và nhỏ.
Dior, một trong những nhãn hiệu lớn nhất của tập đoàn LVMH, cũng nhận ra sự cần thiết của việc hỗ trợ các nhà cung cấp, trong cam kết tiếp tục các chương trình trình diễn thời trang của năm 2020.
Chanel đã thu hẹp các đơn đặt hàng để duy trì mức độ hoạt động tối thiểu với các nhà cung cấp ở Pháp và Ý để đảm bảo họ không phá sản vì đây là hai trung tâm sản xuất thủ công cao cấp và lành nghề nhất thế giới.
Chỉ riêng ở Ý đã có khoảng 400.000 thợ thủ công lành nghề đang đứng trước nguy cơ mất việc. Các hãng thời trang lớn cần phải thắt chặt mối quan hệ với họ nói riêng và chuỗi cung ứng nói chung để đảm bảo các kỹ năng sản xuất lành nghề tạo nên giá trị sản phẩm không bị biến mất.
Ông Baldazzi chia sẻ: “Sự sang trọng thực sự nằm ở tiểu tiết. Tôi tin rằng các tập đoàn, các nhóm thương hiệu cả trong và ngoài nước Ý đều biết rằng một khi các nghệ nhân phải ngừng hoạt động, thì sự tinh tế và sang trọng của thương hiệu cũng sẽ dừng lại cùng với họ.”
Thực hiện: Stephanie Nguyen