Cách các thương hiệu denim trên thế giới cam kết với thời trang bền vững

Ngày đăng: 19/05/24

Để những chiếc quần jeans trở nên bền vững hơn, ngoài một phom dáng vượt thời gian, những thương hiệu denim trên thế giới đã thực thi nhiều biện pháp, nâng cao quy trình sản xuất nhằm thể hiện trách nhiệm với môi trường ô nhiễm. 

Với tư cách là một denim editor cho tạp chí ELLE USA, Madison Rexroat nhận được hàng loạt chiến dịch quảng cáo, thông cáo báo chí về các bộ sưu tập mới, về những màn hợp tác từ các thương hiệu denim. Trong số đó, thông tin cô nhận được hầu hết là các sáng kiến ​​bền vững đầy độc đáo. Madison RexRoat tự hỏi rằng làm thế nào mà ngành công nghiệp denim lại trở thành một trong những ngành đi đầu trong việc thực hiện trách nhiệm với môi trường khi nói đến dòng quần áo may sẵn? Đó mãi là câu hỏi không có câu trả lời cho đến khi cô ấy có cơ hội trò chuyện với Citizens of Humanity, một thương hiệu đã khai sáng cho cô về các phương pháp sản xuất bông tái chế của mình. 

Tính bền vững đã là chủ đề được bàn luận trong địa hạt thời trang trong nhiều năm nay, thậm chí còn là nhiều thập kỷ trước đây. Là một trong những ngành công nghiệp gây thiệt hại nặng nề nhất cho môi trường, thời trang và mua sắm về bản chất là các hành động không bền vững. Beth Esponnette, người đồng sáng lập và giám đốc sáng tạo của unspun, một công ty công nghệ may mặc chuyên về zero-waste production, cho biết: “Rác thải là một vấn đề lớn. Mỗi năm ngành công nghiệp thời trang thải ra môi trường hơn 97 triệu tấn rác thải, bao gồm rác thải từ hàng dệt may, hóa chất cũng như vật liệu đóng gói.”

Việc sản xuất, phân phối quần áo, tiêu dùng quá mức và cả kỷ nguyên thống lĩnh bởi xu hướng đều là những vấn đề “tiếp tay” biến thời trang trở thành một “kẻ tàn nhẫn” với thời trang. Trước bối cảnh ô nhiễm đáng báo động, chỉ có một số thương hiệu đình đám như Stella McCartney và Gabriela Hearst, đã và đang đưa các giải pháp thân thiện, đề cao tính bền vững cho hoạt động kinh doanh thời trang của mình. Bên cạnh đó còn có thương hiệu dễ tiếp cận hơn, chẳng hạn như Everlane, Anthropologie hoặc Reformation, cũng tiến hành thực thi các biện pháp giảm thiểu chất thải cũng như hạn chế tác động đến môi trường. 

Tệ hơn nữa, một số thương hiệu lại nghiêng về greenwashing, chỉ giả vờ xem quan tâm và coi trọng các sáng kiến ​​bền vững nhưng thực ra chỉ làm điều đó vì mục đích tiếp thị hơn là “bắt tay vào việc”, thực hiện những chiếc dịch hữu ích. Chẳng hạn như cho ra mắt các bộ sưu tập capsule bền vững. “Đó là một khởi đầu đẹp,” Sarah Ahmed, người sáng lập và Giám đốc điều hành của DL1961, chia sẻ “nhưng để có một cái kết tốt đẹp hơn chúng ta nên thực hiện các cam kết về toàn bộ chu trình kinh doanh bền vững hơn, hoặc ít nhất là bắt đầu một kế hoạch để đạt được điều đó theo thời gian.” Sarah nói tiếp: “Chúng tôi khuyến khích người tiêu dùng nhận thức được điều này và thúc đẩy các thương hiệu làm tốt hơn và suy nghĩ lớn hơn”. Beth Esponnette tiếp lời: “Ban đầu thật thú vị khi cho ra mắt các bộ sưu tập capsule bền vững, nhưng giờ đây các thương hiệu và công ty thời trang phải tiến xa hơn, “tăng tuổi thọ” cho những bộ sưu tập chỉ dùng một lần. Sản xuất bền vững phải là tiêu chuẩn được ưu tiên hàng đầu của tương lai thời trang.”

Có các thương hiệu đã phải trải qua một khoảng thời gian gian nan, đi một chặng đường dài để tạo ra những thiết kế chất lượng, có tính thẩm mỹ, hợp thời, có tính ứng dụng cao và vẫn đảm bảo được tính bền vững. Nhưng có lẽ những món đồ denim luôn là các sáng kiến nổi bật trong địa hạt thời trang bền vững. Nói không ngoa, denim đem đến một vùng đất sáng tạo không giới hạn. Nó có thể tuân theo các dấu ấn thời trang truyền thống, gắn liền với nhịp đập của xu hướng mới, xuất hiện trong bộ sưu tập theo mùa, trở thành một thiết kế chủ đạo hoặc chỉ là sản phẩm mồi của thương hiệu. Những chiếc quần jeans có thể là những món đồ xa xỉ và cũng có thể là bình dân, quen thuộc nhất. Dù sao đi nữa, chúng được thiết kế để mặc thường xuyên như những món đồ chủ yếu thay vì một hoặc hai lần một tháng. Đặc biệt, dù phom dáng của quần jeans luôn được giữ nguyên hoặc không có thay đổi nhiều qua nhiều kỷ nguyên của thời trang, nhưng chúng chưa từng xem là lỗi thời trên vòng quay xu hướng. Và đây có thể là lý do chính khiến các thương hiệu denim có thể thử nghiệm các phương pháp thân thiện với môi trường hơn, cải tiến các quy trình sản xuất thậm chí phân phối sản phẩm. 

Giai đoạn “gieo hạt, ươm mầm”

Tuy nhiên, trên thực tế, denim là một trong những mặt hàng thời trang gây ra nhiều vấn đề tồi tệ nhất cho môi trường. Để làm ra một chiếc quần jeans, trước tiên người ta phải trồng bông (cotton). Công đoạn gieo mầm này chiếm đoạt một diện tích đất đáng kể, làm cạn kiệt các chất dinh dưỡng quan trọng trong đất và tạo điều kiện cho việc sử dụng các hóa chất gây hại.

Amy Williams, Giám đốc điều hành của Humanity Group, nơi sản xuất các bộ sưu tập của Agolde và Citizens of Humanity, cho biết: “Việc trồng bông cotton thông thường sử dụng nhiều thuốc trừ sâu và phân bón, không chỉ gây hại cho môi trường mà còn cho những người sử dụng và cả người trồng. Mặc dù việc chuyển sang sử dụng bông cotton hữu cơ có thể hạn chế việc sử dụng hóa chất, nhưng nó không giải quyết được các vấn đề rộng hơn như suy thoái chất lượng đất và giảm thiểu thất thoát carbon từ hoạt động cày xới”. Từ bên ngoài nhìn vào, đó là một gánh nặng lớn, cả về vật chất và tài chính đối với các vùng đất nông nghiệp trên khắp thế giới. Những vùng đất nông nghiệp lại đóng vai trò rất quan trọng trong thời trang. 

So với các mặt hàng quần áo ready-to-wear khác, thiệt hại với môi trường từ denim nằm ở phần đầu của quá trình sản xuất. Điều đó có nghĩa là có nhiều cách hơn để giải quyết vấn đề. Bởi vì hầu hết các sản phẩm denim được làm từ cotton chứ không phải sợi pha trộn nên chúng có thể tái sử dụng và tái chế nhiều hơn, thậm chí chúng còn có thể tái tạo. Trang web DL1961 cho biết: “Tất cả bông cotton mà chúng tôi cung cấp đều được sản xuất có trách nhiệm và đáp ứng ít nhất một trong bốn chứng nhận quốc tế về chất lượng và tác động. Ngoài loại Recover™ cotton tái chế, chúng tôi còn sử dụng bông đã được Better Cotton Initiative (BCI) và Cotton USA™ chứng nhận. Điều này giúp chúng tôi dễ dàng truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng để đảm bảo bông sử dụng đáp ứng các tiêu chuẩn xã hội, đạo đức và môi trường nhằm bảo vệ và thúc đẩy sinh kế của cộng đồng trồng bông cotton.” (Đối với những người chưa quen, Recover™ là một trong nhiều công ty công nghệ thúc đẩy vòng tuần hoàn trong thời trang bằng cách tận dụng các sợi đã qua sử dụng và tạo ra vật liệu mới từ chúng.)

Tư duy tái chế sợi này được phát triển thêm một bước nữa với ngành canh tác tái tạo. Amy Williams cho biết: “Nông nghiệp tái tạo có thể đảo ngược tác động của biến đổi khí hậu đồng thời tăng độ phì nhiêu của đất và cải thiện sức khỏe con người. Ngoài ra, nó còn làm giảm lượng khí carbon dioxide trong khí quyển và phát triển chất hữu cơ trong đất bằng cách cô lập carbon thông qua việc tăng cường quá trình quang hợp.” Nói một cách đơn giản, đó là cách nông dân có thể bồi bổ đất đai của mình trong khi vẫn tạo ra sản phẩm có lãi. Chẳng hạn như luân canh cây trồng, thực hành chiến lược về nước và đa dạng sinh học.

Theo tổ chức Advancing Eco Agriculture (AEA) dựa trên dữ liệu, hiệu suất và năng suất cây trồng có thể bị giảm do quá trình chuyển đổi từ phương pháp truyền thống sang phương pháp tái tạo trong thời gian ngắn, nhưng vẫn có thể được tối đa hóa mà không cần thuốc trừ sâu, phân bón và các biện pháp canh tác cạn kiệt khác.

Chương trình “Regenerative Cotton” của Humanity Group hợp tác với AEA là “kẻ dẫn đầu” ngành trong loại sáng kiến này, giúp nông dân ở các công ty sản xuất vải denim của Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ, chuyển đổi sang nông nghiệp tái tạo bằng cách cung cấp các nguồn lực tài chính, công nghệ và giáo dục để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các biện pháp canh tác tái tạo sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp và đất đai của họ, đồng thời giảm lượng khí thải carbon tổng thể của các sản phẩm mà họ tạo ra.

Công đoạn wash trong công nghiệp may mặc

Theo truyền thống, sau khi thu hoạch nguyên liệu thô, các hóa chất độc hại và thuốc nhuộm màu chàm gốc dầu mỏ được sử dụng để tạo màu cho quần jean, sau đó bước vào công đoạn giặt “wash”. Qúa trình này thường sử dụng một lượng nước khổng lồ (tiêu chuẩn trong ngành là 1500 gallon), để có được độ mềm, texture như ý cũng như độ bền của vải denim. Các thương hiệu như DL1961 sở hữu toàn bộ quy trình sản xuất riêng, ưu tiên tính minh bạch của chuỗi cung ứng với các cơ sở có cùng quan điểm, giúp họ có thể thực hiện các chiến lược đề cao tính bền vững trong thời trang và thực sự hiểu rõ chúng. Ahmed cho biết: “Trong suốt quá trình sản xuất, DL1961 tiến hành kiểm tra và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt để đảm bảo độ bền, sự thoải mái và độ vừa vặn cho quần jean. Chúng tôi giám sát nước, năng lượng và các tài nguyên khác để đảm bảo mỗi phần đều đáp ứng các tiêu chuẩn của chúng tôi về tính bền vững và đảm bảo sự hiệu quả.”

DL1961 sử dụng phần mềm Environmental Impact Measurement (EIM) của Jeanologia, đây là phần mềm mà các thương hiệu có thể sử dụng để dễ dàng giám sát và hiểu cách các quy trình đang hoạt động cũng như những chỗ cần cải thiện. Ahmed cho biết: “Chúng tôi xử lý và tái chế 98% lượng nước chúng tôi sử dụng, tương đương với 2700 gallon mỗi ngày. Sau khi được sử dụng trong quá trình sản xuất, nước được dẫn vào nhà máy xử lý nước của chúng tôi, nơi sẽ có một loại vi khuẩn đặc biệt “ăn” hay tiêu diệt thuốc nhuộm màu chàm để lọc sạch nước, để nguồn nước có thể an toàn mà quay trở lại cống thoát nước của thành phố. Để giảm thiểu tối đa việc sử dụng các hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất và xử lý vải denim, chúng tôi sử dụng quy trình không dùng nước và tái chế chất thải sau tiêu dùng để tạo ra bông cotton có chất lượng cao, cũng như tạo ra các sản phẩm hoàn thiện mang cảm hứng cổ điển tốt hơn cho môi trường.”

Tại Humanity Group, máy giặt và nhuộm hiệu suất cao giúp giảm lượng nước và hóa chất sử dụng tới 50%, trong khi quy trình giặt bằng ozone kết hợp oxy và điện để vệ sinh sản phẩm, tiêu thụ ít nước hơn 60% so với hệ thống giặt truyền thống và hòa tan sau khi sử dụng. Công nghệ laser có thể được sử dụng để tạo ra các hiệu ứng distressed trên bề mặt chất liệu, trong khi Eco-Stones (được làm từ vật liệu tổng hợp, có thể tái chế) giúp giảm bụi và chất thải có thể gây hại cho công nhân nhà máy. Các enzyme tự nhiên được sử dụng để đạt được hiệu ứng distressed chân thực, tinh tế và các chất làm mềm, silicon và chất trung hòa được chứng nhận xanh giúp tạo nên kết cấu hoàn hảo cho một chiếc quần jean đồng thời giảm việc sử dụng các hóa chất độc hại. 

Humanity Group cũng sử dụng các công nghệ nhuộm chàm như KITOTEX® và INDIGO JUICE® để tiết kiệm 15% nước, 33% hóa chất và 25% năng lượng so với các phương pháp nhuộm thông thường. KITOTEX® là chất thay thế tự nhiên cho rượu polyvinyl gốc xăng (PVA), thường được sử dụng làm chất hồ cho vải denim. Bạn có thể đã nghe nói về vi nhựa, đó chính là PVA. Công nghệ này sử dụng chitosan, một loại polymer sinh học được làm từ các vật liệu như côn trùng, động vật giáp xác, tảo và nấm, khiến nó có khả năng phân hủy sinh học sau khi sử dụng. Mặt khác, INDIGO JUICE® có thể giữ màu thuốc nhuộm trên bề mặt quần áo bền hơn trong quá trình giặt, giúp công đoạn giặt và tạo hiệu ứng phai màu hiệu quả hơn trong khi sử dụng ít nước hơn.

Trong khi giải pháp của một số thương hiệu chỉ dừng lại trên bề mặt quần jeans thì Etica Denim lại đi sâu hơn. Agustin Ramirez, chủ sở hữu thương hiệu chia sẻ: “Chúng tôi có bằng sáng chế đang chờ công nhận về công nghệ InCloud® – tận dụng công nghệ nano để xử lý vải và sợi ở cấp độ phân tử. Công nghệ đột phá này giúp giảm đáng kể lượng nước tiêu thụ trên mỗi chiếc quần jeans, từ mức trung bình của ngành là 200-300 lít xuống chỉ còn 1 đến 3 lít. Hơn nữa, quy trình của chúng tôi tiêu thụ ít nước hơn 90% và năng lượng ít hơn 70% so với tiêu chuẩn của ngành.”

Những phương pháp như thế này đòi hỏi nguồn lực và kiến thức được đào tạo có bài bản, đây là một phần đầu tư của những thương hiệu này. Không phải mọi thương hiệu đều có đủ khả năng đầu tư ở quy mô này như Etica Denim, hoặc có thể họ thấy chúng không xứng đáng với lợi nhuận ròng. Nhưng khi các công ty phát triển nhiều công nghệ được cấp bằng sáng chế hỗ trợ các thương hiệu nhỏ hơn, thì chắc chắn sẽ không có lý do nào để các thương hiệu từ chối nâng cấp quá trình sản xuất của mình sao cho bền vững, thân thiện hơn với môi trường. 

Dệt may trong nền văn hóa bền vững

Một số thương hiệu có toàn bộ các bộ phận chuyên trách làm cho công ty trở nên thân thiện hơn với trái đất, trong khi những thương hiệu khác lại coi tính bền vững đã ăn sâu vào hoạt động kinh doanh. Ở khía cạnh đó, thương hiệu phải đầu tư nhiều hơn nữa, lần này là ở con người, đặc biệt là nhân lực. Luke Henning, giám đốc kinh doanh của Circ, một công ty được hỗ trợ công nghệ cũng như các kỹ thuật khoa học có trách nhiệm với quá trình sản xuất sợi, cho biết: “Chỉ số thành công lớn nhất là liệu một công ty có coi tính bền vững là động lực chính cho giá trị tương lai với sự giám sát và tài trợ trực tiếp từ C Suite hay không. Nếu không có sự hỗ trợ đó, ngay cả với các nhóm phát triển bền vững và đổi mới, các dự án sẽ chỉ dừng lại ở bước thử nghiệm có quy mô nhỏ.”

Đối với các công ty và giám đốc điều hành, những người có thể không hiểu được tất cả khía cạnh của thực tế, mang nặng tính nghiên cứu này của ngành thời trang. Esponnette cho biết: “Thông qua mối quan hệ hợp tác với các thương hiệu khác nhau, chúng tôi rất vui và hân hạnh khi được hỗ trợ các hoạt động tái chế sợi mới trong công việc của mình. Do hầu hết các cơ cấu hiện tại của các công ty đều được xây dựng dựa trên lợi nhuận của cổ đông, nên các nhóm phát triển bền vững và những người ủng hộ cần học cách phát biểu và trình bày trường hợp kinh doanh trước tiên, sau đó mới đến lợi ích bền vững.”

Vậy, với tư cách là người tiêu dùng, chúng ta có thể học được gì từ tất cả những nghiên cứu và khoa học mà các thương hiệu này đang thúc đẩy? Williams nói: “Giáo dục là nền tảng cho mọi thứ. Hiểu được các yếu tố có thể tác động đến môi trường và những yếu tố đó là gì là điều quan trọng.” Không thể phủ nhận rằng ngày nay chúng ta có thể dễ dàng biết được hoặc sở hữu được chiếc quần jeans mà mình yêu thích. Chỉ bằng vài giây gõ trên thanh tìm kiếm Google hay trên hàng loạt nền tảng mua sắm khác bạn đã có thể thấy được nhiều kiểu dáng yêu thích của bạn, với nhiều mức khác nhau hoặc từ nhiều thương hiệu, nhà thiết kế thú vị. Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng có ý thức hơn thì càng tuyệt vời hơn. Ngoài kiểu dáng, màu sắc hay giá cả, khi mua sắm một chiếc quần jeans lý tưởng chúng ta còn nên tìm hiểu và biết được quá trình sản xuất ra nó. Nhận thức và hành vi mua sắm của chúng ta góp phần quan trọng trong sự phát triển của tương lai thời trang bền vững. Từ việc biết được quá trình sản xuất denim có hại như thế nào với môi trường, người tiêu dùng sẽ nghiêm khắc hơn trong việc mua một chiếc quần jeans mới; từ việc hiểu được các công cuộc cải cách thân thiện của các thương hiệu denim, khách hàng cũng có thể ủng hộ họ, tiếp theo động lực để họ thêm phát triển. 

Thực hiện Dory

Theo ELLE USA