Cannes 2025: “Chỉ những kẻ dũng cảm mới nên làm phim”
Ngày đăng: 25/05/25
Ngày 24/5, Liên hoan phim Cannes lần thứ 78 chính thức bế mạc. Cành cọ Vàng danh giá đã được trao cho cái tên đặc biệt: đạo diễn Iran Jafar Panahi với bộ phim It Was Just an Accident.
Suốt gần 8 thập kỷ, Cannes luôn là tâm điểm của những cuộc tranh luận, không chỉ vì tính nghệ thuật táo bạo mà còn bởi nhiều tác phẩm từng đoạt giải đi ngược thị hiếu số đông, thậm chí bị xem là trái luân thường đạo lý. Dẫu gây tranh cãi, không thể phủ nhận rằng những cái tên bước ra từ Cannes đều để lại dấu ấn khó quên, dù trở thành kinh điển hay chỉ là chủ đề tranh luận.
Điều làm nên uy tín hàng đầu của Cannes chính là tôn vinh những tác phẩm mang dấu ấn cá nhân, dám khai thác chủ đề nhạy cảm, phơi bày sự thật không phải ai cũng dám nói. Không chạy theo thương mại, Cannes đề cao giá trị nghệ thuật, ý tưởng và ngôn ngữ điện ảnh, là không gian phát hiện và công nhận nhân tài (là bệ phóng cho các đạo diễn tài năng như Quentin Tarantino, Jane Campion hay Bong Joon-ho).
“Tôi trân trọng cách Cannes nhìn nhận rằng điện ảnh có thể mở ra những cuộc đối thoại xã hội rộng lớn hơn” – Cate Blanchett, Đại sứ và nhà hoạt động tại Cannes 2025 chia sẻ.

Với tính toàn cầu ngày càng rõ nét, Cannes 2025 ghi nhận sự hiện diện mạnh mẽ của đa tiếng nói đến từ Trung Đông, châu Phi, Đông Nam Á… Những bộ phim nổi bật năm nay chủ yếu xoay quanh các vấn đề xã hội và thể chế, phản ánh sâu sắc thời sự toàn cầu.
Như người dẫn chương trình, diễn viên Pháp Laurent Lafitte, nhấn mạnh vai trò của nghệ sĩ để nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu, phân biệt chủng tộc, người di cư và LGBTQ+. Ngoài khía cạnh nghệ thuật, Cannes năm nay cũng siết chặt quy định lễ nghi: ban tổ chức cấm khách mời mặc trang phục xuyên thấu, quá cồng kềnh hoặc theo xu hướng “khoe da thịt” gây ảnh hưởng đến người khác.
“Only the bold should make films” (Tạm dịch: Chỉ những kẻ dũng cảm mới nên làm phim) – Người dẫn chương trình, diễn viên Pháp Laurent Lafitte tại Cannes 2025.

Phim là đời, đời là phim
Cannes 2025 chứng kiến làn sóng những tác phẩm như những bản hồi ký xã hội, nơi ký ức cá nhân hòa quyện cùng ký ức tập thể, và nơi những cộng đồng bị lãng quên tìm thấy sự hiện diện trên màn ảnh.
Cụm từ “phản kháng mềm” được nhiều nhà phê bình sử dụng để mô tả tinh thần năm nay: những bộ phim không vội vàng kết luận, mà nhẹ nhàng gợi mở suy tư. Thay vì đối đầu trực diện, các nhà làm phim thường lựa chọn ẩn dụ, qua góc nhìn đời thường hay ký ức riêng tư để thảo luận các vấn đề như đàn áp chính trị, chiến tranh, bất bình đẳng và khủng hoảng căn tính.
Giải Cành cọ Vàng danh giá năm nay thuộc về đạo diễn người Iran, Jafar Panahi với bộ phim It Was Just an Accident. Đây là lần đầu tiên sau 15 năm, sau thời gian dài bị cấm xuất cảnh tại quê nhà, Panahi có thể trực tiếp tham dự liên hoan phim. Bộ phim không hô hào, không bi kịch hóa, nhưng khán giả, những người trong cuộc thấy mình đau đáu trong từng khung hình phản chiếu xã hội Iran hiện tại.
Khi giới thiệu về giải thưởng, Juliette Binoche – Chủ tịch Ban giám khảo Cannes 2025 đã chia sẻ rằng điện ảnh và nghệ thuật luôn mang tính chất “khiêu khích”, có khả năng khơi dậy “hy có thể chuyển hóa bóng tối thành sự tha thứ và cuộc sống mới”.
“Đó là lý do vì sao chúng tôi chọn trao Cành cọ Vàng cho It Was Just an Accident của Jafar Panahi” – Juliette Binoche, Chủ tịch Ban giám khảo Cannes 2025.

Ở hạng mục Un Certain Regard, giải Đạo diễn xuất sắc nhất được trao cho Once Upon a Time in Gaza của hai anh em người Palestine, Arab và Tarzan Nasser. “Ngày xửa ngày xưa tại Gaza” – tiêu đề như câu chuyện cổ tích, nhưng hơn ai hết, ta biết, ai cũng biết, tác phẩm kể một một mảnh đất dù nát bươm nhưng vẫn kiên cường. Hãy thấy rằng đâu đó có hòa bình, nhưng đâu đó, vẫn còn chiến tranh.
Trong một thế giới liên tục chao đảo vì xung đột, thiên tai và di cư, những bộ phim đã vượt ra khỏi chức năng giải trí, và kéo ta về thực tại, và đâu đó ta bắt gặp bản thân trong những chi tiết được cài cắm. Và ở Cannes 2025, ký ức không còn nằm trong tay các sử gia, mà được truyền tải qua ánh mắt, giọng nói và từng cú máy về những con người đã sống qua những biến cố ấy. Đó không chỉ là điện ảnh mà là lời nhắc nhở mạnh mẽ: về việc lắng nghe, thấu cảm, và đối diện với hiện thực mà ta thường ngoảnh mặt làm ngơ.

3 tác phẩm giành giải Cành cọ Vàng nên đón xem:
Cannes không ngần ngại trao giải cao nhất cho những phim “khó nuốt”, gai góc và thậm chí gây tranh cãi – miễn là chúng mở ra những góc nhìn mới mẻ và có sức lay động mạnh mẽ.
The Zone of Interest (Jonathan Glazer – Cành cọ Vàng 2023, Anh/Đức/Poland)
Một cuộc sống tưởng như êm đềm: gia đình ba người trong ngôi nhà xinh xắn, khu vườn trĩu quả, ánh nắng rải nhẹ trên từng khung hình. Nhưng hãy lắng nghe thật kỹ, nhìn thật sâu từng khung hình để cảm nhận từng lớp sóng ngầm cuộn trào, khi đạo diễn bóc trần tội ác Đức Quốc xã mà không cần một lần phơi bày nó trực diện.
Chỉ là những bữa ăn gia đình, những cuộc trò chuyện giản dị, những khoảnh khắc thường nhật tưởng như vô hại. Và chính trong sự “bình thường” đến lạnh người ấy, đạo diễn đặt khán giả vào vị trí khó chịu nhất: nhìn thẳng vào bản chất của cái ác. Tận cùng của cái ác là khi kẻ ác không nhận ra mình chính là kẻ ác.
4 Months, 3 Weeks and 2 Days (Cristian Mungiu – Cành cọ Vàng 2007, Romania)
4 Months, 3 Weeks and 2 Days là bộ phim nặng đô cho “người mới” – thứ cảm giác quặn thắt không đến từ bi kịch phô trương, mà từ sự im lặng lạnh lẽo của hiện thực. Kể về hành trình hai nữ sinh viên tìm cách phá thai trong thập niên 1980, bộ phim được đánh giá là tối giản đến khắc khổ: không nhạc nền, không cao trào, ít thoại và giàu ẩn dụ.
Cristian Mungiu bằng lối kể chuyện kiệm lời và khung hình tĩnh đến nghẹt thở, đã dựng nên một tác phẩm điển hình đại diện cho làn sóng điện ảnh Đông Âu hậu Xô Viết: chân thực, giàu ẩn ức xã hội và tuyệt đối không thỏa hiệp. 4 Months, 3 Weeks and 2 Days là minh chứng rằng điện ảnh không cần ngân sách khổng lồ để chạm đến sự vĩ đại.
Bá Vương Biệt Cơ (Farewell My Concubine, Trần Khải Ca – Cành cọ Vàng 1993, Trung Quốc)
Một kiệt tác bi tráng trải dài nửa thế kỷ lịch sử Trung Hoa, Bá Vương Biệt Cơ không chỉ là bộ phim nói tiếng Hoa đầu tiên và đến nay vẫn là duy nhất giành giải Cành cọ vàng, mà còn là một trong những tác phẩm gây tranh cãi sâu sắc nhất trong lịch sử Cannes. Bộ phim theo chân hai nghệ sĩ Kinh kịch từ thuở thiếu thời cho đến khi họ bị cuốn vào cơn lốc lịch sử hiện đại Trung Quốc: từ chiến tranh Trung – Nhật, nội chiến Quốc – Cộng đến Cách mạng Văn hóa.
Phim là một ẩn dụ đầy ám ảnh về sự tan vỡ của nghệ thuật và con người dưới bạo lực ý thức hệ, nơi sân khấu trở thành tấm gương phản chiếu một xã hội xé toạc cả linh hồn lẫn cơ thể nghệ sĩ. Bá Vương Biệt Cơ không chỉ kể lại một bi kịch cá nhân, mà chạm đến nỗi đau phổ quát của những thân phận bên lề: nghệ sĩ, người đồng tính – những con người mãi bị gạt ra ngoài bản đồ chính thống của lịch sử.
Thực hiện: Lenna