Cập nhật thuế Trump: Mỹ – miền đất hứa hay miền đất “lỡ” cho ngành thời trang Việt? 

Ngày đăng: 12/04/25

Những ngày qua, ngành dệt may Việt Nam đối mặt với áp lực lớn từ chính sách thuế mới được đề xuất bởi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mức thuế lên đến 46% khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại về một tương lai không còn “hoàn mỹ” tại thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới.

Ngày 2/4/2025, Tổng thống Donald Trump công bố chính sách thuế mới, được xem là có phạm vi rộng và mức áp thuế cao nhất trong gần một thế kỷ. Đặc biệt, các mức thuế nặng nhất nhắm vào nhóm quốc gia là trung tâm sản xuất hàng may mặc toàn cầu. Theo chính sách này, phần lớn hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ sẽ chịu mức thuế cơ bản 10% kể từ ngày 5/4/2025. Tuy nhiên, từ ngày 9/4/2025, một số quốc gia sẽ phải đối mặt với thuế đối ứng cao hơn, lên tới 49%. Việt Nam thuộc nhóm bị đánh thuế cao nhất, với mức thuế lên tới 46%.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi mức thuế đối ứng bắt đầu có hiệu lực, Tổng thống Trump bất ngờ thông báo hoãn áp dụng trong vòng 90 ngày để mở ra cơ hội đàm phán, ngoại trừ Trung Quốc. Chính quyền Mỹ cho biết họ hy vọng đạt được thỏa thuận trong thời gian này, nhưng đồng thời cảnh báo sẽ khôi phục mức thuế cao nếu không đạt được kết quả sau thời hạn 90 ngày.

Với ngành thời trang Việt Nam, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đây là một khoảng lùi tạm thời để thở. Nhưng câu hỏi đặt ra là: liệu 90 ngày tới có đủ để xoay chuyển tình thế, hay chỉ là khoảng lặng ngắn ngủi trước cơn bão thuế quan sắp ập đến?

46% – Khi giấc mơ Mỹ không còn “hoàn mỹ”   

Xuất khẩu hàng dệt may đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, chiếm hơn tổng 10% kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam những thập kỷ gần đây đã ghi nhận mức tăng trưởng cao trong ngành dệt may. Nhiều yếu tố dẫn đến thành công như điều kiện khí hậu thích hợp để sản xuất bông và các loại sợi tự nhiên, nền kinh tế mở, chi phí lao động thấp giúp thu hút FDI và thúc đẩy thương mại xuyên biên giới qua việc ký kết nhiều hiệp định. Bên cạnh đó, nguồn lao động dồi dào, cùng với phát triển kỹ năng và cơ sở hạ tầng cũng đã giúp ngành dệt may Việt Nam phát triển hơn. 

Theo báo cáo của Trung tâm phân tích chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, tính đến cuối T10, thị phần hàng may mặc của Việt Nam tại các thị trường chính nhìn chung duy trì đà mở rộng, bao gồm Hoa Kỳ (18.5%; 2023: 18.2%), Nhật Bản (17.8%; 2023: 16.9%) và Hàn Quốc (28.5%; 2023: 28.7%). Thị phần của Việt Nam tại Hoa Kỳ và Nhật Bản vẫn ở mức cao, trong khi thị phần tại thị trường Hàn Quốc giảm nhẹ. Cùng lúc đó, thị phần hàng may mặc của Trung Quốc tại các thị trường này tiếp tục xu hướng giảm, mặc dù vẫn giữ vị trí hàng đầu.

Khác với những kỳ vọng về sự tăng trưởng được dự đoán có chiều hướng tích cực vào cuối năm 2024, con số 46% của chính quyền Trump như “cú tát” nặng nề lên ngành thời trang Việt. 

Việc áp thuế 46% khiến ngành dệt may chịu tác động trực tiếp khi Mỹ là một trong những đối tác lớn, chiếm khoảng 40% sản lượng xuất khẩu dệt may trong năm 2024. Hàng may mặc Việt Nam tại Mỹ sẽ tăng cao, dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh so với các nước khác, và các doanh nghiệp may mặc Việt Nam có thể phải đối mặt với những rủi ro như cắt giảm đơn hàng của các đối tác tại Mỹ, thu hẹp quy mô sản xuất và cắt giảm lao động dẫn đến gia tăng thất nghiệp. 

Ví dụ, theo trang Cafe F công bố, Việt Nam được xem là công xưởng khổng lồ của Nike khi sản xuất tới 28% sản lượng của thương hiệu này. Vị trí thứ hai và thứ ba thuộc về Trung Quốc và Campuchia với 16% và 15% tổng sản lượng của Nike. Có tổng cộng 98 nhà sản xuất, cung ứng của công ty này đặt nhà máy tại Việt Nam, với tổng 162 nhà máy và hơn 493.000 công nhân. 

Nếu thuế 46% được áp dụng, Nike có thể rút nhà máy khỏi Việt Nam, dời qua một thị trường khác với mức thuế rẻ hơn như Ấn Độ, Ai Cập hoặc Kenya. 

Không bỏ trứng vào một giỏ 

Sau khi công bố lệnh dừng áp thuế 90 ngày đối với một số quốc gia không trả đũa, đây được xem là “thời gian vàng” để các doanh nghiệp may mặc Việt Nam lên kế hoạch phòng ngừa các rủi ro, cũng như trông chờ vào kết quả đàm phán của Nhà nước và chính quyền Trump. 

Việt Nam với con số 46% phi lí dường như đang là nạn nhân trong cuộc chơi tất tay giữa hai ông lớn Mỹ – Trung, khi chính quyền Trump với “giấc mơ hồi hương sản xuất” và chiến lược có vẻ như đang chặn Trung Quốc khỏi việc kiếm lời từ thị trường Mỹ. 

Trong bối cảnh biến động như thế, việc đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào Mỹ đối với ngành may mặc Việt Nam là vô cùng cần thiết. Các thị trường như Châu Âu, Nhật, Canada, Úc hay Trung Đông sẽ là lợi thế để mở rộng thị trường xuất khẩu, bên cạnh Mỹ, vì thực tế không thể loại bỏ hoàn toàn thị trường rộng lớn này. 

Các doanh nghiệp may mặc cần làm rõ các khái niệm “made in Vietnam” hay “made by Vietnam” (Ảnh: Bitis Hunter).

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng mức thuế 46% có nguyên nhân từ việc Việt Nam đang đóng vai trò “trung chuyển” để một số doanh nghiệp nước ngoài như Trung Quốc có thể né thuế khi xuất khẩu sang Mỹ. Các doanh nghiệp may mặc cần làm rõ các khái niệm “made in Vietnam” hay “made by Vietnam” để minh bạch nguồn gốc sản phẩm, tránh các cáo buộc gian lận thương mại. 

Tập trung xây dựng nền kinh tế nội địa tự chủ 

Con số 46% cũng không hẳn “tiêu cực” khi đây có thể là thời điểm thích hợp để Việt Nam tập trung xây dựng nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc vào các thị trường nước ngoài. Việc áp thuế không đơn giản chỉ ảnh hưởng đến kinh tế thế giới mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến kinh tế nội địa khi lạm phát tăng cao, tỉ lệ thất nghiệp tăng và dẫn đến đời sống người dân sẽ ngày càng khó khăn hơn. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh này, doanh nghiệp thời trang có thể tận dụng cơ hội để củng cố vị thế trong thị trường nội địa. Chất lượng sản phẩm sẽ trở thành yếu tố then chốt để thu hút khách hàng, nhất là khi thói quen mua sắm qua các sàn thương mại điện tử ngày càng phổ biến và ranh giới giữa các quốc gia trong mua bán trực tuyến đang dần bị xóa nhòa. Người tiêu dùng Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể tiếp cận sản phẩm từ các nền tảng như Taobao (Trung Quốc) với mức giá cạnh tranh và chất lượng tốt, tạo ra áp lực lớn cho các thương hiệu nội địa.

Ảnh: thương hiệu KIMTЯ.

Đây còn là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp Việt tập trung nâng cao giá trị sản phẩm, cải tiến mẫu mã và xây dựng giá trị thương hiệu riêng, đặc biệt khi tình trạng các local brand đóng cửa trong khoảng thời gian gần đâyViệt Nam vẫn là một nơi đầy tiềm năng để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào với nhiều chính sách hỗ trợ và nguồn nhân lực dồi dào, giàu kinh nghiệm. Sự lạc quan và ứng biến phù hợp sẽ là những yếu tố giúp các doanh nghiệp Việt Nam đứng vững trước nền kinh tế thế giới đầy biến động. 

Ngoài ra, việc xây dựng một nền kinh tế nội địa vững chắc không chỉ phụ thuộc vào doanh nghiệp mà cần sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía: người tiêu dùng hiểu biết, người bán hàng có trách nhiệm, và các đơn vị sản xuất minh bạch, đảm bảo nguồn cung ổn định. Khi từng “mắt xích” trong chuỗi giá trị đều được củng cố, Việt Nam sẽ có cơ sở để phát triển bền vững và không dễ bị lung lay trước những tác động từ bên ngoài.

Thực hiện: Song Uyên