Câu chuyện chưa kể từ House of Gucci: Tom Ford – Người cứu thương hiệu khỏi bờ vực phá sản
Ngày đăng: 06/02/22
Câu chuyện chưa kể từ House of Gucci: cách Tom Ford cứu Gucci khỏi phá sản và tân trang lại Yves Saint Laurent, sau đó rời đi để thành lập thương hiệu thời trang của riêng mình.
Từ chiếc quần dài có họa tiết của Madonna đến chiếc váy lấp lánh của Jennifer Lopez và bộ trang phục Oscar của Charlize Theron, Ford chịu trách nhiệm cho nhiều bộ trang phục thảm đỏ mang tính biểu tượng của Gucci.
Ngày nay, Nhà thiết kế Tom Ford là một triệu phú, người tạo ra các sản phẩm thời trang và làm đẹp được thèm muốn – nhưng bạn có còn nhớ khi ông đã thách thức giới hạn vào giữa những năm 90 với các chiến dịch nổi tiếng của NSFW?
Ứng cử viên cho giải Oscar năm nay không ai khác chính là bộ phim đình đám House of Gucci của đạo diễn Ridley Scott, với sự tham gia của Lady Gaga trong vai Lady Gucci và Adam Driver trong vai Maurizio Gucci. Trong khi bộ phim với nhiều yếu tố gây sốc đồng thời mang đến một cái nhìn thoáng qua về Tom Ford thời trẻ, do nam diễn viên người Mỹ Reeve Carney thủ vai.
Là một tên tuổi nổi tiếng trong ngành thời trang ngày nay, Ford đã bắt đầu sự nghiệp lừng lẫy của mình tại Gucci. Và mặc dù trong bộ phim gây nhiều tranh cãi nội dung có Tom Ford nhạt nhoà, nhưng trong đời thực, thương hiệu phải cảm ơn anh rất nhiều vì đã cứu họ khỏi bờ vực phá sản vào những năm 90 và biến Gucci thành thương hiệu lẫy lừng như ngày nay.
Làm thế nào mà Tom Ford làm được điều vĩ đại này?
Nói không với đồ da
Hãng thời trang có trụ sở tại Florence được thành lập vào năm 1921 bởi Guccio Gucci, người nổi tiếng với việc bán đồ da, túi xách và phụ kiện thủ công. Vào những năm 80, với mối thù gia đình đang cận kề, Maurizio Gucci và Dawn Mellow (Giám đốc sáng tạo của Gucci vào thời điểm đó) đã thuê nhà thiết kế người Mỹ nổi tiếng Tom Ford đến từ Texas để chỉ đạo quá trình phát triển những bộ sưu tập ready-to-wear dành cho nữ giới và tái định vị lại nhà mốt. Trong những ngày đầu của sự nghiệp, Ford tránh xa những món đồ da và khăn quàng cổ nổi tiếng của thương hiệu, đồng thời lồng ghép tầm nhìn cũng như gu thẩm mỹ của riêng mình cho thương hiệu.
Luôn là người tiên phong
Vào những năm 1990, từ một sinh viên tốt nghiệp ngôi trường Thiết kế Parsons, Tom Ford chuyển đến châu Âu để làm việc cho Gucci. Năm 1996, ông chia sẻ với tờ The New York Times: “Nếu tôi muốn trở thành một nhà thiết kế giỏi, tôi phải rời Mỹ. Nền văn hóa mà tôi phát triển đã kìm hãm tôi. Nhiều phong cách ở Mỹ thật khó hiểu.”
Sau thời gian làm việc trong lĩnh vực thiết kế trang phục may sẵn cho phụ nữ, Ford tiến hành sản xuất trang phục nam và giày sáu tháng sau đó. Sau khi Richard Lambertson rời đi, ông trở thành giám đốc thiết kế của Gucci và đảm nhận rất nhiều vai trò cùng lúc, từ giám sát các dòng sản phẩm ready-to-wear cho đến chế tác nước hoa, đến cả chỉ đạo sản xuất hình ảnh và quảng cáo thương hiệu, thậm chí cả thiết kế cửa hàng. Ít ai biết, Ford bị lu mờ trong những năm đầu. Maurizio suýt sa thải ông khỏi vị trí này nhưng tài năng của Ford đã giúp ông vững vàng ngồi lại chiếc ghế sáng tạo.
Một phong cách chic riêng biệt
Sau sự ra đi của Maurizio, Ford được Domenico De Sole, Giám đốc điều hành của thương hiệu, bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo của Gucci vào năm 1994 và ông đã nhanh chóng biến đổi nhà mốt với phong cách đặc trưng của mình. Bộ sưu tập năm 1995 của ông giới thiệu một loạt các bộ váy trắng gợi cảm với những đường cắt may tạo bạo đã lập tức gây sốt với giới mộ điệu. Sau đó, ông giới thiệu một loạt các loại giày và túi, quần nhung, áo sơ mi satin mỏng, những bộ vest kiểu dáng đẹp và thậm chí cả quần lót G-string.
Vào thời điểm mà các chiến dịch thời trang đã lỗi thời, Ford đã thiết kế lại tính thẩm mỹ của chiến dịch với một cách tiếp cận gây tranh cãi và đầy tính khiêu khích – hãy nhớ rằng người mẫu bán khỏa thân và chữ G kỳ quái đó được ra mắt vào năm 2003? Các chiến dịch này đã làm tăng vọt hình ảnh thương hiệu và doanh số bán hàng của Gucci, khẳng định Ford là người đi đầu trong lĩnh vực thời trang.
Bất chấp tất cả những điều đó, nhiều năm sau Ford đã chia sẻ với Vogue Pháp rằng ông không “khiêu khích vô cớ”. Ông bảo vệ chiến dịch Gucci của mình bằng cách nói: “Khi tôi quyết định trưng bày một bức ảnh khỏa thân toàn bộ phần trước của nam giới làm ‘gương mặt đại diện của mùi hương M7’, tôi đang bảo vệ quyền bình đẳng giới. Tôi tin rằng chúng ta đang sống trong một nền văn hóa vật hoá phụ nữ, nhưng khi đó một người đàn ông xuất hiện, sẽ có một nỗi ám ảnh thực sự và tất cả mọi người đều cảm thấy bị xúc phạm.”
Ford cũng chịu trách nhiệm chuẩn bị trang phục cộp mác Gucci cho các ngôi sao Hollywood trên thảm đỏ – từ chiếc quần dài màu hoa cà của Madonna trong Grammy 1999 và chiếc váy lấp lánh của Jennifer Lopez tại Lễ trao giải Thời trang VH1, đến chiếc váy Oscar của Charlize Theron vào năm 2004. Ford đã đưa Gucci đến một kỷ nguyên hoàn toàn mới.
Cứu Gucci khỏi phá sản
Hãy tua lại một chút. Trong lúc Maurizio phụ trách thương hiệu từ năm 1989 đến năm 1993, tài chính của thương hiệu rơi vào tình trạng nước sôi lửa bỏng, người thừa kế Gucci đã cấp nhượng quyền thương hiệu quá mức. Theo báo cáo của Forbes, chỉ riêng năm 1993, Maurizio đã mất hơn 22 triệu USD. Nhưng sau khi Ford trở thành giám đốc sáng tạo, doanh thu của Gucci đã tăng vọt với doanh thu 500 triệu đô la Mỹ vào năm 1995. Thu nhập của thương hiệu tiếp tục tăng, đưa giá trị thị trường của nó lên hơn 4 tỷ đô la Mỹ vào năm 1999, sau khi công ty được mua lại bởi tập đoàn Kering của François Pinault – chủ sở hữu hiện tại của thương hiệu.
Ford đã rời Gucci sau 14 năm với khối tài sản trị giá 10 tỷ đô la Mỹ, theo StyleCaster. Trong thời gian của mình, Ford cũng chịu trách nhiệm cải tiến Yves Saint Laurent vào những năm 2000 sau khi thương hiệu này được mua lại bởi tập đoàn Gucci, trước sự thất vọng của nhà thiết kế cùng tên, người đã chia sẻ sự không hài lòng của mình bằng cách nói, “một người đàn ông nghèo làm những gì anh ta có thể”, theo Vogue.
Kỷ nguyên Tom Ford
Sau nhiều cuộc đàm phán gay gắt qua năm tháng, Ford và Giám đốc điều hành Domenico De Sole rời Gucci vào năm 2004 để thành lập nhãn hiệu riêng của họ. Những tin đồn xoay quanh vấn đề tiền bạc, nhưng trong một cuộc phỏng vấn sau đó với Women’s Wear Daily, Ford đã giải thích rằng “đó là về sự kiểm soát”. Anh thành lập nhãn hiệu cùng tên của mình vào năm 2006, ban đầu tập trung vào các sản phẩm kính mắt, trang phục nam và làm đẹp, trước khi mở rộng khả năng sáng tạo của mình sang lĩnh vực trang phục nữ cao cấp.
Từ Beyoncé, Lady Gaga cho đến Michelle Obama – những thiết kế của Tom Ford đã được mặc bởi những người nổi tiếng nhất, trong khi các sản phẩm làm đẹp và kính mắt của ông nằm trong top ba thương hiệu hàng đầu thế giới. Năm 2020, nhãn hiệu của ông được định giá hơn 6,1 tỷ đô la Mỹ, theo Fashion United và giá trị tài sản ròng cá nhân của anh ấy là 500 triệu đô la Mỹ, theo Celebrity Net Worth.
Không quá tệ đối với một chàng trai đến từ Texas – người hiện cũng là chủ tịch Hội đồng các nhà thiết kế thời trang của Mỹ.
Chuyển ngữ: Nhi Nguyễn
Nguồn: SCMP