Chanel đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ khi người sáng lập qua đời
Ngày đăng: 23/02/19
Kể từ khi gia nhập Chanel, nhà thiết kế huyền thoại Karl Lagerfeld đã vực dậy thương hiệu trên bờ vực phá sản, giúp Chanel giữ vững ngôi vị nhà mốt quyền lực với doanh thu lên đến 9.6 tỷ đô la mỗi năm. Sự ra đi của ông đã mang đến thách thức lớn nhất cho nhà mốt của Pháp, kể từ sau khi Coco Chanel qua đời.
Phụ tá của Karl, Virginie Viard đã được chỉ định là người phụ trách con tàu sáng tạo của Chanel, thay thế cho Karl. Tuy nhiên, điều mà giới kinh doanh cũng như giới mộ điệu lo lắng, là Virginie Viard có thể định ra một tầm nhìn có tính thuyết phục hay không?
Chanel là một tượng đài trong ngành thời trang, mà các NTK đều khao khát đặt chân, nhưng đồng thời cũng mang đến rất nhiều áp lực, nhất là với cái bóng rực rỡ của Karl Lagerfeld.
Chanel liệu có phải kiếm tìm một NTK khác thay thế, để tạo ra được thành tựu lần nữa như Phoebe Philo đối với Celine hay Alber Elbaz với Lanvin? Về mặt danh tiếng, Chanel là một tượng đài trong ngành thời trang, mà các NTK đều khao khát đặt chân, nhưng đồng thời cũng mang đến rất nhiều áp lực, nhất là với cái bóng rực rỡ của Karl Lagerfeld.
Karl Lagerfeld, người tự nhận mình là một cỗ máy cuồng công việc, ông phụ trách 8 BST mỗi năm cho Chanel, đó là chưa kể khối lượng công việc với Fendi và thương hiệu cá nhân ông.
Sau sự ra đi của Coco Chanel, Karl Lagerfeld đã tạo nên sự bù đắp cũng như tân trang lại thương hiệu. Ông đã làm “trẻ hóa” Chanel dưới sự cho phép của hai anh em Alain và Gérard Wertheimer – chủ sở hữu thương hiệu. (Alain và Gérard Wertheimer là cháu trai của Pierre Wertheimer, một đối tác kinh doanh ban đầu của Gabrielle Bonheur – Coco Chanel).
Tại Chanel, Lagerfeld đã nhanh chóng tạo ra những bộ váy chất liệu tweed mang tính biểu tượng, với ngọc trai, dây chuyền và logo hai chữ C. Một mặt Chanel kiên trì bảo vệ hình ảnh bằng những thiết kế xa xỉ như áo khoác giá 15.000 đô la hoặc túi xách da 5.000 đô, mặt khác Chanel khuếch trương sức ảnh hưởng với những thỏi son môi giá dưới 30 đô la và nước hoa giá dưới 100 đô la. Trong bài phân tích của BOF, Giáo sư nghiên cứu thời trang của trường EM Lyon, El Elieieinsins đã đánh giá Lagerfeld như một thiên tài tiếp thị. Ông là người đã nâng đỡ haute couture và phần nào giúp cho dòng sản phẩm xa xỉ này được duy trì cho đến ngày nay.
Năm 2017, Chanel sở hữu 20.000 nhân viên và thu về lợi nhuận 2.7 tỷ đô la. BNP Paribas ước tính giá trị thương hiệu ở mức 50 tỷ đô la. Bản thân Lagerfeld đã tích lũy được khối tài sản cá nhân trị giá khoảng 400 triệu euro (453 triệu đô la) theo một nguồn tin cho biết.
Hiện tại, chủ sở hữu của Chanel từ chối việc chào bán thương hiệu, nhưng họ đang cấu trúc lại công ty. Chanel hiện có hàng chục công ty con – bao gồm cả các nhà thủ công của thương hiệu. Công ty cũng đã tập trung phát triển mảng thương hiệu điện tử, thông qua nâng cấp website bán hàng cũng như hợp tác với Farfetch.
Ngày nay, hai tập đoàn xa xỉ hàng đầu như LVMH và Kering đang tìm cách củng cố vị trí hàng đầu của mình bằng cách nắm giữ các thương hiệu. Tham gia vào cuộc đua còn có các quỹ đầu tư tư nhân và cả các tập đoàn Trung Quốc. Nhưng các thương hiệu xa xỉ còn lại rất ít, trong số đó Chanel là một trong những thương hiệu cuối cùng còn nằm trong tay chủ sở hữu tư nhân (bên cạnh Prada, Ferragamo và Chopard vốn không tham gia vào thị trường).
Trong xu hướng kinh doanh của guồng quay thời trang, đầu năm nay tập đoàn thời trang cao cấp Michael Kors Holdings Limited đã mua Versace với giá 2.1 tỷ đô la. Có thể thấy Chanel không bị ảnh hưởng dưới thời kì Karl Lagerfeld, nhưng trong tương lai, câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ, khi mà thương hiệu đã sang một chương mới, sau sự ra đi của ông.
Thực hiện: Khôi
Tham khảo từ BOF