Charles James: Einstein của giới thời trang

Ngày đăng: 04/07/19

Cuộc đời và sự nghiệp của nhà thiết kế Charles James (1906–1978) nằm giữa lằn ranh thành công về mặt thương mại và nghệ thuật. Mặc dù tên tuổi ít được biết đến đối với ngoại giới, tuy vậy tầm nhìn của ông đã ảnh hưởng đến nhiều tên tuổi thiết kế lẫy lừng như Chanel, Halston, Schiaparelli, Mainbocher cho đến những nhà thiết kế đương đại như Rick Owens, Rei Kawakubo, Romeo Gigli, Thom Browne, McQueen hay John Galliano. Những sáng tạo của Charles James đã là nguồn cảm hứng và hình thành nền tảng cho ngôn ngữ thời trang ngày nay.

Charles James chụp năm 1948

Bậc thầy couture Cristóbal Balenciaga từng nói về Charles James như sau: “Không chỉ là nhà couture giỏi nhất nước Mỹ, mà còn giỏi nhất trần đời và là người duy nhất phát huy ngành haute couture từ hình thái nghệ thuật đi đến hình thể nghệ thuật tinh khiết”. Là con trai của một sĩ quan quân đội, dưới sự nghiêm cấm của gia đình, Charles James vẫn theo đuổi việc thiết kế thời trang. Trước khi bắt tay vào việc thiết kế trang phục dành cho nữ giới vào năm 1920, Charles James đã thiết kế mũ nón cũng như phụ kiện cho các khách hàng. Ông đã mở ba cửa hàng tại Chicago trước khi chuyển đến New York vào năm 1928, sau đó là London. Trong sự nghiệp của mình dù ông từng nhận được rất nhiều lời ca ngợi cho tài năng, tuy nhiên cũng trải qua vô số trắc trở về mặt kinh doanh.

(Charles James) Không chỉ là nhà couture giỏi nhất nước Mỹ, mà còn giỏi nhất trần đời và là người duy nhất phát huy ngành haute couture từ hình thái nghệ thuật đi đến hình thể nghệ thuật tinh khiết” – Cristóbal Balenciaga

Nghệ sĩ Hearst với chiếc váy trứ danh mang tên The Four-Leaf Clover được thiết kế riêng cho bà, ảnh chụp vào năm 1953

Halston từng nói rằng “mơ ước của ông ấy là tạo nên chiếc váy đẹp nhất trần đời”, đó là điều mà Charles James vẫn luôn theo đuổi. Những tín đồ của James rải đều khắp mọi nơi, từ những dinh thự xa hoa ở Venice cho đến Nhà Trắng. Những người phụ nữ sẵn sàng đáp chuyến bay đến Paris để ướm thử chiếc couture “trong mơ”. Danh sách khách hàng của ông có thể kể đến Marlene Dietrich, Elsa Schiaparellli, Gabrielle Chanel, Austine Hearst, Babe Paley, Marlene Dietrich, Millicent Rogers, Gypsy Rose Lee… Đặc biệt, nữ hoàng thoát y Gypsy Rose Lee sẵn sàng đợi chờ hàng năm liền để James chế tác cho mình một bộ váy áo.

Nancy James diện thiết kế của Charles James mang tên Swan Gown năm 1955, ảnh được chụp bởi huyền thoại nhiếp ảnh Cecil Beaton

Những chiếc váy couture của James được làm ra vô cùng đắt đỏ, quá trình theo đuổi nghệ thuật của ông hình thành nên những cơn ác mộng đối các nhà đầu tư. Về mặt danh tiếng James đã thành công vang dội, tuy nhiên về mặt nghệ thuật, James có khi bị mắc kẹt trong thế giới của mình. Những bản vẽ của James giống với công trình nghiên cứu hơn là bản phác thảo. Nhiếp ảnh gia Bill Cunningham, người bạn lâu năm của James đã gọi ông là Einstein của thời trang. Những chiếc váy có trọng lượng 10, 15 thậm chí lên đến 25 pound được James xử lý gọn nhẹ để có mặc được. Chưa hề có người phụ nữ nào phàn nàn về độ nặng của những thiết kế từ James. Ông đã làm nên nhiều cách tân về mặt kỹ thuật, trong đó có thể kể đến khung nhựa đã qua xử lý nhiệt cho chiếc váy Clover thiết kế cho Austine Hearst.

Charles James cùng những người mẫu trong trang phục của ông

Váy dạ hội của ông mang đến nhiều điều mới mẻ, sự tân tiến khiến mọi người trầm trồ, phái đẹp thổn thức. Ông dựa trên nền thủ công truyền thống, với mức độ cao nhất của nghệ thuật haute couture, nhưng ông sử dụng chúng theo tiêu chuẩn cá nhân để làm nên trang phục. Bên dưới những đám mây chiffon hay tulle là lớp lót cứng, bộ khung, miếng đệm hông, từng lớp từng lớp trang phục lót giữ cho vải có độ phồng. James chọn lựa cẩn trọng những người trình diễn thiết kế của mình. Ông kiểm soát việc các tác phẩm xuất hiện trong các sự kiện bằng việc đào tạo cách đi đứng, khiêu vũ cho các khách hàng khi mặc chúng.

James chọn lựa cẩn trọng những người trình diễn thiết kế của mình và đào tạo cách đi đứng, khiêu vũ cho các khách hàng khi mặc chúng.

Thiết kế của Charles James mang tên Butterfly Gown chụp bởi nhiếp ảnh gia Cecil Beaton 1954

Những năm cuối đời James dành phần lớn thời gian một mình trong một khách sạn ở Chelsea, căn phòng chất đầy những bản vẽ và báo chí phủ đầy màu sắc của nicotine. Thất bại về mặt thương mại cùng với những sự tiêu tốn cho những nghiên cứu, bất đồng ý kiến với các nhà đầu tư cũng như mải miết tuân theo ý chí cá nhân, dần dần cái tên cũng như tác phẩm của Charles James rơi vào quên lãng. Cuối cùng, tên tuổi của ông chỉ còn được biết đến trong cộng đồng các nhà thiết kế và nghiên cứu thời trang hay những viện bảo tàng.

Thất bại về mặt thương mại cùng với những sự tiêu tốn cho những nghiên cứu, bất đồng ý kiến với các nhà đầu tư cũng như mải miết tuân theo ý chí cá nhân, dần dần cái tên cũng như tác phẩm của Charles James rơi vào quên lãng.

Bức ảnh nổi tiếng về vẻ đẹp trang phục của Charles James chụp bởi Cecil Beaton năm 1948.

Tuy nhiên, quá trình phục chế những những chiếc váy cưới hay đầm dạ hội của James đã giúp cho thế hệ sau hiểu hơn về sự vĩ đại của những công trình này. Một trong những thành tựu của ông có thể kể đến chiếc váy cocktail được thiết kế năm 1952, được làm từ vải lụa phay đen (faille) và lụa sọc ngang đen (grosgain). Chiếc váy ‘Sirene’ được làm năm 1938 và áo khoác ‘Ballon’ được làm năm 1956 đã mang lại nhiều cảm hứng cho Alexander McQueen khi thiết kế, cũng như chiếc váy ‘Concert’ làm ra năm 1947 đã ảnh hưởng đến Gianfranco Ferré thời còn ở Dior.

Chiếc váy ‘Sirene’ được làm năm 1938 và áo khoác ‘Ballon’ được làm năm 1956 đã mang lại nhiều cảm hứng cho Alexander McQueen khi thiết kế, cũng như chiếc váy ‘Concert’ làm ra năm 1947 đã ảnh hưởng đến Gianfranco Ferré thời còn ở Dior.

Điều đáng nói nhất là những bộ trang phục daywear của ông đã trở thành một phần trong quỹ sáng lập ngôn ngữ thời trang. Chiếc áo khoác vải lụa được ông làm ra năm 1937 đã truyền cảm hứng đến Rick Owens, Rei Kawakubo và Romeo Gigli, trong khi đó những hình dáng, kiến trúc tailor của ông có thể nhìn thấy ở những bộ sưu tập của Thom Browne, McQueen hay John Galliano ở bộ sưu tập Dior Spring 2010.

Thiết kế của Charles James chụp bởi Eliot Elisonfon, 1950
Thiết kế mang tên The Butterfly được James thiết kế cho Austine Hearst, 1956.

Thực hiện: Hoàng Khôi (tổng hợp)

Ảnh bìa: TimWalker chụp cho Vogue số tháng 4/2014, lấy cảm hứng từ bức ảnh nổi tiếng của Charles James chụp bởi Cecil Beaton năm 1948.