Chiêm ngưỡng những bộ đồng phục Olympic tuyệt vời nhất mọi thời đại

Ngày đăng: 04/08/24

Với kỳ Thế vận hội năm 2024 được tổ chức tại Paris – kinh đô thời trang, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi “Thời trang” trở thành một trong những chủ đề trọng tâm!

Mong muốn chứng minh khả năng thời trang của riêng mình, các quốc gia tham gia đã chiêu mộ những gã khổng lồ thiết kế bao gồm Ralph Lauren và Giorgio Armani, cũng như những cái tên mới nổi như Labrum và JUST IN XX để thiết kế đồng phục cho sự kiện năm nay. Những trang phục độc đáo này không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa và phong cách riêng biệt của từng quốc gia, mà còn phản ánh sự sáng tạo và tinh thần thể thao của các VĐV.

Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi dạo một vòng quanh thế giới thời trang thể thao và tìm hiểu những sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời nhất mọi thời đại trên sân khấu Olympic. 

MEXICO (1968)

Với vai trò là quốc gia đăng cai Olympic 1968, Mexico đã chọn kiến trúc sư Pedro Ramírez Vázquez để thiết kế bản sắc hình ảnh cho đại hội. Lấy cảm hứng từ nghệ thuật bản địa cùng với một chút ảnh hưởng của phong trào hippie thập niên 60, logo đồ họa kết hợp những đường kẻ mang hiệu ứng ảo giác với dòng chữ “Mexico 1968” đã xuất hiện trên những chiếc váy suông kiểu Courrèges do Irma Dubost và Julie Murdoch thiết kế. 

HOA KỲ (1976)

Trong khi Ralph Lauren là nhà thiết kế chính thức cho đồng phục Olympic của Đội tuyển Hoa Kỳ kể từ năm 2008, thì vào năm 1976 nhiệm vụ này do huyền thoại thời trang Halston – người đã tạo ra những mẫu trang phục cho cả kỳ Thế vận hội mùa hè và mùa đông tại Montréal và Innsbruck đảm nhiệm.

Tránh xa các trang phục thể thao nhàm chán, nhà thiết kế đã chọn cách đại diện cho lá cờ Mỹ bằng những bộ vest thoải mái kiểu thập niên 70 với cà vạt đỏ cho nam và áo khoác zip trắng kết hợp với túi xách đỏ và khăn quàng cổ thanh lịch cho nữ. Đây là những trang phục được nhận xét là “hoàn hảo để đi thẳng từ lễ khai mạc đến vũ trường.”

LITHUANIA (1992)

Thế vận hội 1992 tổ chức tại Barcelona đã đánh dấu lần đầu tiên Lithuania tham gia thi đấu với tư cách một quốc gia độc lập sau khi nước này vừa giành lại độc lập hai năm trước đó. Trước đó, ông Edward Domanskis (bác sĩ của đội tuyển) đã gửi lời kêu gọi giúp đỡ đến NTK Issey Miyake (huyền thoại thiết kế quá cố của Nhật Bản) với hy vọng ông sẽ hỗ trợ thiết kế đồng phục cho đội tuyển. Không chỉ đồng ý, Issey Miyake còn đề nghị sẽ cung cấp miễn phí đồng phục cho quốc gia mới độc lập này.

“Khi tôi nghĩ về trang phục trong tương lai, tôi nghĩ rằng đồ thể thao là sáng tạo và đa dạng nhất. Nó tập trung vào cảm giác mới mẻ về chức năng, màu sắc, chất liệu,…” “Tôi muốn ngắm nhìn thế kỷ 21 thông qua đồ thể thao, giờ đây mọi người trên khắp thế giới có thể xem nhiều môn thể thao khác nhau qua truyền hình.” – Miyake chia sẻ vào thời điểm đó.

Với tài năng của cố NTK, đội tuyển Lithuania đã trở thành những VĐV phong cách nhất Olympic thời điểm đó. Trang phục nổi bật bởi những nếp gấp siêu nhỏ được thực hiện bằng hệ thống xử lý nhiệt độc quyền trên nền vải polyester jersey, khóa kéo to bản và kỹ thuật xếp ly đặc trưng của Issey Miyake. Mặt sau áo, lá cờ Lithuania hiện lên với 3 màu sắc đỏ, xanh lá, vàng vô cùng nổi bật. 

NHẬT BẢN (2000)

Vào Olympic năm 2000 diễn ra tại Sydney, Nhật Bản đã giữ kín đồng phục của mình cho đến phút cuối cùng, thậm chí họ còn không tiết lộ cho các VĐV cho đến trước lễ khai mạc. Để bắt đầu thiên niên kỷ mới, nhóm thiết kế đã quyết định đi theo một hướng khác và lấy “thiên nhiên vô tư và bầu trời xanh thẳm của thành phố” làm nguồn cảm hứng – theo Kazuko Tagawa, giám đốc Trung tâm đồng phục Nippon và giám sát dự án cho biết.

Một biển áo choàng cầu vồng là điểm nhấn tươi sáng trên bộ đồng phục đen đơn giản của Nhật Bản thật sự đã thu hút ánh nhìn của khán giả theo dõi Thế vận hội. 

ANH QUỐC (2012)

Năm 2012 chứng kiến ​​Olympic lần đầu tiên được tổ chức tại London sau 64 năm. Một màn kết hợp xuất sắc đã được ghi nhận khi NTK Stella McCartney đã bắt tay với adidas để tạo ra những bộ đồ thể thao bó sát và hở lưng gợi cảm phù hợp với một mùa hè nóng bất thường tại Anh.

Giữ phong cách đơn giản, McCartney đã lấy cảm hứng từ lá cờ liên hiệp. “Điều quan trọng với tôi là việc ta cố gắng sử dụng hình ảnh biểu tượng đó nhưng phải phân tách và làm cho nó trở nên thời trang hơn” – NTK giải thích. Mặc dù không hoàn toàn đổi mới, và bị chỉ trích là “quá nhiều màu xanh”, nhưng những bộ đồng phục tập trung vào tính ứng dụng của McCartney giờ đây đã trở thành biểu tượng của Thế vận hội và là sự kết hợp giữa thời trang cùng chức năng, giúp Đội tuyển Anh giành vị trí thứ ba chung cuộc.

JAMAICA (2012)

Đối với đồng phục của Jamaica năm 2012, PUMA đã mời con gái của Bob Marley là Cedella Marley cộng tác thiết kế. “Tôi muốn Jamaica cũ và mới gặp gỡ nhau” – cô chia sẻ. Sử dụng quốc kỳ của đất nước làm điểm khởi đầu, Marley đã tạo ra một bộ sưu tập đồ thể thao, giày dép và phụ kiện bóng bẩy với màu xanh lá cây, vàng và đen rất ấn tượng. Khuyến khích người mặc phối hợp theo ý thích, đoàn VĐV tại lễ khai mạc 2012 là một biểu hiện cá tính riêng với huyền thoại Olympic Usain Bolt cầm cờ dẫn đầu trong chiếc quần dài màu vàng neon.

CUBA (2016)

Một sự kết hợp khác thường, tại Thế vận hội Rio năm 2016, Cuba đã chọn nhà thiết kế giày dép người Pháp Christian Louboutin để tạo ra đồng phục của mình. Hợp tác với Henri Tai, cựu cầu thủ bóng ném và là người sáng lập Sporty Henri, những kiểu dáng đồng phục được tạo ra với sự đóng góp của các VĐV. Kết quả là những chiếc áo khoác quân đội có cấu trúc lấy cảm hứng từ cây guayabera màu đỏ hoặc kaki, với ngôi sao năm cánh may mắn của quốc gia ở mặt sau đã khiến người hâm mộ được dịp mãn nhãn vô vùng.

“Chính sự thanh lịch và chuyển động uyển chuyển của một người khiến tôi say mê. Tại Oplympic, có cảm giác như những VĐV này mặc đồ biểu diễn và đồng thời biến thành những siêu anh hùng thách thức trọng lực, thách thức thời gian, thách thức mọi định luật vật lý” – Louboutin nói.

Ý (2018)

Nhà thiết kế kỳ cựu Giorgio Armani là người đứng sau thiết kế đồng phục của Italy từ năm 2012 đến nay. Để phục vụ cho kỳ Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022, ông muốn tạo ra điều gì đó đặc biệt hơn. NTK đã biến lá cờ ba màu thành một chiếc áo choàng kiểu Moschino vui nhộn, mặt trong có quốc ca của đất nước được in chữ vàng để gần gũi với trái tim của từng VĐV. Không có gì mang đậm chất Ý hơn thế.

“Làm việc với các VĐV Ý luôn là niềm vui và niềm tự hào lớn đối với tôi”, “Tôi thiết kế bộ đồng phục này như một sự tri ân đối với lá cờ của chúng tôi và những giá trị cao quý mà nó đại diện, cũng như những giá trị mà các VĐV thể hiện.” – Armani chia sẻ về đóng góp liên tục của mình.

LIBERIA (2020)

Mặc dù được biết đến nhiều hơn với tư cách là thiên tài đằng sau “Bushwick Birkin”, vào năm 2020, Telfar Clemens đã tuyên bố rằng ông sẽ thiết kế trang phục Olympic cho Liberia tại Tokyo. Với sự hợp tác của đối tác sáng tạo Babak Radboy, các thiết kế đồng phục bao gồm quần liền thân và áo ba lỗ bất đối xứng đặc trưng với màu đỏ, trắng và xanh lam (tượng trưng cho quốc kỳ Liberia) mang đậm hơi hướng unisex. Hình ảnh ngôi sao lớn trên đồng phục cũng gợi nhớ đến ngôi sao duy nhất xuất hiện trên lá cờ của nước này. 

Hành động của không chỉ đơn thuần là sự hợp tác giữa đôi bên mà còn mang một ý nghĩa cảm động. Trước đó, Liberia không có tài trợ trang phục chính thức (kể từ sau sự rút lui của New Balance vào năm 2000). Các VĐV chỉ có thể tự mình tìm kiếm tài trợ cho trang phục thi đấu. Sau khi biết được Tefla có gốc gác Liberia, đoàn đã liên hệ với thương hiệu và ngay lập tức NTK đã đồng ý với đề nghị tài trợ từ phía đội tuyển. Hơn nữa, họ còn tài trợ cả việc đi lại và ăn uống của cả đoàn.

MÔNG CỔ (2024)

Kể từ sau khi công bố đồng phục chính thức của đội tuyển, Mông Cổ trở thành một trong những tâm điểm thu hút độ thảo luận nhiều nhất của Olympic đến hiện tại. Thậm chí nhiều người còn cho rằng Mông Cổ nên dành được huy chương vàng cho đồng phục của họ. Những thiết kế tuyệt đẹp trên được tạo ra bởi hai chị em Michel và Amazonka Choigaalaa (người đứng sau thương hiệu Michel & Amazonka).

“Paris là thủ đô thời trang, vì vậy chúng tôi muốn đồng phục của mình nổi bật nhờ thiết kế, sự khéo léo, ý nghĩa chi tiết, di sản và sự thanh lịch” – hai NTK chia sẻ với truyền thông về hướng tiếp cận của họ đối với sự sáng tạo lần này. Thiết kế đồng phục khiến khán giả ngỡ ngàng và tấm tắc khen ngợi bởi sự công phu, hình thêu Ngọn đuốc Olympic, mặt trời, con nai trong thần thoại Mông Cổ,… tinh xảo bằng chỉ vàng và mang bản sắc vùng thảo nguyên rộng lớn.

HAITI (2024)

Năm nay, 12 VĐV của Haiti sẽ mặc đồng phục do nhà thiết kế người Ý-Haiti Stella Jean tài trợ. Ngoài tôn vinh văn hóa và tay nghề thủ công của người dân Haiti, các thiết kế còn là thông điệp chính trị quan trọng. Stella Jean đã chọn bức tranh “Passage” của nghệ sĩ địa phương Philippe Dodard để in lên trang phục. Đối với phiên bản dành cho các VĐV nữ, cô đã kết hợp váy với áo sơ mi dệt chambray cùng với blazer không tay và thắt lưng làm từ vật liệu tái chế. VĐV nam sẽ mặc áo khoác thể thao được lấy cảm hứng từ chiếc áo sơ mi truyền thống với biểu tượng Olympic của Haiti.

PHÁP (2024)

Trong khi Berluti được chọn để cung cấp trang phục cho lễ khai mạc của nước chủ nhà thì Stéphane Ashpool của Pigalle mới là người đứng sau bộ đồng phục của đội năm nay. Phối hợp với Le Coq Sportif, Ashpool đã thực hiện việc sản xuất tại các xưởng thuộc sở hữu của Chanel để tạo ra những bộ trang phục riêng biệt cho các VĐV, từ thể dục dụng cụ, đấu kiếm đến trượt ván và bơi lội.

Khác với 29 quốc gia trên thế giới có sắc cờ đỏ, trắng và xanh, những bộ đồng phục của Pháp sử dụng các sắc thái gradient với những chi tiết thú vị được làm từ sợi len bóng và lông vũ để trang trí thêm. “Kỹ thuật luôn kết hợp với tính thẩm mỹ. Lần này, điều đó đặc biệt rõ ràng hơn thường lệ” – Ashpool giải thích. 

Thực hiện: Elio

Theo Dazed, Elle