Cập nhật thuế Trump: Thời trang Việt trong tâm bão thương chiến Mỹ – Trung

Ngày đăng: 20/04/25

Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang khiến ngành thời trang toàn cầu đứng trước áp lực chi phí, gián đoạn chuỗi cung ứng và thay đổi tâm lý tiêu dùng. Việt Nam đang đứng giữa hai làn đạn và tìm cơ hội chiến lược trong khủng hoảng.

Giữa bối cảnh kinh tế thế giới đang bị bao trùm bởi bất ổn, những biến động tưởng chừng xa vời như chính sách thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc lại có ảnh hưởng trực tiếp đến ngành thời trang. Từ giá nguyên vật liệu tăng, chuỗi cung ứng đứt gãy, cho đến sự thay đổi tâm lý chi tiêu của người tiêu dùng – tất cả đều là hệ quả tất yếu của các diễn biến vĩ mô.

Với đặc thù là một ngành nhạy cảm với hành vi tiêu dùng và chi phí vận hành, thời trang không thể đứng ngoài các dòng chảy kinh tế – thương mại toàn cầu. Đó là lý do các nhà thiết kế, marketer, nhà bán lẻ hay chủ thương hiệu thời trang cần nắm chắc những chuyển động lớn để kịp thời điều chỉnh chiến lược, tối ưu chi phí và giữ vững kết nối với khách hàng.

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ bức tranh thương mại Mỹ – Trung đang ảnh hưởng thế nào đến người tiêu dùng và ngành thời trang Việt Nam – toàn cầu.

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang: Diễn biến đến tháng 4/2025

Từ tháng 1 đến tháng 4/2025, chính quyền Tổng thống Donald Trump liên tục nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc – đến đỉnh điểm 145% vào ngày 09/04. Đây là gói thuế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, nhắm vào các mặt hàng có giá trị thấp và linh kiện phụ tùng. Trung Quốc lập tức phản ứng bằng các mức thuế trả đũa từ 10% đến 34%, đồng thời dừng nhập khẩu một số mặt hàng nông sản từ Mỹ như đậu nành và LNG.

Tình hình leo thang nhanh chóng khiến cả hai bên tổn thương. Tuy nhiên, giữa tháng 4, ông Trump tiết lộ Trung Quốc đã chủ động liên hệ để tái đàm phán, dù ông cũng khẳng định có thể sẽ trì hoãn đến sau bầu cử giữa nhiệm kỳ (2026)

Thị trường thời trang trong “trận chiến” thuế quan giữa hai cường quốc

Thị trường tài chính toàn cầu đang biến động mạnh. Việc đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ bị bán tháo được IMF cảnh báo là dấu hiệu bất thường, phản ánh sự hoài nghi về năng lực kiểm soát lạm phát và tài khóa của Washington. Đây có thể là dấu hiệu sớm của một làn sóng suy thoái đang hình thành.

Ngành thời trang: Ai cũng đau đầu

Từ bình dân đến cao cấp đều bị ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức bởi sự leo thang chi phí.

Ở phân khúc mass, nơi giá thành là yếu tố sống còn, việc chi phí nguyên liệu, vận chuyển và sản xuất leo thang do căng thẳng thương mại khiến các thương hiệu buộc phải “cân đo đong đếm” từng đường kim mũi chỉ. Người tiêu dùng đại chúng, vốn đã nhạy cảm về giá, lại càng dè dặt hơn, khiến bài toán doanh thu trở nên khó giải. Các thương hiệu như Zara và H&M bị chỉ trích vì tăng giá mà chất lượng không cải thiện, trong bối cảnh chi phí logistics và thuế nhập khẩu tăng mạnh.

Trong khi đó, phân khúc luxury cũng không tránh khỏi ảnh hưởng khi thuế cao khiến giá thành sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc tăng vọt. Nhiều thương hiệu cao cấp lo ngại người tiêu dùng sẽ chuyển sang lựa chọn những mặt hàng có giá trị biểu tượng cao nhưng kích thước nhỏ hơn, như trang sức hoặc phụ kiện.

Cuộc chiến thương mại đang làm gián đoạn đà phục hồi của ngành hàng xa xỉ toàn cầu sau giai đoạn chững lại vì đại dịch. Căng thẳng thương mại không chỉ gây áp lực lên chi phí, mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch ra mắt bộ sưu tập và dòng sản phẩm của các thương hiệu lớn vốn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như một trung tâm tiêu dùng chiến lược. 

Nguồn: Financial times

Người tiêu dùng mua sắm tích trữ và “thắt lưng buộc bụng”

Người Mỹ tích trữ kem chống nắng Hàn Quốc

Giữa bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang, các ngành sản xuất toàn cầu, đặc biệt là thời trang và tiêu dùng, đang phải đối mặt với áp lực lớn từ chi phí tăng cao và gián đoạn chuỗi cung ứng. Đặc biệt, ngành tiêu dùng tại Mỹ đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong thói quen mua sắm khi người dân bắt đầu tích trữ hàng hóa nhập khẩu để đề phòng giá cả leo thang.

Theo The Washington Post (10/04), kem chống nắng Hàn Quốc thuộc danh sách những sản phẩm đang có nhu cầu tăng vọt tại Mỹ, bên cạnh các sản phẩm như rong biển khô, tóc giả,…

Xu hướng này phản ánh sự chuyển dịch trong thói quen tiêu dùng của người Mỹ, khi họ tìm kiếm các sản phẩm ngoại nhập chất lượng cao để thay thế những sản phẩm nội địa đang đối mặt với khó khăn về chi phí và nguồn cung. Đây là một ví dụ rõ nét về cách chiến tranh thương mại đang làm thay đổi thói quen tiêu dùng và tạo cơ hội mới cho các thương hiệu quốc tế, trong đó có Hàn Quốc, vượt lên trong cuộc đua cạnh tranh.

Trào lưu TikTok “Things I won’t buy in 2025”

Trào lưu TikTok “Things I won’t buy in 2025” đang lan rộng, phản ánh rõ xu hướng chi tiêu có chọn lọc và mang tính phòng thủ cao của thế hệ Gen Z trong bối cảnh kinh tế bất ổn. Họ đang dần từ bỏ những món đồ mang tính biểu tượng hoặc thời thượng nhưng không thiết yếu, thay vào đó ưu tiên những sản phẩm bền vững, có giá trị sử dụng thực tế và dài hạn. Theo Forbes, ngày 08/04/2025, người tiêu dùng trẻ đang thể hiện mức độ nhận thức tài chính cao hơn, chủ động kiểm soát ngân sách và cắt giảm chi tiêu không cần thiết, nhằm chuẩn bị cho những biến động kéo dài về giá cả và thị trường lao động.

@elysiaberman

Saw a few other people doing this trend and I figured it was PERFECT for me to weigh in on! Here’s my list of things I will NOT be buying in this recession! #recession #tariffs #stockmarketcrash #trumptariffs #nobuyyear #nobuy #buynothing #lowbuy #noshopping #nospendchallenge

♬ original sound – elysiaberman

Trước tình trạng giá cả leo thang do thuế quan, người tiêu dùng Mỹ đang điều chỉnh thói quen chi tiêu. Gần 60% người được khảo sát cho biết đang chịu áp lực tài chính, và một nửa trong số đó ghi nhận mức độ căng thẳng tăng lên trong tháng gần nhất. Khoảng 50% có xu hướng cắt giảm chi tiêu không thiết yếu và các khoản mua sắm lớn trong năm nay. Để đối phó, nhiều người áp dụng các biện pháp như lập ngân sách, tăng tiết kiệm và sử dụng công cụ quản lý tài chính. Dù khoảng 45% được đánh giá có sức khỏe tài chính tốt, phần lớn vẫn sống dựa vào lương hàng tháng và dễ tổn thương trước biến động kinh tế. Trước khi thuế quan có hiệu lực, một bộ phận người tiêu dùng tranh thủ mua sắm hàng thiết yếu, trong khi nhóm khác trì hoãn chi tiêu cho đến khi có thêm thông tin rõ ràng về ảnh hưởng thực tế của các chính sách thuế.

Người tiêu dùng xa xỉ toàn cầu đang chứng kiến một đợt sóng nghi ngờ mới khi một số nhà cung ứng Trung Quốc công khai tiết lộ mức giá sản xuất thực tế của các sản phẩm xa xỉ, cho thấy chênh lệch có thể lên tới 90% so với giá bán lẻ. Dù chưa được xác thực, thông tin này lan truyền nhanh trong bối cảnh chiến tranh thương mại khiến người tiêu dùng ngày càng nhạy cảm về giá trị thực – đặc biệt tại các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc. Điều này làm xói mòn tính biểu tượng của hàng xa xỉ và đẩy các thương hiệu vào thế phòng thủ, buộc họ phải củng cố lại thông điệp thương hiệu và chuỗi giá trị.

(Image: Dall-E)Luxury fashion accessories

Người tiêu dùng Việt Nam hiện đang có phản ứng thận trọng trước các tín hiệu kinh tế trái chiều. Mặc dù thị trường bán lẻ vẫn được đánh giá tích cực và cổ phiếu ngành này có triển vọng phục hồi nhờ nhu cầu nội địa ổn định, tâm lý chung vẫn còn dè dặt khi thị trường chứng khoán dao động mạnh và lực cầu cuối phiên có xu hướng giảm (theo VnExpress).

Tuy các chính sách thuế đối ứng từ Mỹ hiện chưa tác động rõ rệt đến người tiêu dùng, nhưng giới phân tích cho rằng nếu mức thuế tăng lên 20 – 46%, ảnh hưởng sẽ trở nên đáng kể. Nhìn chung, người dân đang theo dõi sát sao và chi tiêu có tính toán hơn, nhất là trong bối cảnh giá dầu, hàng hóa và tỷ giá biến động liên tục.

Biến động trên thị trường chứng khoán ngày 17/04/2025. Nguồn: VNExpress

Kịch bản khi thương chiến kéo dài thêm 1-2 tháng

Trong vòng 1-2 tháng tới, nếu không có động thái hạ nhiệt từ hai phía Mỹ và Trung Quốc, lãi suất toàn cầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị ép giảm do lo ngại suy thoái lan rộng. Các ngân hàng trung ương sẽ buộc phải nới lỏng chính sách tiền tệ để kích cầu, tuy nhiên điều này cũng làm gia tăng rủi ro về lạm phát quay lại trong trung hạn.

Trong ngành thời trang, các thương hiệu lớn đang buộc phải cắt giảm hoặc trì hoãn các chiến dịch marketing toàn cầu, đồng thời đánh giá lại chuỗi cung ứng – một số đang chuyển hướng về châu Âu hoặc tìm cách xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và gần thị trường tiêu thụ hơn để tránh rủi ro chính trị và chi phí thuế gia tăng. Điều này đặc biệt rõ rệt trong phân khúc mass và premium, nơi biên lợi nhuận bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thuế nhập khẩu và logistics đội giá.

Đối với Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất – nhất là dệt may, giày da và gỗ nội thất – đang đối mặt với nguy cơ mất đơn hàng hoặc bị trì hoãn thanh toán từ các đối tác lớn tại Mỹ và EU. Việc bị áp thuế cao khiến giá thành xuất khẩu mất tính cạnh tranh, buộc nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, điều chỉnh nhân sự hoặc chuyển hướng thị trường xuất khẩu sang khu vực khác.

Không đàm phán, suy thoái là điều gần như chắc chắn

Tổng thống Donald Trump từng để ngỏ khả năng nối lại đàm phán với Trung Quốc sau khi phía Bắc Kinh chủ động liên hệ. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận cụ thể nào có thể sẽ phải đợi đến sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn giữ thế chủ động, sở hữu nhiều “quân bài chiến lược” như kiểm soát xuất khẩu đất hiếm – yếu tố sống còn đối với ngành công nghệ toàn cầu – và siết nhập khẩu nông sản Mỹ, gây áp lực trực tiếp lên các bang nông nghiệp, vốn là căn cứ cử tri quan trọng của ông Trump.

Thế giới đang trong trạng thái chờ đợi đầy bất an. Nếu không có tín hiệu hạ nhiệt hoặc khởi động lại đối thoại trong 1–2 tháng tới, viễn cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu là gần như không thể tránh khỏi. Sự bất ổn lan rộng sẽ tác động tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư, tính liên tục của chuỗi cung ứng, cũng như tâm lý tiêu dùng – đặc biệt ở các ngành nhạy cảm như thời trang, bán lẻ, công nghệ và sản xuất.

Nguồn Jing Daily

Việt Nam – giữa hai làn đạn hay đòn bẩy chiến lược?

Hiện nay, mức thuế đối ứng của Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam mới chỉ ở ngưỡng 10%, nhưng không loại trừ khả năng bị nâng lên tới 46% nếu các nghi vấn về gian lận xuất xứ không được giải quyết triệt để. Trong khi đối mặt với rủi ro, Việt Nam cũng có cơ hội chiến lược nếu biết khai thác đúng lúc và đúng cách.

Thứ nhất, đây là thời điểm để thúc đẩy nội lực thông qua mở rộng thị trường tiêu dùng nội địa – vốn đang tăng trưởng mạnh mẽ nhờ tầng lớp trung lưu gia tăng và chuyển dịch thị hiếu tiêu dùng. Thứ hai, doanh nghiệp xuất khẩu cần sớm xoay trục, đa dạng hóa thị trường nhằm giảm phụ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc, đồng thời hướng đến các khu vực đang nổi như Ấn Độ, Trung Đông hay châu Phi – những thị trường có nhu cầu cao đối với các ngành hàng truyền thống của Việt Nam như dệt may, da giày và thực phẩm chế biến.

Trong thế trận hai cực, Việt Nam giữ vai trò trung lập chiến lược: Trung Quốc là nguồn cung nguyên liệu chính, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Áp lực ngày càng tăng buộc Việt Nam phải thắt chặt kiểm soát xuất xứ hàng hóa để tránh bị xem là trạm trung chuyển. Đồng thời, cần duy trì đối thoại cân bằng với cả hai phía nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng, thương hiệu quốc gia và niềm tin của các đối tác toàn cầu.

Ảnh minh họa, xưởng sản xuất may mặc tại Việt Nam.

Lời nhắc tới ngành thời trang Việt

Giữ địa bàn trước khi sóng tràn

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang dẫn đến một chuỗi phản ứng dây chuyền: các thương hiệu quốc tế rút khỏi Trung Quốc để cắt giảm chi phí thuế quan, khiến hàng loạt nhà máy đóng cửa hoặc giảm công suất. Hệ quả là chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, công nhân mất việc, chi phí sản xuất leo thang, thời gian giao hàng kéo dài, marketing bị thắt chặt, còn sức mua thì sụt giảm.

Đây là thời điểm đầy thử thách với các thương hiệu thời trang Việt, không chỉ trong việc giữ doanh thu, mà còn trong khả năng thích nghi với một môi trường bất ổn kéo dài. Với Việt Nam, làn sóng hàng hóa Trung Quốc “xả hàng” có thể tràn sang như một phản ứng tất yếu khi nước này buộc phải phá giá đồng Nhân dân tệ để kích thích xuất khẩu. Trong bối cảnh sức mua nội địa của Trung Quốc sụt giảm, Việt Nam sẽ trở thành “địa bàn lân cận” dễ bị ảnh hưởng bởi hàng giá rẻ và áp lực cạnh tranh khốc liệt.

Phòng thủ bằng chiến lược nội tại

Để “phòng thủ” trước những cơn sóng thần sắp đến gần, local brand và doanh nghiệp thời trang Việt cần nhanh chóng gia tăng lòng trung thành với tệp khách hàng trong nước. Điều này không đơn thuần là chạy quảng cáo hay khuyến mãi, mà là tái định hình cách thương hiệu hiện diện trong đời sống người tiêu dùng: từ sản phẩm, dịch vụ đến câu chuyện và trải nghiệm. Đây là thời điểm then chốt để giữ được “địa bàn” trước khi làn sóng hàng giá rẻ tràn sang và làm xáo trộn cán cân cạnh tranh.

Chỉ khi giữ vững “sân nhà” và bản sắc, thương hiệu Việt mới đủ sức bước qua cơn sóng ngầm đang hình thành ngoài khơi.

Artwork: Paulur.

Thực hiện: Linh J.

Tham khảo: VnExpress, VNDIRECT, VnEconomy, Reuters, Bloomberg, Forbes, NSS Magazine, The Guardian