Chùm phim phụ nữ tri ân 20/10
Ngày đăng: 17/10/24
Giới thiệu 6 phim phụ nữ để ăn mừng thêm một ngày được yêu thương phái nữ quanh ta.
20/10 chạm ngõ là lúc nhắc nhớ những “nữ siêu anh hùng” xung quanh ta. Không chỉ mỗi ngày 20 mới tri ân phái nữ, mà là mỗi ngày trong năm. Style-Republik gửi đến độc giả chùm phim phụ nữ từ Việt đến xứ người, từ quá khứ đến hiện đại để làm sâu sắc thêm vốn liếng điện ảnh, văn hóa, lịch sử cũng như hiểu thêm về phụ nữ qua những góc máy, khung hình rất khác của mỗi đạo diễn.
Thương nhớ đồng quê – Đặng Nhật Minh
Qua góc máy chậm và man mác buồn của đạo diễn Đặng Nhật Minh, hình ảnh phụ nữ những năm 80 của thế kỷ 20 được tái hiện chân thực trên màn ảnh hiện tại – xóa nhòa lằn ranh thời gian. Lúc bấy giờ, tình hình kinh tế và xã hội Việt Nam đang gặp nhiều thử thách, khi sự khoảng cách giữa phố thị và thôn quê xa vời vợi, kéo theo dòng người lũ lượt bỏ quê theo đuổi giấc mơ phố với hy vọng đổi đời. Ở những miền nơi Thương nhớ đồng quê đó, trai tráng bỏ lên thành thị, bỏ làng lại cho phụ nữ, trẻ nhỏ và những người già.
“Thương nhớ đồng quê” dựa trên truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Huy Thiệp, kể về Nhâm và cuộc sống làng quê với gia đình anh gồm mẹ, em gái, và chị dâu Ngữ. Sự xuất hiện của Quyên, người đàn bà vượt biên nay trở về, làm nổi bật thêm sự đối lập giữa hai người phụ nữ. Ngữ, chị dâu của Nhâm, là hình ảnh biểu trưng cho truyền thống – cam chịu, hy sinh và bức bối. Trong khi đó, Quyên đại diện cho một thế hệ tân thời, tự do, táo bạo, nhưng cũng mang theo nỗi lạc lõng thời đại. Hai mảnh đời riêng biệt, cùng chung thân phận nữ nhi, tạo nên một bức tranh đa chiều về người phụ nữ Việt Nam đương thời, khiến ta không khỏi suy tư và thương nhớ về làng quê, về nỗi cô liêu và càng thêm thương lắm phụ nữ Việt Nam.
Trăng nơi đáy giếng – Nguyễn Vinh Sơn
Ẩn dụ như cái tên, nội dung Trăng nơi đáy giếng như một tách trà đậm đà, thoạt đầu đắng chát nhưng càng uống càng thấm, để lại hậu vị ngọt ngào và tinh tế, khó mà dứt ra một khi đã cảm nhận được cái thú tao nhã của trà. Phim dẫn dắt ta về với ngôi nhà rường cổ kính, với những tà áo dài thướt tha và nón lá e ấp dưới nắng, tạo nên khung cảnh thơ và tình. Nhưng khi mở cái cửa cánh, một bi kịch khác hiện hữu qua lăng kính của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, bi kịch chung của những người phụ nữ thời bấy giờ – thờ chồng. Câu chuyện xoay quanh Hạnh và cuộc hôn nhân không con với Phương, nơi bi kịch dần leo thang khi Hạnh quyết định tìm cho chồng một người vợ khác, Thắm, với hy vọng cô ấy sẽ sinh con cho Phương. Hạnh, dù là một cô giáo, một người trí thức tân thời, nhưng lại bị giáo điều truyền thống trói buộc. Cô sùng bái chồng như thần thánh, phục vụ từ những điều nhỏ nhặt nhất và cam chịu hy sinh tất cả, thậm chí tự nguyện ly hôn để chồng có thể có hạnh phúc trọn vẹn với người khác.
Đối với Hạnh, Phương và người chồng “ma” sau này không chỉ là chồng, là bạn đời mà là thần thánh mà nàng phải luôn tôn kính, phụng sự và hy sinh. Bộ phim không chỉ khắc họa sự cực đoan trong tín ngưỡng thờ chồng của Hạnh, mà còn mở ra một chiều kích tâm linh khi người chồng “người âm” xuất hiện, tiếp tục trở thành đối tượng cho sự sùng bái mù quáng của cô. Thông qua chi tiết này, đạo diễn đã khéo léo lồng ghép những ẩn ý sâu sắc về bi kịch của người phụ nữ bị giam hãm trong những lề thói và giáo điều truyền thống, đến mức họ không tự nhận ra sự ràng buộc vô hình đang giam cầm mình. Hạnh chính là đại diện cho nhiều phụ nữ trong xã hội xưa, những người sẵn sàng hy sinh bản thân, thậm chí cả lý trí và hạnh phúc, để làm tròn những chuẩn mực cứng nhắc mà xã hội áp đặt lên họ, từ đó phơi bày một nỗi đau sâu thẳm và âm ỉ mà phim muốn truyền tải.
Mùa hè chiều thẳng đứng – Trần Anh Hùng
Tiếp tục trên chuyến xe về miền xưa chốn cũ, bộ phim thứ ba đến với đạo diễn Trần Anh Hùng với Mùa hè chiều thẳng đứng. Thả lỏng mắt nhìn và ngắm Hà Nội qua nhãn quan vị đạo diễn xa xứ, nơi chốn hoài niệm hiển hiện qua góc máy và góc quay tự nhiên như mùa Hè gõ cửa. Nơi nắng tung tăng len lỏi khắp không gian sống. Những cuộc trò chuyện không đầu không đuôi. Những mảng xanh sống động. Những vệt mồ hôi đẫm áo. Những cơn mưa không ngắn không dài.
Thôi về phố thị Hà Nội những năm 90 và đi dạo qua các con phố trong tâm trí Trần Anh Hùng thuở bé cùng ba chị em Sương, Khanh và Liên. Không khai thác sâu vào cuộc đời nhân vật, cảnh phim cứ thật thà kéo người xem nhung nhớ những mảnh ký ức tuy riêng mà chung, phóng tác ra những khung hình đẹp giản đơn và kể câu chuyện vừa đủ. Như mùa Hè đến, như đám mây trôi, như làn gió trưa thoang thoảng, đời cứ thế nhẹ trôi.
The night is short, Walk on girl – Masaaki Yuasa
Tạm gác nỗi đau quá khứ, bỏ quên những gông cùm siết chặt phụ nữ trong bao năm qua để đến với cuộc rong ruổi nửa tỉnh nửa mê của nữ chính giữa màn đêm vô tận. Thế giới hoạt hình đầy phá cách và nhiệm màu đến kỳ dị của đạo diễn Masaaki Yuasa mở ra.
Như tựa đề The night is short, Walk on girl, trong màn đêm ngắn ngủi, cô gái vô danh chỉ đơn giản là đi. Cô đi mãi, từ xứ này qua xứ khác, gặp những người lạ rồi lại chia xa, không ngừng nghỉ trên hành trình tìm gặp lại quá khứ, đối diện với hiện tại và tương lai. Một thế giới không ngủ, không có thời gian, không có quy luật, nơi những bữa tiệc kéo dài vô tận, rượu chưa bao giờ cạn và cô gái vẫn cứ đi.
Amélie – Jean-Pierre Jeunet
Trời Tây xứ sở lãng mạn gọi tên Amélie, tác phẩm điện ảnh kinh điển của đạo diễn Jean-Pierre Jeunet. Chiếc hộp nhỏ tình cờ nàng Amélie tìm thấy trong ngôi nhà của mình đã khơi nguồn cho những mối nhân duyên đời thường, nơi người người giúp đỡ lẫn nhau, rồi tự giúp đỡ chính mình. Chiếc hộp tưởng như vô tri lại mở ra cho cô hành trình phiêu lưu đầy màu sắc, nơi Amélie không chỉ tìm thấy niềm vui từ việc mang hạnh phúc cho người khác mà còn tìm được tình yêu của đời mình.
Để vui sướng khi thấy người đàn ông rơi nước mắt khi nhận được chiếc hộp nhỏ – nơi chất chứa hàng ngàn kỷ niệm tuổi thơ quý báu, cô nhận được nhiều điều vô giá hơn cả. Bộ phim dưới góc nhìn của nữ chính, cô gái có mái tóc cắt ngắn ngộ nghĩnh, những gam màu vàng xanh đỏ lãng mạn cùng nước Pháp xinh xắn, Jean-Pierre Jeunet đã kể một câu chuyện tình người rất khác, đơn giản và độc nhất, vừa vặn để gợi nên suy tư.
The double life of Veronique – Krzysztof Kieślowski
Điện ảnh của Krzysztof Kieslowski tài ba luôn gắn liền với những khung hình nên thơ, cốt truyện được kể bằng cách đặt cảm giác làm trọng tâm, đi sâu vào tâm lý nhân vật và tâm lý người xem thay vì đưa ra những triết lý rõ ràng. Và cho dù vẫn khai thác những chủ đề quen thuộc như sự mất mát, cái chết hay nỗi cô đơn của con người trên thế gian này, ông lại tiếp cận chúng dưới góc nhìn siêu hình, giải mã cốt truyện để người xem tự giải mã suy tư. The double life of Veronique cũng vậy, dù khai thác về đề tài song trùng, nhưng kinh dị không là trọng tâm kể chuyện của ông.
Bộ phim kể về mối liên kết bí ẩn bất chấp rào cản ngôn ngữ và địa lý, Weronika, một giọng nữ cao của dàn hợp xướng người Ba Lan, và Veronique, một giáo viên dạy nhạc người Pháp giao nhau như minh chứng cho nhân duyên diệu kỳ. Các nhân vật được đặt trong bối cảnh không chỉ để trả lời câu hỏi cho người xem, mà còn đưa những câu hỏi tại sao, để ta tự giải mã và tìm lối thoát cho mình. Hư ảo như đứng giữa màn sương, khi trực giác nhiều lần nhạy cảm, liệu ta có đơn độc trên thế gian này, hay còn một ta liên kết ở xứ khác?
Thực hiện: Lenna