Chúng ta đã quên đi kỷ nguyên “ồn ào” của Tom Ford tại Yves Saint Laurent?
Ngày đăng: 30/12/24
Tuy bị chôn vùi trong bề dày quá khứ, nhưng triều đại ngự trị bởi Tom Ford tại Yves Saint Laurent luôn là một giai thoại nổi tiếng của thế giới thời trang – kịch tích, tranh cãi, ồn ào. Nhưng có lẽ chúng ta đã (giả vờ) quên đi những đánh đổi mà nhà thiết kế người Mỹ chấp nhận để “vũ trụ sáng tạo” của bản thân tỏa sáng.
Khi. Tom Ford được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo của Yves Saint Laurent vào năm 1999, kỳ vọng được đặt trên đôi vai nhà thiết kế ngày càng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Có lẽ là vì hiệu ứng quá đỗi mạnh mẽ sau lần hợp tác thành công với Gucci. Sau khi trở thành người “cầm trịch” của Gucci, trong suốt một thập kỷ, Tom Ford được ca ngợi như một nhà cách mạng, vì đã biến thương hiệu đang đứng trên bờ vực phá sản thành một thế lực trị giá hàng tỷ đô la, một biểu tượng thời trang toàn cầu. Cũng tại đây, Tom Ford đã thiết lập nên một kỷ nguyên tối giản nhưng nóng bỏng trong giữa những năm 90s – phong cách thẩm mỹ đặc trưng của bản thân nhà thiết kế.
Tuy nhiên, tên tuổi của ông bắt đầu vướng phải nhiều tranh cãi bắt đầu từ nhiệm kỳ của ông tại nhà mốt lịch sử của Pháp – Yves Saint Laurent. Đó là một chương “ồn ào” nhất trong sự nghiệp của Tom Ford; bởi lẽ nó được đánh dấu bằng những sáng tạo đầy căng thẳng, khác biệt về triết lý thiết kế cũ, thách thức trong việc cân bằng giữa đổi mới và tôn trọng di sản.
Yves Saint Laurent, một vĩ nhân huyền thoại trong ngành thời trang, đã tạo ra một vũ trụ thẩm mỹ bắt nguồn từ sự thanh lịch và thơ ca. Người phụ nữ của nhà thiết kế Pháp cùng vẻ đẹp và các phẩm chất được xây dựng cùng họ là một “bức tường thành” không ai có thể phá vỡ. Khi được trao cho tay người khác, nó càng trở nên vững chắc. Vì vậy, sự xuất hiện của Tom Ford được kỳ vọng và mong đợi gấp bội. Với cách tiếp cận, khai thác trực tiếp và mạnh mẽ của nhà thiết kế người Mỹ đã mang sự tương phản rõ rệt. Đương nhiên, nó đã chạm đến sự bảo thủ của người sáng lập.
Yves Saint Laurent đã không che giấu sự thất vọng của mình: nhiều lần thẳng thắn chia sẻ với truyền thông rằng triều đại mà Tom Ford dẫn dắt đã gây tổn hại đến di sản của ông. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ WWD, Yves Saint Laurent từng nói: “Cuối cùng, Ford cũng rời đi. Tôi đã phải chịu đựng những gì anh ấy đã làm với tên tuổi của tôi. Rất may, tổn hại đó vẫn có thể sửa đổi được.” Thậm chí, Yves Saint Laurent còn soạn một email dài gửi trực tiếp cho Tom Ford để bày tỏ sự tức giận của bản thân. “Trong 13 phút, anh đã phá hủy 40 năm sự nghiệp của tôi.” – Yves Saint Laurent, ắt hẳn là một trong những lời chỉ trích nổi tiếng nhất thế giới thời trang.
“Yves và cộng sự của ông ta, Pierre Bergé, rất khó tính và độc đoán, khiến cuộc sống của tôi trở nên khốn khổ,” Ford từng nhớ lại, nhiều năm ông rời khỏi Gucci Group sau khi công ty này cuối cùng trở thành một phần của tập đoàn xa xỉ Kering. “Tôi đã sống ở Pháp và luôn yêu thích nơi này… Mãi cho đến khi tôi bắt đầu làm việc tại đây, tôi mới bắt đầu không thích nơi này. Ở Paris, cảnh sát tài chính… sẽ xuất hiện tại văn phòng của chúng tôi – họ sẽ phỏng vấn thư ký của tôi. Và họ có thể phạt bạn và đóng cửa bạn. Pierre là người đã gọi họ. Vì vậy, Yves Saint Laurent không tồn tại đối với tôi. Tôi thậm chí không nhớ nhiều về thời gian của mình tại Yves Saint Laurent,” Ford nói thêm, “mặc dù tôi nghĩ một số bộ sưu tập đẹp nhất của tôi là ở đó.”
Thách thức lớn nhất đối với Ford là diễn giải lại tính thẩm mỹ của Saint Laurent mà không làm mất đi bản chất của nó. Bộ sưu tập đầu tiên của ông tại nhà mốt Pháp, được trình làng vào năm 2000 tại Bảo tàng Rodin ở Paris, được kỳ vọng và mong đợi rất nhiều; thậm chí còn được gọi là màn debut của năm. Tuy nhiên, Saint Laurent lại không có mặt để chứng kiến, trong khi Bergé không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào. “Bộ sưu tập này rất hay, nhưng không phải là ngoại lệ; điều quan trọng nhất là Ford đã tìm ra cách, thông qua vốn từ vựng dày đặc của Saint Laurent, để thể hiện giọng nói riêng của mình,” nhà phê bình Cathy Horyn đã từng viết như thế trên tờ New York Times.
Trên sàn diễn, Ford cố tình tránh những tham chiếu lộ liễu của bậc tiền bối như áo blouse thắt nơ mang tính biểu tượng; thay vào đó là diễn giải lại các yếu tố cổ điển cùng một chút hơi thở hiện đại. Những chiếc áo khoác có tay áo rộng và kỹ thuật nhún vải xếp nếp ở phần cầu vai, gợi nhớ đến Saint Laurent những năm 1980 với năng lượng đương đại hơn. Người phụ nữ YSL mới của Ford thu hút sự chú ý với chiếc áo khoác quá khổ, những chiếc váy ngắn gợi cảm, áo nịt ngực ôm sát cơ thể và dây đai xoắn quanh cơ thể. Sự thanh lịch và quý phái của họ được kết hợp hoàn hảo với sự táo bạo dưới một chiếc áo gile lụa khoét sâu đến rốn, hay những chiếc áo khoác cắt mất một bên tay áo. Đen và trắng chiếm ưu thế, với một vài điểm nhấn màu sắc, tạo nên một bức tranh trung tính cho những tỷ lệ mới. Có người khen nhưng cũng có những người không hiểu được hướng đi mới của Ford; tất nhiên show diễn vẫn không tránh khỏi cái phản hồi trái chiều. “Đó không phải là thơ của Yves”, nhà thiết kế Sonia Rykiel nhận xét, “Nó mạnh mẽ và trực tiếp hơn nhiều”.
Dưới lăng kính sáng tạo của Ford, các thiết kế của Yves Saint Laurent vẫn nắm bắt được sự lãng mạn được bảo tồn trong kho di sản, nhưng nó được pha trộn hài hòa với dấu ấn của NTK người Mỹ: tinh gọn nhưng đầy xa hoa. Tuy không được người sáng lập chấp thuận nhưng triều đại của Tom Ford ở nhà mốt Pháp vẫn được tôn vinh một cách thầm lặng hơn. Dưới thời Alessandro Michele, Gucci đã đi theo một hướng thẩm mỹ hoàn toàn khác. Nhưng ở Saint Laurent, ngay cả khi có sự thay đổi luân phiên của các giám đốc sáng tạo từ Hedi Slimane đến Anthony Vaccarello, thương hiệu vẫn duy trì các quy tắc bất chấp truyền thống mà Ford đã đặt nền móng.
Dưới lăng kính sáng tạo của Ford, các thiết kế của Yves Saint Laurent vẫn nắm bắt được sự lãng mạn được bảo tồn trong kho di sản, nhưng nó được pha trộn hài hòa với dấu ấn của NTK người Mỹ: tinh gọn nhưng đầy xa hoa.
Một khoảnh khắc mang tính biểu tượng và gây tranh cãi trong kỷ nguyên của Ford tại Yves Saint Laurent là chiến dịch quảng cáo cho dòng nước hoa nam *M7*, ra mắt vào năm 2002. Táo bạo và nóng bỏng là những tính từ để nhớ đến chiến dịch. Lấy cảm hứng từ bức ảnh khỏa thân của chính Yves Saint Laurent vào năm 1971, người mẫu Samuel de Cubber cũng xuất hiện trong chiến dịch vẻ diện mạo táo bạo tương tự. “Không có gì đẹp hơn là một cơ thể trần trụi.” – có lẽ Tom Ford đã bắt nguồn từ câu nói kinh điển của người sáng lập để hiện đại hóa ngôn ngữ đặc trưng, nét thẩm mỹ khiêu khích vốn nằm sâu trong kho lưu trữ được thương hiệu Pháp bảo tồn.
Bộ sưu tập cuối cùng khép lại triều đại của Tom Ford tại Yves Saint Laurent đã củng cố vị thế khó-thay-thế của nhà thiết kế trong quy chuẩn lịch sử của nhãn hiệu. Mùa trước, Tom Ford phần nào tuân theo ý muốn của Saint Laurent, gật gù với DNA thiết kế của nhà mốt Pháp, khi đêm xuống sàn diễn chiếc áo khoác Le Smoking đặc trưng được làm bằng lụa và váy cưới màu trắng. Nhưng trên đường bằng lần cuối, Ford làm bất cứ điều gì ông muốn, mặc kệ gọng kìm xiềng xích của Yves và Pierre.
Kết quả là làng mốt đã được chiêm ngưỡng một sự kết hợp mang đậm phong cách chiết trung thú vị: các tông màu rực rỡ từ trang sức, điểm nhấn bằng lông thú và những đường xoắn trên chiếc qipao hay sườn xám của Trung Quốc, với vai hình tháp và khuy ếch. Ford đã biến chiếc sườn xám thành một chiếc váy dài sẵn sàng cho thảm đỏ: nhuộm sắc đỏ tươi, nhấn nhá thêm sắc vàng và hồng tươi tắn, đính hạt theo họa tiết rồng và thắt nút tinh tế ở cổ. Các phụ kiện cũng đẹp không kém, chắc chắn người xem lúc đó đã không thể rời mắt khỏi những đôi giày cao gót hở mũi, quai mắt cá chân có thêu hoa, và cả đôi giày cao gót đế xuồng nhỏ xíu nổi bật với họa tiết da beo. Trong khi đó, những chiếc ví cầm tay được bọc trong lông thú và dây da bện, toát lên vẻ quyến rũ thật gợi tình.
Bất chấp những lời chỉ trích, Ford đã để lại dấu ấn riêng với những sản phẩm đình đám như túi Mombasa – chiếc túi da dáng bầu với phần quai bằng gỗ là màn kết hợp giữa sự tinh tế và gợi cảm để trở thành biểu tượng của sự khát vọng. Điều này chứng minh khả năng của Ford trong việc tạo ra những phụ kiện mang tính biểu tượng trong một thương hiệu nổi tiếng về trang phục và quần áo.
Tuy nhiên, xét về góc độ kinh tế, sự thay đổi của Saint Laurent lúc bấy giờ không mấy thành công. Không giống như Gucci, thương hiệu mà Ford đã hồi sinh bằng cách tiếp cận táo bạo, ở Saint Laurent, chúng ta đã không đặt niềm tin vào anh ấy. Có lẽ Saint Laurent đòi hỏi một sự nhạy cảm khác, nhưng nó phải gắn liền với truyền thống đã ăn sâu bén rễ.
Trong bức tranh thời trang Paris đang được John Galliano, Hedi Slimane và Alexander McQueen thống trị, các bộ sưu tập của Ford dường như thiếu đi sự nổi bật cần thiết. Như Kal Ruttenstein của Bloomingdale đã nhận xét: “Đây là cuộc sống của Yves, được tái hiện cho thiên niên kỷ mới.” Tuy nhiên, đối với những người khác, việc thiếu mất chất thơ đậm mùi của người sáng lập đã khiến các bộ sưu tập trở nên quá “bóng bẩy”, xa rời DNA thiết kế quen thuộc của nhà mốt Pháp.
Nhiệm kỳ của Tom Ford tại Yves Saint Laurent, kết thúc vào năm 2004. Tom Ford đã tạo ra những sản phẩm mang tính biểu tượng nhưng không sao chép được thành công về mặt kinh tế và sáng tạo như ở Gucci. Yves Saint Laurent, với vũ trụ tinh tế và đầy chất thơ, đã không phù hợp với chủ nghĩa thực dụng của Ford. Chương sáng tạo ngắn ngủi và không như kỳ vọng này như một nhắc nhở với thế giới thời trang, rằng việc đổi mới di sản của một thương hiệu là một nghệ thuật phức tạp.
Thực hiện Dory
Theo NSS Magazine và W Magazine