Chuyện gì sẽ xảy ra với những chiếc váy đã được diện trên thảm đỏ Oscar?
Ngày đăng: 18/03/24
Sau những phút giây thăng hoa và ánh đèn flash chớp nhoáng, một câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn: chuyện gì sẽ xảy ra với những chiếc váy haute couture sau khi chúng đã được xuất hiện tại thảm đỏ của các sự kiện lớn?
Lễ trao giải Oscar luôn là sự kiện trọng đại của Haute Couture, có lẽ còn hơn cả các tuần lễ thời trang. Tương tự với Met Gala – một trong những sự kiện thảm đỏ được mong đợi nhất trong năm, các trang phục nhận được sự soi xét từ công chúng đến từng chi tiết nhỏ, không kém gì các bộ phim đang tranh giải. Trong lúc diễn ra sự kiện, thông tin và hình ảnh đều được cập nhật liên tục, từng tấm ảnh ở mọi góc độ và ngay cả khi sự kiện đã kết thúc chúng vẫn sẽ được hiện diện trên các kênh truyền thông toàn cầu.
Sau những phút giây thăng hoa và ánh đèn flash chớp nhoáng, một câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn: chuyện gì sẽ xảy ra với những chiếc váy haute couture sau khi chúng đã được xuất hiện tại thảm đỏ của các sự kiện lớn?
Chắc chắn một điều, chúng ta sẽ không thể tìm thấy bộ trang phục thép của Grimes hay cây kiếm của hãng MISCHEF mà cô đã diện trên thảm đỏ Met Gala ở những nơi mua sắm bình thường tại Los Angeles. Ngay cả khi Jada Pinkett Smith sẽ không muốn mặc lại chiếc váy Haute Couture của Glenn Martens sau khi nhận xét rằng “tốn rất nhiều thể lực” để mặc nó. Nhưng cũng thật lãng phí nếu để chiếc váy trị giá $10.000 ở yên trong tủ đồ. Vậy thì số phận của những chiếc váy Haute couture này sẽ đi về đâu sau khi rời sàn catwalk?
Đó là một quá trình gian nan gồm nhiều công đoạn, những sự thay đổi lẫn những rủi ro có thể xảy ra tuỳ vào quy mô và khả năng của mỗi công ty. Một số công ty lớn có thể làm lại bộ sưu tập, phân bổ cho bộ phận sales tại các cửa hàng, gửi báo chí hoặc chuyển những trang phục này đến các vùng khác. Ngược lại, các công ty nhỏ hơn chấp nhận việc chỉ có một bản duy nhất và hi vọng nó sẽ không thất lạc trong quá trình vận chuyển của hãng DHL.
Một mùa làm việc tất bật từ phía Buyers*
Chặng đường đầu tiên trên chuyến hành trình dài mà các bộ váy “samples” này phải trải qua đó chính là chiến dịch bán hàng thường kéo dài trong vòng 3 tuần. Ngay khi chúng vừa rời khỏi sàn catwalk, chúng sẽ được thu xếp và đưa đến một phòng trưng bày thương mại dành cho những buyer. Hầu hết các buyer, đặc biệt là người châu Á và Mỹ thường sẽ bỏ qua các buổi trình diễn ở Milan và sẽ đi thẳng tới Paris, vì thế các thương hiệu sẽ thận trọng sắp xếp một phòng trưng bày riêng tại Ý, sau đó đến Pháp và vòng lại Milan để tất cả các buyer khác có thể xem mẫu.
Không phải bất cứ quần áo nào từ sàn runway đều được bán, trong số đó có khoảng 30% cực kỳ đặc biệt sẽ dành cho trình diễn và nằm trong bộ sưu tập lưu trữ của nhà mốt. Đây là trường hợp của Jean Paul Gaultier, Mugler, Galliano, Schiaparelli – những nhà thiết kế trong nhiều năm đã có những thiết kế ngoạn mục, ấn tượng đến mức họ luôn là những sự lựa chọn hàng đầu của các siêu sao cho các sự kiện lớn hàng năm. Một ví dụ chính là chiếc váy Butterfly Dress của nhà mốt Thierry Mugler, được thiết kế bởi Jerry Hall vào năm 1997, qua từng năm đã được các ngôi sao lớn mặc như Jennifer Lopez vào năm 1998, Beyoncé vào năm 2008 và siêu mẫu Irina Shayk vào năm 2021.
Nhiệm vụ đưa thiết kế đến truyền thông của bộ phận marketing
Sau buyers, các thiết kế đã đến tay những người nổi tiếng và influencers. Bộ phận truyền thông của các công ty thời trang và các agency truyền thông trở nên tất bật hơn bao giờ hết khi họ phải quản lý và bảo quản trang phục dành cho các tạp chí và người nổi tiếng từ nhiều châu lục khác nhau. Họ không chỉ có quyền quyết định cho ai mượn quần áo và ưu tiên đưa chúng cho ai, họ còn cần biết các trang phục sẽ đi đến những nơi nào bởi họ cùng với các stylist sẽ chịu trách nhiệm về bất cứ thiệt hại nào nếu không may xảy ra.
Đôi lúc, bộ phận truyền thông sẽ nhận được yêu cầu về một trang phục cụ thể, hoặc các bên khác sẽ gửi họ danh sách những trang phục để họ chọn tùy theo tình trạng sẵn có. Tiếp đến thông tin của buổi chụp được cung cấp: ngày chụp, nhiếp ảnh gia chính, stylist, người mẫu và địa chỉ nơi nhận trang phục. Song song với quá trình phức tạp trong việc quản lý những trang phục đắt giá này, nhà mốt sẽ chú trọng ai sẽ người mặc chúng.
Một số người nổi tiếng được vinh dự mặc thiết kế trước khi đi vào sản xuất, chẳng hạn như nữ diễn viên Ariana DeBose, người đã mặc chiếc váy Moschino do Bella Hadid mặc vài ngày trước đó tại tuần lễ thời trang Milan tới Lễ trao giải của Hiệp hội Nhà thiết kế Trang phục.
Mặt khác, các influencer sẽ được mượn chúng nhiều tháng sau, sau khi những trang phục này sẽ được trưng bày tại các cửa hàng và dành cho các chiến dịch marketing. Lúc này, các influencers sẽ đăng tải hình ảnh trên các bài đăng của mình trên mạng xã hội nhằm thu hút khách hàng có xu hướng mua những trang phục mang tính hàng ngày, thể thao hơn là những trang phục diện trên thảm đỏ.
Vì thế chu kì của một bộ sưu tập mẫu thường sẽ kéo dài: tạp chí sẽ chụp ảnh cho bộ sưu tập Thu/Đông, mùa Xuân/Hè sẽ dành cho các influencers mặc và đăng tải trên mạng xã hội.
Khi thiết kế trở thành lưu trữ
Nhiều tháng sau khi buổi biểu diễn thời trang kết thúc, hầu hết các trang phục trở về với nơi ban đầu của nó. Từ đây, một số sẽ hiện diện trong buổi sales thường niên dành cho nội bộ nhân viên, báo chí hoặc người trong ngành, số còn lại có thể nằm trong các cửa hàng outlet của thương hiệu.
Các thương hiệu lớn thường sẽ cất giữ các bộ sưu tập mẫu của họ trong khu vực lưu trữ riêng (archive), ngoài ra một số thiết kế xuất hiện trong các bộ phim hoặc các dự án nghệ thuật, như trong trường hợp của bộ phim Spencer, trong đó nhà thiết kế trang phục Jacqueline Durran đã lấy từ catalog của Chanel để tái tạo những bộ trang phục mang tính biểu tượng của Công nương Diana.
Thiết kế lưu trữ cũng là nguồn chính cho các sự kiện triển lãm của các nhà thiết kế hàng đầu. Có thể kể đến như Musée Yves Saint Laurent Paris – nơi trưng bày những thiết kế ấn tượng của Yves Saint Laurent hay buổi triển lãm ngắn hạn của Thierry Mugler tại Bảo tàng Nghệ thuật Trang trí. Đây là quá trình mà với một chút may mắn, một chiếc váy từ các sàn diễn đã đi vào lịch sử mãi mãi.
Chuyển ngữ: Như Quỳnh
Theo NSS Magazine
*Fashion Buyers được hiểu là người quản lý mua hàng thời trang. Trong ngành bán lẻ, người mua hàng là người định giá sản phẩm, lựa chọn các sản phẩm mà cửa hàng sẽ nhập và quyết định thời gian giao nhận hàng và số lượng hàng.