Có phải thương hiệu thời trang nào cũng cần một giám đốc sáng tạo?
Ngày đăng: 26/06/23
Trong một thế giới thời trang đầy biến động và không ngừng thay đổi, câu chuyện về việc thương hiệu Bally chấm dứt hợp tác với Rhuigi Villaseñor chỉ sau một năm rưỡi đã gợi lên câu hỏi: Liệu có phải thương hiệu thời trang nào cũng cần một giám đốc sáng tạo?
Trong bài viết này, hãy cùng Style-Republik phân tích tầm ảnh hưởng của giám đốc sáng tạo đến hình ảnh, chiến lược và sự thành công của một thương hiệu thời trang, đồng thời tìm ra câu trả lời đó nhé!
Cách đây vài ngày, thương hiệu thời trang cao cấp của Thuỵ Sĩ – Bally đã quyết định kết thúc hợp tác trong hoà bình với giám đốc sáng tạo Rhuigi Villaseñor. Tuỵ nhiên, điều khiến những người yêu thời trang quan tâm không còn nằm ở nội dung tin tức, bởi chúng ta giờ đây đã quá quen thuộc với những lời chia tay bất ngờ từ các giám đốc sáng tạo, nhưng người hâm mộ lại vô cùng sững sờ trước tốc độ nhanh chóng của lời tạm biệt này. Chỉ một năm rưỡi sau khi được bổ nhiệm, giám đốc sáng tạo Rhuigi đã nói lời tạm biệt với thương hiệu đến từ Thụy Sĩ, để lại sau lưng hai show diễn sắp được trình làng trong Tuần lễ thời trang Milan và rất nhiều điều khác.
Sự ra đi của Rhuigi đã dấy lên câu hỏi: Liệu một thương hiệu thời trang có nhất thiết phải cần giám đốc sáng tạo?
Trong thế giới thời trang hiện hành, nơi mỗi người đều đang cố gắng chiếm lấy một vị trí trên trang đầu website tin tức của ngành công nghiệp, vai trò của một giám đốc sáng tạo là không thể phủ nhận. Họ đề ra xu hướng và phong cách cho thương hiệu, tạo ra sự khác biệt so với đối thủ. Ngoài ra, họ quản lý và điều phối các nhóm làm việc, đảm bảo các hoạt động sáng tạo phù hợp với tầm nhìn thương hiệu. Giám đốc sáng tạo như một ngôi sao giữ cho thương hiệu luôn nằm trong tầm mắt công chúng, một chất xúc tác truyền thông có thể đảm nhận vai trò của người đứng đầu thương hiệu.
Giám đốc sáng tạo như một ngôi sao giữ cho thương hiệu luôn nằm trong tầm mắt công chúng, một chất xúc tác truyền thông có thể đảm nhận vai trò của người đứng đầu thương hiệu.
Tuy nhiên, mặt trái của chiếc huy chương, giám đốc sáng tạo cũng là người phải cân nhắc giữa hai yếu tố thúc đẩy một thương hiệu: nghệ thuật và thương mại. Không phải ai cũng có đôi vai đủ rộng lớn để gánh vác trọng trách cao cả như vậy, vừa phải cân đối các giá trị như di sản, sự sáng tạo, nhưng cũng phải tìm ra hướng đi thương mại để thương hiệu có thể phát triển.
Lanvin, vài tuần trước, đã gửi lời chia tay đầy cảm xúc đến giám đốc sáng tạo Bruno Sialelli, khởi đầu cho một giai đoạn chuyển mình đầy hào hùng. Thương hiệu đã khởi xướng Lanvin Lab – một diễn đàn sáng tạo, hội tụ những tài năng từ mọi nẻo đường trên thế giới, cùng chung sức trở thành các nhà thiết kế khách mời tài ba, để đồng hành cùng nhà mốt sáng tạo nên các bộ sưu tập mới.
Louis Vuitton cũng đã tạo ra một cuộc chuyển giao tương tự, nhưng với sự tiếp nối đặc biệt đến từ Pharrell Williams, người kế vị Virgil Abloh. Trước khi thông báo Williams sẽ chính thức đảm nhận cương vị giám đốc sáng tạo dòng thời trang nam, Louis Vuitton đã trao quyền chỉ đạo cho đội ngũ sáng tạo nội bộ, đồng thời mời KidSuper làm nhà thiết kế khách mời cho bộ sưu tập được trình diễn tại Paris. Đáng chú ý, khi Louis Vuitton đang ngày càng hoạt động tích cực trong các lĩnh vực đa dạng như game, thể thao và giải trí, nhà mốt này đã quyết định lựa chọn một biểu tượng, một nhân vật có khả năng thu hút sự chú ý của truyền thông hơn là tập trung vào một giám đốc sáng tạo có nền tảng về thiết kế.
Nếu nhìn lại, chúng ta sẽ thấy không ít những thương hiệu đã từng không có giám đốc sáng tạo suốt một khoảng thời gian dài. Gucci, trong giai đoạn chuyển giao từ Alessandro Michele đến Sabato De Sarno, đã dựa vào tài năng của đội ngũ sáng tạo nội bộ. Hay như Maison Margiela, để tôn vinh triết lý ẩn danh của người sáng lập, từ năm 2009 đến 2014, thương hiệu này đã không chọn một giám đốc sáng tạo nào cố định. Một cái tên khác, Ann Demeulemeester: từ khi Claudio Antonioli mua lại thương hiệu cho đến khi Ludovic de Saint Sernin được bổ nhiệm, Ann Demeulemeester đã tin tưởng hoàn toàn vào đội ngũ thiết kế nội bộ của mình. Đặc biệt, Bally trước thời Rhuigi Villaseñor, đã sáng tạo ra các bộ sưu tập bằng công sức của tập thể qua nhiều năm.
Có không ít minh chứng về sự thành công từ việc không có giám đốc sáng tạo, và Loro Piana là một trong số đó. Tháng ba vừa qua, CEO Damien Bertrand của thương hiệu đã khẳng định một cách quả quyết rằng, bất chấp những tin đồn, Loro Piana không cần đến một giám đốc sáng tạo: “Loro Piana chưa bao giờ có một giám đốc sáng tạo, và tôi không thấy cần thiết cho việc đó vào lúc này, khi chúng tôi đã định hình được phong cách của mình”. Lora Piana đã chứng minh với khách hàng và những người yêu thời trang thấy, họ hoàn toàn có thể tiếp tục phát triển mà không cần một người dẫn dắt sáng tạo cố định, thay vào đó là sự tự do đổi mới qua mỗi bộ sưu tập.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa là giám đốc sáng tạo không có ảnh hưởng đến sự thành công của một thương hiệu thời trang. Trên thực tế, họ vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh và phong cách của thương hiệu. Nhưng chúng ta cần phải tự hỏi rằng, thương hiệu của mình có thực sự cần một giám đốc sáng tạo không, hay chỉ cần một đội ngũ nhân viên tài năng, sáng tạo và có khả năng làm việc nhóm hiệu quả? Thay vì chạy theo xu hướng, có lẽ chúng ta nên tập trung vào việc tạo ra những sản phẩm thật sự có giá trị và ý nghĩa.
Thực hiện: Heidi Trương
Theo NSS