Cuộc chiến giành thị phần thương mại điện tử: Ngành thời trang dẫn đầu về doanh số, phân khúc giá thấp được ưa chuộng
Ngày đăng: 21/08/24
Mức tăng trưởng doanh thu lên đến 78% chỉ trong 6 tháng đầu năm của thị trường thương mại điện tử Việt Nam là tín hiệu tích cực cho các thương hiệu thời trang muốn thử sức trên nền tảng này.
Cuộc đua giành thị phần khốc liệt của gần 400 sàn TMĐT: Ngành thời trang tiếp tục dẫn đầu doanh số
Báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á do OpenGov Asia công bố vào tháng trước cho biết TMĐT Việt Nam đang có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực.
Cũng theo thống kê của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, tính đến đầu năm 2024 đã có gần 400 sàn TMĐT đăng ký hoạt động tại Việt Nam, cho thấy sự cạnh tranh giữa các sàn TMĐT đang bước vào giai đoạn “tăng tốc”.
Cụ thể, Shopee tiếp tục giữ vững “ngôi vương” với tổng giao dịch (GVM) 62.380 tỷ đồng, chiếm tới 71,4% bức tranh toàn cảnh. Đây cũng là sàn duy nhất mở rộng thị phần trong quý vừa qua, cho thấy khả năng duy trì sức cạnh tranh mạnh mẽ và tiếp tục gia tăng khoảng cách với các đối thủ khác trong thời gian tới.
Xếp thứ hai là “tân binh sáng giá” TikTok Shop với doanh thu 19.2400 tỷ đồng, chiếm 22% thị phần. Lazada và Tiki chỉ còn chiếm lần lượt 5,9% và 0,7%. Có thể thấy, đây gần như đã trở thành cuộc chiến không cân sức của hai đối thủ nặng ký Shopee và TikTok Shop.
Các mặt hàng quần áo và phụ kiện tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu về doanh số trên các sàn thương mại điện tử. Cụ thể sau 5 tháng đầu năm 2024, doanh số ngành hàng Thời trang trên các sàn TMĐT đạt 29.000 tỷ đồng, tăng trưởng 67% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng cộng có 330 triệu sản phẩm được giao thành công đến tay người tiêu dùng, tăng 77%.
Ngoài ra, trong số các nhóm sản phẩm, thời trang nữ ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất, tiếp đến là thời trang nam. Thêm vào đó, Shopee là lựa chọn yêu thích của các bậc phụ huynh khi mua sắm thời trang trẻ em, trong khi TikTok Shop lại là mảnh đất màu mỡ cho các dòng phụ kiện thời trang.
Số lượng nhà bán lẻ giảm sút, phân khúc thời trang giá thấp được ưa chuộng
Tuy doanh thu và số lượng sản phẩm bán ra đều tăng nhưng số lượng các shop thời trang lại giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này cho thấy mặc dù ngành hàng Thời trang có nhu cầu mua sắm lớn nhưng mức độ cạnh tranh lại vô cùng gay gắt, dẫn đến việc các nhà bán lẻ không chuyên nghiệp có nguy cơ bị đào thải.
Lý giải cho điều này là vì các sàn TMĐT đang thắt chặt quản lý thuế và luật bảo vệ người tiêu dùng, gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, thói quen mua sắm ngày càng khó tính của người tiêu dùng như đọc đánh giá, lượt mua trước khi chi trả cũng là trở ngại cho các doanh nghiệp nhỏ chưa có tiếng tăm trên thị trường. Để giành được niềm tin của khách hàng, việc mạnh tay đầu tư vào nội dung, hình ảnh bắt mắt, chỉn chu và dịch vụ tư vấn, chăm sóc khách hàng nhanh chóng là điều cần thiết.
Xét về mức giá, các sản phẩm dưới 200.000 đồng vẫn là lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng cho hầu hết các mặt hàng. Đặc biệt đối với thời trang nam và nữ, phân khúc giá này gần như chiếm ưu thế vượt trội so với các mức giá khác. Riêng với giày dép và túi xách, người mua sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho những sản phẩm có giá trên 500.000 đồng.
Sự nhạy cảm về giá được cho là bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế khó khăn, dẫn đến hạn mức chi tiêu bị thu hẹp lại. Do đó, thương hiệu cần đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, flashsale, mua theo combo hoặc số lượng lớn để nhận nhiều ưu đãi.Shoppertainment – Xu hướng mua sắm kết hợp giải trí
Shoppertainment là sự kết hợp của “Mua sắm” – Shopping và “Giải trí” – Entertainment. Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, có hơn 79% người dùng TikTok Shop mua hàng sau khi xem nội dung của thương hiệu trên mạng xã hội TikTok.
Cũng trên nền tảng này, có đến 95% người dùng đã dành trung bình 13 tiếng mỗi tuần để xem và mua hàng thông qua livestream. Thống kê cũng cho thấy 85% thích xem livestream vì có thể trò chuyện trực tiếp với người bán, trong khi 81% đánh giá cao tính chân thực của sản phẩm. Đáng chú ý, livestream có thể thúc đẩy 64% người dùng mua hàng dù ban đầu họ không có ý định.
Không thua kém TikTok Shop, Shopee cũng tăng cường đầu tư cho các hoạt động livestream đa dạng hình thức, hợp tác với nhiều KOL, KOC đình đám, đẩy mạnh tiếp thị liên kết và xu hướng giải trí Shopee Video.
Theo nhận định của các chuyên gia marketing, video dạng ngắn sẽ trở thành nguồn tạo ra doanh thu quảng cáo lớn nhất so với bất kỳ loại nội dung nào khác trong thời gian tới.
Nhờ vào những ưu thế như khả năng khám phá thông tin, tìm kiếm nội dung và mua sắm trong cùng một ứng dụng mà không cần phải thay đổi giao diện hay chuyển sang nền tảng khác, xu hướng Shoppertainment tạo ra hành trình mua sắm liền mạch, hiệu quả mà các thương hiệu thời trang cần tận dụng để nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Tổng kết lại, với sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử Việt Nam, đặc biệt là trong ngành thời trang, các thương hiệu đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Mặc dù doanh thu và số lượng sản phẩm bán ra đều tăng đáng kể, sự cạnh tranh khốc liệt và sự giảm sút về số lượng nhà bán lẻ cho thấy chỉ những doanh nghiệp có chiến lược rõ ràng và nắm bắt đúng xu hướng tiêu dùng mới có thể tồn tại và phát triển.
Thực hiện: Thanh Mai
Nguồn tham khảo: MarketingAI