Cuộc thay máu lãnh đạo và chiến lược chuyển mình của các CEO mới trong năm 2025

Ngày đăng: 10/01/25

2024 dường như là một giai đoạn chuyển mình của nhiều ông lớn trong ngành thời trang khi họ nỗ lực cải thiện tình hình tài chính ảm đạm, hướng tới tăng trưởng và lợi nhuận. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành cải tổ đội ngũ lãnh đạo, bổ nhiệm các CEO mới – những người đã và đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc tạo ra những thay đổi đột phá. 

Style-Republik sẽ điểm qua những điều đang diễn ra khi những điểm nóng của 2024 tiếp tục được hé lộ trong năm 2025.

Bước chuyển mình của Nike: Hướng tới mô hình kinh doanh thể thao cao cấp

Gã khổng lồ Nike đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, dẫn đến kết quả tài chính không như kỳ vọng trong những quý gần đây. Trước tình hình này, công ty đã mời Elliot Hill, một cựu chiến binh dày dạn kinh nghiệm, về nắm quyền điều hành từ tháng 9/2024.

Nhưng mãi đến tháng 12, khi Nike công bố kết quả quý 2 với doanh thu tiếp tục sụt giảm 8%, Hill mới có cơ hội thể hiện một lần nữa. Vị CEO đã khẳng định rằng cần phải có “hành động ngay lập tức” để tái định vị doanh nghiệp. Sau khi ghi nhận phản hồi từ quá trình đánh giá toàn diện, ông đã đưa ra kế hoạch tái cơ cấu nhằm giải quyết bước lùi của thương hiệu.

Running Shoes. Nike VN

Kế hoạch này tập trung vào năm điểm cụ thể nhằm đưa Nike trở lại vị thế vốn có của một ông hoàng thể thao. Từ việc tập trung sâu hơn vào các phân khúc cụ thể và kế hoạch marketing lấy thể thao làm trọng tâm, cũng như xem xét lại các dòng sản phẩm chủ lực. Hill cũng nhấn mạnh cần xây dựng lại mối quan hệ với các đối tác, đặc biệt là các nhà bán lẻ cao cấp, nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Ông kết luận: “Nhiều kế hoạch đã và đang được triển khai, song vẫn cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tôi sẽ liên tục đánh giá tình hình để có những điều chỉnh phù hợp. Dù biết rằng một số quyết định có thể ảnh hưởng không tốt đến kết quả kinh doanh trước mắt, chúng tôi vẫn chọn hướng đi dài hạn. Mọi quyết định đều nhằm đảm bảo sức khỏe của thương hiệu và doanh nghiệp, từ đó tạo giá trị cho cổ đông. Tôi tin chắc rằng thể thao chính là chìa khóa để Nike đạt được tăng trưởng bền vững và sinh lời.”

Women's Shoes. Nike VN

Macy’s đối mặt với nhiều hoài nghi trong quá trình tái cơ cấu

Vào đầu 2024, Tony Spring nhậm chức CEO tại đế chế bán lẻ Macy’s giữa lúc công ty đối mặt với áp lực thâu tóm từ các nhà đầu tư. Dù từ chối đề nghị mua lại, Macy’s buộc phải bổ nhiệm hai thành viên HĐQT mới từ một quỹ đầu tư.

Đứng trước tình thế nghiêm trọng khi cổ phiếu sụt giảm tới 70% trong thập kỷ qua, Macy’s đã tung ra chiến lược táo bạo: Tập trung mở rộng các cửa hàng nhỏ, thúc đẩy thương hiệu Bloomingdale’s và tinh giản nhân sự – một nước cờ mạo hiểm nhằm vực dậy giá trị cổ đông.

Macy's jewelry in outlet store

Những nỗ lực này đã cho thấy tín hiệu khả quan. Dù doanh thu quý 3 giảm 2,4%, Bloomingdale’s và Bluemercury lại ghi nhận tăng trưởng ấn tượng, cùng với đó là thành công từ 50 cửa hàng được cải tổ. Từ đó, thương hiệu nâng doanh thu cả năm lên mức 22,3-22,5 tỷ USD, khi doanh số “vượt xa mức quý 3”.

Tuy nhiên, drama chưa dừng lại ở đó. Bất chấp những con số đầy hứa hẹn, các nhà đầu tư vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng hồi sinh của Macy’s. Trong một động thái gây chấn động, hai cổ đông lớn đã công khai yêu cầu tập đoàn này thực hiện hàng loạt thay đổi cơ cấu, thậm chí đề xuất bán đứt Bloomingdale’s và đánh giá lại toàn bộ kế hoạch chi tiêu, sau khi nhận định rằng các cải thiện về kết quả kinh doanh “chưa đủ bền vững”.

Đáp lại áp lực này, Macy’s một lần nữa khẳng định sẽ kiên định với chiến lược hiện tại, đồng thời cam kết duy trì đối thoại với cổ đông trong quá trình triển khai các sáng kiến mới. Cuộc chiến quyền lực tại gã khổng lồ bán lẻ này dường như vẫn chưa có hồi kết.

FIT's Future of Fashion Runway Show Sponsored by Macy's

Thay đổi nhân sự cấp cao tại Kering: Tận cùng khủng hoảng hay khởi đầu thần kỳ? 

Trong một nước cờ táo bạo làm chấn động giới thời trang xa xỉ, tập đoàn Kering không chỉ thay máu đội ngũ giám đốc sáng tạo mà còn tiến hành một cuộc cải tổ toàn diện ban lãnh đạo cấp cao, với việc bổ nhiệm loạt CEO mới cho ba thương hiệu trụ cột: Gucci, Saint Laurent và Balenciaga.

Động thái này được đưa ra giữa lúc ngành hàng xa xỉ rơi vào khủng hoảng với nhu cầu sụt giảm mạnh, đặc biệt là tại Gucci – con gà đẻ trứng vàng của Kering. Thương hiệu Ý vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2024 với doanh thu lao dốc 26%, buộc Kering phải tung “người hùng” Stefano Cantino vào ghế nóng CEO. Nhiệm vụ của ông là kế thừa nền móng từ người tiền nhiệm Jean-François Palus, đồng thời mở ra một chương mới đầy táo bạo cho Gucci.

Doanh thu của Kering trên đà phục hồi nhờ giới siêu giàu - LUXUO.VN

Làn sóng thay đổi cũng cuốn theo Saint Laurent và Balenciaga với việc bổ nhiệm Cédric Charbit và Gianfranco Gianangeli vào vị trí CEO. Điều này dẫn đến sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong vai trò của Phó CEO Kering – Francesca Bellettini, khi bà chuyển sang tập trung hoàn toàn vào phát triển mảng thời trang, đồ da và trang sức của tập đoàn.

Trong khi Charbit được giao nhiệm vụ nâng tầm vị thế của Saint Laurent, Gianangeli sẽ phải đối mặt với thách thức kép: vừa củng cố vừa mở rộng tầm ảnh hưởng của Balenciaga trên thị trường toàn cầu. Liệu “cuộc đại phẫu” này có đủ sức vực dậy đế chế xa xỉ Kering trong cơn bão táp của thị trường?

Cédric Charbit x Gianfranco Gianangeli - Kering

Kohl’s thận trọng trước khủng hoảng: Khi ngành thời trang lao dốc

Tương tự người anh em Macy’s, đế chế bán lẻ Kohl’s cũng đang chìm trong vũng lầy khủng hoảng sau ba năm liên tiếp đối mặt với áp lực từ các nhà đầu tư và những đề nghị thâu tóm, cùng chuỗi báo cáo tài chính đáng thất vọng.

Để xoa dịu các nhà phê bình, công ty đã nhanh chóng bổ nhiệm Tom Kingsbury làm CEO mới vào năm 2023. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc sớm vào ngày 15/1/2025, và Ashley Buchanan sẽ kế nhiệm vị trí này. Dù Kingsbury được ghi nhận công lao trong việc dẫn dắt quá trình chuyển đổi Kohl’s, mở rộng danh mục sản phẩm và cải thiện trải nghiệm mua sắm, nhưng kết quả của kế hoạch này vẫn còn là ẩn số.

Kohl's CEO shifts focus back to stores: 'The digital business is really what's bringing us down' | Retail Dive

Kết quả kinh doanh quý 3 tiếp tục không đạt kỳ vọng, đặc biệt do nhu cầu thời trang và giày dép suy giảm mạnh. Trước tình hình này, Kingsbury cho biết công ty đang “thực hiện những biện pháp quyết liệt để đảo ngược đà sụt giảm doanh số” và đang nỗ lực trong năm nay với thái độ “thận trọng hơn”.

Lauren Conrad Started Her Fashion Brand 10 Years Ago. Her Influence Might Be Stronger Than Ever | Glamour

Michael Kors tái cơ cấu sau thương vụ sáp nhập thất bại

Sau khi thương vụ sáp nhập với Tapestry không thành công, Capri Holdings đã buộc phải đánh giá lại toàn bộ mô hình kinh doanh, đặc biệt là tại Michael Kors – thương hiệu được xem như trọng tâm trong chiến lược phục hồi của tập đoàn.

Trong một động thái bất ngờ, Chủ tịch Capri – John Idol – đã đích thân nắm quyền CEO của Michael Kors, với sứ mệnh đưa thương hiệu này trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Tại thời điểm nhậm chức, Idol tuyên bố sẽ triển khai hàng loạt sáng kiến chiến lược nhằm ổn định doanh thu và lấy lại cả khách hàng mới lẫn khách hàng trung thành.

Bên cạnh đó, Capri còn bổ nhiệm Philippa Newman vào vị trí Giám đốc Sản phẩm. Với vai trò mới, bà Newman sẽ chịu trách nhiệm dẫn dắt chiến lược cải tổ toàn diện danh mục sản phẩm của thương hiệu. Liệu bộ đôi lãnh đạo mới có thể vực dậy Michael Kors sau cú sốc thất bại thương vụ sáp nhập?

Bold looks among boulders at Michael Kors' New York Fashion Week show

Dr. Martens: Nỗ lực chuyển mình giữa cơn bão thua lỗ

Trước tình trạng thua lỗ ngày càng trầm trọng trong nửa đầu năm, Hội đồng Quản trị Dr. Martens đã tuyên bố sẽ có “hành động nhanh chóng” để xoay chuyển tình thế. Kế hoạch cắt giảm chi phí sẽ được đặt dưới sự giám sát của tân CEO Ije Nwokorie – người từng có kinh nghiệm dày dặn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kênh bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng (DTC).

Dr. Martens gọi 2024 là “năm chuyển mình”, với bốn mục tiêu chiến lược then chốt: đẩy mạnh marketing tập trung vào sản phẩm, cải thiện hiệu suất DTC tại thị trường Mỹ, giảm chi phí vận hành và củng cố bảng cân đối kế toán. Những mục tiêu này sẽ càng trở nên cấp thiết trong năm tới, đặc biệt khi thương hiệu này đã rơi vào tình trạng thua lỗ trong nửa đầu năm, cùng với việc doanh thu sụt giảm 18%.

Liệu chiến lược “chuyển mình” đầy tham vọng này có đủ sức vực dậy thương hiệu giày biểu tượng của Anh Quốc, hay Dr. Martens sẽ tiếp tục chìm sâu trong vòng xoáy khủng hoảng?

Chuyển ngữ: Thanh Mai