Da tự nhiên – Da nhân tạo: Cái gì mới thực sự là bền vững?
Ngày đăng: 23/08/21
Chúng ta không thể phủ nhận vai trò quan trọng của các chất liệu da trong ngành công nghiệp thời trang khi từ nó người ta có thể tạo nên những thiết kế độc đáo. Tuy nhiên, kể cả khi rất nhiều sáng kiến được ra đời như chất liệu da thuần chay, được giới thiệu và ứng dụng bởi các thương hiệu cao cấp lẫn đại chúng, thì vấn đề đạo đức và môi trường trong việc sử dụng da đã và đang tạo nên những cuộc tranh luận không ngừng giữa các nhà hoạt động môi trường và những người đang hưởng lợi từ nó.
Da nhân tạo có giải pháp hoàn hảo thay thế da tự nhiên? Điều này có thực sự đúng hay chỉ là một cách marketing? Trong tương lai con người có thế ngừng sử dụng da thuộc trong thời trang khi mà hoạt đông chăn nuôi lấy thịt vẫn tiếp diễn? “Một thông điệp rút ra thực sự rõ ràng là chúng ta có lẽ không nên mặc áo khoác da bò nếu lo ngại về khí hậu” – Emma Håkansson, người sáng lập Collective Fashion Justice, cho biết.
Sẽ rất lãng phí nếu con người không sử dụng da?
Các thương hiệu và doanh nghiệp sản xuất da động vật cho rằng sẽ rất lãng phí nếu con người không sử dụng da vì đây là sản phẩm phụ tự nhiên của ngành sản xuất thịt.
Dự án Circumfauna, được thực hiện bởi nhóm vận động thuần chay Collective Fashion Justice, nhằm mục đích tạo ra một kho lưu trữ để nghiên cứu và thu thập dữ liệu về việc sử dụng động vật trong thời trang, bắt đầu từ những tác động của ngành sản xuất da. Đáng chú ý, và có lẽ là gây tranh cãi nhất chính là đoạn viết: “Từ quan điểm môi trường, nhóm đã kết luận rằng: Sẽ tốt hơn cho thế giới nếu để da sống (hide) – thậm chí cả khi đây là sản phẩm phụ của ngành công nghiệp thịt – bị thối rữa trong một bãi rác thay vì chế biến nó thành vật liệu sử dụng cho các sản phẩm như giày dép hay túi xách.”
Emma Håkansson, người sáng lập Collective Fashion Justice, cho biết: “Thời trang thuần chay là một điều quan trọng tại thời điểm này, nhưng không có nhiều dữ liệu về nó được phổ cập mà chỉ là sự phấn khích (mang tính quảng cáo, marketing)”. “Những vật liệu mà chúng ta nói đến nhiều nhất không phải là những vật liệu có tác động mạnh nhất đối với chúng ta. Chúng tôi muốn thu được nhiều hiệu quả nhất khi nói về tính bền vững trong thời trang.”
Cuộc tranh luận về các vấn đề của chất liệu da đang ngày càng gia tăng. Hàng da, chủ yếu là các sản phẩm túi xách và giày dép, là nhóm hàng có tỷ suất lợi nhuận cao nhất và lớn nhất trong lĩnh vực hàng xa xỉ. Thời trang vốn đã nhận ra sự cần thiết phải giảm lượng khí thải carbon của mình và tác động của chất liệu da là tương đối lớn so với các vật liệu liên quan đến nông nghiệp chăn nuôi khác. Quá trình thuộc da cũng bắt buộc sử dụng các hóa chất độc hại ảnh hưởng cho sức khỏe người lao động và môi trường.
Ngay cả hầu hết các chất liệu da thuần chay được sử dụng phổ biến đều có nguồn gốc từ dầu mỏ (faux leather), đây không phải là một giải pháp thay thế mang tính bền vững. Tuy nhiên, những người ủng hộ chất liệu da nói rằng sẽ rất lãng phí nếu không sử dụng da sống còn sót lại từ quá trình sản xuất thịt. Nó cũng rất bền và do đó có thể phù hợp với triết lý “mua ít hơn nhưng mua tốt hơn”.
Tìm kiếm từ khóa liên quan đến da thuần chay đã tăng 69%
Nhưng đa phần các loại da vẫn là từ động vật, vào thời điểm các nhà khoa học và nhà hoạt động môi trường đang kêu gọi thế giới chuyển hướng khỏi nông nghiệp chăn nuôi và ít nhất một bộ phận người tiêu dùng đang lắng nghe, vì lý do môi trường hoặc đạo đức. Theo nền tảng tìm kiếm thời trang toàn cầu Lyst, các tìm kiếm từ khóa liên quan đến da thuần chay đã tăng 69% so với cùng kỳ năm trước và nhu cầu về da thuần chay sinh thái (làm từ các vật liệu tự nhiên như vỏ dứa, táo, nấm hay cà phê) nói riêng đã tăng ổn định – trong khi lượt tìm kiếm về da thuộc giảm 3,5%.
Håkansson cho biết: “Khi Chương trình thời trang toàn cầu (Global Fashion Agenda) công bố dữ liệu chỉ số bền vững của vật liệu và cho thấy tác động môi trường đáng kể từ da bò, ngành công nghiệp này đã bị bất ngờ bởi mức độ ảnh hưởng của nó.” Cô nói: “Chúng tôi muốn cung cấp cho những người đã bị sốc bởi điều đó thêm một số thông tin khác.” Hy vọng của cô đối với Circumfauna là trở thành nguồn lực giúp thời trang trở nên bền vững hơn. “Chúng tôi muốn có thể đưa ra các phép tính cho các thương hiệu cụ thể và giúp các thương hiệu chuyển đổi sang các chất liệu khác.” – cô nói.
Mặt khác, việc đem da sống (hide) đến bãi chôn lấp thay vì biến chúng thành da (leather) không loại bỏ tác động tiêu cực của chúng đối với môi trường.
Khi bất kỳ loại chất thải hữu cơ nào được đưa đến bãi chôn lấp, nó sẽ tạo ra khí methan (CH4), một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn nhiều so với carbon dioxide (CO2). Mặc dù vậy, Circumfauna đã tính toán rằng ngay cả khí methan sinh ra từ quá trình da bò thối rữa cũng có tác động tổng thể thấp hơn lượng khí thải carbon dioxide tạo ra khi thuộc tấm da ấy.
Kerry Senior, giám đốc của Leather UK, nói rằng đó là một tuyên bố “vô lý” vì tất nhiên không thể biến bất kỳ nguyên liệu thô nào thành một thứ khác mà không tạo ra một lượng khí carbon dioxide. “Tôi có thể hiểu điều mà họ nói có nghĩa như là nếu việc xử lý một vật liệu tạo ra nhiều khí thải carbon hơn là để nó thối rữa, thì chúng ta không nên thực hiện nó. Điều này sẽ rất phi lý với khá nhiều vấn đề khác.” Ông nói: “Nếu việc mang một quả táo đến siêu thị sẽ phát thải nhiều khí nhà kính hơn là để nó thối rữa, thì điều đó có nghĩa là chúng ta không nên ăn táo ư?”
Ông cũng cho biết các tính toán của Circumfauna vốn rất thiếu sót, từ trọng lượng trung bình mà họ gán cho từng con bò – một con số quan trọng để tính toán tác động của da – đến lượng khí thải tạo ra từ quá trình xử lý.
Sự bất hợp lý của họ còn nằm ở cách lấy dữ liệu mà họ sử dụng để tính toán – Circumfauna sử dụng dữ liệu về bò từ UNESCO, trong khi các nhóm công nghiệp da như Hội đồng Da Thuộc & Da Sống của Hoa Kỳ (Leather & Hide Council of America) sử dụng dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chẳng hạn – cũng như sự khác biệt về hệ tư tưởng môi trường với lợi ích kinh doanh.
Nhưng bên cạnh vấn đề thời trang, các nhà khoa học liên tục báo cáo rằng nông nghiệp chăn nuôi là một yếu tố góp phần đáng kể vào cuộc khủng hoảng khí hậu, bao gồm việc là nguồn gốc của hơn 50% tổng lượng khí thải nitơ oxit (N2O) và methan của thế giới – cả hai đều có khả năng khiến bầu khí quyển nóng lên theo cấp số nhân hơn so với cacbon dioxide. Nó cũng là nguyên nhân làm tăng tốc độ mất đa dạng sinh học và các vấn đề khác như ô nhiễm nước và kháng thuốc kháng sinh.
Nhưng trong khi mọi người vẫn ăn thịt, sẽ vẫn có da sống…
Phía Håkansson cho biết, phát hiện của Circumfauna đủ để khuyến khích sự chuyển hướng khỏi da thuộc, bởi vì – bất kể da thuộc hay không phải là một sản phẩm phụ tự nhiên của quá trình sản xuất thịt – đó là một phần của mô hình tài chính giúp ngành công nghiệp thịt hiện tại hoạt động. Nếu không có lợi nhuận từ da, nó sẽ làm suy yếu sự tăng trưởng của ngành. Ví dụ, các cơ sở giết mổ sẽ gặp khó khăn khi giá da giảm. Bằng cách tránh sử dụng đồ da, cô ấy nói: “Bạn sẽ không tạo thêm một nguồn thu nhập khác cho lò mổ đang thải ra những khí thải đó.”
Ông Senior nói rằng trên toàn thế giới, trung bình, da sống chỉ chiếm khoảng 1% tổng giá trị kinh tế từ động vật. “Không ai nuôi gia súc với 1% đó,” ông nói. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng ngành công nghiệp da thuộc có mối liên hệ chặt chẽ với ngành thịt. “Bạn lấy đi ngành công nghiệp thịt, ngành công nghiệp da sẽ biến mất. Đó là điều không thể tránh khỏi. Nhưng trong khi mọi người vẫn ăn thịt, sẽ vẫn có da sống.”
Đối với Collective Fashion Justice, việc giảm sử dụng đồ da chỉ là bước khởi đầu. Nhóm đã vận động cho các cuộc làm việc của cộng đồng người ăn chay với Trung tâm Đa dạng Sinh học (Center for Biological Diversity) về một báo cáo mối liên hệ giữa sản xuất len và quá trình mất đa dạng sinh học, đã được công bố vào tháng Bảy, và sẽ công bố dữ liệu về lông và tơ trong tương lai.
Nhưng với sự cấp bách của biến đổi khí hậu, Håkansson muốn thời trang tập trung vào việc loại bỏ da thuộc vì việc sử dụng nó đang rất phổ biến.
Để giải thích tác động môi trường của đồ da theo cách mà một người bình thường có thể hiểu được, Circumfauna đã tính toán rằng lượng nước được sử dụng để sản xuất một chiếc túi xách da tương đương với lượng nước mà một người cần uống để giữ cho cơ thể khỏe mạnh trong khoảng thời gian 23 năm. Nhóm cho biết, một chiếc áo khoác da có thể tương đương với 176 kg khí thải nhà kính.
Håkansson nói: “Tôi bắt đầu tính toán những con số này vì tôi tin rằng chúng dễ tiếp cận và phù hợp hơn với người tiêu dùng và nhà thiết kế so với số liệu thống kê khổng lồ trong toàn ngành.”
Các tác động của sản phẩm da đối với môi trường và sức khỏe người lao động là không thể phủ nhận. Đây là trách nhiệm của các nhà kinh doanh khi lựa chọn và cân bằng giữa lợi nhuận và ảnh hưởng đến môi trường. Còn với các nhà nghiên cứu và nhà môi trường, đây là động lực thúc đẩy quả trình tìm ra những chất liệu hữu cơ có tác động tối thiểu đến môi trường, cũng như đáp ứng chất lượng cần thiết và đảm bảo sự cân bằng sinh học.
“Một thông điệp rút ra thực sự rõ ràng là chúng ta có lẽ không nên mặc áo khoác da bò nếu lo ngại về khí hậu”.
Thực hiện: Hiếu Lê
Tham khảo: Vogue Business, Circumfauna