Đằng sau những hợp đồng bí mật giữa các thương hiệu xa xỉ với giám đốc sáng tạo
Ngày đăng: 02/02/23
Hợp đồng giữa các nhà mốt và giám đốc sáng tạo của họ thường được giữ kín, nhất là mức lương cho người định vị tầm nhìn sáng tạo của thương hiệu. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, không gì có thể trở thành bí mật tuyệt đối.
Việc cố gắng tìm hiểu kỹ các điều khoản trong hợp đồng mà các thương hiệu và giám đốc sáng tạo đã ký kết có hai vấn đề chính. Đầu tiên, hầu như rất ít hoặc hoàn toàn không có thông tin gì về bản hợp đồng ấy trừ khi có những tranh chấp trước tòa để lộ ra vài tin tức. Thứ hai có thể chính là việc bảo mật được ghi trong bản hợp đồng khiến việc tiết lộ ra cho giới truyền thông là điều không thể. Nếu như người ta muốn chắc chắn lí do vì sao Riccardo Tisci lại “tạm biệt” thương hiệu Anh Quốc Burberry thì họ đành phải tìm hiểu về các trường hợp cũ đã từng xảy ra để hiểu rõ hơn về “bức tranh” này.
Trong mỗi lần kế nhiệm ở vị trí này, các nhà giám đốc sáng tạo phải trải qua một “khóa định hình phong cách” để phù hợp với hình ảnh của thương hiệu. Do đó, hợp đồng trung bình sẽ kéo dài từ 4 đến 5 năm giúp các nhãn hiệu phải nắm chắc phần kiểm soát hoàn toàn điều ấy để hình ảnh của họ không bị “lệch khỏi quỹ đạo” quá nhiều.
Giám đốc sáng tạo của các nhà mốt có mức lương ra sao?
Ngoài nội dung hợp đồng khiến nhiều người tò mò thì phải chăng mức lương của họ cũng gợi lên sự hứng thú? Theo thông tin có được dù khá là rời rạc và được lấy từ các vụ kiện giữa các nhà thiết kế và hãng thời trang. Trong đó có vụ kiện mà Hedi Slimane đã kiện Saint Laurent, anh ấy đã nói rằng Kering nợ anh một khoản tiền khoảng 10 triệu euro đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Nhưng trên trang Bloomberg, Kering lại thông báo rằng “trong năm cuối cùng của nhà thiết kế tại Saint Laurent, họ nghĩ rằng chỉ cần trả cho anh ấy dưới 1 triệu đô la là đủ nhưng dường như họ đã nhầm”. Vào mùa xuân năm 2018, kết quả đã có và tòa án đã phán quyết rằng giám đốc sáng tạo “đã bị trả lương thấp tới 9,3 triệu euro (quy đổi ra 11,5 triệu USD vào thời điểm đó) sau thuế cho năm cuối cùng làm việc của anh ấy”. Tổng tiền lương hằng năm và cổ phần của anh tại công ty gộp lại cũng đã vượt qua mức 10 triệu USD. Phán quyết của tòa cũng đã tiết lộ rằng trong nhiệm kỳ của mình tại Saint Laurent, Slimane “buộc” công ty phải đảm bảo khoản bồi thường sau thuế ít nhất 10 triệu euro mỗi năm chủ yếu thông qua thỏa thuận mua cổ phần của công ty và bán lại chúng với giá cao hơn.
Trong khi đó, tại Hoa Kỳ đã xảy ra một vụ kiện năm 2016 giữa Oscar de la Renta và Carolina Herrera xoay quanh cựu thiết kế cấp cao – Laura Kim đã từng tiết lộ rằng mức lương khởi điểm hàng năm của cô là 1 triệu USD và cô còn có cơ hội nhận được tới 300.000 USD tiền thưởng.
Nếu kết thúc hợp tác trước khi hợp đồng hết hạn?
Bên cạnh đó còn có một trường hợp nữa là sẽ ra sao khi các nhà thiết kế và thương hiệu kết thúc hợp đồng trước kì hạn? Theo như The Fashion Law đưa tin – họ trích dẫn các tài liệu của tòa án Pháp – đề cập đến việc Balenciaga và Nicolas Ghesquière đã ngừng hợp tác chính thức vào năm 2013.
Thương hiệu đã trả cho Ghesquière 6,6 triệu euro để bồi thường ngừng hợp đồng trước thời hạn. WWD tiết lộ rằng Ghesquière cũng đã bỏ ra 32 triệu euro để mua 10% cổ phần của mình trong công ty từ trước những năm 2000 và chúng chỉ được trao cho anh ấy khi tập đoàn Kering mua lại Balenciaga vào năm 2001.
Điều khoản không cạnh tranh sau khi hết hợp đồng
Ngoài ra còn có một quy định khác cần lưu ý là các giới hạn thường được đặt ra đối với những gì giám đốc sáng tạo có thể làm hoặc không thể làm sau khi nhiệm kỳ của họ kết thúc, cụ thể là các điều khoản không cạnh tranh. Các điều khoản hạn chế này đều được ghi rõ trong hợp đồng lao động. Chúng cho biết nhân viên cũ có thể bắt đầu công việc mới sau khi kết thúc hợp đồng bao với công ty cũ bao lâu và loại công việc mà họ có thể “ứng tuyển” khi rời công ty để tránh bị rò rỉ thông tin bí mật thương mại có giá trị như các dự án hoặc kế hoạch Marketing trong tương lai. Lấy ví dụ Raf Simons đã có một khoảng nghỉ kéo dài 9 tháng trước khi chuyển từ giám đốc sáng tạo của Christian Dior sang Calvin Klein vào tháng 8 năm 2016, do Calvin Klein không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với nhãn hiệu xa xỉ bật nhất nước Pháp. Khoảng thời gian một năm dường như là khoảng trống mà hầu hết các thương hiệu nức tiếng ở châu Âu suy nghĩ và tìm ra một giám đốc sáng tạo mới.
Nicolas Ghesquière đảm nhận vị trí của mình tại Louis Vuitton vào ngày 4 tháng 11 năm 2013, đúng một năm và một ngày sau khi rời Balenciaga, trong khi Riccardo Tisci chỉ đợi hơn một năm để gia nhập Burberry vào tháng 3 năm 2018 sau khi rời Givenchy vào tháng 2 năm 2017. Với “cuộc chiến” cạnh tranh giữa Bottega Veneta và Burberry, đây được xem là khoảng thời gian đủ để Tisci trở thành ứng cử viên tiềm năng được yêu thích nhất của Burberry ở London.
Những cuộc chiến pháp lý phát sinh
Trong “cuộc chiến pháp lý” giữa Slimane và Kering đã làm sáng tỏ một yếu tố quan trọng khác có trong hầu hết các hợp đồng. Đó là một tuyên bố rõ ràng về người sẽ nhận được quyền sở hữu trí tuệ đối với các tác phẩm được tạo ra trong thời gian làm việc. Trong hầu hết các trường hợp, những người sáng tạo chuyển nhượng quyền lợi đó cho thương hiệu.
Mặc dù dường như không có nghi ngờ gì về quyền sở hữu của Saint Laurent đối với quần áo và phụ kiện do Hedi Slimane thiết kế, nhưng họ gặp phải vấn đề về quyền đối với các bức ảnh trong kho lưu trữ trực tuyến của Saint Laurent, nhiều bức ảnh được chụp bởi Slimane. Theo Fashion Law, những hình ảnh trong tài khoản Instagram của YSL đã bị xóa trên quy mô lớn sau khi người kế nhiệm Slimane – Anthony Vaccarello – được công bố.
Qua đó ta có thể thấy rằng nhiều hợp đồng được giữ bí mật bởi những điều khoản càng ngày càng được chi tiết hóa. Nhưng điều ấy cũng không ngăn nổi lòng hiếu kỳ của công chúng. Dần dần nhiều khía cạnh liên quan đến hợp đồng thời trang đang được đưa ra ánh sáng.
Thực hiện: Mỹ Tâm
Theo Nss Mag