Dấu ấn từ các bộ sưu tập tốt nghiệp của sinh viên Ngành Thiết Kế Thời Trang trường Đại học Văn Lang
Ngày đăng: 30/07/24
Mùa tốt nghiệp của các sinh viên thiết kế thời trang đem lại một không khí sôi động đặc biệt cho làng mốt. Vừa qua, không khí của thời trang Việt đã trở nên nhộn nhịp hơn với buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp của sinh viên Ngành Thiết Kế Thời Trang trường Đại học Văn Lang. Dưới đây là các bộ sưu tập đặc sắc, để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem.
Đối với các sinh viên theo học ngành thiết kế thời trang, đồ án tốt nghiệp, bộ sưu tập cuối cùng của những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, được xem là cột mốc quan trọng nhất, đánh dấu khởi điểm “vàng son” để học bắt đầu hành trình thực hiện giấc mơ thời trang của mình. Chính vì thế, những thiết kế đó được tạo ra bằng tất cả tâm sức, mọi kiến thức, kinh nghiệm, và tất cả lòng nhiệt thành từ ngọn lửa đam mê của các sinh viên. Đam mê cháy bỏng đó khiến không khí bao trùm của làng mốt tại Việt Nam vào thời điểm chấm tốt nghiệp ở các trường đào tạo thiết kế thời trang, trở nên sôi động và nhộn nhịp đến khó tả.
Là một trong những trường đại học nổi tiếng có ngành thiết kế thời trang được đào tạo chất lượng, những buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp của ngành Thiết Kế Thời Trang trường Đại học Văn Lang luôn được mong đợi và thu hút sự chú ý từ giới mộ điệu trong nước. Vào ngày 22, 23 tháng 7 vừa qua, các sinh viên ngành thiết kế thời trang của trường Đại học Văn Lang đã vừa hoàn thành xong buổi chấm đồ án tốt nghiệp. Các lời đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm, định hướng từ hội đồng chuyên môn chấm điểm chính là động lực và “kim chỉ nam” để các sinh viên tiếp tục theo đuổi giấc mơ thời trang, và hành trình sự nghiệp trong tương lai. Như thường khi, buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp vừa qua cũng tạo nên một làn sóng dữ dội, các khoảnh khắc được quay lại trong ngày hôm đó cũng được giới trẻ “truyền tay” nhau trên khắp nền tảng xã hội.
Cùng Style-Republik chiêm ngưỡng lại những bộ sưu tập tốt nghiệp đặc sắc nhất của sinh viên ngành thiết kế thời trang của trường Đại học Văn Lang trong đợt chấm tháng 7 vừa qua!
“EM” – NTK Nguyễn Đoàn Bảo Minh
NTK Nguyễn Đoàn Bảo Minh hay còn biết đến với tên gọi thân thuộc hơn, Kitty Mymy là một người mẫu tự do, nhà sáng tạo nội dung thời trang trên mạng xã hội và stylist. Với nhiều vai trò trong ngành thời trang, Kitty Mymy được tiếp xúc, va chạm và am hiểu sâu sắc ngành công nghiệp tỷ đô này. Với bộ sưu tập tốt nghiệp, nhà thiết kế trẻ đem lòng rung cảm với vẻ đẹp đơn giản, nhưng phức tạp vĩ đại của một tâm hồn cởi mở, thích trải nghiệm. “Tôi tôn thờ sự đa dạng sắc màu của vạn vật”, Kitty Mymy chia sẻ. Từ đó, với ngôn ngữ thiết kế riêng, Kitty Mymy tạo ra những thiết kế độc đáo, “lên tiếng” cho mọi thử thách trong quá trình trưởng thành của chính mình, với tư cách là một transwoman đầy tự hào. Bộ sưu tập tốt nghiệp được Kitty Mymy gọi với cái tên thân thương, “EM”. Từ các bản phối tương phản giữa thời trang đường phố và công sở, giữa tinh thần thể thao năng động với vẻ đẹp sang trọng, quyến rũ, cho đến các phom dáng, màu sắc hay cách xử lý chất liệu bứt phá mọi rào cản truyền thống; bộ sưu tập kết thúc quãng đường theo học thời trang của Kitty Mymy khắc họa rõ nét sự đấu tranh, lòng can đảm và sự lạc quan của chính nhà thiết kế trong một xã hội có nhiều định kiến lỗi thời với những người chuyển giới.
“Earthenware” – NTK Nguyễn Thị Kiều Anh
Là một thợ làm gốm không chuyên, và đam mê tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa cũng như các nền văn minh nhân loại trên thế giới, NTK Nguyễn Thị Kiều Anh tạo nên cuộc gặp gỡ thú vị giữa nghệ thuật làm gốm và thời trang trong chính vũ trụ sáng tạo của riêng mình. Điều này cũng được nhà thiết kế trẻ khắc họa rõ nét trong từng thiết kế của bộ sưu tập tốt nghiệp, “Earthenware”. Các bình gốm độc đáo của vùng Igboland trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo chủ đạo, được khai thác trên từng kiểu dáng trong bộ sưu tập. Phom dáng, kỹ thuật draping mềm mại, bảng màu sắc earthtone, và cả những món phụ kiện kết hợp như trong “Earthenware” cũng được mô phỏng lại từ cách ăn mặc đặc trưng của phụ nữ châu Phi ở thế kỷ XX.
“Snow Lotus Under Iced” – NTK Trần Mỹ Anh
“Đã có lúc tôi từng nghĩ thời trang chỉ dành cho những người đã có sẵn cái đẹp nhưng thật ra thời trang là tất cả những gì trong con người chúng ta tạo nên, không có gì bó buộc, không có gì là quy chuẩn. Thời trang được tạo ra cho chúng ta, chứ không phải chúng ta phải thay đổi để cố gắng phù hợp với một quy chuẩn nào kể cả hình thể và thẩm mỹ hay xu hướng phong cách nào.” Đó là quan điểm về thời trang của nhà thiết kế trẻ Trần Mỹ Anh. Cùng với tư duy sáng tạo cởi mở, đầy phóng khoáng, Trần Mỹ Anh lấy vẻ đẹp sinh tồn mạnh mẽ của hoa Tuyết Liên trong tuyết, dưới góc nhìn xuyên qua lớp băng, làm cảm hứng sáng tạo chủ đạo trong “Snow Lotus under iced” – bộ sưu tập tốt nghiệp.
Thiên Sơn Tuyết Liên là loài hoa 7 năm nở hoa 1 lần với chu kỳ ngắn ngủi ở vùng Thiên Sơn, Tân Cương dãy Himalaya, mọc len lỏi giữa các vách đá, khe núi cheo leo, với điều kiện khắc nghiệt nhất. Trong điều kiện khắc nghiệt như thế, nhưng loài hoa được mệnh danh là “Sen Tuyết” này vẫn sinh sôi nảy nở một cách kiêu hãnh và mạnh mẽ nhất. Sau khi tàn lụi Tuyết Liên vẫn có công dụng là loại thảo dược quý hiếm. Vẻ đẹp kiều diễm đầy kiên cường đó đã được NTK Trần Mỹ Anh lồng ghép qua các thiết bị táo bạo được chế tạo cùng kỹ thuật xử lý chất liệu bằng silicon, resin, wetfelting,… và tạo form. Tất cả mô phỏng lại lăng kính của chính Mỹ Anh về Tuyết Liên qua mặt băng lạnh. Thông qua thời trang, qua bộ sưu tập lần này, nhà thiết kế mong muốn có thể truyền tải đến thông điệp: cho dù cuộc sống có khắc nghiệt khó khăn đến mấy, đã vô tình quật ngã chúng ta một cách đau đớn nhất thì chúng ta vẫn phải vượt qua, bằng mọi giá nào cũng vẫn phải bước tiếp, đó chính là sự đẹp đẽ giá trị nhất mà chúng ta có được.
“Pain of Gorgeous” – NTK Ngô Tuấn Tài
Tựa đề của bộ sưu tập đã nói lên tất cả, “Pain of Gorgeous” được lấy cảm hứng từ các công cụ niềng răng và cảm giác đau đớn để đạt đến vẻ đẹp hoàn mỹ. Nhà thiết kế Ngô Tuấn Tài sử dụng các chất liệu mềm mại từ tơ, lụa và mộc mạc, bền chặt từ linen và denim để lột tả đầy đủ những cung bậc cảm xúc trong quá trình niềng. Đặc biệt các chi tiết và công cụ niềng được thiết kế riêng và được đúc nguyên khối bạc kết hợp với đá swarovski để thêm phần lộng lẫy. Những chiếc băng đô cài tóc được làm bằng băng gạc, trong khi đó đuôi váy được làm từ nhiều chiếc corset. Nhà thiết kế phá vỡ mọi phom dáng truyền thống. Thông qua bộ sưu tập tốt nghiệp lần này, Tuấn Tài mong muốn truyền tải: mọi vẻ đẹp mà chúng ta mong ước hoặc đang tồn tại trên người mỗi chúng ta đều là những quá trình cố gắng hoàn thiện đầy đau đớn. Vì thế hãy yêu thương, tôn trọng bản thân cũng như mọi vẻ đẹp đang hiện hữu trên cuộc sống này.
“KENDOISTS” – NTK Nguyễn Thanh Hiệp
“KENDOIST”, bộ sưu tập tốt nghiệp của NTK Nguyễn Thanh Hiệp được lấy cảm hứng từ kiếm đạo Kendo và phong cách Cyberpunk. Các thiết kế được định hình và phát triển dựa trên cấu trúc, cũng như chi tiết kỹ thuật đặc trưng trong trang phục kiếm đạo Kendo, kết hợp với các món đồ của Cyberpunk như crop-top, hoodie, puff jacket, mini skirt,… Các đường cắt/rã theo quỹ đạo lưỡi kiếm cùng các đường viền sáng màu, phối màu tạo điểm nhấn, các kiểu túi đặc trưng của Cyberpunk. Hoạ tiết từ trang phục Kiếm đạo và quỹ đạo kiếm được cách điệu, thể hiện qua kỹ thuật in chuyển nhiệt, thêu, quilting, tucking trên các chất liệu như kaki, denim, da kết hợp với kỹ thuật đan móc sợi tạo bề mặt vải.
Màu sắc mang đặc trưng phong cách Cyberpunk với các tông màu xám đen, xám xanh, hồng neon. Bên cạnh đó, bộ sưu tập còn tích hợp công nghệ Thực tế tăng cường (AR) để tạo hiệu ứng chuyển động ảo, tăng cường hiệu quả thị giác cho trang phục. Thông qua “KENDOIST”, nhà thiết kế trẻ muốn truyền tài thông điệp về sự tự tin cùng lời nhắn nhủ “Can Do It”, như một lời khích lệ tinh thần dành cho những ai đang cố gắng hướng đến phiên bản hoàn thiện hơn của chính mình.
“Incense” – NTK Mai Thanh Trúc
Trong bộ sưu tập tốt nghiệp, mang tên “Incense”, nhà thiết kế trẻ Mai Thanh Trúc tạo ra những thiết kế lấy cảm hứng trực tiếp từ nguồn cảm hứng của làng nghề nhang Quảng Phú Cầu, kết hợp cùng phong cách Boho-Chic. Nguồn cảm hứng phong phú đó được khai thác qua các lăng kính của nhiếp ảnh gia với nhiều góc độ (xa, gần, cao, thấp,..). BST sử dụng đa dạng kỹ thuật như ghép vải, lộn dây, dập li kết hợp với in ombre màu để tạo nên hiệu ứng kẻ sọc và màu sắc trên bó nhang Việt Nam. Đan cài với đường nét truyền thống là cấu trúc, phom dáng trang phục theo phong cách Bohemian thể hiện sự phóng khoáng, tự do trên trang phục với các items rộng và mỏng. Và phối hợp cùng kiểu chân váy cao, trẻ trung, hiện đại của phong cách Chic. Bảng màu sắc phong phú gồm đỏ, cam, vàng nude, hồng, tím, xanh lá,.. được trải dài khắp BST, cũng là những màu sắc đặc trưng của các bó nhang tại làng nghề. Chất liệu chủ yếu là voan, tơ có độ nhám như hiệu ứng trên bó nhang và cũng có phần lấp lánh như các ánh nắng qua lăng kính của nhiếp ảnh gia. Tua rua, đính cườm, đan dây, đạp chỉ dọc tạo hiệu ứng sọc trên thân nhang là những chi tiết hoàn thiện toàn bộ sưu tập.
Với niềm đam mê kết hợp tính truyền thống và hiện đại, nhà thiết kế trẻ Mai Thanh Trúc mong một đề tài truyền thống có thể được nhìn với góc độ hiện đại, mới mẻ hơn. Một làng nghề có hơn trăm năm bề dày lịch sử cũng có thể trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào cho những thiết kế đương đại.
“Looms of Fantasia” – NTK Ngô Nghi Dung
Lấy cảm hứng từ bối cảnh và phục trang giàu trí tưởng tượng trong bộ phim “Charlie and the Chocolate Factory” (2005), NTK Ngô Nghi Dung tạo nên bộ sưu tập “Looms of Fantasia”, kết thúc chặng đường học tập. Trang phục trong bộ sưu tập được thiết kế dựa trên phương pháp Collage Art, kết hợp hình ảnh bối cảnh cùng các kiểu quần áo của các nhân vật trong phim, nhằm tạo ra các bố cục, cấu trúc, và thiết kế mới.
Các kỹ thuật như dựng gọng giúp tạo hình các khối trừu tượng như khối cầu, khối trụ, khối đĩa, hoặc tạo độ phồng,… trong khi kỹ thuật in 3D thể hiện những vật thể từ đề tài một cách sinh động. Trong đó, màu sắc và chất liệu được lấy cảm hứng từ bốn căn phòng đặc trưng trong bộ phim với hệ thống hoạ tiết (patterns). Kỹ thuật in chuyển nhiệt kết hợp với các kỹ thuật xử lý và trang trí bề mặt chất liệu như patchwork, tucking, slashing, chần bông, … được sử dụng để thể hiện các hoạ tiết trên các chất liệu như Taffeta, Canvas, Tweed, Chiffon,… Bên cạnh đó, các gam màu được sử dụng trong bộ sưu tập phản ánh sự phong phú và rực rỡ đặc trưng trên những thước phim.
Thông qua ngôn ngữ thời trang, “Looms of Fantasia” của NTK Ngô Nghi Dung tái hiện cảm xúc hân hoan của đứa trẻ bên trong tác giả, cũng như hầu hết các người xem khi đắm chìm trong thế giới kì thú của “Charlie and the Chocolate Factory”.
“MADAM” – NTK Lê Trần Mai Hạnh
“MADAM” là bộ sưu tập tốt nghiệp của NTK Lê Trần Mai Hạnh, sở hữu nét thẩm mỹ chủ đạo được kết hợp giữa sự thanh khiết, dịu dàng của thiếu nữ Việt Nam và sự táo bạo, hiện đại của phong cách Flapper. Nguồn cảm hứng sáng tạo chính này đã được khắc họa trong từng kiểu dáng, chi tiết điểm xuyết, lớp trang điểm, kiểu tóc, cho đến thần thái của người mẫu. Trên kiểu váy suông truyền thống, cổ điển, nhà thiết kế khéo léo phối hợp cùng những chi tiết hiện đại như các đường cắt táo bạo. Trong khi đó, bảng màu được sử dụng là những gam màu trung tính và tự nhiên từ tranh sơn mài của tác giả Nguyễn Gia Trí. Bản phối giữa tinh thần cổ điển và đương đại còn thể hiện trong cách sử dụng chất liệu đa dạng từ lụa đến Tafta, Ren, Organza. Sự kết hợp giữa bức tranh “Thiếu Nữ Bên Hoa Phù Dung” và phong cách Flapper không chỉ tạo ra một bộ sưu tập thời trang độc đáo mà còn tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ qua các thời đại. Nhà thiết kế trẻ mong rằng BST này sẽ mang đến cái nhìn mới mẻ và sâu sắc về sự giao thoa giữa văn hoá và nghệ thuật, đồng thời truyền cảm hứng cho mọi người về giá trị của cái đẹp và sự tự do, độc lập.
“Essence” – NTK Trần Phạm Tường Vy
“Essence”, bộ sưu tập tốt nghiệp của NTK trẻ Trần Phạm Tường Vy là lời tuyên thệ, là cuộc hành trình giải phóng tinh thần lẫn cơ thể phụ nữ khỏi những định kiến quy cũ của thời đại, để họ tìm lại bản thân và vẻ đẹp nguyên thủy vốn có. Thông qua những món đồ quen thuộc trong tủ quần áo của người phụ nữ từ ngàn xưa như nội y, corset,… nhà thiết kế giải phóng cơ thể bằng cách sử dụng kĩ thuật dựng form, deconstruction, kết hợp với thêu đính trang trí bề mặt, nhằm thể hiện rõ hơn 3 giai đoạn chính (Bó buộc, Phá vỡ, Giải phóng) của đề tài chủ đạo. Những chiếc corset màu nude trong bộ sưu tập không được mặc như truyền thống, không bó siết khiến phụ nữ khó chịu; thay vào đó là được phá vỡ phom dáng, giúp họ tự tin và tỏa sáng bằng chính đường cong tự nhiên mà chẳng cần phải gò bó trong bất kỳ cơ thể hoàn hảo nào. Nhà thiết kế trẻ mong muốn bộ sưu tập của mình phần nào có thể thay đổi những điều nhỏ nhặt trong nhận thức mọi người về giá trị cốt lõi tâm hồn và đề cao cái đẹp thật sự của người phụ nữ trong hành trình tìm lại bản thân.
“ANEMOTHS” – NTK Võ Vy Khánh Hà
Bộ sưu tập tốt nghiệp, “ANEMOTHS” của NTK trẻ Võ Vy Khánh Hà được lấy cảm hứng từ ngài trắng và hoa phong quỳ thảo bằng kĩ thuật Macramé. Bộ sưu tập tập trung khai thác về hình dáng, đường nét theo góc nhìn từ xa đến gần của loài ngài trắng và hoa phong quỳ thông qua kỹ thuật Macramé, kết hợp cùng tông màu đơn sắc làm chủ đạo. Từ phom dáng, hoa văn dễ nhận biết nhất của ngài và hoa, cho đến những chi tiết nhỏ như vảy của cánh ngài, những đường gân trên cánh hay chi tiết bề mặt nhìn cận của hoa đều được thể hiện qua kỹ thuật Macramé đặc trưng, kết hợp cùng các kĩ thuật dựng phom tinh tế và đính kết hạt, cườm.
“Slough” – Nguyễn Thị Đoan Trang
Bị mê hoặc bởi lớp da rắn hoang dã, “Slough” – bộ sưu tập tốt nghiệp của nhà thiết kế thời trang trẻ, Nguyễn Thị Đoan Trang mang đến những thiết kế quyến rũ, gợi cảm lấy cảm hứng từ loài vật này. Trên lớp vải mỏng, xuyên thấu, nhà thiết kế mô phỏng lại lớp da rắn phức tạp bằng bản in 2D, kết hợp với các đường cắt táo bạo, và kỹ thuật draping uyển chuyển. Kỹ thuật đính đá cũng tái hiện lại với da đốm của loài rắn.
“Leucoccoprinus Creataceus” – Đỗ Phan Trà My
Với màu trắng tinh khiết, đa dạng loại vải, cùng cách xử lý bề mặt chất liệu phức tạp, nhà thiết kế thời trẻ Đỗ Phan Trà My biến bộ sưu tập tốt nghiệp của mình thành một “khu rừng” nấm đầy mơ mộng, như được trồng trong xứ sở thần tiên.
Thực hiện Dory
Theo Ngành Thiết kế Thời trang, Đại học Văn Lang