Đâu là thương hiệu xa xỉ có doanh thu cao nhất tại Việt Nam?

Ngày đăng: 17/07/24

Ngành hàng xa xỉ tại Việt Nam được thúc đẩy bởi tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng với nhu cầu lớn.

Vừa qua, hai nhãn hàng cao cấp Rene Caovilla và Cartier vừa mở cửa hàng đầu tiên tại trung tâm thương mại Union Square, quận 1. Nhiều tên tuổi nổi tiếng trong lĩnh vực đồng hồ, trang sức như Fendi, Loewe… cũng đã hiện diện ở khu vực quận 1. Có thể thấy TP.HCM là mảnh đất tiềm năng cho các thương hiệu thời trang xa xỉ. 

Vài năm trở lại đây, doanh thu của nhiều thương hiệu xa xỉ tại thị trường Việt Nam liên tục tăng mạnh. Ví dụ, trong năm 2022, Louis Vuitton, Chanel, Dior, Hermes và các doanh nghiệp hàng xa xỉ khác lãi tổng cộng hơn 3.800 tỷ đồng, tăng gần ba lần so với năm 2021.

Điều đặc biệt cần lưu ý là số lượng người sở hữu khối tài sản ròng trên 30 triệu USD tại Việt Nam đã lên đến hơn 1,059 người, theo Vietdata. Giới siêu giàu này tại Việt Nam đã thúc đẩy cho việc tiêu thụ hàng hóa xa xỉ. Theo Báo cáo ngành kinh doanh hàng xa xỉ của Vietdata năm 2023 cũng cho biết một số thương hiệu xa xỉ hiện đang có con số kinh doanh ấn tượng tại thị trường Việt Nam. 

Đầu tiên có thể kể đến Dior, doanh thu của thương hiệu này đã đạt mức 1,718 tỷ, tăng 833 tỷ so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của Dior trong năm 2022 cũng tăng mạnh, cao gấp đôi so với năm 2021.

Doanh thu của Chanel cũng đạt 2,186 tỷ đồng năm 2022, tăng 57% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế của Chanel cũng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Còn với Gucci, doanh thu tại Việt Nam đã đạt mức hơn 1,000 tỷ, trong khi con số này ở những năm trước chỉ trong khoảng vài trăm tỷ. Lợi nhuận sau thuế của Gucci cũng tăng trưởng cực kỳ tốt, đạt 282 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 239.1% so với năm trước.

Louis Vuitton chính thức đặt chân đến Việt Nam với cửa hàng đầu tiên từ năm 1997. Năm 2022, doanh thu thuần của Louis Vuitton đạt 2,360 tỷ, tăng 49.6% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế của thương hiệu này cũng tăng trưởng cực tốt, đạt 330 tỷ.

Theo phân tích của Vnexpress, trong nhóm các doanh nghiệp phân phối nhiều thương hiệu gồm Mitra Adiperkasa, DAFC và ACFC (thuộc IPPG), Tam Sơn, Maison, doanh nghiệp có kết quả kinh doanh cao nhất là Tam Sơn với doanh thu hơn 4.745 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 849 tỷ đồng năm 2022.

Dù ngành xa xỉ toàn cầu bị ảnh hưởng bởi suy thoái tài chính trong thời điểm hiện nay, nhưng theo dữ liệu của Statista, trong năm 2023, lĩnh vực hàng hóa xa xỉ tại thị trường Việt Nam ghi nhận tổng mức doanh thu đạt 957,22 triệu USD. Doanh thu chủ yếu đến từ các sản phẩm như: nước hoa và mỹ phẩm cao cấp, thời trang, sản phẩm làm từ da cũng như đồng hồ và trang sức xa xỉ. 

Dữ liệu cũng cho biết, dự kiến ngành hàng này sẽ thu về 992,20 triệu USD vào năm 2024. Từ giữa năm 2024, các chuyên gia nhận định, có mặt bằng cho thuê đẹp ở giữa trung tâm TP.HCM đang được săn lùng trở lại. 

Thực hiện: SR (tổng hợp)