Di sản của nhà thiết kế Phoebe Philo: Quần áo chính là cuộc đời của bà
Ngày đăng: 11/07/23
Sau một thập kỷ “ngồi tại” vị trí giám đốc sáng tạo của Chloé và Céline, Philo chuẩn bị trở lại đường đua thời trang để ra mắt nhãn hiệu của riêng mình vào tháng 9. Thương hiệu được thành lập với sự hỗ trợ từ tập đoàn LVMH và sẽ được đặt tên theo nhà thiết kế đến từ Vương Quốc Anh này.
Dạo gần đây, hai từ Phoebe và Philo cũng đã đủ để khiến hàng ngàn tín đồ thời trang “đứng ngồi không yên” khi nghe được tin “comeback” của bà. Nhưng cái tên Phoebe Philo đã để lại những gì trong giới thời trang và liệu rằng chúng ta có thể mong đợi gì tại thương hiệu này?
Đứa trẻ tinh nghịch đến từ xứ sở xương mù
Phoebe Philo sinh ra ở Paris nhưng cha mẹ của bà là người Anh. Khi bà hai tuổi, gia đình chuyển đến London và trong độ tuổi thiếu niên, bà ấy đã tự học cách sửa lại quần áo của mình. Tài năng được bộ lộ từ bé, người học sinh ấy đã trúng tuyển học viện thời trang nổi tiếng Central Saint Martins sau khi tốt nghiệp trung học.
Tại trường đại học, cựu giám đốc sáng tạo của Celine đã từng là bạn học của nhà thiết kế Stella McCartney, người đã tốt nghiệp trước Philo một năm và tiếp tục làm việc cho Chloé khi mới 25 tuổi. Không lâu sau khi Philo hoàn thành việc học tại Central Saint Martins, bà gia nhập McCartney ở Paris. Philo đã làm việc ở đó với tư cách là trợ lý thiết kế, nhưng theo tạp chí The Face, bà còn kiêm luôn cả việc nhà tạo mẫu, cố vấn tuyển diễn viên, nhà trị liệu,… hay còn có thể nói là “cánh tay phải” của McCartney tại Chloé.
Thoạt nhìn, đó là một sự kết hợp điên rồ khi Chloé tinh tế được dẫn dắt bởi hai cô gái trẻ mang tính cách nổi loạn đến từ London. “Chúng tôi là một bộ đôi song kiếm hợp bích và không thể tách rời” – McCartney nói với Tạp chí Time vào năm 2014 về sự hợp tác của bà ấy với Philo – “Ở Paris, chúng tôi làm việc với nhau như những đứa trẻ nghịch ngợm đến từ London”.
Những năm tháng cùng nhau trải qua tại Chloé
Cô con gái của nhạc sĩ Paul McCartney đã để lại thành tựu khá lớn với thương hiệu: một Chloé là sự kết hợp giữa phong cách đương đại và cổ điển. Bộ sưu tập mùa xuân năm 2000 là một ví dụ điển hình, chúng bao gồm những bộ vest cổ nhọn khoét sâu và áo phông in hình đầu lâu có tai thỏ. “Vui tươi, gợi cảm, lãng mạn và đậm chất Anh quốc” là những từ ngữ mà AnotherMag viết về các bộ sưu tập của bà ấy.
Không những thế, Philo cũng được cho là đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết kế các bộ sưu tập vào thời điểm đó. Khi McCartney rời thương hiệu vào năm 2001 để thành lập nhãn hiệu riêng của mình, Philo kế vị với tư cách là nhà thiết kế chính. Mặc dù Philo đã gắn bó với ngôi nhà được vài năm nhưng bà ấy đã một tay tạo ra hướng đi mới cho Chloé. Hơi thở của phong cách rock ‘n roll đã không còn nhiều như trước mà nhà thiết kế người Anh đã hướng tới sự thanh lịch giản dị, nhẹ nhàng hơn. Buổi trình diễn đầu tiên vào năm 2002 đã cho ra mắt đến giới mộ điệu rất nhiều kiểu dáng thoải mái ít táo bạo hơn với những họa tiết rực rỡ.
Cựu sinh viên Central Saint Martins luôn nhạy bén về những gì đang diễn ra trong cuộc sống của những phụ nữ trẻ và bà biết những gì cần thiết để đạt được điều đó. Nhà phê bình Sarah Mower của tạp chí Vogue đã viết về bộ sưu tập mùa xuân năm 2005 của bà: “Phoebe Philo tạo ra một hợp âm mà khó ai có thể làm được”. Những bộ trang phục tinh tế và thanh lịch, kết hợp với những chiếc khăn quàng cổ và áo khoác quân đội. Mower cho biết bộ sưu tập sở hữu một yếu tố khó có thể diễn tả được”.
Paddington, một chiếc túi làm bằng da mềm sử dụng một chiếc khóa lớn treo lủng lẳng để trang trí được Philo giới thiệu năm 2005, chính là “một trong những yếu tố đó”. Chiếc túi vẫn là item yêu thích của chị em nhà Hilton, Nicole Richie và Mischa Barton và giúp doanh số bán hàng toàn cầu của Chloé đã tăng 60% vào thời điểm ra mắt. Trong suốt 5 năm làm việc tại Chloé, nhịp đập của bà dường như hòa làm một với thương hiệu Pháp. Ngay cả bộ sưu tập cuối cùng mà nhà thiết kế người Anh thực hiện vẫn mang đến cho Chloé một “hình dáng, tỷ lệ và sức sống tươi mới”. Vào năm 2006, Philo chính thức rời Chloé để tập trung cho gia đình. Động thái đó không bình thường đối với một nhà thiết kế đang ở đỉnh cao sự nghiệp, nhưng đó là điều dễ hiểu.
Céline là ngôi nhà thứ hai sau Chloé
Năm 2008, Philo gia nhập thương hiệu đồ thể thao cao cấp Céline để thể hiện một hình ảnh khác về phụ nữ: bức tranh chân thực hơn về một người phụ nữ trên con đường sự nghiệp, không quá hào nhoáng và quyến rũ. Cô gái mà Philo miêu tả chỉ muốn khoác lên người những món đồ đơn giản, thiết thực và thoải mái nhưng vẫn đẳng cấp.
Bộ sưu tập Resort năm 2010 đánh dấu màn ra mắt của cựu giám đốc sáng tạo Chloé và ngay lập tức nhận được nhiều lời khen ngợi. Lúc đó, ta có thể nhận thấy rằng thời gian đã thay đổi Philo thông qua những thiết kế của bà. Trong bộ sưu tập mùa xuân 2010, mọi thứ đều được đơn giản hóa nhưng lại tập trung nhiều hơn vào các đường nét và chất liệu. “Tôi nghĩ: tôi sẽ giản lược lại một chút” – chính Philo nói về bộ sưu tập, bà tự mô tả phong cách mới của mình là “chủ nghĩa tối giản đương đại”.
Trang phục cho mọi hoàn cảnh
Trong các bộ sưu tập tiếp theo, Philo hết lần này đến lần khác luôn đạt được sự chú ý của công chúng. Từ cuộc trò chuyện hằng ngày cho đến mọi khoảnh khắc giản dị đời thường. Những chiếc quần tây tôn dáng, chiếc áo thanh lịch, những bộ đồ dệt kim và áo khoác có thiết kế phù hợp. Sự tự tin bình tĩnh trong phong cách làm việc của bà ấy đã giúp công ty vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính nhờ vào những thiết kế đáp ứng được nhu cầu của phụ nữ trong trang phục: sự sang trọng hiện đại, đa năng.
Các bộ sưu tập của Philo không chỉ dành cho bất kỳ thời điểm nào trong ngày mà còn dành cho phụ nữ ở mọi giai đoạn trong cuộc đời. Trong các chiến dịch của Céline có các người mẫu ở các độ tuổi khác nhau. Chẳng hạn như vào năm 2015, tiểu thuyết gia người Mỹ Joan Didion, khi đó đã 80 tuổi, đã góp mặt tạo dáng trong chiếc váy đen và cặp kính râm của hãng.
Nhưng vị đồng nghiệp của Stella McCartney cũng từng bị người khác đánh giá là tối giản quá mức vì hạn chế sử dụng các chi tiết trang trí và hình in trong thiết kế của mình. Tuy nhiên, bất kỳ ai có thể thấu hiểu được tác phẩm của Philo thì đều có nhận ra được sự nghiêm túc của bà ấy.
Dù vậy, vẫn có một vài họa tiết trong chính thiết kế của bà. BST mùa xuân năm 2013, Philo đã giới thiệu dép xỏ ngón và những đôi giày cao gót màu vàng sáng, và BST năm 2014 nhà thiết kế sinh ra tại Pháp đã sử dụng những hình in như graffiti và các đường cắt hình học trong sản phẩm của mình. Kể cả BST xuân năm 2017, Céline đã cho ra mắt một chiếc váy có hoạ tiết được lấy cảm hứng từ bức tranh của Yves Klein. Càng về sau này, các trang phục và phụ kiện của bà cho nhà mốt Pháp càng có nhiều màu sắc tươi sáng và kiểu dáng phức tạp hơn xuất hiện.
Một phong cách đậm chất Philo
Nói tóm lại, tinh túy của Philo không thể dễ dàng tóm tắt chỉ trong một vài từ. Trong những năm ở Chloé và Céline, nhà thiết kế tài ba này đã mô tả chân dung của người phụ nữ đương đại một cách chân thật nhất từ trẻ tuổi và giản dị đến tự tin và nghệ thuật.
Thay vì hỏi nhãn hiệu riêng sắp tới đây có sự hợp tác của LVMH sẽ chúng ta cái gì thì ta có thể hỏi phụ nữ đương đại cần gì? Sau hậu quả của COVID-19 và với tình trạng bất ổn địa chính trị kéo dài, có lẽ chính sự thoải mái – không chỉ phom dáng mềm mại, chất liệu tốt mà còn là trang phục mang lại sự tự tin và sức mạnh trong mọi tình huống.
Thực hiện: Mỹ Tâm