Dịch cúm corona ảnh hưởng thế nào đến tình hình kinh doanh thời trang sau Tết?

Ngày đăng: 05/02/20

Sau mùa mua sắm rộn ràng vào dịp Giáng Sinh và trước Tết, thì tình hình kinh doanh thời trang sau Tết đang gặp thử thách khi mà các cửa hàng vừa phải đối mặt với mùa thấp điểm đồng thời lại chịu ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp do virus corona. Việc đóng cửa biên giới khiến một số cửa hàng kinh doanh hàng Trung Quốc gặp khó khăn về nguồn hàng. 

Dịch viêm phổi cấp do virus corona không những đang gây tác động lớn đến ngành du lịch thế giới, mà trong thời điểm hiện nay khi người dân được khuyến cáo hạn chế đến nơi công cộng, nhiều chủ cửa hàng thời trang đang e ngại về sức mua sẽ giảm tại các cửa hàng trong thời gian sắp tới và tìm phương hướng giải quyết vấn đề doanh số. 

Trang bị nước rửa tay và khẩu trang cho khách, đẩy mạnh kinh doanh online 

Sau mùng 10 âm lịch, kết thúc kì nghỉ Tết Nguyên Đán là lúc các cửa hàng thời trang và trung tâm thương mại đã mở cửa đón khách trở lại. Tuy nhiên, cuối tuần vừa qua (01/02) lượng khách giảm nhiều tại Trung tâm thương mại Vincom Center Đồng Khởi. Dù vậy lượng khách vẫn có tại những cửa hàng như Zara, H&M… đa phần khách hàng đều mang khẩu trang để tự bảo vệ mình. Tại Hà Nội, nhiều trung tâm thương mại lớn cũng trở nên vắng vẻ vào đầu tuần nay. 

Trung tâm mua sắm Vincom Center

Trước ảnh hưởng của dịch, các chủ cửa hàng thời trang đã có cách ứng phó khác nhau, như cẩn thận trang bị khẩu trang và nước rửa tay để bảo vệ nhân viên lẫn khách hàng. Nguyễn Ngọc Minh Tuấn – Founder của DAS – thương hiệu thời trang nam giới có cửa hàng nằm trên đường Trần Hưng Đạo, Quận 1, chia sẻ với Style-Republik: “Trong thời điểm dịch corona thì lượng khách hàng tham gia mua sắm tương đối giảm. Hiện tại thì cửa hàng của chúng tôi trang bị khẩu trang cho nhân viên đeo khi phục vụ cùng với nước rửa tay tại quầy để khách hàng sử dụng. Đồng thời thương hiệu cũng đẩy mạnh các hoạt động bán hàng trên các kênh online để thu hút người mua”.

Khách mua hàng tại DAS (166C Trần Hưng Đạo, Q.1) trước Tết

Ly Trương – Founder của thương hiệu Odjects cho biết: “Từ sau Tết lượng khách tại cửa hàng khá thấp, tuy nhiên đây là tình trạng thường thấy sau Tết nên cũng không đến mức phải lo ngại. Hiện tại, marketing bên mình đang lên kế hoạch để ra mắt bộ sưu tập mới và đẩy mạnh mảng shopping online”. 

Cửa hàng của Odjects (35 Lê Thị Riêng, P. Bến Thành, Q.1)

Có thể thấy, việc đẩy mạnh các kênh online đang được nhiều thương hiệu áp dụng để kích thích mua sắm trong thời điểm hiện nay. Nhiều cửa hàng trực tuyến cũng áp dụng kèm theo chương trình “sale off” để đẩy mạnh tiêu thụ những sản phẩm còn sót lại mùa Tết vừa lôi kéo khách hàng. 

Lo sợ corona, cũng có một số cửa hàng chọn phương thức “đóng băng” hay chỉ bán online đợi qua mùa dịch, trên một fanpage của cửa hàng thời trang H. đề thông báo “Cửa hàng chúng tôi tạm ngưng nhận khách offline”. 

Một shop thời trang thông báo xin tạm ngừng tiếp khách Offline

Nguồn hàng từ Trung Quốc ảnh hưởng mạnh 

Việc cửa khẩu Việt – Trung bị đóng cửa trong nhiều ngày liền ảnh hưởng không nhỏ đến những cửa hàng thời trang có nguồn hàng từ Trung Quốc. Các nguồn hàng Trung Quốc thông thường nghỉ Tết đến hết tháng Giêng nên với những cửa hàng đã nhập hàng dự trữ từ trước Tết vẫn còn hàng để bán. Dù vậy, với những cửa hàng không trữ hàng trước, hiện tại đang vội vã tìm các nguồn hàng từ trong nước hay Thái Lan để thay thế, vì tình trạng “tắc biên” không biết kéo dài đến bao giờ. 

Không chỉ vậy, các thương hiệu thời trang nội địa cũng lo ngại về tình hình khan hiếm nguồn nguyên phụ liệu để sản xuất bộ sưu tập mới sau Tết khi biên giới đóng cửa. Chị Yến Vũ – Founder của thương hiệu thời trang CoCo Sin chia sẻ: “Bên cạnh việc lượng khách đi mua sắm giảm thì việc Trung Quốc đóng cửa các nhà máy do dịch bệnh cũng khiến các thương hiệu thời trang nội địa không nhập vải được.” Được biết, Trung Quốc là nguồn cung cấp quan trọng các nguyên liệu may mặc cho thị trường Việt Nam.

Cửa hàng CoCo Sin

Virus corona bùng phát ở Vũ Hán và lan rộng ở Trung Quốc sau đó đến toàn cầu. Theo số liệu công bố mới nhất ngày 5/2 của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, tổng cộng 24.324 ca nhiễm bệnh và 490 người tử vong đã được ghi nhận tại Trung Quốc đại lục. Hiện tại, cúm corona ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh của nhiều cửa hàng tại Việt Nam. 

Thực hiện: Koi