Dior Fall/Winter 2024 Menswear là lời tri ân của Kim Jones dành cho vũ công ba lê Rudolf Nureyev và tủ quần áo của ông
Ngày đăng: 24/01/24
Khám phá phong cách thời trang biểu tượng “onstage” và “offstage” của vũ công ba lê Rudolf Nureyev qua những bức ảnh mà người chú để lại, Kim Jones “chủ trì” cuộc hẹn hò chưa từng xảy ra đối với địa hạt menswear của nhà mốt Pháp, giữa Dior và ngôn ngữ thiết kế từ Balletcore.
Từ khi trở thành người cầm trượng tại địa phận menswear của Dior, Kim Jones khiến “nam nhi quốc” ấy trở thành nơi được nhiều người khao khát được đặt chân đến, khiến những show diễn Dior Menswear trở thành cái tên được mong mỏi nhất nhì mỗi khi Tuần lễ thời trang Paris nổ phát súng đầu tiên. Qua lăng kính đầy duy mỹ, những người chàng trai hay quý ông Dior được Kim Jones tạo nên với vẻ đẹp thanh lịch làm chủ đạo. Tuy nhiên, đó không phải là sự thanh lịch truyền thống, trùng khớp với quan niệm bình thường nhất; thay vào đó là sự thanh lịch được tái định hình cho người hình mẫu đàn ông hiện đại, nơi các chuẩn mực về giới tính và độ tuổi bị vứt bỏ dưới sự thể hiện cái tôi không giới hạn. Vẻ đẹp thanh lịch đặc biệt ấy vốn là tôn chỉ sáng tạo cho nhiều bộ sưu tập của Kim Jones dành cho Dior Menswear và bộ sưu tập ở mùa mốt Thu Đông 2024 cũng được định hình từ đó.
Colin Jones là một vũ công Ballet Hoàng gia Anh, sau đó trở thành một phóng viên ảnh chuyên nghiệp, đưa tin ở các điểm nóng trong thời chiến vào những năm 1960. Bên cạnh các vấn đề nóng hổi trong xã hội, Colin Jones còn thường ghi lại những hình ảnh về những ngôi sao người Anh nổi tiếng lúc bấy giờ như The Who và Mick Jagger. Trong số các tác phẩm của ông nổi bật nhất là một câu chuyện đời thực phi thường năm 1966 dành cho Time Life về Rudolf Nureyev – một vũ công ba lê và cũng là người bạn của ông. Cháu trai của ông là Kim Jones. Câu chuyện về nguồn cảm hứng đằng sau bộ sưu tập nam giới của Dior vào mùa mốt này bắt nguồn từ đây.
Vị giám đốc sáng tạo tài năng của lãnh thổ Dior Menswear bắt đầu lên kế hoạch cho một show diễn về Rudolf Nureyev, cụ thể hơn là vẻ ngoài mang tính biểu tượng của ông khi xuất hiện trên sân khấu lẫn sau ánh đèn sân khấu, từ một quyển sách lưu giữ những bức ảnh của Nureyev mà người chú quá cố của anh để lại. Vượt ra những bộ trang phục chuyên dụng cho những vở múa huyền thoại, phong cách thời trang đời thường của Rudolf được ví như một rockstar thực thụ. Sự linh hoạt trong phong cách đặc biệt của nam vũ công là thứ hiếm khi được tìm thấy trong ngôn ngữ thiết kế mà Kim Jones dành cho quý ông Dior của mình. Cuộc hẹn hò đầy bất ngờ giữa Dior và Rudolf Nureyev, giữa đường nét thanh lịch đầy tinh tế từ nhà mốt Pháp và Balletcore cũng chính là lý do khiến Dior Fall/Winter 2024 Menswear trở thành một buổi trình diễn đầy ngoạn mục.
Trên sàn gỗ của nhà hát, tên tuổi của Rudolf Nureyev song hành cùng bạn nhảy Margot Fonteyn, danh tiếng của cặp đôi được khởi nguồn từ vở kịch “Romeo and Juliet” huyền thoại ra mắt vào năm 1965. Nữ vũ công ba lê, Margot Fonteyn cũng là khách hàng quen thuộc của nhà mốt Pháp, đặc biết là đối với dòng Haute Couture của nhà mốt Pháp. Dior đã từng thiết kế một chiếc váy quây, có tên Debussy, được đính cườm và thêu lộng lẫy cho Margot vào năm 1950. Tuyệt tác đó đã khiến bao người xiêu lòng, trong số đó có Kim Jones. Mối quan hệ xa xôi này cũng là một trong những lý do khiến việc Rudolf xuất hiện trên moodboard của BST Dior Menswear Thu Đông 2024 thêm thuyết phục.
Danh hiệu vũ công ba lê của Rudolf hầu hết đã khiến người xem nắm được đại ý và đoán được những gì Kim Jones diễn giải trong bộ sưu tập menswear mới nhất. Nhưng ắt hẳn Kim Jones thích “trêu đùa” với người mến mộ. Chọn cho mình lối đi riêng, Kim Jones không chỉ dừng lại ở các diện mạo thời trang đương đại được cách điệu từ trang phục múa ba lê, mà còn khai thác tủ quần áo đời thường, ngoài ánh đèn sân khấu hay cuộc sống tưng bừng về đêm của các balletrina, của Rudolf lẫn Margot. Từ đó, màn biến hình linh hoạt giữa hai phong cách đối lập của Rudolf – kỷ luật và nghiêm khắc của một vũ công ba lê kết hợp với sự sang trọng, rực rỡ đậm chất nghệ sĩ – sân khấu của ông ấy, đã thôi thúc Kim Jones thực hiện bộ sưu tập Haute Couture dành cho nam đầu tiên cho Dior, lồng ghép nó vào chính show diễn gắn mác Ready-To-Wear lần này. Trong đó, những thiết kế RTW mang tính linh hoạt phản ánh trực tiếp cách ăn mặc của các vũ công ba lê khi đến phòng tập, và các tuyệt tác mang tính thủ công cao từ địa hạt Haute Couture là biểu trưng dành cho khía cạnh mà ít người biết đến của họ trong cuộc sống thường nhật. Sâu xa hơn, bộ sưu tập là một cuộc nghiên cứu về sự tương phản, thể hiện cả tính thực tế của dòng RTW và sự xa hoa mang tính sân khấu của thời trang Couture.
Mối lương duyên giữa trường phái ba lê và thế giới thời trang bắt đầu từ âm nhạc. Trên sàn runway hình tròn, Dior Fall/Winter 2024 Menswear được bắt dầu với những giai điệu đầy kịch tính của nhà soạn nhạc Max Richterm, và của Prokofiev dành cho “Romeo and Juliet”. Sau đó là cách diễn giải hình ảnh quen thuộc nhất trong mọi ánh nhìn của khán giả về Rudolf trên sàn múa của Kim Jones. “Vị vua” đứng đầu lãnh thổ menswear của Dior đem đến những bộ trang phục thanh lịch, ứng dụng cao được cách điệu trực tiếp từ trang phục đến phòng tập của các vũ công ba lê. Đó là 40 diện mạo hoàn chỉnh, “sạch sẽ và tối giản”, tập trung vào các kiểu dáng cốt lõi của thương hiệu, bao gồm những bộ suits may đo đẳng cấp, với sự lặp lại của bộ đồ Oblique đặc trưng của anh ấy; áo khoác ngoài có đai thắt lưng hình hai cánh tay, áo khoác da và len melton rộng rãi; quần tất, chưa kể đến những chiếc quần short và quần đùi ống rộng. Áo dệt kim có gân, áo choàng có thắt lưng cực rộng, khăn xếp xoắn, áo liền quần bằng len có khóa kéo phồng,… gợi nhớ đến hình ảnh quen thuộc đơn giản lúc đương thời của Rudolf.
Đối với người xem ở show diễn lúc đấy, có lẽ họ đã bị sự sang trọng và tối giản ở nửa đầu show diễn đánh lừa. Phần đầu hơi trầm lắng đấy chính là cách Kim Jones khởi động show diễn của mình, để người xem sẵn sàng tâm thế cho phần sau đầy hứa hẹn. Đó là 20 kiểu dáng bước ra từ thế giới Haute Couture hào nhoáng, những kiệt tác đẳng cấp về tay nghề thủ công, lấy cảm hứng từ các món đồ trong danh mục đấu giá của Rudolf Nureyev tại Christie’s năm 1995, cũng như kho lưu trữ của Dior.
Tất cả giúp trang phục lễ hội của nam giới được đẩy lên tầm cao mới. Cuộc diễu hành của danh mục Haute Couture trong bộ sưu tập được bắt đầu với bộ kimono lấy cảm hứng từ Nureyev, vũ công người là người thích sưu tầm kaftans, kimono và những chiếc khăn choàng quý giá mà anh ấy thích mặc ở nơi riêng tư. Đó là một bộ kimono được làm thủ công ở xứ sở Phù Tang, sử dụng kỹ thuật dệt Hikihaku cổ truyền, nhuộm màu bạc, rộng được dệt bằng những khối màu giống như ngọc quý và phải mất 10 người để hoàn thành trong ba tháng. Tiếp đến là áo chẽn, áo phông xuyên thấu được dệt từ các mạng lưới đính cườm sang trọng. Người xem chắc chắn sẽ không thể không để mắt lớp đá được đính trên những bộ suits như một chiếc thắt lưng lấp lánh như bầu trời đêm, được lấy cảm hứng từ chiếc váy Debussy của Margot Fonteyn năm 1950.
Những viên kim cương từ bộ sưu tập trang sức cao cấp của Dior cũng được đính bên dưới bộ vest denim có thắt lưng, như một chiếc vòng cổ hoành tráng. Bên dưới bộ vest màu xám là áo màu đỏ tía với đường viền cổ đính hạt hồng ngọc. Xuyên suốt bộ sưu tập, mọi ánh nhìn của người xem còn đổ dồn vào hai kiểu dáng có hoa văn toile-de-jouy được trang trí bằng bạc xa hoa. Bên cạnh kỹ thuật đính kết kỳ công, Dior Menswear ghi điểm tuyệt đối với khả năng phối màu tài tình của Kim Jones. Vị giám đốc sáng tạo khiến những kiểu dáng đơn giản trở nên độc đáo hơn bằng các vệt màu nổi bật đầy sinh động. Thế giới của Dior Couture được thu nhỏ trong Dior Fall/Winter 2024 Menswear phản ánh sự xa hoa, vẻ đẹp hào hoa, xấc xược và sang trọng của Rudolf.
Trước khi để mắt đến sự đẳng cấp từ các tuyệt tác Haute Couture, bộ sưu tập menswear mới nhất của Dior đã khiến người xem không thể rời mắt khỏi hàng loạt món phụ kiện độc đáo. Các phụ kiện trong bộ sưu tập phản ánh sự đơn giản, nghiêm khắc và xa hoa của hai thế giới đối lập nhưng gắn bó của một người vũ công ba lê.
Đầu tiên là những chiếc mũ đội đầu được bắt gặp xuyên suốt show diễn, chúng được quấn vô cùng tự nhiên cho các nam vũ công múa ba lê. Chúng được làm bằng những thước nhung xa hoa, được thiết kế ban đầu bởi Stephen Jones vào năm 1999 cho các phụ nữ Dior.
Đa số các món phụ kiện đều có tông màu trung tính nhưng có điểm nhấn gam màu neon nổi bật trên các đôi tất, được phối ăn ý cùng các đôi giày đế bệt. Giày dép trong bộ sưu tập kết hợp tính thẩm mỹ của một chiếc dép khiêu vũ với truyền thống trang phục dạ hội nam tính, có kết cấu bằng da San Crispino tương phản với giày sneaker Mary-Jane bằng lụa polyester. Giữa sự thuần khiết và xa hoa, những đôi giày ballerina trong BST mang lại vẻ duyên dáng, thoáng đãng nhưng vẫn đảm bảo được phom dáng cứng cáp cho cánh mày râu. Chúng được nhuộm bằng phổ quang màu rộng từ màu đen truyền thống, đến hiệu ứng ánh kim rực rõ, từ màu pastel ngọt ngào đến neon chói sáng. Đó là một vở ballet hấp dẫn của màu sắc và sự tinh tế. Trong khi đó, đồ da gây ấn tượng bằng những đường cong mượt mà, mềm mại kết hợp hoàn hảo giữa tính năng và độ thẩm mỹ, chẳng hạn như túi thắt lưng hoặc túi máy ảnh được trang trí bằng các đường nét kiến trúc của macrocannage.
Lấy cảm hứng từ kho lưu trữ của Dior, một lần nữa bộ sưu tập tái hiện lại phong cách may đo của Saint Laurent dành cho người đàn ông hiện đại, với sự tập trung cụ thể vào khối lượng, chi tiết lỗ thông hơi, nếp gấp uyển chuyển và đường viền cổ áo. Một phiên bản nam tính mới của Monsieur Dior’s Bar cũng được trình làng, hài hòa với thiết kế Oblique đặc trưng của Kim Jones cùng những chiếc áo quấn đôi ở ngực kết hợp với đường cong thanh ngang ở eo. Bộ sưu tập mang đến sự đơn giản của những năm sáu mươi và bảy mươi vừa phản ánh chân thật từ phong cách của riêng Rudolf Nureyev.
“Làn sóng” Balletcore ngày nay thường được tìm thấy dễ dàng trong địa phận thời trang womenswear. Vẻ đẹp nữ tính đầy lãng mạn này ngược lại không mấy phổ biến trong tủ quần áo nam. Lựa cho mình một con đường riêng, Kim Jones mạo hiểm lồng ghép balletcore vào đường nét thiết kế chính trong bộ sưu tập menswear mới nhất tại nhà mốt Pháp. Sự nữ tính xuất hiện tích cực như trên cổ áo diềm xếp nếp lộ ra từ bộ vest màu nâu, phần áo được thắt ở eo để tạo dáng đồng hồ cát và việc sử dụng ngọc trai và đá quý lấp lánh được đính trên áo khoác, áo sơ mi và áo khoác.
Tuy nguồn cảm hứng không trùng khớp hoàn hảo đối với triều đại sáng tạo của Dior Menswear, nhưng Jones biết mình đang làm gì. Dior có một lượng khách hàng lớn về trang phục công sở dành cho nam giới, vì thế Kim Jones đã hiện đại hóa và sắp xếp hợp lý các đường nét thiết kế của nó, tạo nên dấu ấn đặc biệt cho những chiếc áo khoác và áo khoác vest được buộc chặt bất đối xứng, tạo ra nhữn chiếc quần cắt may lý tưởng và đưa ra nhiều lựa chọn mua sắm dành cho cánh mày râu. Từ cuộc sống onstage đến offstage của vũ công múa ba lê, từ giản dị đến sang trọng, từ trang phục thường nhật đến dạ tiệc, từ RTW đến Haute Couture, Dior Fall/Winter 2024 Menswear là quyển cẩm nang thời trang trọn vẹn mà bất kỳ quý ông nào cũng nên sở hữu.
Show diễn được kết thúc bằng lòng đam mê gần đây của Kim Jones dành riêng cho sàn diễn công nghệ tiên tiến. Nếu ở mùa mốt trước, Kim Jones và Dior Menswear trở thành tâm điểm của thế giới thời trang và cộng đồng mạng bằng sàn runway cùng chiếc hầm bí mật, thì sàn diễn của Dior Fall/Winter 2024 Menswear là một mặt phẳng hình tròn hai tầng có thể xoay như chiếc sân khấu trong hộp nhạc tuổi thơ, có hình nộm đang muốn ba lê ở giữa. Sàn diễn có một không hai của Kim Jones ngày càng trở nên sống động gấp bội dưới một bầu trời đen ngòm nhân tạo có đầy sao.
Thực hiện Dory
Theo Vogue, WWD, Culted