Dior vướng phải lùm xùm về bóc lột lao động 

Ngày đăng: 14/06/24

Theo thông tin từ các cuộc điều tra gần đây, những chiếc túi Dior kinh điển bày bán trong các cửa hàng sang trọng với giá 2.600 euro, được sản xuất với giá thành cực kỳ thấp là 53 euro.

Không chỉ là một vấn đề bị lên án thường xuyên trong đế chế thời trang nhanh, đáng buồn thay, cũng có nhiều nhà mốt huyền thoại, các thương hiệu xa xỉ bị điều tra với vấn nạn bóc lột lao động. Gần đây, các cuộc điều tra lao động tại các xưởng gia công sản xuất của những thương hiệu thời trang đình đám được diễn ra liên tục. Sau các cuộc điều tra ở xưởng của Alviero Martini và Giorgio Armani Operations, Tòa án Milan tiếp tục “gõ cửa” nhà mốt Dior, cụ thể là tại chi nhánh sản xuất ở Ý của “gã khổng lồ” thời trang Pháp này. Dưới sự điều phối của các công tố viên Paolo Storari và Luisa Baima Bollone, các thẩm ván của tòa án cáo buộc công ty đã không hạn chế và ngăn chặn tình trạng bóc lột lao động trong chu trình sản xuất, tối đa hóa lợi nhuận bằng cách tiết kiệm chi phí lao động, an toàn cho nhân viên cũng như các thủ tục tài chính liên quan. 

Trong địa hạt thời trang hào nhoáng, những chiếc túi Dior vốn trở thành một trong số những kiểu túi huyền thoại được làng mốt khao khát sở hữu. Dù có giá cao ngất ngưỡng, nhưng chúng luôn được săn lùng không ngừng nghỉ, bởi lẽ chính là vì giá trị sáng tạo, nghệ thuật lẫn sưu tầm cao. Tuy nhiên, trước khi chính thức bày bán ở các cửa hàng sang trọng với cái giá 2.600 euro, chúng được sản xuất ở các xưởng của nhà mốt Pháp chỉ với 53 euro.

Chúng được sản xuất bởi các công nhân Trung Quốc bị bóc lột trong các nhà máy ở chi nhánh Milan và Brianza. Xưởng sản xuất Dior (SRL) bị cáo buộc đã “thêm dầu vào lửa”, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bóc lột này bằng cách không xác minh việc tuân thủ các quy định lao động.

Cuộc điều tra về vấn đề lao động trong ngành công nghiệp thời trang được bắt đầu vào tháng 3 năm 2024, và diễn ra ở 4 nhà máy sản xuất. Đặc biệt, có hai công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ da là: Pelletterie Elisabetta Yang và New Leather (SRL). Trong những nhà kho sản xuất này, cảnh sát sẽ có thể kiểm tra điều kiện làm việc của những công nhân.

Trong một nhà máy ở Opera, gần Milan, Cảnh sát Carabinieri đã phát hiện ra 17 công nhân Trung Quốc và 5 công nhân Philippines, đang làm việc hết công suất giữa các dung môi và keo dễ cháy, trên những chiếc máy đầm. Các công nhân, gồm nhiều người không được ký hợp đồng chính thức, còn có điều kiện sinh hoạt tệ hơn khi sống trong nhà kho ẩm thấp, khu bếp nấu ăn nhỏ, chỉ có bảy phòng ngủ và hai phòng tắm nhưng cũng không được bảo đảm vấn đề sạch sẽ và tiện nghi. Ở Cesano Maderno, ba công nhân thậm chí còn cố gắng trốn thoát khi lực lượng cảnh sát Carabinieri đến điều tra, nhưng đã bị giữ lại kịp thời.

Các trường hợp tương tự này cũng được phát hiện ở xưởng sản xuất của Dior. Không chỉ phải chịu đựng chấp thuận điều kiện làm việc rất bấp bênh, các công nhân còn được yêu cầu phải nói dối trong lúc bị kiểm tra. Họ bị “vắt kiệt” sức lao động từ 6h30 sáng cho đến tận đêm khuya, mỗi ngày, ngày lễ cũng không là ngoại lệ.

Theo sắc lệnh, đây không phải là những sự cố lâu lâu mới diễn ra, mà đã là một “hệ thống” được thiết lập chặt chẻ, tồn tại trong nhiều thập kỷ. Việc thuê nguồn nhân lực sản xuất ngoài công ty cho phép thương hiệu cắt giảm chi phí hiệu quả, khi không phải trả tiền lương cố định hoặc thuế. Theo điều tra, có tổng cộng 32 công nhân đã bị phát hiện, 7 người trong số đó không không được khai báo để tính thuế và 2 công nhân bất hợp pháp; họ được trả với mức lương dưới ngưỡng tối thiểu, làm việc trong môi trường không lành mạnh và trái phép, cũng như không được bảo vệ khỏi tác nhân hóa học bằng các thiết bị an toàn.

Theo các thẩm phán, nhà máy sản xuất Dior đã không xác minh năng lực kinh doanh thực tế của các công ty ký hợp đồng. Điều này chứng tỏ sự thiếu sót trong việc kiểm soát quy trình sản xuất. Năm chủ xưởng cũng bị điều tra về tội tổ chức băng đảng, lạm dụng và không xuất hóa đơn quan trọng. Số tiền phạt mà Dior phải trả lên tới 138.000 euro, với các biện pháp xử phạt hành chính tổng cộng là 68.500 euro và đình chỉ hoạt động đối với bốn đơn vị công ty thầu phụ.

Sau những cuộc điều tra này, chủ tịch Tòa án Milan, Fabio Roia, đã đề xuất tổ chức một cuộc thảo luận nghiêm ngặt hơn trong lĩnh vực thời trang, tương tự như lĩnh vực  logistics. Mục tiêu là ký một nghị định thư với tỉnh Milan, cơ quan thanh tra lao động và các nhà điều hành ngành tiến hành ngăn chặn việc bóc lột lao động trong lĩnh vực thời trang. Không chỉ có Dior, bóc lột lao động chắc chắn được tìm thấy ở nhiều “ông lớn” trong địa hạt thời trang. Các cuộc điều tra này một lần nữa chứng minh vấn nạn bóc lột lạo động trong ngành công nghiệp thời trang không đơn giản là một hành động riêng lẻ, xảy ra ở tần suất thấp, mà là một chuỗi hệ thống có “gốc rễ” và đã “hút máu” biết bao thế hệ công nhân. Vì thế để loại bỏ và ngăn chặn triệt để vấn đề đáng báo động này, đòi hỏi luật phát phải có các biện pháp can thiệp mang tính hệ thống và nghiêm khắc hơn. Đối với các thương hiệu, họ cũng cần phải tuân thủ để tương lai thời trang trở nên bền vững và có đạo đức hơn. 


Thực hiện Dory

Theo NSS Magazine