Đọc sách ngày mưa: 5 tác phẩm rì rào nỗi buồn thật đẹp
Ngày đăng: 05/11/24
Tan vào những trang chữ “mưa rơi” với 5 tác phẩm lạnh mà ấm, ngọt ngào mà đắng ngắt của loạt ngòi bút tài hoa dưới đây. Mỗi cuốn sách là một cơn mưa riêng biệt, nơi cảm xúc đan xen hòa quyện, để bạn lắng nghe và cảm nhận tiếng mưa theo cách của riêng mình.
Đọc sách ngày mưa mang đến cảm giác đặc biệt hơn cả, man mác buồn và phấn khích của không khí se se, ấm áp trong căn phòng ấm và trang sách thơm. Nếu bạn đang tìm kiếm những cuốn sách có phong vị cơn mưa, có thể ghé thăm 5 đầu sách được chọn lọc sau đây. Dù mưa tí tách, rì rào hay nặng hạt, những trang sách này sẽ là không gian hoàn hảo để bạn đắm chìm và cảm nhận mưa rơi trong từng dòng chữ.
Phúc âm cho một người – Nguyễn Khắc Ngân Vi
“Và nỗi bất hạnh của con người không chỉ là cơn đói. Niềm hy vọng là bất hạnh lấp lánh nhất của thế giới này. Bà vốn sống đủ lâu để hiểu ra chân lý ấy. Song một lần nữa niềm hy vọng đã đánh lừa bà” – Phúc âm cho một người, Nguyễn Khắc Ngân Vi.
Mấy ai nghĩ niềm hy vọng lại là nỗi bất hạnh. Qua nhân vật bà Khuê cùng những mối quan hệ xoay quanh bà, những cuộc tự vấn, những cảm xúc âm ỉ được bươi lên và diễn giải thẳng thắn. Như ngoài cuộc, quan sát bằng góc nhìn khách quan, bút pháp của Nguyễn Khắc Ngân Vi gợi cho người được những suy nghĩ riêng, vén mở bức màn nội tâm, dựng lên căn phòng để ta tự đối thoại với bóng tối của chính mình.
Khi rơi vào bế tắc, con người tìm đến tôn giáo như một điểm tựa tinh thần. Nhân vật chính, bà Khuê, là một phụ nữ trung niên mang nhiều nét khác biệt so với hình tượng phụ nữ cùng độ tuổi trong văn học Việt Nam. Nội tâm bà được mô tả phức tạp, là hình ảnh tách biệt ra khỏi cái xóm sùng đạo, nơi các sinh hoạt tôn giáo đã dần mất đi ý nghĩa với bà. Thế nhưng, khi những trang cuối cùng khép lại, ta lại thấy bà tìm về tôn giáo như một thứ “liều thuốc” êm dịu, mang đến sự an ủi cho tâm hồn.
Trắng – Han Kang
“Và bởi vậy, nếu chị còn sống thì em không được phép có mặt trên đời này. Nếu em đang sống thì chị không được phép tồn tại. Ở giữa bóng tối và ánh sáng, chỉ trong khoảng xanh ấy, chúng ta mới chạm mặt nhau” – Trắng, Han Kang.
Khi đôi mắt lướt qua “Trắng”, bạn nghĩ đến điều gì? Với Han Kang, trắng không chỉ là một màu, mà còn là lời thì thầm sâu kín, là sự dằn vặt, nuối tiếc, là góc nhìn tinh tế về cái chết – cái chết của người chị qua đời từ khi mới sinh. Cô gom nhặt từng sắc thái của màu trắng, để tạo nên một hình hài sâu lắng bên trong con người, một phần không thể phá hủy, cũng không thể hoen ố.
Đọc “Trắng” như đang mở từng trang nhật ký, lắng nghe những lời tâm sự chân thật nhất. Từng mẩu chuyện nhỏ chỉ vỏn vẹn một đến hai trang, vụn vặt, phi tuyến tính, tựa như những dòng suy tư ngẫu nhiên. Đâu đó, vài ba câu ngắn, một vài dòng thơ, hay cả một trang văn dài. “Trắng” là mảnh ký ức được tác giả nâng niu, gói ghém lại bằng thứ màu tinh khiết nhất, rồi từ từ bóc tách từng lớp, từng tầng, đi sâu vào bên trong, đến khi bước vào bóng tối. Những câu chuyện dù rời rạc, nhưng đều gắn liền với màu trắng – Han Kang đã dùng màu này để phối cùng sắc tối, khéo léo len lỏi vào từng góc khuất của bóng đêm.
Đẹp và buồn – Kawabata Yasunari
“Thời gian trôi. Nhưng thời gian của đời người có những dòng chảy khác nhau. Như dòng sông, dòng đời có chỗ nhanh chỗ chậm, có chỗ còn dừng lại như nước ao tù. Thời gian vũ trụ tất nhiên là một, nhưng thời gian trong tâm thay đổi với từng người. Dòng sông thời gian là một cho mọi người, nhưng mỗi người trôi đi trong dòng sông ấy một cách khác nhau. Xấp xỉ bốn mươi, Otoko nghĩ Oki vẫn còn sống trong nàng, phải chăng là dòng thời gian của nàng đã không chảy. Hay hình ảnh Oki cùng nàng trôi với cùng một vận tốc, như cánh hoa trôi theo nước. Rồi nàng lại nghĩ, không biết nàng trôi theo dòng thời gian của Oki thế nào. Dù Oki vẫn không quên nàng, nhưng ông tất có một dòng thời gian khác” – Đẹp và buồn, Kawabata Yasunari.
Đẹp và buồn của Kawabata Yasunari như dòng chảy ngầm lặng lẽ giữa những nỗi đau thẳm sâu và vẻ đẹp tinh tế đến tan chảy. Qua từng câu văn, Kawabata không chỉ khám phá những lớp sóng tâm hồn mà còn dẫn dắt người đọc đến với một Nhật Bản cổ kính, nơi phong cảnh và văn hóa hòa quyện trong bức tranh tuyệt mỹ của nhân sinh. Trong từng trang viết, Kawabata khéo léo đặt nỗi đau bên cạnh cái đẹp – nỗi buồn và tình yêu, ký ức và hiện tại, tất cả hòa lẫn, tạo nên một thế giới vừa tĩnh lặng vừa mãnh liệt, nơi mỗi chúng ta dễ dàng nhìn thấy bản thân và cảm nhận những xúc cảm mênh mang về thời gian, về tình yêu và về cái đẹp mong manh của kiếp người.
Mùa hè cùng người lạ – Taichi Yamada
Mùa hè cùng người lạ của Taichi Yamada tựa như một bản hòa âm tuyệt đẹp về cô độc, nỗi buồn và sự mất mát. Câu chuyện theo chân Hideo Harada, người đàn ông trung niên sau cuộc ly hôn đã chuyển về sống ở khu chung cư chuyên cho thuê văn phòng. Tại đây, ngoài anh chỉ còn một cô gái tên Kei sinh sống. Trong đêm sinh nhật cô quạnh, anh quyết định trở lại Asakusa – nơi anh sống cùng cha mẹ trước khi họ qua đời năm anh 12 tuổi. Thật kỳ lạ, anh đã gặp lại hai người giống hệt cha mẹ mình lúc trẻ.
“…khi nghĩ về cảm giác an toàn, dịu dàng mà tôi có được khi ở bên họ, tôi chỉ có thể kết luận rằng: đâu đó sâu thẳm bên trong tôi vẫn thèm khát đến tuyệt vọng vòng tay ấm áp của tình yêu thương gia đình” – Mùa hè cùng người lạ, Taichi Yamada.
Bỏ qua mọi hoài nghi, Harada đắm mình trong niềm hạnh phúc cùng hai hình bóng thân yêu ấy. Sau một thời gian dài thèm khát tình yêu gia đình, anh như được trở về lại những hồi ức tốt đẹp nơi có vòng tay ấm áp của cha mẹ. Câu chuyện ấy có thể chưa ai trải qua, nhưng lại gợi lên sự đồng cảm sâu sắc. Qua ngòi bút của Yamada, ta bắt gặp chính mình trong nỗi cô đơn, sự khát khao yêu thương – một nỗi thèm khát chung của nhân loại, dù ở thời đại nào.
Giông tố – Vũ Trọng Phụng
Những sự thật càng xấu xí, độc ác lại càng nhức nhối, đòi hỏi những người viết phải bới sâu, bóc trần và đối mặt với chúng một cách thẳng thắn. Vũ Trọng Phụng, cây bút trào phúng tài tình, đã từ chối những lớp vỏ giả dối êm ái để phơi bày trần trụi các bi kịch và nghịch lý trong Giông Tố. Tác phẩm của ông khắc họa một hiện thực đen tối bị giật dây bởi đồng tiền và quyền lực, mang đến cho người đọc nỗi đồng cảm và xót thương sâu sắc với những phận đời cùng khổ, đồng thời lên án chế độ thực dân thối nát và sự tàn bạo chà đạp lên phẩm chất lẫn hạnh phúc của người dân.
Giông Tố nơi kẻ yếu thế lay lắt trước thiên tai giận giữ hay đối diện với cơn bão lòng ngặt nghèo không kém? Đứng trước cơn giông, con người chỉ có thể làm mọi cách để bám víu. Đây là khoảnh khắc mà bản chất con người lộ rõ, như câu “nhân chi sơ, tính bổn ác”. Để sinh tồn trong cơn bão đời, con người ta cựa quậy, vùng vẫy, làm mọi cách để không bị nhấn chìm, thậm chí có thể giẫm đạp lên chính đồng loại, tàn nhẫn chà đạp cả những người gần gũi nhất để đớp những từng ngụm không khí.
Thực hiện: Lenna