[Fashion Insider] Trò chuyện cùng Catwalk director Nhã Trúc: Nghề mẫu là cánh cửa dẫn bạn đến một thế giới tốt đẹp hơn
Ngày đăng: 27/04/20
Làm sao có thể nói về thời trang mà thiếu vắng người mẫu. Như hai mảnh ghép không thể tách rời, nghề mẫu lắm lúc cũng bị hòa lẫn vào cái phù hoa của thời trang. Khán giả thường hình dung nghề mẫu với hình ảnh hào nhoáng trên sàn runway cùng những thị phi quanh nó. Nhưng để có thể mặc vừa những bộ trang phục lộng lẫy và được chọn lựa giữa hàng ngàn người khác, nỗ lực và đam mê là những thứ tiên quyết phải có. Bởi không có thành công nào cho kẻ lười biếng.
Sau thời gian hoạt động như một model, Nhã Trúc giờ đây đảm nhận vị trí catwalk director của nhiều show diễn lớn, nhỏ. Những trải nghiệm về công việc mới và cả trải lòng về nghề mẫu sẽ được chị chia sẻ trong bài viết này.
Cơ duyên nào đã gắn kết chị với công việc catwalk director? Nghề người mẫu đã giúp được gì cho chị Nhã Trúc ở vai trò mới?
Thật ra trước đây tôi là trợ lý của chị Xuân Lan trong những show catwalk và làm về tuyển chọn người mẫu. Một số cơ duyên họ cảm thấy tôi có khả năng và mời tôi tham gia. Show đầu tiên tôi làm catwalk director là show Áo dài của Áo Dài House. Khi vừa book model xong thì anh đạo diễn ngỏ lời muốn tôi làm catwalk director cho show và tôi đã đồng ý.
Những kinh nghiệm từ cuộc thi VNTM 2012, quãng thời gian hoạt động nghề mẫu và cả quản trị lớp khi còn đi học đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong công việc mới này.
“Nghề chọn người” – Tôi đến với nghề là một cái duyên, còn duy trì và phát triển là do nỗ lực cá nhân.
Với mỗi show diễn thời trang, công việc chuẩn bị cho chương trình của một đạo diễn catwalk sẽ diễn ra như thế nào? Chị đã từng gặp tình huống nào đáng nhớ hay không?
Phụ thuộc vào từng show diễn khác nhau. Tôi có thể sẽ làm hơi nhiều hơn vì tôi còn là agency nữa. Thường khách hàng sẽ đặt một gói gồm có cả quản lý mẫu, booking, casting và catwalk director. Do đó, tôi sẽ phải can thiệp ngay từ đầu: tiến hành lọc các hồ sơ, tuyển mẫu. Sau đó, đạo diễn chương trình sẽ gửi mô hình sân khấu để tôi xây dựng tuyến đi cho hợp với đường băng và tinh thần của bộ sưu tập.
Mỗi sự kiện đều có những khó khăn và kỷ niệm đáng nhớ cả. Như show diễn kỷ niệm 10 năm của thương hiệu Magonn ở bảo tàng mỹ thuật. Backstage nằm ở tầng trên và runway nằm ở tầng dưới, máy quay không thể nào bắt hết hình ảnh được vì có hai đoạn đường đi khác nhau. Tôi và team của mình phải tạo những hiệu lệnh riêng cho nhau, góc khuất nào mà tôi không nhìn được thì trợ lý sẽ ra hiệu tay là người mẫu ở khu vực ấy như thế nào.
“Nghề chọn người” – Tôi đến với nghề là một cái duyên, còn duy trì và phát triển là do nỗ lực cá nhân.
Thế còn về các bạn người mẫu, có những vấn đề nào khi làm việc với các bạn không?
Một trong những vấn đề bất cập trong các show diễn đó chính là “không đúng giờ” từ nhiều bên liên quan, trong đó có cả model, tiến độ của sản xuất và cả khách mời. Do đặc thù công việc nên nhiều vấn đề phát sinh nên tôi và ekip luôn phải có phương án thay đổi để chạy đua cùng thời gian. Tôi luôn phải đặt chỉ tiêu khi tập chương trình phải có ít nhất 90% model, số còn lại nếu đến muộn phải thông báo trước. May mắn là trong những năm làm việc vừa rồi chưa bao giờ gặp phải sự cố lớn phát sinh từ việc không đúng giờ của người mẫu!
Đâu là tiêu chí để đánh giá sự thành công của công việc catwalk director trong một show diễn?
Làm đúng theo kịch bản là một phần. Phần còn lại là các vấn đề hy hữu mà mình không kiểm soát được. Không chỉ hướng dẫn tuyến đi, đạo diễn catwalk cũng phải giải quyết các vấn đề phát sinh và tính toán để phòng ngừa những gì có thể xảy ra trên sàn diễn. Lúc ấy phải tập trung hết mức để xử lý tình huống. Tóm lại là, lần sau người ta còn mời bạn làm show nữa thì đó là thành công. (cười)
Một trong những sự cố thường xảy ra nhất chính là giày hư hoặc rơi giày. Mà phải có lời khen vì các bạn mẫu trong show của tôi xử lý những tình huống này rất tốt, từ một sự cố đôi khi lại thành điểm nhấn. Để hạn chế tình trạng này, các bạn mẫu được agency của tôi chú trọng vấn đề fitting và hỗ trợ, NTK cũng như brand sắp xếp model thử trang phục và walk thử trên giày diễn để tránh các tình trạng đáng tiếc xảy ra.
Bên cạnh công việc đạo diễn catwalk và có khi là stylist, chị còn xây dựng cả iDO Production và kiêm cả vai trò quản lý. Chị có thể chia sẻ về quá trình thành lập iDO những năm vừa qua?
Đầu tiên, iDO là một studio rất lớn (6x26m) của tôi và một người bạn. Lúc đầu chỉ là cuộc dạo chơi thôi, mà do bị phá sản nên tôi cố gắng để iDO chuyển từ một studio sang một production. Sau đó tôi bắt đầu thành lập ekip, chụp ảnh, stylist.
Ngoài chức năng là agency quản lý người mẫu, iDO cũng đã có được các hợp đồng như là styling cho Cartier, quảng cáo cho Samsung và các hãng mỹ phẩm như Maybelline, Sulwhasoo, YSL,… Bên cạnh đó, iDO còn làm stylist cho chị Nguyễn Thị Loan dự thi Miss Universe thế giới.
Quản lý nhân sự là điều không hề đơn giản, có công ty thất bại vì người mẫu tách ra riêng sau một thời gian hợp tác. Công việc của chị phải quản lý cả model và một đội ngũ phía sau công ty, trong khi tài sản lớn nhất của iDO là mối quan hệ. Bí quyết quản lý người mẫu và cách chị điều hành nhân viên là gì?
Cách hoạt động của iDO có khác một chút với các công ty khác, thay vì ký hợp đồng độc quyền thì iDO là agency quản lý freelance model (người mẫu tự do). Một phần vì bản thân đã thấy rất nhiều vấn đề khi ký hợp đồng độc quyền và thường không có câu chuyện nào kết thúc đẹp cả. Nếu như ở nước ngoài, người mẫu phải trực thuộc một agency vì liên quan đến thuế và hợp đồng lao động. Còn ở Việt Nam thì rất dễ, có thể nói 99% các bạn làm freelance. Có những người mẫu “bùng show” hay bị agency quỵt tiền, nhưng cả model lẫn agency đều không có một tờ giấy nào để ràng buộc về vấn đề đó. Vì thế, khi làm việc, luôn luôn có một văn bản được thỏa thuận giữa hai bên, góp phần về pháp lý và giúp mọi thứ diễn ra trôi chảy hơn.
Trong nhiều năm làm nghề tôi nhận thấy có một vấn đề bất cập, nếu các công ty nước ngoài họ công bố rõ % số tiền giữa model và agency, thì ở Việt Nam, một số agency không làm rõ vấn đề này, dẫn đến mâu thuẫn và model dường như có “ác cảm” với việc trực thuộc một agency.
Ở nước ngoài họ rất hay, nếu công ty kiếm được việc cho bạn thì công ty lấy 50% hoặc bạn mang công việc đó về thì công ty lấy 30% và họ lo cho người mẫu từ A-Z. Thì cái phần mà công ty lấy đó họ sẽ hỗ trợ cho model. Một năm sẽ đi bao nhiêu bài báo, chụp bao nhiêu bộ hình,… Tất cả phải rõ ràng như vậy. Nếu cứ lấy mà không làm gì, không quảng cáo, đẩy công việc cho người ta thì chẳng ai lại vui vẻ với chuyện đó cả. Quan trọng là phải minh bạch về tài chính và lợi ích của hai bên.
Thường khi làm mẫu, tôi hỏi rất kỹ về công việc, làm trực tiếp với khách hàng hay qua trung gian. Nếu làm trực tiếp với khách hàng thì tôi sẽ báo giá A. Nhưng nếu làm qua bên thứ ba thì sẽ báo 70% của giá A. Để khi agency thỏa thuận với khách hàng là 100% giá A. Luôn luôn khi làm việc phải nghĩ đến chuyện mình sống được thì người khác phải sống được. Hồi còn đi làm, tôi hay giao lưu với các anh chị bên sản xuất hay marketing để hiểu hơn về công việc và cuộc sống của họ. Mọi người rất thoải mái vì làm việc với tôi rất rõ ràng, không bao giờ phàn nàn về tiền nong. Thỏa thuận được thì làm, không được thì thôi. Mà khi đồng ý là phải đặt cái tâm vào.
Theo chị Nhã Trúc, người mẫu Việt Nam ngoài việc catwalk và chụp hình thời trang thì còn có những cơ hội nào để phát triển và tăng thu nhập? Đâu là điều mà các bạn mẫu ít quan tâm để xây dựng hình ảnh?
Trong các công việc của người mẫu thì chụp lookbook là mang lại thu nhập tốt nhất. Nhưng trong 100 người mẫu chỉ có 10 người có thể kiếm được nhiều từ chụp lookbook, 60 triệu đến 100 triệu/tháng là chuyện bình thường. Nghề mẫu thật sự thu nhập rất tốt chứ không như mọi người bảo là khó sống đâu. Nó ảnh hưởng nhiều từ việc xây dựng hình ảnh cá nhân.
Khi book mẫu, ai cũng sẽ thích một người đắt show hơn, thương hiệu sẽ trả cho bạn cao hơn vì giá trị hình ảnh bạn mang lại.
Ngay khi ra khỏi Next Top, tôi được mời rất nhiều show và hầu như ngày nào cũng đi làm. Bữa nào không có việc thì tự make up và chụp hình để tạo cảm giác là hôm đó cũng đi làm. Bạn phải tạo ra sự thu hút và ý nghĩ của người khác. Khi book mẫu, ai cũng sẽ thích một người đắt show hơn, thương hiệu sẽ trả cho bạn cao hơn vì giá trị hình ảnh bạn mang lại. Và cũng đừng ngại thử sức với các công việc liên quan như MC, diễn viên, blogger,…
Đến giờ bản thân vẫn phải cảm ơn Next Top Model, đó thật sự là cái nôi của ngành thời trang Việt Nam, dẫu giờ không còn chất lượng như xưa nữa. Nó xây dựng cho tôi một niềm tự hào công việc và thay đổi cái định kiến của mọi người về nghề mẫu. Thật sự tôi rất ghét ai gọi là con người mẫu, thằng người mẫu, dùng những cái từ không có tôn trọng người mẫu. Các bạn mẫu vẫn phải học tập, lao động, nhất là có đam mê. Đâu phải đẹp rồi mặc bộ đồ mang giày cao gót là người mẫu đâu. Ngày xưa tôi đi giày cao gót đến bong da chân, xịt máu, dán băng keo rồi lại đi tiếp. Chương trình giúp khán giả có cái nhìn tích cực hơn về công việc người mẫu, một công việc phải có thời gian rèn luyện, có đam mê để duy trì và chân chính như bao công việc khác.
Mẫu Việt đã sải chân trên sàn diễn của rất nhiều tuần lễ thời trang thế giới, từ New York đến Milan, Paris hay Tokyo,… Gần đây nhất là Phương Oanh và Chà Mi tại London Fashion Week. Có phải tiến ra quốc tế mới là con đường thành công duy nhất?
Những năm đầu, khi những người mẫu Việt xuất hiện trên sàn diễn thế giới, đó là một cú nổ lớn cho thị trường và người hâm mộ thời trang nhưng những năm gần đây, theo tôi quan sát thì nó đã hạ nhiệt đi ít nhiều.
Việc đi nước ngoài không hẳn là định mức đánh giá sự thành công của một người mẫu. Khi diễn ở quốc tế về chắc chắn cát-xê sẽ cao hơn, đó là bạn có đầu tư. Trong quá trình lên mức tiền cho model, các thương hiệu sẽ hỏi tại sao bạn này lại cao hơn bạn kia,… thì bên tôi phải có một câu trả lời xứng đáng. Những bạn đi nước ngoài là có đầu tư, mình phải đền bù lại và năng lực của các bạn đó đã được chứng minh mới diễn ở quốc tế được. Có hoạt động thì mới có sự thay đổi.
Thường model sẽ có một mức giá chung, trừ các chị “lão thành”. Mình luôn khuyến khích các bạn đi ra nước ngoài, tạo thêm hoạt động. Nếu tham gia các cuộc thi, nó sẽ giúp bạn được biết đến nhiều hơn, thu nhập tốt hơn. Diễn ở quốc tế không phải là cách đánh giá thành công, nhưng nó là bước phát triển giúp cho cả về sự nghiệp lẫn thu nhập của bạn.
Tình hình show của chị bị ảnh hưởng như thế nào trong mùa dịch? Công ty của chị có phải điều chỉnh điều gì để phù hợp với tình trạng hiện nay?
Đây là tình hình chung của ngành thời trang và sự kiện, từ đầu năm đến giờ do ảnh hưởng của dịch bệnh, tôi có hơn năm fashion show lớn nhỏ bị hoãn vô thời hạn. Bên công ty phải thay đổi nhiều để phù hợp với tình hình hiện nay, chủ yếu là WFH (work from home) như mọi người, bộ máy làm việc của iDO đó giờ luôn tinh giản, nên không gặp vấn đề về việc dư nhân sự hay lương nhân viên.
iDO cũng chuyển hướng sang các mảng talent online, như cung cấp KOL review sản phẩm dịch vụ, các project gửi sản phẩm về cho model tự chụp hay quay clip. Tình hình thay đổi, mình cũng phải thích nghi. Nên hiện tại những bạn người mẫu đa năng (multi talented model) sẽ dễ thích nghi với tình hình hiện giờ hơn.
Với vai trò là đạo diễn catwalk thì chị nghĩ việc dừng các show thời trang như hiện nay có cần thiết không?
Tất nhiên là tôi hoàn toàn đồng ý với việc cách ly xã hội và tạm dừng các hoạt động giải trí nói chung và fashion show nói riêng, đây là sự an toàn cho mọi người. Dịch bệnh sớm bị đẩy lùi thì chúng ta càng sớm bắt đầu lại.
Người mẫu thường rất hạn chế về mặt show diễn nay lại còn bị cắt toàn bộ show thì chị nghĩ có phương án nào để các bạn cải thiện thu nhập?
Thật ra vẫn còn một vài nhánh công việc người mẫu vẫn hoạt động được nhưng nó thường rơi vào những bạn người mẫu đa năng. Vấn đề này nằm ở kĩ năng cá nhân, không thể một sớm một chiều giúp các bạn phát triển được. Nên hiện tại vẫn là mọi người nên có thêm công việc tay trái để giúp mình trang trải cuộc sống và tôi cũng nhận thấy nhiều bạn model đã có hoạt động để không bị mắc kẹt trong tình trạng này.
Ngoài ra tôi đang lập một quỹ nhỏ, những model hiện tại vẫn có thu nhập sẽ góp vào quỹ đó, tiền sẽ dành để hỗ trợ cho những bạn model đang gặp vấn đề về kinh tế, sau khi số tiền được người vay hoàn trả, thì tiền sẽ được trả lại cho những người góp đầu. Thật ra vẫn còn vài vướng mắc khi lập quỹ nhưng mình hy vọng quỹ sẽ hoạt động tốt và giúp được nhiều người.
Nếu có thể chia sẻ đến những bạn trẻ đang ấp ủ mong muốn làm công việc của một người mẫu, đâu là điều mà chị hi vọng các bạn sẽ chuẩn bị ngay từ ban đầu?
Tôi muốn các bạn chuẩn bị một tấm bằng đại học (cười). Đó là sự chuẩn bị sẽ giúp mình an toàn hơn. Thật ra nghề người mẫu nó như một canh bạc. Có nhiều bạn làm mẫu năm 18 tuổi, vẫn được. Nhưng nếu không học đại học thì nên học một môn gì đó, như là tiếng Anh, để không làm mẫu nữa thì còn có cái để kiếm sống. Mẫu nữ tính ra lại dễ sống, show mẫu nam lớn vừa rồi được khoảng 3 show. Mà một show thì cỡ 10 người, nhưng tôi lại có đến vài trăm profile. Vậy những người còn lại sống bằng gì? Có một phương án dự phòng sẽ giúp các bạn có thể sống, và đặc biệt là không bị sa ngã. Luôn phải có kế hoạch dự phòng, bạn không thể sống với nó đến già được. Không phải một con đường cả đời, nghề mẫu giống một cánh cửa dẫn bạn đến một thế giới mới tốt hơn, nếu bạn biết chọn đúng cánh cửa.
Cảm ơn chị Nhã Trúc đã dành thời gian chia sẻ cùng độc giả Style-Republik!
—
Fashion Insider là chuỗi các buổi trò chuyện cùng những nhân vật hoạt động trong ngành thời trang Việt Nam ở các vị trí khác nhau. Đó có thể là nhà thiết kế, fashionista, nhà báo, họa sĩ, người mẫu,… chia sẻ những suy nghĩ, quan điểm của bản thân không chỉ trong công việc sáng tạo mà còn về cuộc sống.
Đồng thời Style-Republik mong muốn khích lệ các bạn trẻ đang ấp ủ ước mơ làm việc trong lĩnh vực thời trang khi giới thiệu về các vị trí công việc khác nhau và gợi lên hình ảnh về những nhân vật thầm lặng nhưng là một phần không thể thiếu của ngành thời trang.
Thực hiện: Hiếu Lê
Ảnh: Nhân vật cung cấp