[Fashion Insider] Trò chuyện cùng Nhiếp ảnh gia Hậu Lê: “Nếu làm chỉ vì để có nhiều tiền thì tôi đã chọn con đường khác”

Ngày đăng: 12/04/20

Điều đầu tiên dẫn tôi đến với Hậu Lê là bộ ảnh mà anh chụp người mẫu Trang Phạm cho chiến dịch Gia Studios Thu-Đông 2018. Trang đẹp tựa một nàng thiên nga đen, nhẹ nhàng nhưng đầy nhục cảm giữa căn phòng lạnh lẽo. Tôi vội vàng mở Instagram của Hậu vì sự tò mò và cả cảm giác thú vị mà tấm hình đó gợi cho tôi.

Bản thân tôi khi ấy tự hỏi, tờ báo nào sẽ đăng tải những tấm hình đó? Nó có quá phô trương không? Các bà, các cô sẽ nghĩ gì khi thấy những đường cong mà mình thuở con gái cứ cố giấu diếm phía dưới lớp áo bây giờ lại trông vô cùng phồn thực mà không một mảnh vải che thân thế này? Dõi theo hành trình của chàng nhiếp ảnh gia ấy, tôi ngày càng vững tin vào những gì anh đã chọn. Không phải một cuộc chơi ngông ở cái tuổi ấy, đó là một sự đầu tư có tính toán cho tương lai.

Ta thấy rất rõ điều này khi những tác phẩm của Hậu Lê được vinh danh trên mục “Best of” của Vogue Italia. Ngày càng nhiều tạp chí danh tiếng, những thương hiệu tên tuổi, từ Lâm Gia Khang đến Công Trí, Louis Vuitton (campaign với sự góp mặt của Châu Bùi)… đều chọn mặt gửi vàng nơi anh.

Nhiếp ảnh gia Hậu Lê (giữa)
Nhiếp ảnh gia Hậu Lê (giữa)

Mời bạn cùng tôi đi sâu hơn vào thế giới nội tâm của Hậu Lê và tìm kiếm sự đồng điệu với anh qua những chia sẻ sau đây.

Thời gian đầu theo đuổi công việc này anh đã gặp những khó khăn nào? Đến giờ những khó khăn ấy có còn khiến anh trăn trở không?

Khó khăn thì nhiều (cười)! Nhưng cái khó nhất là cách duy trì công việc mình đang làm. Bởi tôi phải cân bằng giữa mưu sinh và nuôi dưỡng sở thích riêng. Đến giờ thì vẫn vậy, chỉ là mọi thứ đã tốt hơn trước rất nhiều.

Trang Phạm trong trang phục Gia Studios chụp bởi Hậu Lê
Trang Phạm trong trang phục Gia Studios chụp bởi Hậu Lê

Dự án “Keep IT Minimal” vừa qua thật sự thú vị đồng thời cũng mang tính thời sự. Anh có thể chia sẻ điều gì khiến anh bắt tay thực hiện dự án đặc biệt như vậy?

Thật ra, ban đầu tôi không nghĩ đến vấn đề này. Chỉ đơn giản là chụp một bộ ảnh thời trang với nhiều nhà thiết kế Việt. Qua chia sẻ với một vài người bạn, họ khơi gợi về những gì tôi vẫn thường làm trước đây. Tôi thích những bộ ảnh của mình có sự tối giản, lược bỏ chi tiết thừa để có thể tôn vinh đường nét trang phục. Và khi đi tìm những cộng tác, tôi lại được lắng nghe những chia sẻ về tình hình xã hội gần đây. Nó làm tôi nhớ đến cuộc khủng hoảng kinh tế 1990, mọi nhu cầu con người chỉ dừng lại ở cần và đủ. Từ đó, ý tưởng được thai nghén.

Cao Thiên Trang trong trang phục Nguyen Cong Tri trong dự án Keep IT Minimal
Cao Thiên Trang trong trang phục Nguyen Cong Tri – dự án Keep IT Minimal

Ngoài những khó khăn thường gặp như việc tập trung mọi người, tạo dáng,… anh còn gặp điều gì khác không? Vì tôi biết 17 nhà thiết kế và 17 người mẫu là con số rất lớn đối với một bộ ảnh!

Mong muốn của tôi là có thể tôn vinh được tất cả các nhà thiết kế Việt khi họ đứng cùng với nhau trong một bộ ảnh. Nhưng đây là điều khá khó với các thương hiệu. Một phần vì sẽ có những ràng buộc của từng nhà. Mặt khác, vì họ cũng không thích điều đó.

Mỗi thương hiệu có phong cách khác nhau, điều đó cũng khiến tôi phải tính toán để làm mọi thứ trở nên tối giản nhất có thể. Ví như trang phục của chị Thủy Nguyễn rất nhiều màu sắc, tôi chụp với màu ảnh trắng-đen để làm bật các đường nét và giúp nó đồng bộ với những bức ảnh khác.

Còn về người mẫu, các chị đã thân thiết và từng làm việc nhiều với nhau nên phối hợp rất tốt.

Phí Phương Anh trong trang phục Nguyen Hoang Tu - dự án Keep IT Minimal
Phí Phương Anh trong trang phục Nguyen Hoang Tu – dự án Keep IT Minimal

Từ lúc lên ý tưởng đến khi thành phẩm, dự án có bị thay đổi nhiều hay không?

Có chứ (cười), thay đổi nhiều lắm! Tôi cũng dự định cụ thể bạn mẫu nào sẽ mặc nhà thiết kế nào, nhưng khi đến thực tế thì lại không được như mong muốn. Cũng có những bạn đến gần giờ chụp lại bận nên đành lỡ hẹn, trong một đêm phải thay đổi liên lục. Nhưng bộ ảnh cũng đã đạt được 80% sự kỳ vọng ban đầu.

17 nhà thiết kế và 17 người mẫu, có một phần là dự tính của tôi, nhưng cũng có một phần ngẫu nhiên. Vốn dĩ tôi muốn nhiều hơn (cười)! Khoảng trên 20 đó. Nhưng một vài thương hiệu tôi không liên lạc được, một số cũng không thể hỗ trợ cho dự án lần này.

Chiến dịch quảng bá của Gia Studios Xuân-Hè 2019
Chiến dịch quảng bá của Gia Studios Xuân-Hè 2019

Mong muốn của tôi là có thể tôn vinh được tất cả các nhà thiết kế Việt khi họ đứng cùng với nhau trong một bộ ảnh – Hậu Lê

Anh nghĩ thế nào về vai trò của nhiếp ảnh gia trong công việc lên ý tưởng và set up bộ ảnh thời trang? Họ có bị phụ thuộc quá nhiều vào ý tưởng giám đốc sáng tạo hay không?

Bản chất là nếu có sự tham gia của giám đốc sáng tạo thì bộ ảnh đã thay đổi rất nhiều. Nếu thực hiện một dự án cá nhân của nhiếp ảnh gia, họ sẽ đặt yếu tố cá nhân lên rất cao. Nhưng khi cộng tác cùng giám đốc sáng tạo, thì phải cân bằng hai “cái tôi” và tạo sự đồng thuận để sản phẩm có dấu ấn của cả nhiếp ảnh gia lẫn giám đốc sáng tạo.

Nhưng nói thế chứ nhiếp ảnh gia cũng không bị phụ thuộc quá đâu, rất ít là khác. Giám đốc sáng tạo sẽ giải thích tinh thần chung và thông điệp của bộ ảnh. Từ những chỉ dẫn đó nhiếp ảnh gia sẽ sáng tạo góc chụp và cách bắt khoảnh khắc khác nhau.

Nếu lần đầu làm việc với một giám đốc sáng tạo mà anh chưa từng hợp tác sẽ có khó khăn gì không?

Trước hết là giới hạn trong giao tiếp. Và tôi cũng không biết được cách làm việc của họ như thế nào. Họ có thể áp đặt suy nghĩ của bản thân lên nhiếp ảnh gia. Đôi lúc sẽ khiến tinh thần của tôi không thoải mái, và sản phẩm ra đời không được như kỳ vọng. Cả giám đốc sáng tạo và nhiếp ảnh gia nên gặp nhau trước để trao đổi và hiểu về nhau hơn, thay vì đến và không biết cách làm việc của nhau sẽ gây ra khó khăn trong khi thực hiện.

GO BACK HOME
GO BACK HOME

Phong cách nhiếp ảnh mà anh theo đuổi là gì? Các tác phẩm mà anh thực hiện phản ánh bao nhiêu phần tính cách và con người của anh?

Thật khó định nghĩa với một cái tên. Cá nhân tôi luôn thích những thứ không hoàn hảo, nhưng không có nghĩa là không đẹp. Đơn giản, chúng là những thứ mà người khác xem là không thuận mắt. Đa phần mọi người thích một tấm hình hoàn hảo, còn tôi lại thích một bức ảnh có nhược điểm.

Đó là cách giúp đối tượng bộc lộ bản chất, thay vì tô vẽ trên nó cái vẻ đẹp không có thực. Một người xem thứ gì đó là nhược điểm trên cơ thể và tự ti vì nó, thì tôi lại xem đó là đẹp và muốn khai thác nó. Đó cũng là lý do người mẫu mà tôi chụp trong các dự án cá nhân không mang thân hình theo chuẩn của đám đông.

Nếu nói các công việc chiếm bao nhiêu phần thì những sản phẩm thương mại hoặc cho tạp chí là 30-40%. Còn các dự án cá nhân thì 100% rồi, vì nó nhấn mạnh cá tính, là tất cả con người tôi.

ORIGINAL RED
ORIGINAL RED

Anh có thể chia sẻ một chút về các dự án cá nhân của mình không? Có khó khăn nào trong quá trình thực hiện?

Trước tiên là vấn đề tài chính, tôi phải cân bằng giữa công việc và sở thích. Bên cạnh đó, thường tôi sẽ chủ động liên hệ với người mẫu. Cũng khá may mắn vì các bạn không e ngại với các ý tưởng. Chúng tôi dành thời gian gặp nhau để làm quen và hiểu về nhau trước khi chụp ảnh. Nó cũng giúp mọi người hợp tác ăn ý hơn.

Tôi cũng mong muốn các dự án có thể đi xa hơn, vượt ra khỏi Việt Nam. Vì cùng một bộ ảnh, ở đây và ngoài nước có những cái nhìn rất khác nhau. Tôi đón nhận tất cả điều đó thôi, chúng cũng gợi cho bản thân nhiều suy nghĩ hơn, đa góc nhìn hơn.

Tôi cũng từng nghĩ đến triển lãm. Nhưng ở Việt Nam thì có lẽ khó thực hiện. Đôi lúc, nếu làm ra mà kết quả lại không như mình mong đợi thì nó chỉ gây nản thêm. Nghĩa là phải giới hạn bản thân trong vùng an toàn thì bỏ công bỏ sức ra để làm gì? Đó không phải là tôi. Mà nó còn khiến mọi người hiểu sai về con người và phong cách của bản thân nữa. Tôi có thể chấp nhận một thị trường nhỏ thôi, nhưng thỏa được đam mê là vui rồi.

Chắc chắn trong công việc, cũng sẽ có lúc rất khó khăn và thử thách. Điều gì đã giữ chân anh với nhiếp ảnh và giúp anh tiếp tục đam mê với nghề? Anh nghĩ giàu có chính là đích đến của lao động hay không?

Tôi có những người bạn luôn khích lệ mình, đặc biệt là ủng hộ cho dự án cá nhân của tôi. Nhiếp ảnh giúp tôi thỏa mãn được mình và thể hiện được những suy nghĩ của bản thân. Giàu có cũng là một phần mục tiêu của lao động, nhưng đó không phải thứ quyết định. Quan trọng là làm để thấy mình là ai. Nếu đã xác định làm chỉ vì để có nhiều tiền thì tôi đã chọn con đường khác.

ORIGINAL RED
ORIGINAL RED

Sau nhiều năm làm việc, anh nhận thấy ngành nhiếp ảnh tại Việt Nam đã có những thay đổi như thế nào? Với những hạn chế, đâu là hướng giải quyết?

Mọi thứ đã thay đổi rất nhiều so với khi tôi bước vào nghề. Thị trường cũng cởi mở hơn nhiều. Tuy nhiên vẫn còn khá e dè với những gì mới mẻ. Chắc vì tâm lý chung, nếu thử nghiệm chúng, các nhãn hàng sợ không thể đạt được kết quả như họ kỳ vọng trong kinh doanh.

Thời đó, bản thân có cảm giác khá mơ hồ và không biết bắt đầu như thế nào. Còn nay, các bạn có nhiều cơ hội phát triển và dễ dàng tìm kiếm những gì mình cần để xác định được hướng đi trong nghề.

Mặt trái là khiến các bạn thiếu sự chọn lọc hoặc là chọn sai. Nhiều bạn chưa hiểu đúng về công việc mà họ đang làm. Nó nguy hiểm lắm. Vì sẽ có những cái sai mình sẽ nhận ra sau thời gian làm nghề, nhưng cũng có thứ không thể. Rồi lại tiếp tục theo cái sai đó mà dậm chân tại chỗ, không thoát khỏi vùng an toàn. Nhất là không dám thể hiện được con người mình mà cứ chạy theo xu hướng thị trường.

ORIGINAL
ORIGINAL

Giàu có cũng là một phần mục tiêu của lao động, nhưng đó không phải thứ quyết định. Quan trọng là làm để thấy mình là ai…

Đối với các bạn đang ấp ủ niềm đam mê trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, anh muốn nhắn nhủ đến các bạn điều gì?

Khi bắt đầu, bạn phải xác định được mình muốn gì và bản thân mình là ai, mình sẽ làm gì khi bước vào công việc này. Chứ không phải nghĩ mình thích nhiếp ảnh, vào cầm máy chụp rồi mới nghĩ là mình thích gì. Như thế bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để định hình bản thân.

Việc theo học một khóa đào tạo cũng sẽ giúp ích nhiều cho bạn. Có những kinh nghiệm phải đi làm nhiều mới nhận ra. Tôi tham gia một lớp của anh Tuấn Fr. Những câu hỏi như: Tại sao mình phải làm thế này, tại sao người ta lại làm thế kia,… đi học 2,3 tháng cũng có thể hiểu những điều đó vì có người hướng dẫn, giải thích và đánh giá các sản phẩm mình thực hiện.

Cảm ơn anh vì đã dành thời gian chia sẻ cùng độc giả Style-Republik.

Fashion Insider là chuỗi các buổi trò chuyện cùng những nhân vật hoạt động trong ngành thời trang Việt Nam ở các vị trí khác nhau. Đó có thể là nhà thiết kế, fashionista, nhà báo, họa sĩ, người mẫu,… chia sẻ những suy nghĩ, quan điểm của bản thân không chỉ trong công việc sáng tạo mà còn về cuộc sống.

Đồng thời Style-Republik mong muốn khích lệ các bạn trẻ đang ấp ủ ước mơ làm việc trong lĩnh vực thời trang khi giới thiệu về các vị trí công việc khác nhau và gợi lên hình ảnh về những nhân vật thầm lặng nhưng là một phần không thể thiếu của ngành thời trang.

Thực hiện: Hiếu Lê

Ảnh: Nhân vật cung cấp