Fashion Revolution kêu gọi sự công bằng trong ngành thời trang với triển lãm “80%”

Ngày đăng: 25/04/20

Fashion Revolution Vietnam ra mắt triển lãm trực tuyến lần đầu tiên cùng với ba sự kiện Fashion Open Studio cũng sẽ lên sóng Instagram vào 2 ngày 25 và 26.04.2020.

Trong số 75 triệu công nhân ngành may mặc hiện nay, có tới 80% là phụ nữ. Triển lãm này – với tên gọi “80%” – mang đến cho chúng ta cái nhìn về cuộc sống của những nữ công nhân trong các xưởng may tại Việt Nam và trên toàn thế giới, tác động của COVID-19 lên đời sống của họ và cách chúng ta có thể hỗ trợ những người phụ nữ đã may cho ta mặc.

●        Đại dịch toàn cầu này khiến 40 triệu công nhân ngành may phải đối diện với cảnh khốn cùng khi các nhà máy đóng cửa và các đơn hàng cũng cạn kiệt. Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là những người phụ nữ trong chuỗi cung ứng thời trang này.

●        Nếu các nhãn hàng không chịu trách nhiệm, hàng triệu công nhân sẽ rơi vào cảnh nghèo đói tột cùng khi mất việc và phải vật lộn để nuôi gia đình.

●        Fashion Revolution kêu gọi cộng đồng, từ chính những ngôi nhà của mình, hãy tạo nên sự thay đổi, tham gia phong trào Cách mạng Thời trang và góp một phần trong chiến dịch trực tuyến kêu gọi các nhãn hàng hỗ trợ cho những nữ công nhân trong chuỗi sản xuất của họ.

Triển lãm sẽ kết thúc với một thông điệp kêu gọi khán giả tham gia vào một chiến dịch trực tuyến, chia sẻ thông điệp trên mạng xã hội để yêu cầu các nhãn hàng đưa ra câu trả lời.

Cách thức tham gia chiến dịch

Fashion Revolution sẽ mời mọi người tải xuống ảnh kèm lời nhắn và gửi tới bạn bè hoặc chia sẻ trên mạng xã hội. Khán giả có thể tự lựa chọn lời nhắn mà mình muốn chia sẻ. Bằng cách lan tỏa những lời nhắn này, khán giả sẽ góp phần giúp những nữ công nhân ngành may cất lên tiếng nói của mình.

Việc của chúng tôi là?

Fashion Revolution sẽ thống kê số bức ảnh đã được chia sẻ, sau đó gửi một thông điệp công khai tới các nhãn hàng đã thất bại trong việc hỗ trợ những nữ công nhân trong chuỗi sản xuất của họ. Fashion Revolution sẽ yêu cầu và đảm bảo các hãng thời trang chịu trách nhiệm đối với công nhân phân xưởng.

Chiến dịch được hỗ trợ bởi CDI, Fair Wear Foundation

Trong số 75 triệu công nhân ngành may mặc hiện nay, có tới 80% là phụ nữ độ tuổi từ 18 đến 35. Do vậy, những quyết định về thời trang của chúng ta sẽ có tác động lớn tới rất nhiều phụ nữ trên toàn thế giới. Trong đại dịch toàn cầu này, chúng ta cần lên tiếng yêu cầu các nhãn hàng chịu trách nhiệm về lực lượng lao động nữ trong chuỗi sản xuất của họ. Chính các hãng thời trang sẽ phải bảo vệ công nhân của họ khỏi cảnh đói nghèo khi mất việc làm mà vẫn phải vật lộn để nuôi gia đình.

– Ellen Downes, Điều phối viên Quốc gia, Fashion Revolution Vietnam

FASHION OPEN STUDIO

Fashion Open Studio, sáng kiến trưng bày toàn cầu của Fashion Revolution, được khởi xướng từ năm 2017, là tuần lễ bao gồm các bài thuyết trình, diễn thuyết và workshop với những nhà thiết kế từ khắp nơi trên thế giới, với mục đích tôn vinh con người và quá trình làm nên quần áo của chúng ta.

Fashion Revolution Vietnam kêu gọi cộng đồng #StayHome (ở nhà) cùng Fashion Open Studio, một cơ hội bước vào thế giới của các nhà thiết kế và gặp gỡ đội ngũ đứng đằng sau quần áo ta mặc.

Bạn có thể xem triển lãm thông qua đường link: fashionrevolution.org/asia-vietnam-80-percent-exhibition

Chiếu phim và Hỏi đáp với Tamay & Me

11:00 – 12:00 ngày 25.04

Instagram @fashrev_vietnam

Tham gia cùng Fashion Revolution Vietnam trong buổi chiếu phim Gặp gỡ nghệ nhân: Tamay & Me cùng nhà đồng sáng lập Tả Mây – một nghệ nhân dân tộc Miền ở bản Tả Phìn, Sa Pa. Bộ phim, được thực hiện bởi Ellen Downes và Ellie Shipman, cung cấp cái nhìn sâu sắc về thực tiễn và cách tiếp cận của Tả Mây. Sau buổi chiếu là phần hỏi đáp trực tiếp trên Instagram giữa Ellen Downes, Điều phối viên Quốc gia của Fashion Revolution Vietnam và đồng sáng lập Tamay & Me, Hannah Cowie.

Tả Mây là một trong những phụ nữ Miền tự may quần áo cho mình và truyền lại nghề cho con gái. Phụ nữ Miền dành một năm để hoàn thành một bộ quần áo thêu cho mình để mặc vào năm sau. Tả Mây là một nữ doanh nhân và một nhà khởi nghiệp. Mặc dù không thể đọc hay viết nhưng cô đã tự học tiếng Anh cũng như tiếng Việt và trở thành ngọn cờ tiên phong trong cộng đồng của mình.

 Hãy lắng nghe câu chuyện đầy cảm hứng của cô ấy và tìm hiểu xem cô đã đồng sáng lập thương hiệu thời trang bền vững Tamay & Me như thế nào, quản lý sản xuất tại làng quê và cùng những người phụ nữ trong cộng đồng của mình tự làm tất cả quần áo ra sao. Qua workshop này, Tả Mây và những nữ nghệ nhân khác trong cộng đồng của cô sẽ kể kể những câu chuyện văn hóa và lịch sử của nghề thêu dân tộc Miền. Bạn sẽ có cơ hội học và trải nghiệm các kỹ thuật thêu Miền cơ bản thông qua hướng dẫn thực hành 1-1 với Tả Mây và những phụ nữ Miền khác.

Thăm xưởng và Hỏi đáp với Môi Điên

11:00 – 12:00 ngày 26.04

Instagram @fashrev_vietnam

Tham gia cùng Fashion Revolution Vietnam trong chuyến thăm xưởng cùng Tom Trandt và đội ngũ Môi Điên để tìm hiểu về quá trình phía sau bộ sưu tập mới. Sau đó sẽ là phần hỏi đáp trực tiếp trên Instagram giữa Ellen Downes, Điều phối viên Quốc gia của Fashion Revolution Vietnam và Tom Trandt, nhà sáng lập thương hiệu Môi Điên.

Môi Điên là thương hiệu thời trang được thành lập trên tiêu chí: quần áo có thể mang lại tiếng nói cho người mặc. Kể từ bộ sưu tập đầu tiên vào năm 2016, Môi Điên đã sử dụng vải thừa từ các chợ địa phương và vải được các thương hiệu địa phương quyên tặng.

Môi Điên đã được ELLE Vietnam trao tặng danh hiệu Chiến binh Xanh vào năm 2019 và được giới thiệu tới Change – Tổ chức thúc đẩy và khuyến khích chăm sóc, giữ gìn môi trường thông qua giáo dục và truyền thông đổi mới, thay đổi thói quen và truyền cảm hứng cho các hành động cộng đồng ở Việt Nam. 

VỀ FASHION REVOLUTION

 Fashion Revolution là phong trào hoạt động thời trang lớn nhất thế giới, được thành lập sau sự kiện sập nhà máy Rana Plaza ở Bangladesh ngày 24.04.2013. Fashion Revolution phấn đấu vì một ngành công nghiệp thời trang sạch sẽ, an toàn, công bằng, minh bạch và đáng tin cậy thông qua các hoạt động nghiên cứu, giáo dục, cộng tác, huy động và vận động sửa đổi chính sách.

Link trang web của tổ chức Fashion Revolution: www.fashionrevolution.org

Thực hiện: S-R