GDST Vic Lee – Nâng tầm cảm thức về ‘minimalism’ trong văn hoá nghệ thuật tại Việt Nam

Ngày đăng: 31/01/25

Một cuộc trò chuyện cùng Giám đốc sáng tạo Vic Lee – đồng sáng lập của Artclass Vietnam, trường dạy nhiếp ảnh, sáng tạo – Artclass Academy, cùng với agency quản lý và đào tạo người mẫu chuyên nghiệp – Mod Management, đồng thời anh cũng là cố vấn sáng tạo (đại diện cho thị trường Việt Nam) cho tạp chí thời trang VMAN SEA.

Trong các năm gần đây, sáng tạo hình ảnh, thị giác trong ngành thời trang có những bước tiến triển rõ rệt. Hình ảnh sản phẩm, chiến dịch thời trang bắt mắt là yếu tố tiên quyết giúp cho các thương hiệu thời trang tiệm cận được với thị hiếu của người tiêu dùng, tín đồ thời trang cả trong nước lẫn quốc tế. Việc một ê kíp sản xuất với các thành viên được phân định vai trò cụ thể, hỗ trợ nhau trong công việc để tạo ra những hình ảnh thời trang chất lượng trở thành một sự chuyên nghiệp nhất quán. Qua đó đánh giá được sự phát triển rõ ràng của ngành sáng tạo hình ảnh, thị giác thời trang.

Tại thị trường Việt Nam, những vị giám đốc sáng tạo chuyên trị mảng tạp chí và chiến dịch thời trang quy mô chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vic Lee nghiễm nhiên trở thành một cái tên đáng chú ý, bởi anh là người có thời gian dài tu nghiệp tại Mỹ trước khi đem tư duy, kiến thức, kinh nghiệm đó để về cống hiến cho ngành thời trang nước nhà. Anh đã đảm nhiệm vai trò Giám đốc mỹ thuật của tờ tạp chí thời trang nổi tiếng ABOOKOF tại Los Angeles, và nay đảm nhận vai trò cố vấn sáng tạo (đại diện cho thị trường Việt Nam) cho tạp chí thời trang VMAN SEA – một nhánh tạp chí thời trang cao cấp dành cho nam giới, tiền thân từ tờ VMagazine và VMAN của Mỹ. V là tạp chí thời trang đình đám của Mỹ được xuất bản từ năm 1999, được in theo mùa, tập trung vào các xu hướng trong thời trang, âm nhạc, phim ảnh và nghệ thuật.

Giám đốc sáng tạo Vic Lee.

giám đốc sáng tạo giàu kinh nghiệm, anh hiện còn đang là đồng sáng lập của đơn vị sản xuất hình ảnh, quảng cáo và cố vấn tư duy chiến lược cho các thương hiệu thời trang – Artclass Vietnam, trường dạy nhiếp ảnh, sáng tạo – Artclass Academy, cùng với agency quản lý và đào tạo người mẫu chuyên nghiệp – Mod Management. Style-Republik đã có một cuộc đối thoại để hiểu thêm hơn về công việc và những dự định sắp tới của Vic Lee.

Cơ duyên nào đã giúp anh được đảm nhiệm vai trò Creative Consultant (cố vấn sáng tạo) tại VMAN SEA? 

Cơ duyên tìm đến cũng rất tình cờ. Mình được một người đồng nghiệp ở Việt Nam giới thiệu và có cơ hội được gặp gỡ, trao đổi với team VMAN SEA. Sự tín nhiệm của họ đối với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề của mình và định hướng thống nhất giữa hai bên đã giúp mình có được đề nghị hợp tác với VMAN SEA trong vai trò mới này.

Điều gì đã truyền cảm hứng để anh đảm nhận vai trò cố vấn sáng tạo tại tạp chí này, trong khi bản thân vẫn đang đảm nhiệm đa vai trò ở những doanh nghiệp khác do mình đồng sáng lập?

Trong vai trò là Creative Consultant, mình có nhiệm vụ giới thiệu văn hoá và tài năng ở Việt Nam được biết tới rộng rãi hơn ở thị trường Đông Nam Á. Vman SEA có tầm nhìn tôn vinh văn hoá và thời trang 5 nước trong khu vực, bao gồm Phillipines, Malaysia, Indonesia, Vietnam, Singapore. Mình sẽ đại diện cho Việt Nam để lan rộng những tin tức, con người và thông điệp về nghệ thuật, văn hoá, thời trang đến với đọc giả quốc tế.

V là một trong những ấn phẩm thời trang hàng đầu. Việc có cơ hội làm việc cùng với VMAN SEA là một cơ hội đáng trân quý. Đây cũng là một bước phát triển mới của mình sau nhiều năm chú tâm xây dựng Artclass, và những công việc, vị trí mà mình đang đảm nhiệm có thể bổ trợ tốt cho vai trò cố vấn sáng tạo tại VMAN SEA, như Artclass cũng vừa sản xuất Digital Cover đầu tiên cho VMAN SEA tại Vietnam. Đây cũng là một niềm tự hào của đội ngũ.

Anh nhận thấy mối quan hệ giữa thời trang nam và văn hóa đang phát triển như thế nào ở khu vực Đông Nam Á và tạp chí VMAN SEA sẽ phản ánh điều đó như thế nào?

Đông Nam Á luôn là một khu vực đặc thù có nền văn hoá nghệ thuật đậm sắc nhất mà thế giới từng được biết. Khu vực này cũng đang rất phát triển về nền kinh tế tăng trưởng và trên bản đồ nghệ thuật thế giới. Gần đây chúng ta có thể thấy Thái Lan được chú ý hơn ở quốc tế trên nhiều phương diện, còn Việt Nam thì có nhiều thương hiệu thời trang nội địa được chú ý và đánh giá rất cao bởi các ngôi sao, chuyên gia quốc tế. Còn về mặt văn hoá thì Đông Nam Á quá đa dạng, với sự tổng hoà gồm rất nhiều những sắc thái đáng tôn vinh khác nhau. VMAN SEA ra đời cũng là cơ hội tốt để thực hiện sự mệnh giới thiệu màu sắc đặc biệt này ra thế giới.

Anh sẽ có cách thức tiếp cận việc giới thiệu các nhà thiết kế và thương hiệu Việt Nam cùng với các thương hiệu quốc tế như thế nào trong một ấn phẩm mang tính khu vực như VMAN SEA?

Mình đang nỗ lực hết sức để có thể tạo nên một bệ phóng vững chắc, giúp hỗ trợ cho các nhà thiết kế, các thương hiệu và các tài năng Việt Nam được biết đến trên thị trường quốc tế, nhiều nhất có thể. VMAN SEA luôn luôn tìm kiếm và tôn vinh những tài năng mới, bởi đó cũng là châm ngôn hoạt động của họ “celebrating emerging men of SEA”.

Anh bắt đầu sự nghiệp sáng tạo của mình như thế nào?

Nền tảng của mình là fashion merchandising tại Academy of Art University of San Francisco (Mỹ). Mình đam mê và có năng khiếu về mặt sáng tạo thị giác, hình ảnh nên mình học thêm một khóa học đặc thù trong 6 tháng về công việc này tại Baron & Baron của giám đốc sáng tạo nổi danh người Pháp là Fabien Baron.

Sau khóa học đó, mình có được rất nhiều mối quan hệ để phát triển thêm trong ngành sáng tạo hình ảnh ở khu vực Los Angeles. Những hình ảnh sáng tạo của mình trong thời gian đó được lan truyền ở Việt Nam, nên khi về thăm Việt Nam thì bản thân cũng có nhiều lời mời cộng tác. Vậy là mình quyết định về Việt Nam hẳn để phát triển mảng sáng tạo thị giác trong ngành thời trang. Đến nay đã được 6 năm rồi.

Nếu khách hàng không thích những ý tưởng của anh cho chiến dịch mới, làm thế nào để anh thuyết phục họ rằng nó phù hợp với thương hiệu của họ?

Mình sẽ thuyết phục ở một mức nào đó. Mình cần hiểu được khách hàng đã được thuyết phục khoảng bao nhiêu phần trăm về mặt ý tưởng rồi. Nếu như họ còn băn khoăn một vài thứ mà bản thân mình có thể giải quyết để khiến họ cảm thấy yên lòng, và mình tin chắc rằng đó là điều mà họ đang cần, thì đó sẽ là phương án tốt nhất. Còn nếu như khách hàng vẫn muốn có ý tưởng khác thì bắt buộc mình sẽ phải xây dựng một ý tưởng khác đáp ứng được nhu cầu lẫn mong muốn của họ.

Những thành tựu nào đã đạt được trong công việc khiến anh tự hào nhất?

Lúc mình mới về Việt Nam thì thị trường thời trang lúc này vẫn còn khá xa lạ với thể loại Minimalism trong nhiếp ảnh. Đây là thế mạnh của mình, nên khi đó mình như đem về một luồng gió, trào lưu mới cho thị trường. Đến bây giờ, phong cách này trở nên phổ biến hơn. Càng nhiều nhiếp ảnh gia, giám đốc nghệ thuật, sáng tạo thể nghiệm với phong cách này, dẫn đến việc các thương hiệu thời trang cũng dần tiếp nhận nó trong chiến lược phát triển hình ảnh thương hiệu, sản phẩm.

Mình cũng nhận thấy rõ sự phổ biến và phân định rõ ràng các vai trò, công việc trong ngành thời trang. Khi mình mới bắt đầu về Việt Nam, danh xưng art director hay creative director còn là khái niệm mới trong ngành. Khi đó, mỗi một shoot chụp, khách hàng đã nghĩ rằng stylist sẽ đảm nhiệm vai trò lên ý tưởng, chỉ đạo người mẫu, styling trang phục và theo sát việc sản xuất. Lúc mình mới về nước, mình đã phải mất khá nhiều công để làm việc với các thương hiệu, khách hàng, để họ hiểu rõ tính chất của các đầu việc trong một ekip sản xuất chuyên nghiệp là như thế nào.

Anh nghĩ để theo đuổi công việc sáng tạo thì một người cần có những tố chất/ kỹ năng nào?

Muốn sáng tạo thị giác tốt thì phải có tư duy linh hoạt, nhạy bén. Nói nôm na là trí thông minh, tư duy hình ảnh tốt. Bản thân một người làm sáng tạo tốt phải biết tạo dựng trong đầu một thư viện hình ảnh dồi dào. Họ là những người có thể thu thập lẫn giám tuyển hình ảnh có thẩm mỹ, để từ đó mà phân tích, ứng dụng thư viện hình ảnh được tích luỹ thật linh hoạt, ở tất cả các khâu tiền kỳ, tại set chụp lẫn hậu kỳ. Đó là tố chất quan trọng. Còn về mặt kỹ năng, thì trong bối cảnh thương mại hoá, họ cần phải biết giao tiếp tốt, hiểu và đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, cân bằng được tính sáng tạo và thương mại.

Tại sao anh lại theo đuổi vững vàng với phong cách Minimalism trong công cuộc sáng tạo của mình?

Mình tin rằng khi tiếp cận Minimalism đúng cách, thì những hình ảnh được tạo dựng sẽ có được giá trị cảm thức về lâu dài. Làm Minimalism không dễ cũng chẳng khó, và nó chắc chắn không hề tiết kiệm chi phí sản xuất như nhiều người vẫn lầm tưởng. Để theo đuổi được phong cách này, cần nhất là tư duy, tiếp đến là năng lực của nhiếp ảnh gia, sáng tạo về styling, model phù hợp, rồi chất lượng của quần áo, trang phục. Bản thân mình luôn muốn tạo ra những hình ảnh có tính lưu truyền theo thời gian, vậy nên Minimalism là phong cách phù hợp nhất.

Việc chọn lựa Minimalism cũng đến từ cách suy nghĩ và lối sống của mình. Bản thân mình là một người có lối sống đơn giản, chút nội tâm. Mình cũng tập cho mình cách suy nghĩ đơn giản, ít vòng vo, tập trung vào những gì cốt lõi. Lối sống và tư duy của bản thân ảnh hưởng tới cách mình làm hình ảnh, đơn giản không vòng vo, không cần quá cầu kì phức tạp. Nhiều khi cảm hứng nó có thể là bất cứ thứ ngẫu nhiên nào trong cuộc sống.

Anh nghĩ rằng sự nghiệp sáng tạo của mình liệu có thể mở rộng biên độ của nó, sang một lĩnh vực sáng tạo khác nằm ngoài in ấn, thời trang, nhiếp ảnh hay không? Hay liệu anh có đặt ra một mục tiêu cụ thể hay tham vọng phát triển thế nào cho sự nghiệp của mình?

Mình là co-founder của Artclass Vietnam. Trong vai trò sáng lập, mình muốn định hướng Artclass có thể phát triển rộng nhất có thể. Sẽ không chỉ dừng lại ở khía cạnh sáng tạo hình ảnh, thương mại, tư vấn, tiếp thị như hiện tại, mà sẽ còn có thể phát triển ở những mảng khác nằm ngoài thời trang như phim ảnh, giải trí.

Còn đối với dự tính dành cho cá nhân, mình muốn xây dựng một thế giới, kho tàng nghệ thuật rất cá nhân, rất riêng của mình trong nhiều năm sắp tới. Nó thuộc về phạm trù cá nhân, thoả mãn cái tôi, đam mê của bản thân trước hết.

Mình yêu thời trang, nhưng chỉ một phần của nó chứ không phải là tất cả. Mình yêu tính nghệ thuật, câu chuyện và sự sáng tạo. Nếu để nghĩ về một mục tiêu phát triển cụ thể, thì mình mong muốn truyền thụ được cái tình yêu và nhiệt huyết mình có cho thế hệ yêu sáng tạo, nghệ thuật kế cận. Mình thích cái cảm giác được đi dạy, được tiếp cận với các bạn trẻ, hiểu được cách các bạn đang hiểu và nghiên cứu về nghệ thuật, nhiếp ảnh. Mình muốn giúp các bạn phát triển con đường này một cách chuyên nghiệp nhất có thể.

Xin cảm ơn những chia sẻ về góc nhìn làm nghề sâu sắc của anh!

Thực hiện: Fellini Rose