Gen Z: Một thế hệ dám phá vỡ những chuẩn mực nhưng đằng sau đó lại có một góc tối

Ngày đăng: 26/06/24

Gen Z – thế hệ được sinh ra từ năm 1996 đến 2005, thế hệ sinh ra và lớn lên với sự phát triển của công nghệ. Ngoài những định nghĩa như “phá vỡ những chuẩn mực” thì còn điều gì đằng sau một thế hệ với “tuổi thơ gắn liền với điện thoại thông minh” này? Phải chăng thế hệ này không hề hạnh phúc như những gì người ta vẫn tưởng?

Dữ liệu được thống kê đã chỉ ra một thực tế đáng báo động: nếu như vào 12 năm trước, nhóm những người trẻ ở tuổi từ 15 đến 24 thường cảm thấy hạnh phúc thì trong những năm gần đây, xu hướng này đã đảo ngược, tỷ lệ trầm cảm ở những người trẻ tuổi đã tăng hơn 50%, từ năm 2010 đến năm 2019, ở Bắc Mỹ và Tây Âu. 

Được xem là một thế hệ dám phá vỡ những chuẩn mực nhưng đằng sau đó lại có một góc tối về thế hệ này mà không ai biết

Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2024 cũng đã miêu tả rõ ràng các nguyên nhân gây ra tỷ lệ trầm cảm ở giới trẻ như bất bình đẳng về thu nhập, giá thuê nhà đắt đỏ và nỗi sợ hãi chung về biến đổi khí hậu và chiến tranh, các bác sĩ và nhà tâm lý học từ mọi nơi trên thế giới đang yêu cầu các tổ chức và chính phủ hành động ngay lập tức để quản lý việc sử dụng smartphone trong giới trẻ. Theo các chuyên gia, lỗi không phải ở mạng xã hội mà là ở cách thức sử dụng chúng chưa phù hợp. 

Theo Vivek Murthy, bác sĩ phẫu thuật tại Hoa Kỳ, những người trẻ tuổi đang phải đối mặt với mức độ trầm cảm tương đương với những người phải đối mặt “cuộc khủng hoảng ở độ tuổi trung niên”. Tuyên bố của Murthy cũng được hỗ trợ bởi Báo cáo Hạnh phúc Thế giới, lần đầu tiên sau nhiều năm đã loại Hoa Kỳ khỏi danh sách 20 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, đồng thời nói lên “sự suy giảm mức độ hạnh phúc của giới trẻ, đặc biệt là ở Bắc Mỹ và Tây Âu.” 

Theo Jonathan Haidt, nhà tâm lý học xã hội tại NYU, không phải ngẫu nhiên mà mức độ cô đơn và thiếu tình bạn của thanh thiếu niên Mỹ bắt đầu gia tăng từ năm 2012. Trong bài viết cho tạp chí The Atlantic, Haidt viết rằng thế hệ Gen Z có đời sống xã hội và tình dục ít hơn so với các thế hệ trước và họ nhút nhát hơn, không dám mạo hiểm hơn, do đó cũng ít tham vọng hơn.

Đối với nhà tâm lý học, thời thơ ấu của các thanh thiếu niên đã thay đổi đáng kể kể từ khi smartphone ra đời, và ông nói thêm rằng “tuổi thơ dựa trên điện thoại mới hình thành khoảng 12 năm trước đang khiến những người trẻ tuổi mắc căn bệnh này và cản trở họ trưởng thành một cách suôn sẻ hơn. Chúng ta cần thay đổi điều đó ngay bây giờ.”

Đối với thế hệ Gen Z, thật khó để hình dung cuộc sống trước khi có mạng xã hội như thế nào, các mối quan hệ diễn ra như thế nào, cách mà tin đồn được lan truyền, cách mà tin tức được khám phá và những thành công được tôn vinh như thế nào mà không cần nhìn vào lượt thích. Thế giới ảo đã biến tấu lại tất cả các quy tắc sống của chúng ta khiến chúng ta phải ngày càng “kết nối” và “hoạt động” nhiều hơn trên các mạng xã hội. Nhưng điều này vô tình lại khiến ta ít hiện diện hơn trong thế giới thực. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà thế hệ Gen Z được gọi là thế hệ “luôn luôn trực tuyến”. Giờ đây đĩa than, máy ảnh analog và các filter “vintage” xuất hiện trở lại trên Instagram, nhưng TikTok cũng đang phát triển mạnh mẽ.

Nói rằng Gen Z cần rời khỏi smartphone để hạnh phúc hơn, liệu có thể? 

Thực hiện: Mỹ Tâm

Theo Nss Mag