Giá trị văn hóa qua Việt phục và Concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai
Ngày đăng: 27/03/25
Câu chuyện đầy tự hào trên sân khấu “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai” – nơi Việt phục là giai điệu của bản sắc, vang vọng qua từng thế hệ, kết nối quá khứ và hiện tại bằng thanh âm và dáng vóc truyền thống.

Việt phục và sân khấu “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai”
Từ sớm tinh mơ, concert “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai” đã rộn ràng bước chân người hâm mộ. Khi mặt trời lên cao, dòng người đổ về ngày một đông, háo hức chờ đợi khoảnh khắc sự kiện chính thức bắt đầu.
Từ sự kiện diễu hành ”Bách hoa bộ hành”, khu booth tiếp sức cho các anh tài, đến triển lãm Việt phục, tất cả tạo nên một không gian lễ hội giàu văn hóa. Giữa dòng người nô nức, không chỉ những tà áo dài, áo tấc, áo tứ thân hay bà ba quen thuộc hiện diện, mà còn cả những bộ trang phục đặc trưng của 54 dân tộc. Tất cả hòa quyện, dệt nên một bức tranh văn hóa sống động, nơi bản sắc và niềm tự hào cùng cất lời trong từng đường kim, nếp vải.

Bằng sự truyền cảm hứng đến từ các nghệ sĩ, và sự yêu mến của đông đảo khán giả dõi theo, concert đã tạo được tiếng vang khi được xác lập kỷ lục Guiness là sự kiện có số lượng hơn 5,000 người tham gia mặc Việt phục đông nhất.

@anhtraivuotnganchonggai BUỔI XÁC LẬP KỶ LỤC GUINNESS BẮT ĐẦU #Techcombank #SinhLoiTuDong #LinhHoatChiTieu247 #ConcertATVNCG #kylucthegioiATVNCG #AnhTraiVuotNganChongGai ♬ original sound – Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai



Như chia sẻ của NSND Tự Long: “Không phải khán giả trẻ không yêu mến truyền thống, họ rất yêu, nhưng điều quan trọng là làm cho họ hiểu: Văn hoá là bản chất, là cội nguồn, là dân tộc. Câu chuyện văn hóa chúng tôi muốn kể là tiếp nối giá trị của truyền thống, muốn những người trẻ hôm nay hiểu hơn, tiếp cận nhiều hơn nữa để yêu hơn những giá trị truyền thống đó của dân tộc. Những gì chúng tôi làm là giữ nguyên sự nguyên sơ của truyền thống, làm mới ở những phần được sáng tạo, để tiếp cận tới nhiều khán giả trẻ hơn nữa, và để làm giàu thêm kho tàng văn hóa của Việt Nam”.
Sự thành công của chương trình không nằm ở những bộ Việt phục hay sự dàn dựng công phu, mà còn ở cách nó chạm đến trái tim khán giả. Trong thời đại mà công nghệ và nhịp sống hiện đại không ngừng phát triển, nhiều người lo ngại rằng những giá trị truyền thống có thể bị lu mờ. Nhưng thực tế, chương trình này đã chứng minh điều ngược lại: khi truyền thống được kể bằng ngôn ngữ của thời đại, nó không những không bị lãng quên mà còn được tiếp nhận với một tinh thần đầy hứng khởi.
Những màn trình diễn trên sân khấu không chỉ là sự tái hiện mà còn là lời mời gọi người trẻ viết tiếp trang sử cha ông. Hình ảnh múa chén không còn chỉ là động tác mang tính nghi lễ, mà trở thành biểu tượng của sự duyên dáng, khéo léo và bề dày văn hóa. Chèo, cải lương – những loại hình vốn thiếu “gần gũi” với thế hệ Gen Z được sống lại bằng cách thể hiện hiện đại hơn.
Sự lan tỏa mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội là minh chứng rõ ràng nhất cho sức hút của chương trình. Những bức ảnh, video về Việt phục, những đoạn trích từ các tiết mục biểu diễn liên tục xuất hiện trên các trang cá nhân, hội nhóm đam mê văn hóa truyền thống, thu hút hàng nghìn lượt tương tác. Không chỉ dừng lại ở việc chiêm ngưỡng, nhiều bạn trẻ còn chủ động tìm hiểu sâu hơn về ý nghĩa của từng loại trang phục, từng làn điệu, từng câu chuyện lịch sử được kể qua chương trình. Chính sự kết nối giữa nghệ thuật truyền thống và sức mạnh của công nghệ hiện đại đã giúp văn hóa dân tộc không chỉ được giữ gìn mà còn tiếp tục phát triển, trở thành niềm tự hào của thế hệ hôm nay và mai sau.
Qua chương trình, thế hệ trẻ không chỉ hiểu hơn về lịch sử mà còn thấy được sự tiếp nối giữa quá khứ và hiện tại. Việt phục và âm nhạc đã trở thành nhịp cầu đưa những giá trị xưa cũ đến với tâm hồn những người trẻ hôm nay. Nhờ phương tiện truyền thông hiện đại để lưu truyền bản sắc Việt phục – nơi di sản văn hoá cần được gìn giữ, công nhận và lan toả rộng hơn trên thế giới.
Việt phục – hồn cốt dân tộc trong dòng chảy thời gian
Việt phục không chỉ là trang phục của người Việt qua từng thời kỳ lịch sử mà còn là dấu ấn phản chiếu bản sắc văn hóa dân tộc. Được hình thành trong bối cảnh giao thoa văn hóa Á Đông, Việt phục không khẳng định tính “độc quyền” mà là kết tinh của sự tiếp thu và thích nghi, tạo nên một bản sắc riêng trong cái “đại đồng” của văn hóa khu vực. Trải qua những biến thiên lịch sử, Việt phục dần định hình, phản ánh sự thay đổi của thời cuộc nhưng vẫn giữ được sự cốt lõi.
Từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn, Việt phục đã mang dấu ấn đặc trưng của từng triều đại, thể hiện rõ địa vị xã hội và quan niệm thẩm mỹ đương thời. Không chỉ là trang phục, mỗi bộ áo dài, áo tấc, áo nhật bình hay áo viên lĩnh đều chứa đựng những giá trị biểu tượng sâu sắc. Đường may, họa tiết, màu sắc không đơn thuần mang tính thẩm mỹ mà còn phản ánh quan niệm tín ngưỡng, giai cấp và thế giới quan của người Việt xưa. Những hình tượng như rồng, phượng, mây nước không chỉ là yếu tố trang trí mà còn thể hiện ước vọng về sự thịnh vượng, quyền uy và may mắn.

Việt phục trong bối cảnh hội nhập
Khi những giá trị truyền thống dần nhạt nhòa trong nhịp sống hiện đại, sự hồi sinh của Việt phục chính là minh chứng cho khát khao tìm về cội nguồn của thế hệ trẻ. Không còn giới hạn trong các sự kiện lễ nghi, Việt phục ngày càng hiện diện nhiều hơn trong đời sống đương đại, từ các lễ hội, sự kiện văn hóa cho đến những dịp dạo chơi, chụp ảnh, trình diễn nghệ thuật,…
Những chương trình nghệ thuật như “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai” không chỉ tái hiện giá trị truyền thống mà còn mở ra không gian để Việt phục hòa quyện cùng hơi thở thời đại. Trong đêm concert, Việt phục không chỉ là yếu tố trang trí mà trở thành linh hồn của sân khấu, nơi từng tà áo dài, áo tấc hay giao lĩnh kể lại câu chuyện dân tộc theo cách sống động và đầy cảm xúc.
Bên cạnh sân khấu nghệ thuật, những sự kiện cộng đồng như “Bách Hoa Bộ Hành” cũng góp phần đưa Việt phục đến gần hơn với công chúng. Hình ảnh hàng nghìn bạn trẻ khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống, diễu hành qua những con phố hiện đại không chỉ tạo nên một bức tranh văn hóa rực rỡ mà còn là một tuyên ngôn mạnh mẽ: truyền thống không phải thứ để trưng bày mà cần được “sống” trong hiện đại.
Tôn vinh quá khứ để viết tiếp tương lai
Sự thành công của những sự kiện như “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai” hay “Bách Hoa Bộ Hành” đã chứng minh rằng truyền thống không hề lạc hậu khi được đặt đúng ngữ cảnh. Khi Việt phục không còn là “kỷ vật” của quá khứ mà trở thành niềm tự hào hiện hữu trong đời sống hiện đại, đó chính là lúc văn hóa truyền thống được kế thừa bền vững.
Trong hành trình phục hưng Việt phục, mỗi người trẻ khoác lên mình trang phục truyền thống không chỉ đang tái hiện lịch sử mà còn đang viết tiếp những trang mới cho bản sắc dân tộc. Truyền thống không đứng yên – nó biến chuyển theo thời đại, và chính sự trân trọng của thế hệ hôm nay sẽ quyết định diện mạo của văn hóa Việt Nam trong tương lai.
Thực hiện: Vân Vẫn Viết và Lenna