Giải đáp 9 “lời đồn” về thời trang đạo đức & thời trang bền vững

Ngày đăng: 28/09/20

Ủng hộ các thương hiệu có ý thức về môi trường vẫn chưa thể khiến bạn trở thành  một người tiêu dùng thời trang bền vững. Các sản phẩm bỏ đi chưa chắc được đưa đến nơi mà bạn nghĩ nó sẽ được đưa đến. Đầu tư lên các nhãn hàng thời trang xa xỉ thay vì thời trang nhanh chưa chắc sẽ hạn chế được tình trạng bóc lột nhân công.

Những hiểu biết sai lầm về thời trang bền vững và thời trang đạo đức được lan truyền có khả năng hạn chế người tiêu dùng đưa ra những quyết định đúng đắn khi thực hành lối sống bền vững của mình. Sau đây là 9 điều lầm tưởng thường gặp và sự thật đằng sau những lầm tưởng đó.

“Lời đồn” số 1:  Mua hàng từ các thương hiệu “có ý thức về môi trường” hoặc “bền vững” là cách tốt nhất để giảm tác động của thời trang lên môi trường 

Sự thật: Cách tốt nhất để giảm tác động của thời trang lên môi trường là mua ít đồ hơn. Tận dụng tối đa tủ quần áo hiện tại của bạn bằng cách sửa lại những món đồ cũ, biến hóa những món đồ đã lỗi thời thành những kiểu mới, trao đổi với bạn bè hoặc ở các sự kiện đổi đồ. Nếu bạn phải mua thêm đồ, hãy thử tìm một món đồ “si”. Một số thương hiệu có dịch vụ sửa quần áo hoặc bán lại đồ cũ. Tìm hiểu về các thương hiệu bền vững là một điều nên làm nhưng mua một món đồ mới nên là phương án cuối cùng, chứ không phải đầu tiên.

“Lời đồn” số 2: Thời trang xa xỉ bền vững hơn thời trang nhanh

Sự thật: Vung tiền cho thời trang xa xỉ không đảm bảo tính bền vững như bạn luôn tưởng. Một số hãng thời trang, bao gồm cả Burberry, đã tổ chức các buổi trình diễn thời trang “trung hòa carbon”*, Gucci tuyên bố các hoạt động của hãng hiện nay hoàn toàn trung hòa carbon. Stella McCartney đã nỗ lực hướng tới các hoạt động thân thiện với môi trường hơn trong nhiều năm và là một trong số các thương hiệu thời trang ký Hiến chương Liên hợp quốc về hành động vì khí hậu, cam kết giảm 30% lượng khí thải carbon vào năm 2030. Tuy nhiên, ngành công nghiệp thời trang cao cấp vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong một báo cáo được công bố vào đầu năm nay của Ordre, một trang chuyên về các showroom trực tuyến, đã cho thấy tính không bền vững của các tuần lễ thời trang. Bằng cách đo lượng khí thải carbon của những người mua thời trang từ 2.697 thương hiệu bán lẻ và 5.096 nhà thiết kế quần áo may sẵn tham dự các tuần lễ thời trang quốc tế trong khoảng thời gian 12 tháng, báo cáo đã đưa ra con số 241.000 tấn CO2 (tương tự khí thải nhà kính) được phát ra tương đương mức khí thải phát ra của một quốc gia nhỏ, đủ năng lượng để thắp sáng 42.000 ngôi nhà trong một năm.

*trung hòa carbon (carbon-neutral): làm giảm sự gia tăng ròng khí thải nhà kính toàn cầu vào khí quyển do hệ quả từ các hoạt động kinh doanh hoặc khi vận hành các sản phẩm dịch vụ.

“Lời đồn” số 3: Quần áo càng đắt tiền thì khả năng nhân công bị bóc lột càng thấp.

Sự thật: Nhiều thương hiệu trung và cao cấp cũng sản xuất trong cùng một nhà máy với các nhãn hiệu thời trang bình dân và thời trang nhanh. Điều này có nghĩa là mọi thứ, từ quyền của người lao động đến các điều kiện làm việc đều có thể bị bóc lột, bất kể giá cả. Hơn nữa, giá cả của một bộ quần áo không đảm bảo rằng người lao động được trả công xứng đáng, vì chi phí nhân công chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chi phí sản xuất.

“Lời đồn” số 4: Quyên góp quần áo cũ là dọn dẹp tủ quần áo một cách bền vững.

Sự thật: Nếu bạn đang ở các nước phát triển thì mặc dù các tổ chức từ thiện và các tiệm đồ cũ có bán hoặc cho đi một phần số quần áo họ nhận được thì quần áo quyên góp của bạn có khả năng cao sẽ được vận chuyển ra nước ngoài để bán lại cho thị trường ở các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam), điều này có thể tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp địa phương hoặc biến nơi đó thành một bãi rác. Chỉ 10% quần áo được gửi cho các tiệm đồ cũ thực sự được bán đi. Chỉ riêng nước Mỹ mỗi năm đã vận chuyển một tỷ cân quần áo đã qua sử dụng đến các nước khác. Trong đó, châu Phi nhận đến 70% quần áo cũ của toàn thế giới.

Một dự án nghiên cứu năm 2016 mang tên “Quần áo bỏ đi của người da trắng”, phát hiện ra rằng ở Kantamanto, chợ đồ cũ lớn nhất ở Ghana, mỗi tuần đều dỡ xuống 15 triệu món đồ cũ. Nhóm nghiên cứu đã đi đến kết luận rằng 40% quần áo trong mỗi kiện hàng trở thành rác thải, được đổ vào các bãi rác vốn đã cao ngất ngưởng ỏ Vịnh Guinea, hoặc bị đem đốt trong các khu ổ chuột của Accra.

“Lời đồn” số 5: Các thương hiệu đề cao tính bền vững là các thương hiệu bền vững

Sự thật: “Bền vững” và các mỹ từ mang tính “tẩy xanh” (greenwashing) khác có thể bị lạm dụng để thu hút người tiêu dùng mong muốn giảm tác động của họ lên môi trường. Theo báo cáo của trang tìm kiếm thời trang Lyst, vào năm 2019 đã có ​​sự gia tăng 75% các cụm từ tìm kiếm liên quan đến bền vững so với năm trước. Saskia Hedrich của McKinsey đã trả lời với CNN: “Chúng ta đang thiếu các tiêu chí khách quan để đánh giá tính bền vững của thời trang”. Và việc sử dụng các vật liệu tái chế hoặc cố gắng trung hòa carbon không phải là đã đủ. “Vì tính bền vững được đánh giá trên hàng loạt các vấn đề trong chuỗi cung ứng thời trang hiện đang rất rời rạc, người tiêu dùng thường không hiểu hết ‘tính bền vững’ thực sự có nghĩa là gì.”

“Lời đồn” số 6: Hầu hết quần áo đều có thể được tái chế

Sự thật: Quần áo có thể rất khó để tái chế, một phần là do cách chúng được tạo ra. Ví dụ, nhiều loại vải được tổng hợp từ nhiều thành phần khác nhau (chẳng hạn như bông và polyester), và chúng phải được tách riêng nếu muốn được dùng để tạo quần áo mới. Ở Mỹ, không đến 14% quần áo và giày dép bị vứt đi được tái chế. Nhưng “tái chế” cũng là một thuật ngữ rộng có thể được chia thành “downcycling” (tạm dịch: tái chế hạ thấp) và “upcycling” (tạm dịch: tái chế nâng cao) và sự khác biệt rất quan trọng. Tái chế hạ thấp thường sẽ biến quần áo cũ thành sợi để làm vật liệu cách nhiệt hoặc thảm. Ở châu Âu, theo Circle Economy, chưa đến 1% quần áo thu gom thực sự được tái chế thành quần áo mới.

“Lời đồn” số 7: Quần áo rẻ tiền thì không đáng sửa

Sự thật: Việc đem một món đồ thời trang nhanh đi sửa đôi khi có thể đồng nghĩa với việc bỏ ra thêm một số tiền tương đương với khi bạn mua nó. Tuy nhiên, việc tận dụng quần áo là điều tốt nhất bạn có thể làm để giảm lượng khí thải carbon của mình. Học cách sửa chữa quần áo đơn giản tại nhà như thay nút, sửa khóa kéo bị hỏng, nhấn lại các đường may lỏng lẻo hay lên lai quần sẽ giúp giảm chi phí đáng kể và vô cùng hữu ích cho bạn về sau.

“Lời đồn” số 8: Đồ hoàn trả của bạn sẽ được bán lại cho các khách hàng khác

Sự thật: Đồ hoàn trả của bạn có thể bị thiêu hủy hoặc vứt ra bãi rác. Việc tiêu hủy món đồ bị hoàn trả sẽ tiết kiệm chi phí hơn là kiểm tra và đóng gói lại món đồ đó. Và thực tế là các nhãn hàng có thể không sẵn lòng tặng các món đồ đó vì sợ làm giảm giá trị và tính độc quyền của thương hiệu. Một báo cáo của CBC vào năm 2019 đã nhấn mạnh thực tế rằng lượng hàng hoàn trả đã tăng 95% trong 5 năm qua.

“Lời đồn” số 9: Quần áo của bạn đến từ quốc gia được in trên mác.

Sự thật: Quần áo của bạn có thể được gia công tại quốc gia đó, nhưng nhãn mác không thể cho bạn biết hết về chuỗi vận hành phức tạp đã tạo ra chúng. Theo báo cáo “How to be a Fashion Revolutionary” của Fashion Revolution: “Nhãn mác quần áo không cho bạn biết bông được trồng ở nơi nào trên thế giới, nơi nào bông được kéo thành sợi, nơi nào sợi được dệt thành vải, nơi nào vải được nhuộm và in. Nó sẽ không cho bạn biết sợi chỉ, thuốc nhuộm, khóa kéo, nút, cườm hoặc các chi tiết khác đến từ đâu.” Để khuyến khích các nhãn hàng minh bạch về chuỗi cung ứng của họ, Fashion Revolution đã lan truyền hashtag  #whomademyclothes?, khuyến khích người mua hàng gắn thẻ thương hiệu vào hình ảnh họ chụp với quần áo và nhãn mác của thương hiệu đó.

 

Chuyển ngữ: M.

Theo bài viết: Fact check: 9 common myths about ethical and sustainable fashion đăng trên CNN Style

Ảnh bìa: fabrikbrands.com