Giày cao gót có thực sự hết thời?
Ngày đăng: 19/04/25
Từng là biểu tượng của quyền lực và sự thanh lịch, giày cao gót giờ đây mang một thông điệp khác, khi giày ballet, Mary Jane và giày gót thấp (kitten heels) ngày càng được ưa chuộng, các thương hiệu đang chuyển hướng tập trung vào sự thoải mái và tính ứng dụng.
Vào cuối những năm 1980, Susan Conlin, khi đó ở độ tuổi hai mươi làm kiểm toán viên ngân hàng tại Philadelphia, là một trong nhiều phụ nữ chuyên nghiệp mặc bộ váy công sở và đi giày cao gót đến nơi làm việc. Ngày nay, là một thủ thư ở New Jersey, tiếng giày của Conlin vẫn có thể nghe thấy vang vọng trên sàn cẩm thạch – nhưng cô đã trở thành một ngoại lệ. Trong số 30 nhân viên, cô là người duy nhất vẫn còn đi giày cao gót.
“Chúng tôi từng có thứ Sáu “casual” nhưng giờ đây mọi ngày đều có thể ăn mặc thoải mái. Đi giày cao gót khiến mọi thứ trở nên đặc biệt hơn,” Conlin, hiện 61 tuổi, chia sẻ. Cô vẫn đi giày cao gót ở mọi nơi, từ đi mua sắm đến trung tâm thương mại.
Từng được xem là biểu tượng vĩnh cửu loạt phim ăn khách như “Sex and the City” và “The Devil Wears Prada“, giày cao gót, đối với người tiêu dùng ngày nay, không còn phù hợp khi sự thoải mái lên ngôi.

Theo dữ liệu từ công ty phân tích bán lẻ Edited, các mẫu giày cao gót kinh điển đang suy giảm doanh số nghiêm trọng, chỉ còn 12% vào năm 2024 so với năm trước. nhường chỗ cho nhiều loại giày khác nhau, như gót thấp, giày đế xuồng và gót vuông.
Đặc biệt, giày đế bằng như giày ballet, giày lười và boots ngày càng tăng trưởng thị phần. Các thương hiệu đang bắt đầu thay đổi – ngay cả những thương hiệu gắn liền với giày cao gót, như Christian Louboutin, đã tăng số lượng giày ballet bằng 38% trong năm ngoái.
Giày cao gót hết thời
Sự thoái trào của giày cao gót không diễn ra trong một sớm một chiều. Từ những năm 2010, văn hóa streetwear và sneaker bắt đầu lên ngôi, kéo theo xu hướng ưa chuộng sự thoải mái trong lựa chọn giày dép hàng ngày của phụ nữ. Đại dịch Covid-19 như một cú hích cuối cùng, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch này. Khi làm việc tại nhà trở thành chuẩn mực mới, giày cao gót dần bị gạt khỏi tủ giày – chỉ còn xuất hiện trong những dịp thật sự đặc biệt. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Circana, doanh số giày cao gót đã sụt giảm tới 65% chỉ trong quý 2 năm 2020.

Các thương hiệu chuyên về giày cao gót đã sớm cảm nhận rõ tác động của làn sóng thay đổi này. Năm 2024, dòng sản phẩm giày cao gót của Sarah Jessica Parker, từng khai thác hình ảnh biểu tượng của nhân vật trong Sex and the City chính thức ngừng hoạt động.
Không chỉ xu hướng tiêu dùng thay đổi, mà cả thời trang cũng không còn ủng hộ giày cao gót như trước. Trong thập niên 2010, quần jeans skinny phối cùng giày cao gót là combo tiêu chuẩn của giới mộ điệu. Nhưng ngày nay, với sự thống trị của những dáng quần rộng, phom thoải mái, giày gót thấp lại trở nên ăn ý hơn. Những lựa chọn đơn giản như Adidas Samba hay dép Birkenstock cũng vì thế mà được ưa chuộng – vừa tiện lợi, vừa hợp thời.

“Bạn luôn cần một chút đối lập trong trang phục. Nếu mọi thứ đều bóng bẩy, chỉn chu, từ quần áo cho đến giày thì tổng thể dễ nhàm chán,” Heather Archibald, giám đốc hàng hóa và sản phẩm tại Rothy’s, chia sẻ.
Chuyện mới kể giày mới
Tuy nhiên, giày cao gót chưa hẳn đã “ra đi”. Thay vì biến mất, chúng đang âm thầm bước vào một thời kỳ phục hưng. “Văn hóa giày thể thao từng làm chao đảo thị trường giày cao gót, nhưng chính sneaker cũng đang hạ nhiệt” Christina Ciglar, giám đốc sản phẩm tại Steve Madden, nhận định. “Nike không còn tung ra nhiều sản phẩm mới, những đôi Jordans hay Yeezys cũng không còn được săn lùng như trước. Rốt cuộc, ai rồi cũng sẽ cần một đôi giày trang trọng”.
Theo Carter từ Edited, các thương hiệu đang giành lại sự quan tâm của thế hệ trẻ bằng cách kể những câu chuyện mới thay vì tiếp tục theo đuổi hình ảnh giày cao gót “gợi cảm” dưới lăng kính nam giới.
Những thiết kế bán chạy từ Miu Miu, Simone Rocha hay Sandy Liang – như giày cao gót lấy cảm hứng từ giày múa ba lê hay giày hở gót đính nơ cho thấy sức mạnh của việc kể chuyện. Chính khả năng xây dựng hình ảnh nữ tính mới mẻ đã giúp các thương hiệu này được ưu ái trên thị trường.
Giữ vị trí số một trên The Lyst Index quý IV/2024 với tốc độ tăng trưởng chóng mặt, Miu Miu cho thấy một điều rõ ràng: không quan trọng bạn bán loại giày nào, mà quan trọng là bạn kể câu chuyện gì. Trong khi thị trường xa xỉ toàn cầu bắt đầu hạ nhiệt sau giai đoạn bùng nổ hậu đại dịch, Miu Miu lại lập nên kỳ tích: doanh số bán lẻ tăng 58% trong năm 2023 và vọt lên tới 82% chỉ riêng trong quý IV. Từ chỗ được xem là “đàn em” của Prada, Miu Miu giờ đây đã khẳng định vị thế độc lập, với sức hút lan rộng ra một tệp khách hàng ngày càng đa dạng.
“Những thương hiệu có khả năng xây dựng câu chuyện thuyết phục xoay quanh sự nữ tính và tính linh hoạt, mới là những cái tên thực sự chạm được tới người tiêu dùng, dù họ bán giày thể thao hay giày cao gót” Carter nhận định.
Steve Madden đã đầu tư mở rộng dòng sản phẩm giày gót thấp, đế xuồng và Mary Jane. Trong khi đó, Rothy’s đang cải tiến thiết kế giày cao gót đặc trưng của mình, hiện đã có tới sáu phiên bản khác nhau. Đầu năm nay, thương hiệu này cũng ra mắt một đôi Mary Jane gót vuông, hướng tới những khách hàng đang tìm kiếm lựa chọn thanh lịch cho các dịp như đám cưới hay tiệc lễ.
Các thương hiệu giày Vieejt
Không chỉ các thương hiệu quốc tế, nhiều nhãn hiệu giày Locals tại Việt Nam cũng đang nắm bắt xu hướng giày đế bằng và phát triển nhiều bộ sưu tập độc đáo:
Enso – Thương hiệu giày handmade Việt Nam thành lập năm 2019, nổi bật với các thiết kế giày ballet, giày gót thấp tinh xảo, định vị ở phân khúc trung-cao cấp, khẳng định giá trị thông qua kỹ thuật thủ công tỉ mỉ và triết lý thiết kế đương đại.
Alex & Sara – Đang chuyển mình mạnh mẽ với các dòng bộ sưu tập giày ballet, đế bệt và gót thấp thiết kế tinh tế, kết hợp hoàn hảo giữa phong cách thanh lịch châu Âu và kỹ thuật chế tác hiện đại.
Ananas
Ananas là thương hiệu giày “made in Vietnam” 100%, quen mặt với giới trẻ nhờ thiết kế bắt mắt và giàu cá tính. Tên gọi “nhà Dứa” gắn liền với những đôi giày casual có phom dáng linh hoạt, chất liệu đa dạng từ canvas đến da lộn, cùng bảng màu độc đáo, luôn đi kèm một câu chuyện riêng. Mỗi thiết kế đều hướng đến một cá tính, một sở thích, một nhóm người cụ thể – giúp Ananas giữ vững bản sắc mà không bị cuốn theo vòng xoáy chạy theo trào lưu.
Các thương hiệu Local giày Việt không chỉ đón đầu xu hướng thế giới mà còn mang đến những sản phẩm phù hợp với thị hiếu và phong cách sống người Việt. Sự kết hợp giữa thiết kế hiện đại, chất lượng tốt và giá cả phải chăng đang giúp các thương hiệu giày Việt ngày càng được ưa chuộng, không chỉ trong nước mà còn có tiềm năng mở rộng ra thị trường khu vực.
Khi xu hướng giày bệt tiếp tục phát triển, các thương hiệu Việt Nam có cơ hội lớn để khẳng định vị thế của mình trong ngành công nghiệp thời trang, đặc biệt là trong phân khúc giày dép nữ, nơi sự thoải mái và phong cách đang trở thành yếu tố quyết định của người tiêu dùng hiện đại.
Thực hiện: Thảo Mèo