Hành trình trở thành biểu tượng thời đại của chiếc áo Hoodie
Ngày đăng: 08/06/20
Các bản tin thế giới thời gian vừa qua tràn ngập hình ảnh dòng người biểu tình đòi quyền công bằng và lên án mạnh mẽ sự phân biệt chủng tộc khắp nước Mỹ. Hashtag #BlackLivesMatter trở thành trending trên mạng xã hội. Nhưng có một thứ luôn xuất hiện giữa đám đông một cách lặng lẽ, ít ai nói đến, đó là chiếc áo Hoodie. Không phải đến hôm nay chúng ta mới biết đến Hoodie, mà thật sự nó đã có cả trăm năm phát triển và gắn liền với các phong trào đòi quyền bình đẳng của người da màu, đặc biệt là Black Lives Matter.
Hãy cùng Style-Republik nhìn lại dòng thời gian món đồ vốn là đồng phục của nhân viên dọn kho đến thứ hàng hóa xa xỉ gắn liền với nhiều hoạt động chính trị, xã hội.
Từ món đồ vốn là đồng phục của nhân viên dọn kho…
Kiểu dáng của áo Hoodie như ta biết ngày nay được tạo ra lần đầu tiên bởi Champion vào những năm 30 và được bán trên thị trường không khác gì một sản phẩm may mặc bình thường. Với lớp lót lông cừu dày và mũ trùm đầu bền chắc, chiếc áo được thiết kế để giữ ấm cho các công nhân làm việc trong nhà kho lạnh lẽo của New York. Kể từ khi Champion hợp tác cùng các trường trung học, đại học và các đội thể thao, không lâu sau đó, chiếc áo này đã xuất hiện cùng các vận động viên, đội tuyển với logo của trường học mà họ đại diện. Những cầu thủ bóng đá đã cho bạn gái của họ mượn chiếc áo Hoodie và tạo nên trào lưu tán tỉnh “Romcom” tồn tại đến ngày nay. Từ một loại đồng phục, chiếc áo Hoodie nhanh chóng chuyển mình tuyên ngôn cá tính của thế hệ trẻ đương thời.
Thập niên 70 đưa Hoodie lên đỉnh cao xu hướng nhờ vào những cú chạm mạnh mẽ với văn hóa đại chúng. Các trường đại học trên khắp Hoa Kỳ bắt đầu in logo của họ trên những chiếc áo hoodie và bán chúng, mang Hoodie bước vào nền văn hóa đại học một cách rõ nét. Tại thành phố New York, các nghệ sĩ hip hop mới nổi cũng thường xuyên mặc Hoodie trong những màn biểu diễn, đấu đối kháng. Sau đó, vào năm 1976, bộ phim Rocky một lần nữa đưa Hoodie tiến xa hơn với các phân cảnh nam chính leo lên những bậc thang Philadelphia trong chiếc áo Hoodie màu xám cùng từng khối cơ cuồn cuộn.
Khi Los Angeles và New York là thủ phủ của hip hop thập niên 90, Hoodie trở thành “đồng phục” của các nghệ sĩ đại diện cho sự sôi sục đang lan tỏa của sự tức giận và chống đối chính phủ. Cypress Hill, Wu-Tang Clan và Snoop Dogg là vài trong vô số nghệ sĩ gắn liền với áo Hoodie quá khổ và đội mũ bóng chày đại diện cho cuộc cách mạng âm nhạc mới sẽ thay đổi ngành công nghiệp của họ mãi mãi. Cùng lúc đó, những nghệ sĩ lướt ván mang áo Supreme hay các tay chơi lướt ván hâm mộ Stüssy thể hiện phong cách của mình trong các hội nhóm và hip hop đã đạt được thành công về mặt thương mại thì Hoodie hiển nhiên trở thành từ khóa chính vào cuối thập kỷ này
Ở một diễn biến khác, ngoài cơn sốt của Pocky và Wu-Tang, chiếc áo Hoodie đã âm thầm thâm nhập vào tâm thức của giới trẻ đương thời một cách sâu rộng hơn. Vào năm 1980, nhà thiết kế Norma Kamali có trụ sở ở New York đã ra mắt bộ sưu tập mới của cô với các bộ trang phục mang màu sắc trung tính và áo chui cổ hình hộp kết hợp cùng váy xếp ly và quần legging. Tommy Hilfiger và Ralph Lauren nhanh chóng học hỏi và đi theo. Với bản sắc thể thao vốn có, Tommy Hilfiger nhanh chóng thành công nhờ vào sự hỗ trợ từ các ngôi sao như Kate Moss và Aaliyah. Áo Hoodie chính thức bước vào thế giới thời trang cao cấp của những kẻ sành điệu và tôn thờ văn hóa Pop thịnh hành.
Trong khi chiếc áo Hoodie đắt tiền được treo trên giá đồ bóng loáng của các thương hiệu cao cấp, nó cũng theo chân nhiều nghệ sĩ vẽ graffiti đến mọi ngóc ngách của thành phố. Họ sử dụng chiếc mũ trùm đầu để che đi khuôn mặt mình trong khi “tạo nên các tác phẩm” một cách bất hợp pháp tại khu tàu điện ngầm hay những tòa nhà cao tầng. Cộng hưởng với làn sóng hip hop trong thập niên 90, các băng đảng và tổ chức chống cảnh sát nổi lên khắp các đô thị lớn nhất Hoa Kỳ, khiến chiếc áo Hoodie quá khổ gắn liền với những tên tội phạm, vốn sống ngoài vòng luật pháp.
Mối liên hệ giữa Hoodie và tội phạm vẫn tồn tại cho đến những năm 2000, một số trung tâm thương mại ở Anh thậm chí ban hành điều luật “No Hoodie” để ngăn chặn hành vi lảng vảng, trộm cắp hoặc các kiểu chống đối xã hội khác. Những lệnh cấm này ban đầu nhắm đến các thanh thiếu niên, nhưng ẩn sâu dưới lớp vỏ “bình trị xã hội” ấy chính là sự phân biệt chủng tộc nặng nề.
Mọi thứ lên đến đỉnh điểm vào năm 2012, sau khi một thiếu niên da màu Trayvon Martin 17 tuổi đã bị bắn chết bởi kẻ sát nhân George Zimmerman. Y đã đề cập đến chiếc áo Hoodie như thứ khiến hắn xem Martin là nghi phạm để biện minh cho tội ác của mình. Sau phiên toà xử lý cái chết của Martin, Hoodie đã trở thành biểu tượng cho phong trào “Black Lives Matter” đòi quyền công bằng cho những người da màu. Từ các chính trị gia, đội bóng rổ Miami Heat đồng loạt mặc Hoodie trong danh dự của Martin. Cơn bão Million Hoodie March đã quét qua các thành phố trên khắp nước Mỹ trong những tuần sau phiên tòa.
…đến thứ hàng hóa xa xỉ
Vào giữa những năm 2010, nền văn hóa hypebeast đã biến các yếu tố đặc trưng của streetwear thành món hàng cho những kẻ giàu có muốn tìm kiếm thứ gì đó mới mẻ. Các cựu vương đường phố như Supreme hay X-Girl, vốn quá quen thuộc với hình ảnh các tay lướt ván trượt ở New York và Los Angeles với logo và áo Hoodie trong suốt hai thập kỷ, bắt đầu dấn thân vào thị trường thời trang cao cấp. Những tân binh như Palace Skateboards, Golf Wang, Awake NY, and Kith cũng mang đến các bộ sưu tập nhỏ đầu tay lấy cảm hứng từ thập niên 90 với chiếc áo Hoodie in logo của mỗi thương hiệu.
Khi đã có chỗ ngồi vững chắc trong bàn tròn thời trang xa xỉ, streetwear ướp đẫm các bộ sưu tập cao cấp bằng chất “hype” của mình cùng sự xuất hiện của các tân binh “bán xa xỉ bán đường phố”. Từ năm 2010, Off-White, Yeezy và Vetements lần lượt ra mắt với những chiếc Hoodie phủ logo to bản. Cùng với đó là những cú bắt tay gây tiếng vang như Fenty x Puma hay Supreme x Louis Vuitton đã đưa ảnh hưởng của trang phục đường phố lên đẳng cấp cao nhất của thời trang xa xỉ. Trong khi một chiếc áo Supreme bình thường có giá 160 USD, thì mẫu kết hợp cùng Louis Vuitton được bán giá 855 USD và hiện đang có mặt trên StockX với giá thầu lên tới 8.000 USD.
Cùng lúc đó, Hoodie bắt đầu phủ sóng sàn diễn thời trang cao cấp của cả những kẻ mới nổi và hàng loạt đại thụ. Ra mắt năm 2007, Alexander Wang nhấn mạnh tính thẩm mỹ của các bộ sưu tập theo phong cách thể thao sang trọng, với hình dáng của chiếc áo hoodie xuyên suốt nhiều mùa mốt. Những cái tên thu hút sự chú ý của giới trẻ như như Gucci, Balenciaga và Marc Jacobs đã nhanh chóng tô điểm cho chiếc áo Hoodie bằng logo và dấu ấn đặc trưng, đẩy các sản phẩm sang thị trường đường phố. Ngay cả những thương hiệu không liên quan đến trang phục dạo phố như Dior hay Saint Laurent cũng ra mắt thiết kế Hoodie của riêng mình. Với tag giá ba con số, các thương hiệu dệt nên tầng đẳng cấp khác cho món trang phục vốn dành cho nhân viên dọn kho một thời. Chiếc áo Hoodie được may bằng vải của Gucci hay Balenciaga không chỉ trở thành thứ trang phục chính thức để nâng đỡ trụ cột kinh tế của các thương hiệu cao cấp, mà khi đặt Hoodie bên cạnh đầm dạ hội và áo vest bespoke, ngành công nghiệp xa xỉ (và cả người mua) đã định hình lại lằn ranh trong các quy tắc ăn mặc và sự phân chia giai cấp thông qua trang phục (mà họ đã xây dựng).
Khi đặt Hoodie bên cạnh đầm dạ hội và áo vest bespoke, ngành công nghiệp xa xỉ (và cả người mua) đã định hình lại lằn ranh trong các quy tắc ăn mặc và sự phân chia giai cấp thông qua trang phục (mà họ đã xây dựng).
Một góc thị trường mới khác của Hoodie nổi lên từ chính những hậu duệ là nghệ sĩ hip hop am hiểu phong cách. Năm 2016, Kanye West giới thiệu album Life of Pablo với hàng loạt cửa hàng pop-up dựng lên khắp 21 thành phố bán áo phông và Hoodie in nhãn hiệu địa chỉ cửa hàng và lời bài hát với phom chữ gothic đặc trưng. Tour diễn Astroworld 2018 của Travis Scott cũng đã bán sạch áo Hoodie ở các cửa hàng pop-up và sẽ ra mắt thêm phiên bản dành cho sân vận động và đợt sau nữa. Năm 2019 Kid Cudi hợp tác cùng Cactus Plant Flea Market “thắp sáng” mẫu Hoodie Entergalactic, khẳng định đây là trang phục bán chạy nhất trên thị trường.
Hoodie đã có một hành trình thú vị từ các sân bóng đá, gắn liền với hình ảnh các cuộc biểu tình đến sự hào nhoáng đường băng cao cấp. Nhưng song song đó, nó cũng là một trong những trang phục biểu tượng “lặng lẽ” nhất. Trong gần một thế kỷ, chiếc áo Hoodie Champion khiêm tốn đi từ các kho tải đến giỏ hàng Walmart và giờ là trang chủ của nền tảng thương mại kỹ thuật số Farfetch.
Với tình hình hiện tại, trong tương lai gần, có thể nói triều đại của Hoodie còn thịnh trị rất lâu. Với mỗi kiểu áo dù từ các ông lớn xa xỉ chính thống hay kẻ ngoại đạo của thời trang cao cấp, nó đang ngày càng phát triển mạnh mẽ với độ bền và tính linh hoạt của mình cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Thực Hiện Hiếu Lê
Tham khảo: CR Fashion Book