Hậu trường những show diễn của John Galliano qua ống kính của Robert Fairer

Ngày đăng: 17/07/18

John Galliano thành danh ở tuổi 24, khi bộ sưu tập mang tên “Les Incroyables” lấy cảm hứng từ cuộc cách mạng Pháp được đỡ đầu bởi chủ nhân một cửa hàng ở London. Thời còn sinh viên, Galliano đảm nhiệm vai trò làm trang phục cho Nhà hát Quốc gia, đó là lí do các thiết kế của ông mang tính khoa trương kịch nghệ.

John Galliano nói: “Nó giúp tôi được định hình tầm nhìn về kịch nghệ, sân khấu và phục trang”. Galliano đã làm nhiều việc trong ngành công nghiệp thời trang cho đến năm 1996, khi ông đã 35, trở thành Giám đốc sáng tạo cho Givenchy. Galliano là nhà thiết kế người Anh đầu tiên đảm nhiệm vai trò hàng đầu tại một nhà mốt của Pháp. Một năm sau, ông chuyển sang Christian Dior. Ông tiếp tục sản xuất hai bộ sưu tập mỗi năm cho thương hiệu mang tên mình, John Galliano, như một nhu cầu lưu giữ sự lập dị và các ý tưởng lạ thường.

Robert Fairer, nhiếp ảnh gia của Vogue, đã chụp ảnh cho những show diễn của Galliano từ giữa những năm 1990. Ông đã dùng các tư liệu về sự tiến hóa trong phong cách của Galliano, thông qua hơn 30 bộ sưu tập được thiết kế cho đến năm 2011, song song giữa thời kì Galliano tại Christian Dior và thiết kế cho thương hiệu riêng cho đến khi Galliano bị sa thải trong hành vi chống lại người Do Thái tại một quán bar ở Paris. Galliano đã xin lỗi, phê phán hành động của chính mình và giải thích vì chất kích thích và chứng nghiện rượu.

Năm 2014, John Galliano trở thành người đảm nhận vai trò sáng tạo hàng đầu tại Maison Margiela, một ngôi nhà thời trang của Pháp. Bộ sưu tập đã tạo được tiếng vang, những thiết kế ấy vẫn đậm chất thoát ly hiện thực. Tuy nhiên, từ hình ảnh mà Robert Fairer đã được ghi lại, không thể nào khiến chúng ta không nhớ đến một Galliano thuở ban đầu.

Những show diễn diễn ra liên tục, áp lực cực lớn, lý giải vì sao Galliano bùng nổ: ông ấy đã hoạt động với cường độ quá cao trong một thời gian quá dài.

“Welcome to Our Playground”

“Welcome to Our Playground”, bộ sưu tập Thu Đông 2000, được xem là một điểm nhấn trong sự nghiệp của John Galliano, khi những cô nàng người mẫu hóa trang với chân mày đính lông vũ ôm ấp gấu Teddy và mặc váy sheer tent cùng khăn tutus che mặt bên ngoài. Một bộ sưu tập khác là Thu Đông 2004, với tên gọi “Mapping the World” lấy cảm hứng từ ý tưởng về sự va chạm của các nền văn hóa. Galliano lấy hình ảnh du khách thời Victorian đến Yemen: người mẫu cùng với mái tóc giả từ len, mang một chiếc khăn trùm đầu người Nga và găng tay lông thú. Show diễn của ông cũng đầy chất sân khấu như chính trang phục của ông vậy.

Maggie Rizer backstage at the John Galliano Fall 2000 show. Photographed by Robert Fairer

Những hình ảnh đẹp dưới đây được chụp ở hậu trường, trang phục bề bộn bị ném đi sau mỗi màn trình diễn và người mẫu di chuyển liên tục theo vai trò của mình. Galliano ở đâu đấy nhìn những người mẫu của mình trình diễn, còn Robert Fairer ghi lại những khoảnh khắc pha trộn giữa những điều bình thường và dị thường. Đó là một trong những khoảnh khắc, nơi áo quần tạm thời xa rời sự tầm thường để thể hiện phép màu mà Gallinano muốn tạo dựng.

Galliano ở đâu đấy nhìn những người mẫu của mình trình diễn, còn Robert Fairer ghi lại những khoảnh khắc pha trộn giữa những điều bình thường và dị thường.

“In the mood” (2003)

“In the mood” (2003)

Với Galliano, tóc và trang điểm quan trọng không kém trang phục, nó giúp cho người mẫu có thể hóa thân thành nhân vật. Trong show diễn Thu Đông 2003, ông tuyên bố muốn lối trang điểm theo kiểu “granny from hell”, vì thế họa sĩ trang điểm Pat McGrath đã tạo nên cặp chân mày đậm làm từ những tấm thẻ bài màu đen phía trên lông mi giả và điểm thêm phá hồng to tròn như kích thước của đồng xu 50 cent. Kết quả là người mẫu trông như búp bê hòa hợp với những bộ trang phục được làm quá lấy cảm hứng từ những năm 1940, bao gồm cả đồ lót, corsets và đầm lụa họa thiết cherry.

“Esquimaux”

“Esquimaux” (2002)

Stephen Jones là người làm việc rất gần gũi với Galliano, làm rất nhiều nón phụ kiện cho show diễn của ông. Với bộ sưu tập “Esquimaux” (Thu Đông 2002), ông đã làm nên một chiếc mũ lớn, với kiểu dáng trùm đầu và có dây tua rua bao quanh người mẫu. Vải len ô vuông Scotland pha trộn với kiểu tua rua đầy màu sắc pom-poms của người Peru cùng và motif rồng Trung Hoa. Trước khi người mẫu bước ra sàn diễn, Galliano hô lớn: “Eskimo và người Mông Cổ! Hãy giữ cho lông thú phất phới”.

“Everyone is Beautiful”

“Everyone is Beautiful” (2006)

Galliano định đặt tên cho BST Xuân Hè 2006 là “Freaks”, sau bộ phim nổi tiếng khi Tod Browning năm 1932 về màn trình diễn carnival. Sau khi đổi ý, ông đổi tên gọi thành “Everyone is Beautiful”. Bộ sưu tập, được trình diễn bởi người mẫu ở nhiều độ tuổi và kích cỡ, với họa tiết da rắn, thân gỗ, đầm đính kết và mũ chóp của nam giới (top hat). Những bộ đồ lông thú được mặc bởi những người phụ nữ có tuổi, cặp đôi nắm tay nhau sải bước trên sàn diễn, nhà ảo thuật có bộ râu rậm và một thủy thủ.

“Too Rich Too Walk”

“Too Rich Too Walk” (2005)

Những show trình diễn của Galliano có điểm chung là táo bạo và vui vẻ. Với bộ sưu tập “Too Rich Too Walk” (Xuân Hè 2005), người mẫu mang những quả bóng bay khổ lớn, bờ môi hồng căng mộng cùng với cái mũ kì lạ và sải bước với tinh thần “Smells Like Teen Spirit” của Nirvana. Trong khi ông miêu tả sự ngông cuồng của người thừa kế nhà Woolworth là Barbara Hutton trong tâm trí, thì người mẫu lại khiến người ta nhớ tới Paris Hilton, tạo dáng và tự làm mình vui với những chiếc nơ và sắc màu hường phấn. Khoảnh khắc bức hình ghi lại, một người mẫu ngồi lặng lẽ trong đống hỗn độn, có lẽ đã miêu tả trọn vẹn thế giới mà Galliano muốn miêu tả: hào nhoáng nhưng cô đơn.

Chuyển ngữ: Koi

Theo 1843magazine

Ảnh: chụp bởi Robert Fairer trong ấn phẩm John Galliano Unseen

xuất bản bởi Thames and Hudson