Hãy ủng hộ thời trang Việt vào giai đoạn khó khăn hậu cách ly xã hội

Ngày đăng: 09/05/20

Mọi công việc và sinh hoạt của chúng ta đang dần trở về với nhịp sống quen thuộc vốn dĩ. Hậu cách ly xã hội, chúng ta cảm thấy hứng khởi hơn bao giờ hết với những dự định đề ra trước đây và hạnh phúc hơn khi biết rằng giai đoạn khó khăn vừa qua cũng không kéo dài mãi.

Tuy vậy, nếu có ý định chi tiêu để sắm sửa áo quần vào lúc này thì xin hãy ưu ái những thương hiệu nội địa bởi kinh tế bị suy giảm dẫn đến khó khăn trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp và sản xuất, và thực chất thì việc kinh doanh thời trang tại thị trường nội địa liệu có thể phát triển được hay không sẽ được quyết định phần lớn vào ngay tại thời điểm lúc này.

Kinh doanh thời trang nội địa có còn dễ dàng?

Quay về khoảng thời gian đầu những năm 2010, local brand – những thương hiệu tự nhận là thời trang thiết kế tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là thiểu số. Ngày đó nhà may phổ biến hơn bây giờ, shop áo quần bán quần áo xuất khẩu hay shop nhập hàng từ nước ngoài về bán cũng vậy. Việc mở một thương hiệu quần áo mang dấu ấn thiết kế riêng biệt của thương hiệu là điều còn mới mẻ. Đối với người tiêu dùng, việc đầu tư cho hình ảnh bản thân thông qua cách ăn mặc chưa phải là một phong cách sống được chú trọng.

Với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội, sự ra đời của các phiên bản tạp chí thời trang quốc tế tại thị trường Việt Nam; cũng như việc các trường đào tạo chuyên ngành thiết kế thời trang ngày càng phát triển giáo trình hợp lý, sáng tạo, đã dẫn đến sự ra đời của các thương hiệu thời trang thiết kế ngày càng gia tăng. Đủ mọi thương hiệu thời trang nội địa với phong cách thiết kế khác nhau, tạo ra vô số sự lựa chọn hợp lý cho đủ mọi tầng lớp khách hàng.

Vốn dĩ đã phải cạnh tranh lẫn nhau để có được thị phần, các thương hiệu thời trang ngoại nhập vào thị trường nội địa đã làm gia tăng sự khó khăn. Với chiến lược kinh doanh và sự nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường, các thương hiệu ngoại nhập áp đảo và chiếm lĩnh thị phần thời trang tầm trung và nhận được nhiều sự ưu ái của người tiêu dùng. Theo như báo cáo gần nhất của BMI (công ty nghiên cứu thị trường Business Monitor International) đã nhận định người tiêu dùng ở Việt Nam có xu hướng quan tâm và chi tiêu nhiều đối với các sản phẩm có thương hiệu nước ngoài.

Độ lớn thị trường này vào năm 2021 được BMI dự đoán là 5,08 tỷ USD, thời trang vẫn chiếm phần lớn với số tiền chi tiêu vào khoảng 4,7 tỷ USD. Thông qua đó cho thấy rằng, việc các hãng thời trang ngoại nhập vào thị trường Việt Nam, tuy giúp thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành thời trang, nhưng cũng đồng thời là đối thủ cạnh tranh trực diện của các thương hiệu thời trang thiết kế nội địa.

Thời trang Việt, ngày mai của những ngày mai

Thói quen tiêu dùng hàng ngoại nhập của phần đông người tiêu dùng hoàn toàn dễ hiểu vì tâm lý tin tưởng vào chất lượng và tên tuổi của các doanh nghiệp lớn nước ngoài, với nguồn tiềm lực tài chính để đầu tư vào việc kinh doanh theo quy mô quốc tế chứ không chỉ riêng một thị trường nhất định. Chủ quan hơn, thương hiệu ngoại nhập tuy góp phần tạo thêm động lực để doanh nghiệp thời trang nội địa phải vươn mình phát triển, nhưng cũng đồng thời làm giảm sức bán của họ; và doanh nghiệp liệu sẽ phát triển thế nào được nếu lợi nhuận thu về của họ vẫn chưa đạt mức tăng trưởng mong muốn?

BÊN TRONG MỘT CỬA HÀNG THỜI TRANG NỘI ĐỊA – KILOMET109. ĐÂY LÀ THƯƠNG HIỆU THỜI TRANG BỀN VỮNG CỦA NHÀ THIẾT KẾ VŨ THẢO

Đó cũng là lý do chung của phần lớn doanh nghiệp thời trang tại Việt Nam cho rằng việc chuyển mình thành mô hình kinh doanh thời trang bền vững là không khả thi. Muốn có doanh thu, năng lực cạnh tranh được cùng với các ông lớn đó, họ phải ra các mẫu thiết kế mới thường xuyên hơn, đều đặn hơn, số lượng cung ứng đôi khi nhiều hơn cả nhu cầu. Mô hình kinh doanh đó, có thể nói là không còn hiệu quả đối với nhiều thương hiệu thời trang quốc tế nữa. Không chỉ vậy, tiếp tục duy trì cách vận hành xưa cũ thì doanh nghiệp nội địa thực chất đã tự kiềm hãm sự phát triển của bản thân, thay vì tìm ra một đường lối kinh doanh mới mẻ, phù hợp với nhận thức và sức tiêu thụ hợp lý của người tiêu dùng.

Việt Nam vốn dĩ vẫn luôn được xem là đi chậm hơn thời trang thế giới cả chục năm, rõ ràng không phải là bởi vì hành vi cập nhật xu hướng thời trang mà thực chất là nằm ở phần tư duy. Tư duy thời trang cấp tiến sẽ nằm ở chỗ xây dựng cầu nối tinh thần giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, tạo nên giá trị tinh thần, sức hút của thương hiệu, chuỗi những nỗ lực truyền cảm hứng thông qua hành vi kinh doanh có thể lên tới hàng chục năm mới thật sự thấy được thành quả to lớn.

Sự phục hồi kinh tế, thế và lực của Việt Nam cần đến sự góp công và nỗ lực từ doanh nghiệp lẫn mỗi người tiêu dùng

Việt Nam được phong là một quốc gia kiên cường, tự chủ, được ngợi khen bởi cộng đồng quốc tế về tác phong nhanh nhạy, hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Việt Nam cũng là một nước sớm nhất dỡ bỏ lệnh cách ly xã hội. Một điều thật đáng tự hào và đáng để ngợi suy, rằng chúng ta nên cần phải chung tay để giúp đỡ chính người dân của chúng ta để làm kinh tế tốt hơn, để tái bình ổn, và phát triển ngành thời trang vốn dĩ còn non trẻ tại Việt Nam.

Thế giới giờ đây vận hành theo quy luật toàn cầu hóa. Với ảnh hưởng trên diện toàn cầu của COVID-19, lợi thế về sự phục hồi kinh tế sẽ dành cho nước nào kiểm soát và bước ra khỏi dịch bệnh nhanh hơn. Điều này được nhìn nhận rõ ràng hơn ở các nước đã kiểm soát được dịch bệnh và mở cửa giao thương trở lại như Australia, Hàn Quốc, New Zealand. Đồng ngoại tệ của các quốc gia này đã tăng lên theo báo cáo tài chính toàn cầu cách đây ít lâu. Theo đó đồng ngoại tệ Australia đã tăng 11,4% so với tháng 3 khi giai đoạn bùng phát của Corona trở nên nghiêm trọng. Đồng đô la New Zealand cũng tăng 6% sau thông báo đã khống chế được dịch bệnh. Đồng won của Hàn Quốc cũng tăng 5% và vẫn duy trì ổn định ở mức đó.

Tuy là một trong những nước đầu tiên bước ra khỏi dịch bệnh và mở cửa giao thương trở lại, nhưng để lợi thế ban đầu này trở thành ưu thế dài hạn thì cần phải nhanh nhạy, nắm bắt được những thay đổi của thời cuộc hậu khủng hoảng toàn cầu. Đồng thời phải có những chính sách chuyển hướng thích nghi. Đó là điều mà các thương hiệu thời trang nội địa cần phải nắm bắt ngay từ sớm.

Về bản chất, bên cạnh việc tránh phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nguyên liệu lớn nhất thế giới là Trung Quốc, các doanh nghiệp cũng cần phải xem lại nhu cầu của người tiêu dùng, cách vận hành quen thuộc, ý nghĩa và giá trị của thời trang cần được đánh giá lại nghiêm túc bởi các doanh nghiệp. Nếu tiếp tục duy trì cách thức cũ với các bộ sưu tập mới được sản xuất theo một chu kỳ ngắn hạn, không những doanh nghiệp đang đi vào lối mòn cũ mà lại vẫn tiếp tục góp phần gây ảnh hưởng đến môi trường theo nhiều hình thức khác nhau.

ỦNG HỘ THƯƠNG HIỆU VIỆT ĐỂ HỌ TRỞ NÊN ĐA DẠNG, SÁNG TẠO VÀ CHỈN CHU TRONG VIỆC XÂY DỰNG HÌNH ẢNH, SẢN PHẨM (Ảnh: PUSW)

Đối với mỗi người tiêu dùng Việt, nhận thức rõ rằng nền kinh tế của chúng ta đang có lợi thế phục hồi sớm hơn rất nhiều các quốc gia khác, và mỗi sự đóng góp của mỗi người sẽ phần nào giúp đỡ các doanh nghiệp sớm bình ổn và giúp họ có cơ hội để chuyển mình thành một doanh nghiệp vận hành hiệu quả, lý tưởng kinh doanh tốt hơn.

Mối quan hệ song phương giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp nên đi theo phương châm: tự cường, gắn kết và chủ động thích ứng để giúp cho Việt Nam tận dụng được tối đa lợi thế về phục hồi kinh tế và củng cố vị thế quốc gia. Đó cũng chính là bài học tốt nhất mà tất cả người dân Việt Nam đều nên đúc kết ra được sau thời kỳ hậu đại dịch. Sự chủ động, đồng tâm, ủng hộ và gắn kết sẽ đem lại những giá trị lớn lao, những kỳ tích phi thường, những di sản và giá trị lâu dài cho hậu thế sau này.

Dịch bệnh đã qua rồi, hãy cùng trao nhau những nụ cười và sự khởi sinh mới. Là người Việt Nam, hãy ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam tại ngay vào thời điểm mà họ cần điều đó nhất!

Thực hiện: Fellini Rose